TRÍCH MỘT SỐ VĂN KIỆN MỚI NHẤT LIÊN QUAN ĐẾN GIÁO LÝ

Nhân dịp Đại hội Giáo lý toàn quốc lần III tại Hà Nội (9-10/8/2011), Ban Giáo Lý đã soạn thảo một Tập tài liệu, gồm 3 phần: Hướng về Đại hội; Nội dung học hỏi; Sinh hoạt. Phần thứ nhất (Hướng về Đại hội) đã được đăng trên website giaolyductin tuần trước (22/7). Từ hôm nay (31/7/2011), website giaolyductin sẽ lần lượt giới thiệu đến bạn đọc những phần còn lại, như một chia sẻ về những ưu tư và hoạt động mục vụ giáo lý tại Việt Nam. Kính mời bạn đọc cùng theo dõi.

TÔNG HUẤN LỜI CHÚA

Một khía cạnh quan trọng trong hoạt động mục vụ của Giáo Hội, nếu được sử dụng một cách khôn ngoan, có thể giúp tái khám phá tính trung tâm của lời Chúa là giáo lý, là khoa cần liên tục đi đôi với hành trình đức tin của Dân Chúa, dưới các hình thức và trình độ khác nhau. Theo một nghĩa nào đó, mô tả của Thánh Luca (x. Lc 24:13-35) về các môn đệ gặp Chúa Giêsu trên đường Emmau đã đại biểu cho một mẫu mực giáo lý đặt trọng tâm vào “việc giải thích Thánh Kinh”, một giải thích mà chỉ một mình Chúa Giêsu mới ban cho được (x. Lc 24:27-28), vì Người cho thấy nó đã được nên trọn trong chính con người của Người. Như thế, niềm hy vọng chiến thắng trên mọi thất bại đã được tái sinh, làm cho các môn đệ trở thành các nhân chứng đầy xác tín và khả tín của Chúa Phục Sinh.

Cuốn Chỉ Dẫn Giáo Lý Tổng Quát chứa đựng nhiều hướng dẫn giá trị cho một nền giáo lý lấy hứng từ Thánh Kinh và tôi từng khuyến khích việc tham khảo các hướng dẫn này. Ở đây, tôi muốn trước hết và trên hết nhấn mạnh rằng giáo lý “phải được thấm nhuần não trạng (mindset), tinh thần và quan điểm của Thánh Kinh và Tin Mừng qua việc cần mẫn tiếp xúc với chính các bản văn; thế nhưng điều ầy cũng có nghĩa phải nhớ rằng giáo lý càng phong phú và có hiệu quả hơn nhờ đọc bản văn bằng tâm trí của Giáo Hội”, và bằng việc rút tỉa cảm hứng từ hai ngàn năm suy niệm và sống thực của Giáo Hội. Kiến thức về các nhân vật, các biến cố và các câu nói của Thánh Kinh vì thế nên được khuyến khích; việc này cũng có thể được phát huy bằng cách học thuộc lòng một cách sáng suốt một số đoạn văn đặc biệt có tính diễn cảm các mầu nhiệm Kitô Giáo. Các công trình giáo lý luôn bao hàm việc tiếp cận Thánh Kinh trong đức tin và trong Truyền Thống của Giáo Hội, để lời Thánh Kinh được nhận thức là sống động, giống như Chúa Kitô đang sống động ngày nay ở bất cư nơi nào có hai hay ba người tụ họp vì danh Người (x. Mt 18:20). Giáo lý phải sinh động thông truyền lịch sử cứu rỗi và nội dung đức tin của Giáo Hội, và nhờ thế giúp mọi thành phần tín hữu nhận ra rằng lịch sử ấy cũng là một phần cuộc sống của họ.

Ở đây, điều quan trọng là phải nhấn mạnh mối tương quan giữa Sách Thánh và Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, như cuốn Chỉ Dẫn Giáo Lý Tổng Quát đã nói rõ: “Thực vậy, Sách Thánh như ‘lời Thiên Chúa được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần’, và Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, như biểu thức quan trọng hiện thời của Truyền Thống Sống Động trong Giáo Hội và là chuẩn mức chắc chắn cho việc giảng dạy đức tin, đều được kêu gọi nuôi dưỡng giáo lý trong Giáo Hội ngày nay, theo cách riêng và theo thẩm quyền chuyên biệt của chúng” (số 74).

ĐỀ NGHỊ CỦA ĐẠI HỘI DÂN CHÚA 2010

Đề nghị 2: Về Giáo Lý

Giáo lý là một trong những tiến trình quan trọng để xây dựng đức tin trưởng thành (Tông huấn Evangelii Nuntiandi). Ý thức rằng sự tăng trưởng của Giáo Hội tại Việt Nam hệ tại phần lớn ở trình độ giáo lý và trưởng thành đức tin của Dân Chúa, nên Đại hội Dân Chúa đề nghị:
• Giáo Hội tại Việt Nam cần đề ra những nguyên tắc, đường hướng, chương trình và nếu được, cả thủ bản giáo lý chung cho các giáo phận.
• Nỗ lực làm cho ngôn ngữ giáo lý mang được những sắc thái gần gũi với văn hóa dân tộc.
• Trong chương trình đào tạo và thường huấn linh mục, cần củng cố ý thức về tầm quan trọng của huấn giáo trong cuộc canh tân liên lỷ của Giáo Hội. Trong mục vụ giáo xứ, cần đặt huấn giáo thành mối quan tâm hàng đầu.
• Tạo điều kiện cho các chủng sinh có những kinh nghiệm về dạy giáo lý cho nhiều lứa tuổi và nhiều tầng lớp khác nhau.
• Cần giúp các giáo lý viên hun đúc tinh thần tông đồ, đạt được một kiến thức giáo lý vững chắc và được canh tân dựa trên Lời Chúa, cùng với phương pháp sư phạm thích hợp, để trình bày giáo lý cách hữu hiệu.
• Cần có những khóa nâng cao trình độ giáo lý viên cũng như những buổi tĩnh tâm, linh thao, trại hè,giao lưu…cho giáo lý viên trong giáo phận hay liên giáo phận.
• Cần chú trọng đến chương trình giáo lý trước và sau Hôn Phối, nhằm giúp các gia đình trẻ sống trọn vẹn ơn gọi đời sống hôn nhân. Để thực hiện chương trình này, cần có sự hợp tác giữa linh mục và tu sĩ với anh chị em giáo dân có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm đời sống gia đình.

Đề nghị 21: Đào tạo giáo lý viên

Trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam đã có một tổ chức “Thầy Giảng” làm thành nét riêng của mình. Ngay cả ngày nay, Giáo Hội tại Việt Nam cũng gặt hái nhiều thành quả tông đồ nhờ các giáo lý viên, trẻ cũng như đứng tuổi, đang dấn thân quảng đại cho việc dạy giáo lý, trong các cộng đoàn cũng như ở những nơi rất hẻo lánh. Vì thế, Đại hội Dân Chúa đề nghị:
• Để các giáo lý viên có thể chu toàn sứ mạng cao cả, cần chú tâm đến việc đào tạo. Chương trình đào tạo giáo lý viên phải quan tâm đến cả bốn chiều kích: nhân bản, trí thức, thiêng liêng và mục vụ.
• Giáo phận nên tìm ra những phương thức cụ thể để hỗ trợ các giáo lý viên, ngay cả về vật chất tài chính, vì nhiều người trong họ tuy rất quảng đại song rất chật vật.

THƯ CHUNG 2011

Được Lời Chúa qui tụ, Dân Thiên Chúa chỉ có thể được xây dựng vững vàng trên nền tảng Lời Chúa. Được lắng nghe với lòng chân thành và kiên nhẫn, Lời Chúa sẽ trở thành nguồn sống dưỡng nuôi, ánh sáng soi đường và sức mạnh củng cố đức tin của các tín hữu trong mọi hoàn cảnh. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam cho thấy các hình thức sống Lời Chúa qua những việc đạo đức truyền thống như Đàng Thánh Giá, Kinh Truyền Tin, Kinh Mân Côi, Kinh cầu nguyện sớm tối, v.v… đã nuôi dưỡng và củng cố đời sống đức tin của bao thế hệ. Những việc đạo đức ấy thật đáng trân trọng và cần bảo tồn cũng như đổi mới và phát huy. Đồng thời, các tín hữu Việt Nam cần làm quen với Lời Chúa hơn nữa. Do đó Giáo Hội tại Việt Nam phải “phát động chương trình mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu nguyện với Lời Chúa”, khuyến khích học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh cốt yếu. Mọi thành phần Dân Chúa, giáo dân, chủng sinh, tu sĩ và các mục tử, cần tập thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày, đặc biệt theo phương thức Lectio divina.
Cùng với việc học hỏi Lời Chúa, việc dạy và học giáo lý là đòi hỏi tối cần thiết trong đời sống Giáo Hội, nhất là trong thời đại ngày nay đầy rẫy những luồng tư tưởng nghịch với Tin Mừng. Đại Hội Dân Chúa mong mỏi sớm có được những nguyên tắc, đường hướng và chương trình chung, cũng như một thủ bản chung về giáo lý, vừa trung thành với Tin Mừng vừa gần gũi với văn hóa Việt Nam. Đồng thời, Lời Chúa phải là nền tảng cho mọi chương trình thường huấn cũng như đào tạo chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên (số 11).
Nguon: http://giaolyductin.org/newsview/vn/212/TRICH–MOT-SO-VAN-KIEN-MOI-NHAT-LIEN-QUAN-DEN-GIAO-LY-.html

ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN III: NỘI DUNG HỌC HỎI – CÂU HỎI THẢO LUẬN

Để đáp lại sự mong mỏi của Đại Hội Dân Chúa “sớm có được những nguyên tắc chung, đường hướng và chương trình chung” trong việc dạy và học giáo lý (Thư Chung 2011, s.11), Đại Hội Giáo Lý tạo điều kiện để các tham dự viên khám phá lại căn tính của việc dạy giáo lý, dựa trên 3 trục chính: Lời Chúa, Đức Tin và Giáo Hội; nhờ đó, thống nhất tầm nhìn và nhiệm vụ của việc dạy giáo lý (vision & mission).

Mỗi trục được triển khai trong hai đề tài: một mang tính suy tư, một mang tính thực hành. Các đề tài được khơi nguồn từ cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý năm 1997 của Bộ Giáo Sĩ, đặc biệt phần I “Việc dạy giáo lý trong sứ mạng Rao Giảng Tin Mừng của Hội Thánh”, phần III “Sư phạm Đức tin” và “Việc dạy giáo lý trong Giáo Hội địa phương”.

Hai đề tài đầu tiên có mục đích khám phá lại bản chất, mục đích và nhiệm vụ của việc dạy giáo lý bằng cách xác định vị trí của việc dạy giáo lý trong công cuộc Rao giảng Tin Mừng (RGTM) của Giáo Hội.

• Đề tài 1a “Rao giảng Tin Mừng và những thách thức của nó” (HDTQ ss 46-59) có mục đích giúp tham dự viên hiểu ý nghĩa và tiến trình của việc Phúc Âm hóa hay Rao giảng Tin Mừng (évangélisation) cũng như sự cấp bách và những thách thức của nó do tác động của những thay đổi sâu rộng và mau chóng về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và tôn giáo, trên thế giới cũng như trên đất nước.

• Đề tài 1b “Dạy giáo lý trong viễn tượng Rao giảng Tin Mừng” (HDTQ s. 60-72, 80-85) giúp tham dự viên hiểu bản chất, mục đích và nhiệm vụ của việc dạy giáo lý: bản chất của việc dạy giáo lý là một giai đoạn chủ yếu trong tiến trình RGTM, giai đoạn này có chức năng khai tâm (dẫn vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái của Dân Thiên Chúa) và giáo dục đức tin (nuôi dưỡng và tăng trưởng đức tin cho người đã được khai tâm); mục đích của việc dạy giáo lý là hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu Kitô; và nhiệm vụ căn bản của việc dạy giáo lý là giúp hiểu biết đức tin, giáo dục phụng vụ, huấn luyện luân lý và dạy cầu nguyện.

Hai đề tài kế tiếp có mục đích khám phá lại tính độc đáo của sư phạm đức tin hầu khơi nguồn cảm hứng cho việc chọn lựa phương pháp dạy và học giáo lý phù hợp với bối cảnh hiện nay.

• Đề tài 2a “RGTM bằng giáo dục và giáo dục bằng RGTM” (HDTQ s.137 – 147; đặc biệt là s.147) giúp tham dự viên hiểu ý nghĩa và mối tương quan mật thiết giữa giáo dục và giáo dục đức tin.

• Đề tài 2b “Dạy giáo lý là giáo dục đức tin” (HDTQ s.137 – 147; đặc biệt là s. 144) khai triển nét độc đáo của sư phạm đức tin; đó là giúp người học giáo lý mở lòng ra và đón nhận Mạc khải của Thiên Chúa (Thiên Chúa tỏ mình trong Chúa Giêsu, nhờ Chúa Thánh Thần, qua Giáo Hội) để hoán cải và thông dự và sự sống hạnh phúc của Ngài.

Hai đề tài cuối có mục đích khám phá lại sự cần thiết và tầm quan trọng của cộng đoàn Kitô hữu trong việc dạy giáo lý: cộng đoàn Kitô hữu là nguồn gốc, không gian và mục tiêu của việc dạy giáo lý.

• Đề tài 3a “Việc dạy giáo lý, một hoạt động mang tính Hội Thánh” (HDTQ s.78-79, 220-232, 253-264) trước hết giúp tham dự viên hiểu Hội Thánh là chủ thể của việc dạy giáo lý, kế đến, việc dạy giáo lý không phải là việc riêng của các giảng viên giáo lý hay của các linh mục, mà là trách nhiệm của toàn thể cộng đoàn trong việc dạy giáo lý, cuối cùng cộng đoàn Kitô hữu dưới mọi dạng thức chính là nơi thực hiện việc dạy giáo lý.

• Đề tài 3b “Dạy giáo lý theo hướng giáo dục đời sống cộng đoàn và tinh thần truyền giáo” (HDTQ s.86, 193-201) nhấn mạnh đến hai nhiệm vụ căn bản khác của việc dạy giáo lý là giáo dục đời sống cộng đoàn và tinh thần truyền giáo, bao hàm việc chăm lo đến chiều kích đại kết và đối thoại liên tôn.

Thiết nghĩ phần lớn các tham dự viên đã tìm hiểu cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý năm 1997 của Bộ Giáo Sĩ và nhiều anh chị đã từng dạy môn sư phạm giáo lý dựa trên tài liệu này. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tài liệu căn bản này được trình bày cách hệ thống và có tổ chức trong khung cảnh của một cuộc Hội thảo trên bình diện quốc gia. Rõ ràng đây là cơ hội quý giá cho những người tâm huyết với việc dạy giáo lý trong cả nước lắng nghe và trao đổi để cùng xem xét lại những khía cạnh căn bản của việc dạy giáo lý, chẳng hạn cách thức Giáo Hội đảm nhận và thực thi việc dạy giáo lý, các phương pháp và các phương tiện Giáo Hội sử dụng để giáo dục đức tin và đáp lại những thách thức của công cuộc Rao giảng Tin Mừng hôm nay.

Hy vọng nội dung học hỏi trong Đại Hội Giáo Lý sắp tới khơi nguồn cảm hứng cho những nỗ lực suy tư và định hướng cho hoạt động giáo lý của các giáo phận trong những năm tới, hướng tới việc hình thành một bản văn định hướng tổng quát do HĐGMVN soạn thảo và ban hành.

CÂU HỎI THẢO LUẬN

DẠY GIÁO LÝ TRONG VIỄN TƯỢNG RAO GIẢNG TIN MỪNG

1. Rao giảng Tin Mừng hay Phúc Âm hóa (évangélisation), trước và sau Công Đồng Vaticanô II, được hiểu như thế nào? Cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát 1997 hiểu Rao giảng Tin Mừng theo nghĩa nào? Đặt trong viễn tượng Rao giảng Tin Mừng này, việc dạy giáo lý có được sự thay đổi và bước tiến mới nào?

2. Là một thời điểm/giai đoạn chủ yếu của tiến trình Rao giảng Tin Mừng, việc dạy giáo lý có nhiệm vụ khai tâm (dẫn người quyết định theo Chúa Giêsu vào đời sống đức tin, đời sống phụng vụ và đời sống bác ái của Dân Thiên Chúa, HDTQ s.51) và giáo dục (nuôi dưỡng và tăng trưởng đức tin cho những Kitô hữu mới được khai tâm).
Việc dạy giáo lý tại giáo phận của quý anh chị đã đảm nhận nhiệm vụ này như thế nào? Kinh nghiệm dạy giáo lý nào quý anh chị muốn chia sẻ với Đại Hội?

3. “Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người không những được tiếp xúc, mà còn được thông hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô”(HDTQ s.80).
Việc dạy giáo lý trong giáo phận của quý anh chị có là nơi giúp Kitô hữu sống kinh nghiệm thiêng liêng tức gặp gỡ và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu hay chỉ là trường dạy chân lý đức tin và luân lý? Để đạt mục đích này, cần đổi mới những gì trong việc dạy giáo lý?

4. “Mục đích của việc dạy giáo lý đạt được qua các nhiệm vụ khác nhau và bao hàm lẫn nhau” như “giúp hiểu biết đức tin, giáo dục phụng vụ, huấn luyện luân lý và dạy cầu nguyện” (x. HDTQ s.84-85).
Lộ trình và giáo trình huấn luyện của giáo phận có hỗ trợ các giảng viên giáo lý chu toàn các nhiệm vụ căn bản trên không? Nhiệm vụ nào cần được quan tâm nhiều hơn?

DẠY GIÁO LÝ LÀ GIÁO DỤC ĐỨC TIN

1. Làm thế nào giúp các giảng viên giáo lý nhận thức và thể hiện được sự độc đáo của giáo dục đức tin cũng như mối tương quan của nó với những khoa về giáo dục, phù hợp với tinh thần Kitô giáo? Nhận thức này khơi nguồn cảm hứng cho những chọn lựa nào về phương pháp dạy giáo lý? (x. HDTQ s.144 &147).

2. “Việc dạy giáo lý được coi là đích thực, khi giúp nhận ra tác động của Thiên Chúa trong suốt chặng đường đào luyện bằng cách tạo nên một bầu khí lắng nghe, tạ ơn và cầu nguyện, bằng cách thôi thúc con người đáp trả một cách tự do, bằng cách khuyến khích những người học giáo lý tích cực tham gia”(HDTQ s.145).
Theo anh chị, làm thế nào giúp người học giáo lý nhận ra tác động của Thiên Chúa và thôi thúc con người đáp trả một cách tự do? Trong nỗ lực này, kinh nghiệm giữ những vai trò nào? (HDTQ s.153).

3. “Lời Chúa chỉ có thể được công bố và lắng nghe trong thinh lặng, cả bề ngoài lẫn bề trong. Thời đại chúng ta không cổ võ sự tĩnh lặng … Chính vì thế, ngày nay cần phải giáo dục Dân Thiên Chúa về giá trị của sự thinh lặng”(THLC s.66).

Theo anh chị, làm thế nào để giúp giảng viên giáo lý nhận thức được sự cần thiết và tầm quan trọng của sự thinh lặng trong việc giúp người học giáo lý nội tâm hóa sứ điệp Tin Mừng?

4. Làm thế nào để giảng viên giáo lý không còn dạy giáo lý theo kiểu đưa người học giáo lý “vào khuôn vào phép” gồm “một số điều phải tin, một số luật phải giữ và một số nghi lễ phải cử hành cho phải phép”, mà không để ý đến “kinh nghiệm và thâm tín cá nhân” của người học? Đồng thời, làm thế nào để giúp giảng viên giáo lý có khả năng biến giờ giáo lý thành buổi gặp gỡ và đối thoại với Chúa cũng như với nhau?

DẠY GIÁO LÝ LÀ HOẠT ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI

1. “Sư phạm giáo lý chỉ hữu hiệu nếu cộng đoàn Kitô hữu trở thành điểm quy chiếu cụ thể và gương mẫu cho hành trình đức tin của mỗi người”(HDTQ s.158).
Làm thế nào để cộng đoàn Kitô hữu (gồm gia đình, giáo xứ, phong trào, đoàn thể vv…) với toàn bộ hoạt động của nó (gồm phụng vụ, đời sống, phục vụ và làm chứng) có thể trở thành cộng đoàn “làm chứng cho đức tin”, thành “môi trường sống động và thường xuyên để tăng trưởng đức tin”?

2. Việc dạy giáo lý nói chung và giáo lý dự tòng nói riêng không chỉ là việc riêng của các giảng viên giáo lý, mà còn là việc của cộng đoàn tín hữu, để nhờ đó ngay từ đầu, người học giáo lý cảm thấy mình thuộc về Dân Chúa.(x. AG s.14).
Làm thế nào để toàn thể cộng đoàn ý thức rằng mọi người trong cộng đoàn phải trở thành người dạy và học giáo lý, phải tích cực tham gia vào công cuộc giáo dục đức tin với ý thức và tinh thần đồng trách nhiệm?

3. “Việc dạy giáo lý mang lại cho người Kitô hữu khả năng sống cộng đoàn, tham gia tích cực vào đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh… Khi giáo dục tinh thần cộng đoàn, việc dạy giáo lý cũng sẽ chăm lo đến chiều kích đại kết và khuyến khích thái độ huynh đệ với những thành viên của các Giáo Hội và các cộng đoàn Kitô hữu khác” (HDTQ s.86).
Anh chị có những kinh nghiệm nào trong việc dạy giáo lý theo hướng giáo dục tinh thần cộng đoàn hoặc có những đề nghị gì trong vấn đề này? Theo quý anh chị, lộ trình và giáo trình huấn luyện đức tin của giáo phận đã góp phần giáo dục tinh thần cộng đoàn và tinh thần đại kết cho người học giáo lý như thế nào? Cần chỉnh sửa hay canh tân những gì?

4. “Việc dạy giáo lý cũng mở ra cho sự năng động truyền giáo và cố gắng làm thế nào để các môn đệ Chúa Giêsu biết hiện diện với tư cách là người Kitô hữu trong xã hội, trong đời sống nghề nghiệp, văn hóa và xã hội… Khi giáo dục theo chiều hướng truyền giáo này, việc dạy giáo lý sẽ hình thành cuộc đối thoại liên tôn, có thể mang lại cho người tín hữu khả năng hiệp thông một cách có hiệu quả với những người thuộc các tôn giáo khác.”(HDTQ s. 86).
Anh chị có những kinh nghiệm nào trong việc dạy giáo lý theo chiều hướng truyền giáo hoặc có những đề nghị gì trong vấn đề này? Theo quý anh chị, lộ trình và giáo trình huấn luyện đức tin của giáo phận đã góp phần giáo dục tinh thần truyền giáo và đối thoại liên tôn cho người học giáo lý như thế nào? Cần chỉnh sửa hay canh tân những gì?
Nguon: http://giaolyductin.org/newsview/vn/217/DAI-HOI-GIAO-LY-TOAN-QUOC-LAN-III–NOI-DUNG-HOC-HOI—-CAU-HOI-THAO-LUAN-.html

BÀI THAM LUẬN 3: DẠY GIÁO LÝ THEO HƯỚNG GIÁO DỤC ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN VÀ TINH THẦN TRUYỀN GIÁO

Thuyết trình viên
Thầy Antôn Phạm Đình Tú (Nha Trang)

Nằm trong viễn tượng loan báo Tin Mừng, Dạy Giáo lý là việc giáo dục đức tin cho người tín hữu để dẫn đưa họ đến cuộc sống Kitô hữu sung mãn (x. CT 18; CEC 5). Đức tin ở đây vừa là một hành vi cá nhân (tôi tin) vừa là một hành vi mang chiều kích cộng đoàn (chúng tôi tin): “…Người tin nhận được đức tin từ những kẻ khác và phải thông truyền đức tin đó cho những kẻ khác. Tình yêu của chúng ta đối với Chúa Giêsu và đối với tha nhân, thúc giục chúng ta nói về đức tin của chúng ta cho những người khác. Mỗi người tin là như một mắt xích trong một xâu chuỗi rộng lớn các kẻ tin. Tôi không thể tin nếu không được nâng đỡ bằng đức tin của những người khác, và bằng đức tin của tôi, tôi góp phần vào việc nâng đỡ đức tin của những người khác” (CEC 166).

Như vậy, ngoài việc giúp hiểu biết đức tin, giáo dục phụng vụ, huấn luyện luân lý, dạy cầu nguyện, thì việc Dạy Giáo lý còn có bổn phận mang lại cho người Kitô hữu khả năng sống cộng đoàn, cũng như thamgia cách tích cực vào đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh (x. DGC 86). Nhiệm vụ này lại càng khẩn thiết đối với Hội Thánh Việt Nam trong giai đoạn hiện nay nếu muốn xây dựng một Hội Thánh Việt Nam hiệp thông và sứ vụ như đã được đề ra trong năm thánh 2010 của Hội Thánh Việt Nam và Đại hội Dân Chúa vừa qua.

I. GIÁO DỤC ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN: SỐNG HIỆP THÔNG

Hội Thánh là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là Thiên Chúa duy nhất nhưng luôn hiệp thông trong Ba Ngôi, để quy tụ toàn thể nhân loại về hiệp thông với Ngài và với nhau, thành một gia đình duy nhất.

Ngay từ đầu, đời sống cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi đã được sách Công vụ Tông đồ nhấn mạnh trong hai chữ “hiệp thông”, hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với nhau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. …Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”. (Cv 2,42.44-47).

Tài liệu học hỏi Năm Thánh 2010 nhấn mạnh: “Hội Thánh Việt Nam trước hết phải là một cộng đoàn hiệp thông đâm rễ sâu trong đời sống Chúa Ba Ngôi, một cộng đoàn cầu nguyện và chiêm niệm, một cộng đoàn cử hành bí tích với Thánh Thể là trung tâm; kế đến, phải là cộng đoàn tham gia và đồng trách nhiệm, một cộng đoàn hiệp nhất với các chủ chăn cũng như với Hội Thánh duy nhất. Cuối cùng, phải là cộng đoàn làm chứng cho những ý nghĩa và giá trị mà mình tuyên xưng, để cho những giá trị đó nhập thể vào trong lối sống của mình, diễn tả chúng trong cách thế hiện diện, đối thoại và thực hành của mình trong mọi lãnh vực hoạt động của Hội Thánh ngay giữa lòng thế giới. (x. Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh, Phần II, Đề tài 5: Giáo Hội muốn trở nên cộng đoàn hiệp thông).

Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010 nói thêm: “Hội Thánh tại Việt Nam còn phải canh tân chính mình qua nỗ lực xây dựng Hội Thánh như một gia đình, trong đó mọi người hiệp thông với nhau như anh chị em một nhà, bình đẳng với nhau trên nền tảng ơn gọi làm người và làm con Chúa, chia sẻ cùng một sứ mạng và trách nhiệm dù được thể hiện trong những bậc sống và nhiệm vụ khác nhau. Sự hiệp thông này vừa là đòi hỏi vừa là lời chứng cần thiết mà Hội Thánh phải bày tỏ trước mặt mọi người như Chúa Giêsu đã thiết tha cầu nguyện: “Xin cho họ nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21)” (Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010, số 5).

Để đạt mục tiêu trên, về mặt Dạy Giáo lý cần có phương hướng nào?
– Trước hết, cần giúp người tín hữu thay đổi cái nhìn về Hội Thánh. Giáo dân Việt Nam lâu nay vẫn quen với hình ảnh Hội Thánh phẩm trật: Hội Thánh là của hàng giáo sĩ, tu sĩ. Giờ đây cần giúp người tín hữu giáo dân hiểu rõ hơn ơn gọi và sứ mạng của mình trong Hội Thánh để cùng nhau tích cực xây dựng Hội Thánh hiệp thông, tham dự và đồng trách nhiệm. Điều này đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trình bày trong tông huấn Christifideles laici (Người Kitô hữu giáo dân). Việc thay đổi này phải thực hiện vừa trên bình diện nhận thức, vừa trên bình diện thực hành: “Giáo Hội cần quan tâm hơn đến việc phát huy phẩm chất của giáo dân bằng cách tổ chức các khóa huấn luyện về thần học, giáo lý, Kinh Thánh, mục vụ.Đồng thời, cần canh tân những đường hướng và qui chế tổ chức giáo phận và giáo xứ, để giáo dân có cơ hội thực thi những quyền chính đáng và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội” (TC, 2011số 27). “Sự hiệp thông đích thực và sâu xa trong Giáo Hội cần được thể hiện nơi từng giáo phận cũng như giữa các giáo phận. Qua sự hợp nhất yêu thương giữa mọi thành phần Dân Chúa như trong một gia đình, các cộng đoàn vừa là dấu chỉ vừa là trường dạy hiệp thông. Mối tương quan giữa giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân được đặt nền trên phẩm giá bình đẳng của mọi tín hữu, cũng như tinh thần đồng trách nhiệm của từng tín hữu nơi Thân Mình Đức Kitô trong đức tin, cậy, mến. Đại Hội Dân Chúa mong muốn Giáo Hội tại Việt Nam củng cố sự hiệp thông và tham gia trong đời sống Giáo Hội ở mọi cấp bậc, tạo điều kiện để mọi thành phần Dân Chúa tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội”. Trên thực tế, điều này chưa được thể hiện đồng đều và rõ nét ở cấp giáo phận cũng như giáo xứ. Vì thế, việc xây dựng một Giáo Hội hiệp thông và tham gia phải là mối quan tâm mục vụ hàng đầu của Giáo Hội tại Việt Nam trong những năm sắp tới.” (TC, 2011, số 23).

– Giúp người tín hữu, nhất là giới trẻ thêm ý thức Hội Thánh, biết đồng cảm với Hội Thánh, vui niềm vui của Hội Thánh và đau nỗi đau của Hội Thánh. Ý thức thuộc về Hội Thánh, cụ thể ở việc tích cực tham gia và góp phần vào những sinh hoạt Giáo phận và Giáo xứ nơi mình đang cư ngụ. Điều này cần nhấn mạnh vì hiện nay tại Việt Nam vấn đề di dân đang nổi cộm: người trẻ từ các làng quê kéo về các thành phố để làm việc cũng như học hành. Trong Tông huấn Christifideles laici, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Việc hiệp thông của Hội Thánh mặc dầu có tầm vóc bao quát hoàn vũ, nhưng nó được diễn tả một cách rõ ràng và gần gũi nhất ở trong Giáo xứ. Giáo xứ là đơn vị địa phương của Hội Thánh. Nói một cách khác chính là Hội Thánh sống giữa con cái nam nữ của mình…. Giáo xứ không phải là một cơ cấu, một địa hạt, hay một ngôi nhà, nó là “một gia đình của Chúa, một cộng đoàn huynh đệ chỉ có một linh hồn” là “mái gia đình, đầy tình huynh đệ và mở rộng đón tiếp mọi người” là “cộng đồng các tín hữu.” … Giáo xứ là cộng đồng tiên khởi của Dân Chúa, chính giáo xứ phải khai trương đời sống phụng vụ và tập hợp Dân Chúa trong việc cử hành phụng vụ; giáo xứ có bổn phận phải bảo tồn và nung nấu đức tin của đoàn lũ dân chúng hôm nay; giáo xứ còn là trường dạy dỗ giáo lý cứu rỗi của Đức Kitô; nơi tích cực thực thi các công tác bác ái huynh đệ” (ChL, 26).

– Giúp người tín hữu biết quan tâm đến ích chung cũng như biết làm việc chung với nhau. Giáo dân cần tập cộng tác với các linh mục và tu sĩ trong những công việc chung, chẳng hạn như dạy giáo lý, bác ái xã hội, truyền thông, quản trị giáo xứ v.v… Bên cạnh đó, các linh mục cũng cần trân trọng sự cộng tác của người giáo dân và giúp họ sống ơn gọi của họ sâu xa hơn. “Theo gương Chúa Giêsu, Đấng luôn ưu ái những người trẻ, Giáo Hội hoàn vũ đang nỗ lực mời gọi người trẻ cộng tác và tham gia vào đời sống cộng đồng Dân Chúa. Tại Việt Nam, Giáo Hội nên nghiên cứu và mạnh dạn tổ chức những cử hành phụng tự thích hợp, khuyến khích giới trẻ tham gia vào các hội đoàn và những sinh hoạt cộng đồng, để ngày càng có thêm nhiều người trẻ quảng đại và can đảm, sống đức tin cách sinh động và trưởng thành. Công việc mục vụ đó cần được chuẩn bị chu đáo bằng việc giáo dục đức tin và nhân bản cho thiếu nhi. Nhờ đời sống thiêng liêng vững mạnh, giới trẻ Công giáo sẽ góp phần tích cực và bền vững vào việc lành mạnh hóa xã hội hay dấn thân truyền giáo tại những nơi xa xôi” (TC, 2011, số 29).

– Giáo dục đời sống cộng đoàn. Sách Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý số 86 nói rõ: Đời sống Kitô hữu trong cộng đoàn không phải là ngẫu hứng nhưng phải được giáo dục cẩn thận. Trong việc rèn luyện này, giáo huấn của Chúa Giêsu về đời sống cộng đoàn đã được tường thuật lại trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, đòi hỏi một số thái độ mà việc dạy giáo lý buộc phải ghi khắc:
• Ÿtinh thần đơn sơ và khiêm nhường: (“nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em …”- Mt 18,3);
• Ÿquan tâm đến những người bé mọn nhất (“ai làm cớ cho một trong kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã…”- Mt 18,6);
• Ÿlưu tâm cách riêng đến những người lầm lạc (“đi tìm con chiên lạc”- Mt 18,12);
• sửa lỗi anh em (“anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” – Mt 18,15);
• Ÿcầu nguyện chung (“nếu hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì”- Mt 18,19);
• Ÿ tha thứ cho nhau (“đến bảy mươi lần bảy…”- Mt 18,22);
• đức bác ái huynh đệ gồm tóm tất cả những thái độ này (“anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em”- Ga 13,34).

Ngoài ra, trong các sinh hoạt giáo lý, cũng cần cổ võ sự cộng tác của mọi thành phần trong giáo xứ, đặc biệt là của các phụ huynh học sinh giáo lý và các cha mẹ đỡ đầu. Sự hiện diện các thành phần này trong sinh hoạt giáo lý chính là một bài học sống động về sự hiệp thông và về đời sống cộng đoàn.

– Quan tâm đến chiều kích đại kết. Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là điều nghịch lại ý muốn hiệp nhất của Đức Kitô (x. Ga 17,20), là gương xấu cho thế giới và làm hại đến việc loan báo Tin Mừng. Sự chia rẽ, ngay từ ban đầu đôi khi là lỗi của những người ở cả hai bên, những người ngày nay sinh trưởng trong các cộng đoàn ấy không thể bị kết tội chia rẽ (UR, 1 và 3). Tại Việt Nam hiện nay, các hệ phái Kitô giáo chưa hiện diện nhiều như bên châu Âu hoặc châu Mỹ. Tuy nhiên hiện nay, các giáo phái đang có chiều hướng gia tăng vào Việt Nam. Trong việc dạy giáo lý, cần giúp người tín hữu đào sâu hơn về đức tin của mình cũng như giúp họ hiểu biết đúng đắn về các giáo hội Kitô anh em. Tránh gây tranh cãi và đụng chạm mà cần sống chung hoà hợp và kính trọng nhau, cùng nhau dấn thân để trở thành những người “xây dựng hoà bình”.. Đặc biệt cần giúp người tín hữu siêng năng đọc, học hỏi Kinh Thánh một cách đúng đắn, cầu nguyện với Kinh Thánh cũng như nỗ lực làm cho đời sống mình thấm nhuần tinh thần Tin Mừng. “Việc dạy giáo lý sẽ có một chiều kích đại kết trong mức độ nó biết khơi dậy và nuôi dưỡng “ước muốn hiệp nhất đích thực”, không phải nhằm một thái độ hòa giải dễ dãi, nhưng nhằm hiệp nhất hoàn toàn, khi Chúa muốn và bằng con đường Chúa muốn” (DGC 86).

II. TÍCH CỰC THAM GIA VÀO SỨ MỆNH CỦA HỘI THÁNH

Hiệp thông với Hội Thánh không chỉ dừng lại ở việc nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh mà còn phải tham gia tích cực sứ mệnh của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng. Trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19). Loan báo Tin Mừng không chỉ là sứ vụ chung của Hội Thánh mà còn là sứ vụ của mỗi Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Rửa tội. Tuy nhiên, nếu nhìn lại Hội Thánh Việt Nam thời gian vừa qua, chúng ta thấy người giáo dân chưa ý thức nhiều về bổn phận này. So sánh với anh chị em Tin Lành thì có lẽ anh chị em Công giáo còn thua kém về lòng nhiệt thành và sự quảng đại dấn thân cho việc truyền giáo. Đa số giáo dân nghĩ rằng người Kitô hữu tốt là người siêng năng đi lễ, đọc kinh, sống tốt với mọi người, tham gia một số công tác xã hội cứu trợ người nghèo, người bệnh, tích cực đóng góp vật chất cho việc xây dựng nhà thờ ở các nơi, còn việc truyền giáo là lãnh vực của các linh mục tu sĩ. Nhiều anh chị em giáo dân quên rằng tỉ lệ người Công giáo Việt Nam mới chỉ khoảng 7% dân số, nghĩa là chung quanh mình còn khoảng 93% anh chị em khác là Phật giáo, là Cao Đài, Hoà Hảo, hoặc không tôn giáo… Ngay cả các Giáo lý viên cũng không mấy thao thức đến sứ vụ truyền giáo.

Chính vì thế, Đại hội Dân Chúa vừa qua đã nhấn mạnh đến sứ vụ truyền giáo. Trong việc truyền giáo, cần quan tâm đến việc đối thoại với các tôn giáo và cả với những anh chị em không tôn giáo:
– Trong bối cảnh của xã hội Việt Nam, khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Giáo Hội cần đối thoại với các tôn giáo, với người nghèo, và với những anh chị em không tôn giáo. Đây là cuộc đối thoại từ trái tim đến trái tim nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và phục vụ hạnh phúc đích thực của con người. Đó cũng là cuộc đối thoại phục vụ ơn cứu độ (Đức Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi 75-79; Vatican II, GS 92; Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia 29). (TC 2011, số 39)

– Cuộc đối thoại với các tôn giáo sẽ giúp Giáo Hội tại Việt Nam xác tín hơn nữa vào tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đang dẫn dắt mọi người tới Chân Lý toàn vẹn (x. Ga 16, 13). Tại Việt Nam, chúng ta nhận thấy đức bác ái của đạo Công giáo đã gặp gỡ lòng từ bi của Phật giáo, cảm thức tâm linh của Đạo giáo, triết lý xã hội của Khổng giáo và lòng mộ đạo bẩm sinh của người dân Việt: luôn tôn kính Trời, thực hành Đạo Hiếu, bày tỏ lòng biết ơn đối với các đấng sinh thành cũng như đối với các bậc anh hùng dân tộc… Đồng thời, đối thoại cũng giúp Giáo Hội rộng mở hợp tác với các tôn giáo trong công cuộc lành mạnh hóa xã hội và thăng tiến con người. Hơn thế nữa, đây còn là cơ hội để Giáo Hội canh tân lòng tin của mình vào Đức Kitô là Khởi Nguyên và Cùng Đích của toàn thể lịch sử nhân loại (x. Vatican II, GS 45, 93). Ý thức tầm quan trọng của cuộc đối thoại với các tôn giáo, trong những năm sắp tới, Giáo Hội phải lưu tâm hơn nữa đến chiều kích này trong việc đào tạo nhân sự cũng như trong các hoạt động mục vụ. (TC 2011, số 40)

– Trong cuộc đối thoại với anh chị em không tôn giáo, Giáo Hội nhìn nhận những nỗ lực và thiện chí của họ trong việc phục vụ công ích. Các tín hữu cũng nên ý thức phần trách nhiệm của mình trước hiện tượng dửng dưng, tục hóa, duy vật…, vì nhiều khi chúng ta “đã che giấu hơn là bày tỏ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo” (Vatican II, GS 19). Đồng thời, với sự hiền hòa và lòng kính trọng, người Công giáo “sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình” (1 Pr 3,15), thẳng thắn trình bày quan điểm của Giáo Hội trước các vấn đề nhân sinh; nếu cần, sẵn sàng chấp nhận đau khổ để làm chứng cho chân lý Tin Mừng. Ngoài ra, qua cuộc đối thoại chân thành và thẳng thắn, Giáo Hội cũng có thể nhận ra hoạt động mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn con người, và học được cách thế trình bày niềm tin của mình cho con người ngày nay. (TC 2011, số 42)

Từ những yêu cầu trên, cần nhìn lại và canh tân đường hướng dạy giáo lý tại Việt Nam:
– Nhấn mạnh mục tiêu việc Dạy Giáo lý là đào tạo người Kitô hữu, chứ không dừng lại ở việc chuẩn bị lãnh nhận các bí tích (Xưng tội, Rước lễ, Thêm sức, Hôn phối). Bởi thế, cần có một chương trình Giáo lý xuyên suốt theo tuổi từ thiếu nhi cho đến người lớn. Lâu nay, đa số các giáo xứ chỉ dừng lại ở các lớp giáo lý cho thiếu nhi chứ chưa quan tâm đến các lớp giáo lý cho người lớn (ngoại trừ các lớp dự tòng và dự bị hôn nhân). Tuy nhiên hiện nay ở nhiều nơi, sau khi Thêm sức, các em nghỉ học giáo lý. Lý do là phải đi học thêm. Thực ra nguyên nhân chính không phải do các em mà là do chính phụ huynh của các em. Riêng các lớp dự tòng, nhiều trường hợp trở lại là để lấy vợ lấy chồng có đạo. Bởi vậy, có nhiều người học giáo lý theo kiểu đối phó. Cưới xong, họ không còn quan tâm gì đến đạo. Đây là một thực tế mà những người có trách nhiệm cần phải suy nghĩ để tìm ra phương hướng giải quyết.

– Nội dung giáo lý cần nhắm đào tạo về nhiều mặt: đức tin, nhân bản, cầu nguyện, đời sống tâm linh, Kinh Thánh, lòng nhiệt thành truyền giáo, lòng yêu mến Hội Thánh v.v… Cần đưa vào chương trình giáo lý một nền tu đức (linh đạo) phù hợp với người giáo dân Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi người tín hữu Việt Nam đang phải đối mặt với các trào lưu tục hoá: chủ nghĩa hưởng thụ, tôn thờ tiền bạc, vật chất, tôn thờ sự thành công, chủ nghĩa vô thần thực tiễn, dửng dưng tôn giáo, chủ nghĩa tương đối v.v… Dường như lâu nay các Giáo lý viên mới nhắm tới việc truyền thụ kiến thức giáo lý là chính còn những mặt khác chưa quan tâm đủ, kể cả các lớp giáo lý dự tòng. Có lẽ chúng ta mới đào tạo một tầng lớp Kitô hữu “giữ đạo” chứ chưa “sống đạo”. Giáo sư Nguyễn Khắc Dương có một nhận xét như sau: “Hình như người Công giáo VN chỉ mới có lòng sùng đạo, có thể là quảng đại, sẵn sàng hy sinh tài sản, thì giờ, sức lực, nhưng mới chỉ là giữ đạo chứ chưa thể hiện đạo, nghĩa là chỉ đạt nặng về phụng tự và luân lý, giữ luật chứ ít thấy có một đời sống nội tâm thiêng liêng sâu sắc. (“Quia respexit humilitatem meam”, Thế Tâm, 1997, tr.176).

– Ngoài phần học hỏi lịch sử Hội Thánh Công giáo toàn cầu và tại Việt Nam, cần có thêm phần giúp hiểu biết niềm tin những anh chị em chung quanh mình như Phật giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, Hồi giáo, đạo Hiếu v.v… để có thể nhận ra những yếu tố mạc khải tiềm ẩn trong các niềm tin này, nhờ đó có thể đi vào việc đối thoại tôn giáo trong sự hiểu biết lẫn nhau và cộng tác với nhau trong việc phục vụ hạnh phúc đích thực của con người. “Khi giáo dục theo chiều hướng truyền giáo này, việc dạy giáo lý sẽ hình thành cuộc đối thoại liên tôn, có thể mang lại cho người tín hữu khả năng hiệp thông một cách có hiệu quả với những người thuộc các tôn giáo khác (x. EN 53 và RM 55-57). Việc dạy giáo lý phải cho thấy rằng mối liên hệ của Hội Thánh với những tôn giáo ngoài Kitô giáo, trước hết là mối liên hệ về nguồn gốc và định mệnh chung của loài người, cũng như mối liên hệ của rất nhiều “hạt giống Lời Chúa” đã được Ngài đặt để vào các tôn giáo này. Việc dạy giáo lý cũng sẽ giúp để biết dung hòa và đồng thời biết phân biệt: “sự loan báo Đức Kitô” và “sự đối thoại liên tôn”. Hai yếu tố này, mặc dầu liên kết mật thiết, nhưng không được lẫn lộn cũng như không được coi là tương đương. Thực vậy, “việc đối thoại không miễn trừ cho việc rao giảng Tin Mừng” (DGC 86b).

– Cũng cần giúp người giáo dân xem lại những việc đạo đức bình dân để có thể diễn tả đức tin Kitô giáo cách chân thực, sống động và phù hợp với văn hoá Việt Nam. (x. DGC 195).

KẾT LUẬN
Trên đây chỉ là một vài suy nghĩ thô thiển xin được đóng góp với đại hội để giúp suy nghĩ thêm về phương hướng Dạy Giáo lý cho Hội Thánh Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên điều quan trọng không chỉ là soạn thảo một bộ giáo lý đáp ứng những yêu cầu canh tân Hội Thánh Việt Nam như Đại hội Dân Chúa vừa qua mong ước, mà còn phải quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo Giáo lý viên. Nếu muốn có những người tín hữu trưởng thành,biết nỗ lực thamgia cách tích cực vào đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh thì những người đào tạo tức là các Giáo lý viên và các linh mục phải là những người tiên phong đi trước. Không thể có những người giáo dân tích cực trong việc truyền giáo nếu không có những Giáo lý viên và các vị mục tử biết thao thức và hy sinh dấn thân cho công việc rao giảng Tin Mừng.

¬¬¬¬¬____________________________________
Chữ viết tắt:
– CEC: Catechismus Catholicae Ecclesiae (Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo), 1992. Bản dịch của Uỷ Ban Giáo lý Đức tin, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 2010.
– ChL: ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles Laici (Tông huấn Người Kitô hữu Giáo dân), 1988
– CT: ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Catechesi Tradendae (Tông huấn Dạy Giáo lý), 1979
– DGC: Thánh bộ Giáo sĩ, Directorium Catechisticum Generale (Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý), 1997
– EN: ĐGH Phaolô VI, Thông điệp Evangelii Nuntiandi (Thông điệp Loan báo Tin Mừng), 1975
– GCM: Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, Hướng dẫn các giáo lý viên, 1993
– RM: ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio (Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ)
– TC 2011: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010
– UR: Cđ Vaticanô II, sắc lệnh Unitatis Redintegratio (Sắc lệnh về Hiệp Nhất), 1965
Nguon: http://giaolyductin.org/newsview/vn/238/BAI-THAM-LUAN-3–DAY-GIAO-LY-THEO-HUONG–GIAO-DUC-DOI-SONG-CONG-DOAN-VA-TINH-THAN-TRUYEN-GIAO-.html

BÀI THUYẾT TRÌNH 2 A : GIÁO DỤC BẰNG PHÚC ÂM HÓA VÀ PHÚC ÂM HÓA BẰNG GIÁO DỤC

Thuyết trình viên
Lm Giuse Nguyễn Văn Am SDB

Kính thưa quí Đức Cha, các Linh mục, tu sĩ và hết thảy mọi người tham dự Đại hội Giáo Lý toàn quốc hôm nay,

Trước hết, xin cho con được nói lên lời tri ân với tất cả mọi người, nhất là với ban tổ chức, đã dành cho con vinh dự này: được tham dự Đại hội Giáo Lý toàn quốc, và còn được vinh dự chia sẻ những nghĩ suy và quan tâm của mình với Đại hội.

Con được kêu gọi để trình bày đề tài: Giáo dục bằng phúc âm hóa và phúc âm hóa bằng giáo dục. Đây là một đề tài vốn sẽ mang đến những trực giác mục vụ có thể canh tân việc huấn giáo của chúng ta, vì mục tiêu tối hậu của huấn giáo chính là được biến đổi nên giống Đức Kitô, con người hoàn hảo. Nhưng con cũng phải nói ngay sự giới hạn của mình. Con không thể đóng được nhiều vai trò. Trong Thân Mình Đức Kitô, mỗi chi thể đều có phận vụ của mình, và không thể làm công việc của chi thể khác. Thiên Chúa đã muốn con trở thành một người con của Don Bosco, và trong đoàn sủng ấy, con được nuôi dưỡng, suy tư, lớn lên và trưởng thành. Chính vì thế dù muốn dù không, suy tư của con một cách tự nhiên và tự phát mặc lấy hướng chiều thiêng liêng của vị Thánh đó trong Giáo Hội. Con xác tín rằng khi càng là một người Salêdiêng chân chính, con lại càng có thể đóng góp phong phú hơn cho Giáo Hội địa phương, bởi vì đoàn sủng, phương pháp mục vụ và sự thánh thiện của Don Bosco thuộc về toàn Giáo Hội. Các dòng tu đóng góp cách chuyên biệt cho Giáo Hội qua chính đoàn sủng của mình. Đó là xác tín của Vatican II. Trong bài suy tư này, con sẽ cố gắng dựa trên nguồn liệu và kinh nghiệm đa dạng. Tuy nhiên, nếu đôi lúc con có qui chiếu đến Don Bosco để minh họa, xin anh chị em cũng hiểu đây không phải là một thứ tô son đánh phấn cho vị Sáng lập của mình. Nhưng thực sự hướng mục vụ-giáo dục-tông đồ của Ngài là thế, như lịch sử Giáo Hội nói lên.

Để khai triển đề tài, con xin tất cả cùng lắng nghe tiếng còi hụ báo động của giáo dục, để chọn được thái độ khởi từ những kẻ thấp nhất. Nơi họ ta lắng nghe được niềm khao khát một nền nhân học toàn diện và thống nhất, với mối liên hệ chặt chẽ đến độ bất khả phân giữa giáo dục và loan báo Tin Mừng: Giáo dục bằng rao giảng Tin Mừng và Rao giảng Tin Mừng bằng giáo dục. Hướng đi này mang lại những hệ quả thiết thực cho một tổng hợp thiêng liêng và mục vụ. Để thấy những suy tư trên không chỉ trên bàn giấy, con xin ghi lại một vài kinh nghiệm huấn giáo của chính mình như một minh họa rất nhạt và giới hạn, dưới mối tương quan giáo dục và rao giảng Tin Mừng. Nhờ đó, con sẽ kết luận về một con người lớn lên chỉ có một trái tim với nhịp đập liên kết của tĩnh mạch và động mạch, khác biệt, không lẫn lộn nhưng lại không phân chia. Nhịp đập của trái tim tin cậy mến nơi người tín hữu đưa ân sủng của Thiên Chúa vào trong thực tại trần thế và đưa những cặn bã của trần thế vào ân sủng để được biến đổi nên hoàn thiện, vì sự sống hạnh phúc của người con Thiên Chúa.

I. Hồi còi báo động giáo dục đức tin để tìm hướng mục vụ

1. Nỗi lo có thực

Âu lo trước tiền đồ của cha ông, Đại hội Dân Chúa vừa qua rõ ràng gióng lên một hồi còi báo động giáo dục của đất nước. Chạm tới tận sâu thẳm, những môn đệ của Đức Giêsu tại Việt Nam muốn đặt giáo dục thành một trong những ưu tiên trong kế hoạch mục vụ của mình trong những năm tới. Tiêu chuẩn “tiên học lễ hậu học văn” của các bậc cha anh đang đối diện với thực tại “bạo lực học đường”, “những bệnh thành tích giáo dục”, “những lợi dụng uy danh nhà giáo”, v.v. Truyền thống đất Việt luôn quan tâm đến giáo dục, đào tạo những nhân hiền cho dân tộc, vì biết rõ vận mạng quê hương tùy ở đây, tùy vào “trăm năm trồng người.” Thế nhưng, ngày nay chúng ta đang nhận rõ sự xuống cấp của giáo dục, với nhiều tiếng gióng lớn. Hẳn nhiên chúng ta vẫn quan tâm đến giáo dục, nên mới gióng tiếng. Vấn đề ở đây chính là nền giáo dục đang mất phương hướng, hay nói đúng hơn, đang đặt sai các bậc thang giá trị.[1] Đó là điều được phản ánh trong Đại hội Dân Chúa vừa qua.[2] Bậc thang giá trị phải dẫn dắt giáo dục là tiên vàn giáo dục thành người, rồi thành công dân, sau cùng mới thành chuyên viên. Thế mà giáo dục hiện nay thường được hiểu đáp ứng nhu cầu sản xuất. Báo động giáo dục là đấy.

Nhưng còn nữa:
“Thế hệ trẻ em hỏi xem họ có thể tiến vào một vũ trụ chân thiện mỹ hay không, đang khi đó thế hệ phụ huynh trở nên xa lạ trước một vũ trụ ý nghĩa. . . . Báo động giáo dục là sự ngắt quãng đối với câu chuyện mà một thế hệ kể cho thế hệ khác: phía thế hệ phụ huynh nó thì mất trí nhớ còn thế hệ con cái thiếu khả năng ngay cả nói rõ vấn nạn nảy sinh trong tâm hồn chúng. Cha mẹ không cống hiến truyền thống nào, bởi vì họ mất trí nhớ về nó, và họ trở thành chứng nhân cho hư vô và chỉ chuyển giao luật lệ. Trẻ em lại thấy mình lang thang trong một sa mạc không có lối đi, không còn biết họ từ đâu đến và đang đi đâu.”[3]

Điều vừa được nói có lẽ phản ánh đúng tâm trạng chúng ta dẫu chúng ta không diễn đạt được cách bóng bảy như thế. Chúng ta nhìn nhận rõ những cơ cấu truyền thống (như gia đình, trường học, giáo xứ) với những sinh hoạt truyền thống (kinh tối gia đình, các kinh quen thuộc, ngắm thương khó, v.v.) đang ngày một lạc lõng hơn với thế hệ trẻ.[4] Chúng không đến với chúng ta và nhiều người đến chỉ để cho xong một bó buộc nào đó. Cùng lúc đó, chúng ta đang loay hoay chưa tìm được những cơ cấu mới để chuyển giao giá trị chúng ta thâm tín. Thế hệ trẻ có những cấu trúc sinh hoạt mà chúng ta chưa thể vào được vì chóng mặt (chẳng hạn, chúng ta xem các trẻ bấm các phím chơi game hay phím điện thoại di động mà chóng mặt). Chính Đại hội Dân Chúa cũng nhìn thấy trào lưu duy tục, tiêu thụ và hưởng lạc đang tàn phá nhiều tâm hồn thanh thiếu niên, tạo cho chúng những thế giới ảo của anh hùng, của tình yêu.[5] Rõ ràng, “bị nhổ rễ khỏi truyền thống vĩ đại vốn cho chúng sự sống, giới trẻ tìm được một vị khách gây phiền muộn nhất đến sống với mình: chủ thuyết hư vô. Chúng ta đừng dối mình: đây là tình trạng cho nhiều người trẻ hôm nay.”[6] Thách đố này đòi buộc Giáo Hội, nhất là các giáo lý viên được hiểu là những nhà giáo dục đức tin, tìm ra lời đáp trả giáo dục có thể nảy sinh một nền văn hóa của chân thiện mỹ.

Hồi còi báo động giáo dục khiến Giáo Hội tại Việt Nam phải nhìn về chính mình ngay và chọn thái độ: cứ như cũ, vì giáo lý là không đổi thay, hay an phận, mặc kệ thế hệ trẻ, hay cùng nhau tìm phương cách mới, vì Thiên Chúa luôn luôn lớn hơn và con người luôn đổi mới? Thật vậy, nếu Giáo Hội vẫn là nhà giáo dục của nhân loại, thì Giáo Hội tại Việt Nam buộc phải tìm cách thực thi sứ vụ ấy, vào lúc thuận cũng như lúc nghịch. Nếu Giáo Hội vẫn nắm giữ những truyền thống lên tới thời Tông đồ thì Giáo Hội tại Việt Nam phải kiếm tìm được một lối đi mới để rao giảng Tin Mừng, để phúc âm hóa con người và các nền văn hóa của họ. Nếu Giáo Hội là thầy dạy chân lý, cột trụ nâng đỡ thuần phong mỹ tục, thì Giáo Hội tại Việt Nam phải để cho mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời khởi hứng mình trong phương hướng mục vụ.[7] Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam lại nhấn mạnh đến giáo dục đức tin đến thế. Giáo Hội này đang kêu gọi các gia đình, các giáo lý viên, các mục tử hiến mình cho giáo dục dẫn tới trưởng thành đức tin làm lẽ sống cho mình, làm ưu tiên số một. Bởi lẽ đó là cách Giáo Hội sẽ đóng góp vào tiền đồ của quê hương cách ý nghĩa nhất.

2. Khởi đi từ những kẻ thấp nhất

Đứng trước một thế giới giầu có về mọi mặt, nhưng lại đang phân hóa thành Nam-Bắc với khối khổng lồ của những kẻ nghèo khổ thậm chí tới mức không xứng với nhân phẩm sánh vai với số rất ít người bơi trong bể dư dật, Vatican II cho thấy GH phải khởi đi từ những ưu sầu, vui tươi, kỳ vọng, phiền sầu và hy vọng của những người thấp kém nhất;[8] lối đi này không phản ánh gì khác hơn lối đi của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã trở nên một người trong những kẻ hèn kém, bị bỏ rơi nhất và hơn nữa, đã đồng nhất chính mình với họ. Những kẻ thấp hèn nhất này không chỉ thuộc diện vật chất. Họ thật đa dạng, có thể ở diện tri thức, luân lý, tâm linh, vì “sự ngu dốt tôn giáo đang gia tăng nơi những thế hệ mới”, thực hành tôn giáo chân chính ngày càng giảm; chính giữa các thanh thiếu niên mang danh Kitô hữu, vị Thiên Chúa Kitô hữu hình như đã mất vị trí trung tâm cho Thiên Chúa của đa phương tiện vốn tôn thần thể thao, âm nhạc, tài tử.[9]

Chọn lựa này hoàn toàn là mục vụ.[10] Dầu vậy, thật đúng, “những kẻ nhỏ bé nhất là dấu chỉ sâu sắc của cuộc khủng hoảng ngày nay,” vì lẽ xét cho cùng nghèo khổ của thế giới hôm nay đã chuyển thành vấn đề luân lý.[11] Nhãn quan mục vụ, nghĩa là xuất phát từ đức ái mục tử, khiến các nhà giáo dục đức tin chúng ta “hủy bỏ những ngẫu tượng chúng ta dựng lên: tiền tài, quyền bính, tiêu thụ, phung phí và khuynh hướng sống vượt quá những phương tiện và khả thể của mình. Rồi chúng ta sẽ tái khám phá giá trị cố hữu trong thiện ích chung, vì đất nước sẽ tăng trưởng trừ phi tất cả chúng ta cùng tăng trưởng.”[12]

Đường nét tiếp cận này “kích thích một sự thay đổi não trạng trong cách thức chúng ta tri nhận những điểm chiến lược của việc rao giảng Tin Mừng.”[13] Chúng ta đã quá quen khởi từ tư cách người ban phát. Chỉ cần cho, thế là đủ rồi. Cho luôn luôn là tốt. Không cần hay ít để ý xem tặng phẩm ta mang lại cho có thích hợp, có đáp ứng nhu cầu, có được mong chờ, cung cách ta trao ra sao.[14] Không lượng giá những góc cạnh trên khiến có thể xẩy ra là những lối mục vụ của chúng ta trở thành không hiệu quả, gây chán ngán tẻ nhạt và bị coi thường. Đã đến lúc, “khởi từ những kẻ thấp nhất cho chúng ta hiểu tốt đẹp hơn những vấn đề của mọi người.”[15]

Hướng đi từ những kẻ thấp hèn nhất luôn phải trả giá. Ở giữa những người đó, chúng ta chợt bừng tỉnh, thoát khỏi căn bệnh cố hữu của những vị ngôn sứ buồn bã thất vọng, tưởng chừng như Thiên Chúa chỉ làm nên những tai ương. Không phải thế. Chúng ta dần dần học ra bài học khó nuốt trôi: Thiên Chúa canh tân bộ mặt trái đất nhờ những người nghèo.[16]

“Nếu GH tập trung vào những kẻ thấp hèn nhất thì không chỉ bởi vì họ bị bỏ rơi, thiếu thốn, không chỉ bởi vì họ nghèo và ở bền lề xã hội, không chỉ bởi vì họ ở cuối của đường nét và nạn nhân của những cơ cấu không thích đáng, nhưng còn bởi vì GH tri nhận ở giá trị thật của họ những phẩm tính giầu có của cõi lòng vốn hứa hẹn niềm hy vọng mới cho tương lai.”[17]

Rõ ràng, chúng ta học xác tín rằng không có một tạo vật nào hoàn toàn là xấu xa dơ bẩn. Nếu thế, Thiên Chúa đã chẳng bao giờ sáng tạo nó.

II. Một nhân học toàn diện

Khởi từ những kẻ thấp kém nhất, chúng ta bắt gặp sự thật rằng trước khi họ cần cơm bánh, họ cần được kính trọng và yêu thương;[18] Thực thế, giới trẻ cần sân chơi để triển nở tình bạn. Họ cần được kiến thức để biết chân lý, họ cần được học hành tử tế. Họ cần tình yêu gia đình.Trên hết, họ cần Thiên Chúa để làm cho tự do của họ trở nên đích thực và tròn đầy. Rõ ràng, giới trẻ cần được đóng góp phần mình để xây dựng chứ không phải để phá hoại.[19] Nếu Giáo Hội không thể trao ban điều mà các ý thức hệ không thể cho (sự kính trọng nhân vị, tình yêu và lòng thương mến) thì Giáo Hội chẳng khác nào một cơ chế lạnh lùng, nếu không nói là bóc lột. Nói theo góc cạnh giáo dục, khát vọng trên có thể diễn đạt như sau: Ở tận nền tảng của tất cả suy tư chúng ta, có một hoài nghi xem chúng ta đạt được phẩm chất giáo dục là kiến tạo những con người mới theo đòi hỏi của văn hóa mới hay không. “Chúng ta phải ưu tiên hướng đến đào tạo những người tự do chân thật, có óc phê phán, cam kết cho xã hội, có thể phục vụ anh chị em mình, tìm thấy động lực của mình từ Tin Mừng, nơi đức tin của họ vào Chúa Kitô, Con Người mới.”[20] Hay “giáo dục sẽ thường hằng hóa hệ thống cạnh tranh cũ kỹ hay sẽ mở ra những con lộ đi tới tham gia, chia sẻ trách nhiệm, tình liên đới và công bằng xã hội?”[21] Đấy không phải là hướng đi của giáo dục bằng rao giảng Tin Mừng và rao giảng Tin Mừng bằng giáo dục hay sao?

Soi sáng từ nhân học toàn diện, Giáo Hội và cách riêng những nhà giáo dục đức tin phải đặt lên hàng đầu thiện ích và hạnh phúc của những con người, chứ không phải vận hành một cơ cấu hay nhồi nhét một số kiến thức. Mà điều ấy chẳng thể xẩy ra được khi chúng ta chú ý rất ít hoặc chẳng mảy may đặt thành vấn đề:
“những khó khăn và đau khổ mà thanh thiếu niên phải đối diện trong việc hình thành nhân cách của chúng […] Đời sống của thanh thiếu niên cùng một lúc là khởi điểm bó buộc cho một hành trình đức tin, là điểm qui chiếu liên tục trong việc phát triển của nó, và là mục tiêu của chính hành trình, một khi nó được biến đổi và được đặt trên con đường tới sự sung mãn trong Đức Kitô Giêsu. Cũng thế, việc loan báo Đức Kitô, được canh tân liên tục, là khía cạnh căn bản của toàn hành trình; nó không phải là một cái gì xa lạ hay chỉ tiếp giáp với kinh nghiệm của tuổi trẻ. Trong kinh nghiệm đó nó trở thành con đường, sự thật và sự sống viên mãn.”[22]

Đoạn văn trích dẫn khiến chúng ta giật mình. Chúng ta rất dễ quên: thanh thiếu niên chưa có một nhân cách hoàn thành. Chúng đang hình thành nhân cách. Vậy mà nhiều khi chúng ta đòi hỏi chúng phải là những người trưởng thành, có nhân cách tuyệt vời và chững chạc. Đồng thời, rất nhiều lần chúng ta đến với lớp giáo lý hay lớp học với những mớ kiến thức tín điều đã có sẵn từ bao năm (tôi đã dạy giáo lý cả năm năm rồi, đám thanh thiếu niên này có gì khác đâu) mà chẳng cần hỏi hay áy náy “các thiếu niên của tôi đang thao thức gì”. Chúng ta thường xa lạ với thế giới của tuổi trẻ; không phải sao, chúng ta thường khoanh tay đứng nhìn chúng từ đàng xa hơn là đến gần, chơi, để được chúng chấp nhận và ngồi xuống lắng nghe chúng? Chúng ta muốn nói cho chúng điều phải làm trong những nỗi buồn, gian khổ, hay niềm vui của chúng. Chúng ta đóng vai ông thầy hơn là những người bạn, hay đúng hơn, những người bạn-ông thầy của chúng. Một thầy cô hòa mình làm bạn với trẻ trong giờ chơi, chỉ dạy chúng phải chơi ngay thật, không ăn lận vì háo thắng thì đang là người bạn dạy chúng bài giáo lý sống. (Chúng ta sẽ trở lại điều này). Và như thế, khi trình bày giáo lý, chúng ta dễ dàng nghĩ rằng Đức Kitô đã xong rồi, một lần cho tất cả, không cần phải liên kết với những vấn nạn và ưu tư của con người hôm nay. Con người thời nào mà chẳng giống nhau, mà Đức Kitô lại là Đấng cứu chuộc con người.

Suy nghĩ như thế vô tình chúng ta hành xử như đã đạt đích hơn là đang đi một hành trình, đang lữ hành. Chúng ta xác tín Thiên Chúa cũng là Thiên Chúa của hôm nay và lịch sử và xã hội ngày nay không giống với bất kỳ lịch sử và xã hội nào. Điều ấy có nghĩa rằng không bao giờ có một giới trẻ chung chung. Chỉ có giới trẻ ở đây và lúc này. Chỉ có giới trẻ của Việt Nam hôm nay, tại Thủ đô, hay tại Thành phố Hồ Chí Minh, hay tại Lạng sơn, giới trẻ của xã hội tiêu thụ tân tiến, hay giới trẻ của thế kỷ 19 mà thôi. Cũng thế, chẳng có một tương lai của Đức Kitô đã xong hoặc làm sẵn. Và hệ quả là khởi sự lại với Đức Kitô không chỉ có nghĩa là trở về với Đức Kitô trong Tin Mừng mà thôi, nhưng còn là trở về với những người bạn hôm nay của Ngài. Như thế, trở về với các em trong lớp tôi phụ trách thực sự quả là cần thiết khi khởi đầu tiến trình giáo dục đức tin. Rõ ràng, hai cực thanh thiếu niên và Đức Kitô trong ánh sáng trên mời gọi giáo lý viên chúng ta hoán cải, được Tin Mừng hóa đang khi loan báo Tin Mừng; nếu nói theo khía cạnh giáo dục, họ hãy để mình được giáo dục đang khi giáo dục (nếu việc “là” người luôn là năng động và luôn lên đường, theo Gabriel Marcel).[23]

Chúng ta nhấn mạnh đến một con người toàn diện,[24] vì đó chính là một khóe nhìn rất thực về con người. Rất có thể một ai đó trong chúng ta vẫn chấp nhận nhân chi sơ tính bổn thiện. Nhưng ngay cả như thế, họ cũng đồng ý rằng một người lớn lên phải học từng chút một, học ăn, học nói, học gói, học viết, học đọc, v.v.. Ai nấy đều phải học để làm người. Nghĩa là học để hòa hợp năng lực lý trí, ý chí, tình cảm theo một bậc thang giá trị để thành một người có trách nhiệm, biết sử dụng tự do, khao khát chân lý, sống công bằng và yêu thương, tha thứ, v.v. Kinh nghiệm đã cho chúng ta hay: có những người rất giỏi và thông minh, nhưng sự giỏi giang và thông minh đó, họ sử dụng để hại người. Chúng ta sợ sự thông minh đó. Khi sự thông minh và cấp độ luân lý không tương xứng thì tạo nên nhiều kinh hoàng hơn là bình an và hạnh phúc cho mọi người. Tất cả điều đó cho chúng ta một sự thật này: để tự nhiên, sống ích kỷ, ghen tuông, cáu kỉnh, hận thù, bừa phứa thì dễ dàng hơn sống quảng đại, nhân hậu, hiền lành, tha thứ và có kỷ luật. Hãy cho tôi dùng vài sự kiện như một minh họa chân lý trên. Những nhà vệ sinh công cộng, khu nhà thờ đầy rác do các tín hữu. Tất cả nói lên rằng: một cách tự nhiên, xả rác và bỏ mặc không thu dọn những gì bẩn thỉu của mình thì dễ hơn là bỏ rác vào đúng chỗ và dọn dẹp sạch sẽ đồ của mình để kính trọng người đến sau.

Khóe nhìn về con người toàn diện sẽ giúp tôn trọng được bậc thang giá trị trong giáo dục. Điều chúng ta đang chứng kiến trong đất nước là sự đảo lộn các giá trị. Chuẩn bị cho học sinh nghề nghiệp bước vào đời không thể là xấu. Thế nhưng thật sai lầm khi coi đấy là mục tiêu cao nhất. Lối nhìn đó đã làm sai lệch cách nguy hại, vì rõ ràng đặt giá trị con người hệ tại ở việc “có” nhiều hơn là ở việc “là” người ngày một hơn.

“Để đạt được mục tiêu là đào tạo nhân vị toàn diện đối với những nguyên lý dân chủ là cùng chung sống, những quyền lợi và những tự do cơ bản, giáo dục sẽ phải bao gồm đào luyện và thông tin, kỹ thuật và giá trị, theo một cách thức là trước tiên đào tạo những con người, rồi các công dân, rồi các chuyên nghiệp. Ba mục tiêu này là linh thánh cho giáo dục: con người, công dân và nghề nghiệp.”[25]

Những lời đó soi sáng cho ta biết lỗ hổng nào chúng ta đang gặp khi nói về thanh thiếu niên chúng ta hôm nay. Thách đố đến liền khi các nhà giáo dục, thầy cô và chính trị gia “không chia sẻ cùng một nhân học xét trên phương diện văn hóa. Làm sao chúng ta giúp thanh thiếu niên nên những người hạnh phúc khi không có lý tưởng và mục tiêu rõ ràng cho nhân loại, mà trong ánh sáng của nó chúng ta mới có thể phân định cái gì là đúng là sai, là chính trực và bất chính, cái gì đem lại phẩm giá và cái gì hạ thấp phẩm giá, nói tắt, cái gì nhân bản và cái gì phi nhân.”[26] Làm sao chúng ta cống hiến nền giáo dục lành mạnh khi chúng ta không biết rõ mục tiêu.[27]

Thế giới và lịch sử đã chứng kiến nhiều quan điểm về con người. Có hình ảnh con người thực dụng (William James), khoa học (David Hume), xã hội (Auguste Comte), chính trị đảng phái (Karl Marx), ích kỷ, quyền lực (Federich Nietzsche). Giáo Hội với mặc khải của Thiên Chúa qua khuôn mẫu Đức Kitô có một khoa nhân học vốn công nhận “sự tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong những năm gần đây thật lớn lao; âm vang của chúng trên nhân loại cũng lớn lao, nhưng không bao giờ mang lại câu giải đáp đầy đủ và thỏa mãn cho nhiều vấn nạn của con người. Chỉ mình Đức Kitô mới mạc khải cho con người thực sự con người là gì mà thôi.”[28] Theo khoa nhân học này, dầu bị phơi trần cho sự xấu do nguyên tội, con người có một ơn gọi siêu nhiên. Họ vẫn mang hình ảnh Thiên Chúa tận thâm sâu và hình ảnh ấy đã được khôi phục một cách tuyệt diệu hơn nữa nhờ chính Đấng là Hình Ảnh duy nhất chân thực của Chúa Cha. Con người là tội nhân, nhưng lại là tội nhân được tha thứ, được thánh hóa, được tẩy sạch, được đưa vào lòng của Chúa Cha.

Khoa nhân học toàn diện thống nhất

Theo ánh sáng này, “Nhân loại, mọi con người, có một nền tảng linh thánh mà họ phải khám phá, để đi xa hơn chính mình và nó dẫn xa hơn bản ngã: Thiên Chúa.”[29] Pascal nói rõ “con người vượt trên chính mình” (L’uomo supera infinitamente l’uomo) Đức tin nhìn con người rất mới, ngay cả giữa tội lỗi nữa, vì
“đức tin không phải là một cái gì rời rạc hoặc chỉ liên kết chặt chẽ với cái gì là nhân bản, lịch sử, trần thế (tạm bợ) hoặc thế tục, song đúng hơn là sinh lực bên trong những thứ này; nó cho chúng sự soi sáng và ý nghĩa mới và cũng siêu việt chúng, trải rộng chân trời của chúng ta vượt qua những biên giới của lịch sử.”[30]

Chỗ khác,
“Chúng ta không được tổ chức công cuộc của mình trên nền tảng là sự chia tách giữa điều linh thánh và trần tục. Nhưng đang khi chấp nhận sự kiện là điều linh thánh và trần tục khác biệt nhau, chúng ta cố gắng cho thấy tại sao tất cả công việc đang làm thì đều liên kết và hiệp nhất trong Đức Kitô.”[31]

Con người tốt lành, trưởng thành không phải chỉ là con người có các nhân đức. Đúng hơn, các nhân đức của họ được thống nhất, hòa hợp với nhau quanh một trục chính. Đức tin không để các nhân đức đứng cạnh nhau như trong bản liệt kê các nhân đức trong thần học. Không ít lần, chúng ta trình bày, quan niệm và tập tành các nhân đức tiếp liền theo nhau. Đời sống như thể chất đống các nhân đức. Quả vậy,
“đời sống thiêng liêng không hệ tại ở một bảng liệt kê những nhân đức rời rạc nhau, nhưng đúng hơn hệ tại ở cấu trúc cân xứng hài hòa và hòa điệu với nhau toàn vẹn, trong một sự liên kết hỗ tương và với một vài sự nhấn mạnh vốn tạo thành một diện mạo đặc biệt. Những nhân đức nơi một người đúng hơn là những giá trị và thái độ cốt yếu làm đặc trưng sắc thái một phong cách sống biệt loại nào đó.”[32]

Vậy ra, giáo dục đích thực sẽ là giáo dục đức tin, tức là giáo dục tới đức tin và trong đức tin, mà cốt yếu đưa tới sự thống nhất đời sống. Chắc chắn, các nhà giáo dục sẽ cống hiến cho trẻ cơm ăn áo mặc phần xác, huấn nghệ và cả lương thực nuôi lý trí. Nhưng trên hết, chúng ta giúp rộng mở trước chân lý và kiến tạo sự tự do của chính mình, giúp chúng thưởng nếm những giá trị chân thật sẽ giúp đem chúng đến sự thánh thiện Kitô giáo.[33] Sự thống nhất đời sống này được hiểu là sự thay đổi tận bên trong mà các ngôn sứ nói tới: Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài là chủ của tâm hồn mà thôi.

Giáo dục bằng Loan báo Tin Mừng

Hẳn nhiên, giáo dục và loan báo Tin Mừng là hai hoạt động khác nhau. Giáo dục thuộc diện văn hóa, rao giảng Tin Mừng thuộc diện đức tin. Thế nhưng, coi chúng độc lập, hay tệ hơn, tách biệt là một chuyện khác. Chúng ta đang chứng kiến khuynh hướng cắt nghĩa giáo dục thuần túy dưới diện duy tục. Nó giản lược nhà giáo dục thành thuần túy người cho kiến thức mà thôi. Nhưng sai hẳn. Giáo dục liên quan đến tiến trình nhân vị hóa, “qui chiếu đến tiến trình hấp thụ những giá trị nhân bản phức hợp đang tiến hóa, với mục đích biệt loại của chúng và tính hợp pháp nội khởi.”[34] Nó không liên quan nhiều đến
“việc áp đặt những nguyên tắc cho bằng làm cho tự do ngày một trách nhiệm hơn, liên hệ với lương tâm, phẩm chất chân chính của tình yêu và những chiều kích xã hội… nó có điều gì đó chung với tình cha tình mẹ như thể chia sẻ tiến trình khai sinh nhân bản đối với những giá trị nền tảng như lương tâm, chân lý, tình yêu, công việc, công bằng, tình liên đới, phẩm giá sự sống, công ích, quyền lợi cá nhân. Vì lẽ này nó quan tâm tránh bất kỳ cái gì hạ giá và lệch lạc: ngẫu tượng, bạo lực, ích kỷ, v.v. Mục đích của nó là mang đến sự tăng trưởng của người trẻ từ bên trong, hầu họ trở thành một người lớn có trách nhiệm và cư xử như một người công dân chính trực.”[35]

Như thế, ta thấy không thể cổ xúy một sự tách biệt giữa hai thực tại trên được. Đúng hơn, giáo dục phải lấy khởi hứng từ chính khởi đầu của Tin Mừng và loan báo Tin Mừng đòi buộc ngay từ đầu được thích ứng vào những hoàn cảnh thay đổi của đứa trẻ, thiếu niên, thanh niên. Cách chúng ta loan báo Tin Mừng hướng tới đào luyện những người trưởng thành theo mọi nghĩa của hạn từ. Nền giáo dục của chúng ta nhằm rộng mở trước Thiên Chúa và định mệnh đời đời của con người.”[36] Nền giáo dục như thế phải để ý một vài yếu tố:
“nhân vị là ưu tiên đối với những quan tâm thể chế hay ý thức hệ; chăm sóc đến khung cảnh mà phải phong phú trong những giá trị nhân bản và kitô hữu; phẩm chất và tính kiên định Tin Mừng của lời đề nghị văn hóa được trình bày trong các hoạt động và chương trình; tìm thiện ích chung, cam kết đối với những kẻ thiếu thốn nhất; vấn nạn về ý nghĩa đời sống, cảm thức siêu việt và rộng mở cho Thiên Chúa… Là nhà giáo dục Kitô hữu là người đảm trách công việc giáo dục coi nó như cộng tác với Thiên Chúa trong sự tăng trưởng của nhân vị.”[37]

Loan báo Tin Mừng bằng giáo dục

Loan báo Tin Mừng không bao giờ bị giản lược vào huấn giáo hay phụng vụ mà thôi, nhưng tìm được chỗ của mình trong tất cả những hoàn cảnh sư phạm/văn hóa của giới trẻ. Chúng ta đang nói về đức ái phúc âm được làm thành cụ thể… trong việc cổ xúy và giải phóng người trẻ bị bỏ rơi và để mặc chính mình.

“Loan báo Tin Mừng bằng giáo dục” có nghĩa là biết làm thế nào để cống hiến Tin tuyệt hảo (con người Đức Giêsu) bằng cách thích ứng nó và kính trọng những hoàn cảnh tiến hóa của một người. Người trẻ tìm hạnh phúc, niềm vui sống, quảng đại làm những hy sinh để đạt được điều này, nếu chúng ta tỏ cho chúng một con đường thuyết phục và nếu chúng ta dâng mình như những người bạn có uy tín trên đường. Chúng ta phải là nhà giáo dục và loan báo Tin Mừng. Là người loan báo Tin Mừng chúng ta biết và tìm ra mục tiêu: đem người trẻ tới với Đức Kitô; như nhà giáo dục, chúng ta phải biết làm thế nào bắt đầu từ những hoàn cảnh cụ thể của thanh thiếu niên và thành công trong việc tìm ra phương pháp thích hợp để đồng hành với họ trong tiến trình trở nên trưởng thành. Nếu như mục tử đối với chúng ta không thừa nhận mục tiêu thật là xấu hổ, thì như nhà giáo dục, cũng sẽ xấu hổ nếu chúng ta không thể tìm phương pháp thích hợp để thúc đẩy họ khởi sự trên hành trình và để đồng hành với họ cách khả tín.[38]

III. Những Hệ Quả

1. Những biên cương mới kéo theo những viễn cảnh mới

Không ai nghi ngờ xã hội ngày nay đổi thay phức tạp. Biên cương nghèo đói trải ra xa hơn nhiều. Ngày nay đang nói tới một thứ sa mạc hóa xã hội nhân loại. Quả là từ một xã hội tĩnh sang một xã hội động. Động như thế nào? Xã hội hôm nay “đề cao phẩm giá con người, quyền sống bất khả xâm phạm, tự do tôn giáo, gia đình ở đó bổn phận với xã hội bắt đầu; tình liên đới ở những bình diện khác nhau; sự cam kết chính trị vì một lối sống xã hội dân chủ; những vấn đề xã hội và kinh tế phức tạp; cuối cùng như tổng hợp của tất cả những cái khác, văn hóa (hay những nền văn hóa.)”[39] Cùng với nó, những viễn cảnh mới đang lộ rõ: tiến trình xã hội hóa, giải phóng, trần tục hóa, thăng tiến phụ nữ, Hồi giáo cực đoan, những đòi hỏi những mô hình mới song lệch lạc về gia đình, hôn nhân, v.v. “Các ý thức hệ tuyên bố cần phải thay đổi ngay, kể cả với giá của những phương thế phi nhân và tàn bạo.”[40] Chính con người hoạch định và thực hiện lịch sử. Tương lai liên kết với vị trí trung tâm dành cho thực tiễn, thực hành. Đó là “cách nhìn mới vào những trạng huống và quyết định những ưu tiên, đưa ra những quyết định và giải đáp độc đáo, dẫn tới sự giải phóng xã hội và cá nhân.”[41] Con người muốn mở ra sự chiến thắng của chủ thuyết trần tục (secularism). Viễn cảnh mới đang mở ra cùng với những biên cương mới của sự nghèo túng nhân loại không chỉ là chủ thuyết vô thần, nhưng là vô thần thực tiễn. Tức là con người sống như thể không có Thiên Chúa, không có Ý Nghĩa, không có Chân Lý, Sự Thiện. Mà khi không có Thiên Chúa, thì con người sẽ làm mình thành Thiên Chúa (Dostoevsky). Vậy, đó không là ngẫu tượng sao? Ngẫu tượng không phải là giải thích rằng bất kỳ yếu tố riêng rẽ nào của đời sống con người là tự lập (autonomous) với lề luật Thiên Chúa sao?[42]

2. Những nhấn mạnh mới của tổng hợp đức tin – thiêng liêng – mục vụ

Trước hiện trạng này, Giáo Hội với Vatican II kiên quyết hướng tới con người. “Con người là con đường của Giáo Hội.” Bi quan và lo sợ, có thể là thế, nếu chúng ta thiếu chuẩn bị. Nhưng Vatican II nói cho ta không được quên rằng “các tín hữu đang sống trong một thế giới phát triển không ngừng và chiều kích thế tục của Giáo Hội gắn liền với thân phận lữ hành của mình trong thế giới. Đàng khác giới trẻ phải được đào luyện trong khung cảnh lịch sử của chúng và có thể làm chứng cho ơn gọi Kitô hữu của mình trong những bổn phận nảy sinh từ tính chất trần thế của chúng.”[43] Như vậy, hiểm nguy lớn nhất cho mọi tín hữu là sự chia tách giữa đức tin và đời sống.

Tầm nhìn này cho ta biết phải canh tân huấn giáo ra sao. Với thời gian, khía cạnh nhiệm huấn khi các giáo phụ dạy giáo lý dường như trở nên nhạt dần để thay bằng góc cạnh tri thức. Nếu cần chúng ta đốt giai đoạn để trình bày cho xong các tín điều. Ta có thể thấy điều ấy trong nhiều huấn giáo dự tòng. Chúng ta trình bày giáo lý dưới góc cạnh suy lý hơn là một tri thức sống, kết hiệp và dẫn đến cầu nguyện. Vô tình, đức tin biến thành một trang hoàng đánh bóng cho đời sống con người. Khía cạnh biến đổi, hoán cải ít được để ý tới hơn khía cạnh tòng đạo. Nhưng trong bối cảnh xã hội hiện đại, hài hòa và thống nhất giữa đức tin và lý trí, khát vọng về Thiên Chúa và khát vọng nhân bản đích thực, giữa khoa học kỹ thuật và luân lý chân thật mới mang đến câu trả lời mà con người hôm nay cần. “Mỗi Kitô hữu hãy theo gương Đức Kitô Đấng lao động như một người thợ; họ hãy hãnh diện về cơ hội để thực thi hoạt động trần thế theo một cách thức đến nỗi hòa hợp những sự nghiệp nhân bản, gia đình, nghề nghiệp, khoa học và kỹ thuật với những giá trị tôn giáo, dưới sự hướng dẫn tối cao của chúng mọi sự được sắp đặt cho vinh quang Thiên Chúa.”[44] Đó là chương trình Thiên Chúa muốn hiện thực cho con người.

Vatican II đã cho thấy ơn gọi làm người đích thực và sung mãn là ơn gọi được trở thành con cái Thiên Chúa, đầy tràn Thần khí và được Đức Giêsu phục sinh chiếu soi. Và ngược lại. Đức Giêsu Kitô không là con người hoàn hảo, là Đấng nối kết tuyệt vời nơi chính bản thân mình điều thuộc về con người và điều thuộc về Thiên Chúa sao? “Ngài đã yêu bằng trái tim con người, suy nghĩ bằng khối óc con người, và lao động với đôi tay con người.” Bằng cách đó, Giáo Hội hôm nay tìm được một trực giác thật phong phú: chiều kích phát triển nhân bản trở thành một cấu tố bất khả phân của việc rao giảng Tin Mừng.[45] Đức Gioan Phaolô II đã tóm tắt điều này bằng một lối nói đã trở thành cổ điển: “Con người là con đường mà Giáo Hội phải đi.”

Theo ánh sáng này, sứ vụ rao giảng Tin Mừng không chỉ đóng khung ở việc cải đạo hay trồng Giáo Hội mà thôi.[46] Nó không hệ ở bình diện địa dư, hoặc ngay cả những con số đông đảo hơn.[47]

“Rao giảng Tin Mừng có nghĩa là mang Tin Mừng vào trong tất cả các giai tầng của nhân loại, và qua ảnh hưởng của nó biến đổi nhân loại từ bên trong và làm nó nên mới […] Nhưng không có nhân loại mới nếu trước tiên không có những con người mới được canh tân bởi phép Thánh Tẩy và bằng những cuộc đời, sống theo Tin Mừng.”[48]

Đoạn văn trên cho ta chìa khóa: Tin Mừng đi vào mọi tầng lớp của nhân loại. Nó không hệ ở việc đem lại nhiều thông tin hay kiến thức. Tin Mừng làm đảo lộn “những tiêu chuẩn phán đoán, những giá trị quyết định, những điểm quan tâm, những đường nét tư duy, những nguồn cảm hứng và những khuôn mẫu đời sống của nhân loại, vốn trái nghịch với Lời Chúa và kế hoạch cứu rỗi.”[49] Như thế, thật đúng khi nói rằng rao giảng Tin Mừng là cách giáo dục mới, và ngược lại, giáo dục tìm được ý nghĩa phong phú nhất của mình dưới diện phúc âm hóa.[50]

Suy tư trên làm cho thần học về tạo dựng phải có những dấu nhấn mới ở đó chiều kích nhân học và đặc tính trần thế như tiến bộ khoa học, quyền lợi nhân vị, giá trị của tự do, giá trị của gia đình, công ích, v.v phải được đánh giá đúng. Cũng vậy, thần học đức cậy không còn giới hạn vào những sự sau cùng. Nhưng nay nó chiếu sáng Giáo Hội nhận ra Ađam mới là khuôn mẫu đích thực của nhân loại, là Chúa lịch sử. Giáo Hội không tiến vào một tương lai chung chung và tạm bợ, nhưng vào tương lai siêu việt và dứt khoát của Đức Kitô. Thánh Thần quyền năng đang xây dựng vương quốc trong lịch sử với dấu ấn Đức Kitô phục sinh, cả trong trật tự trần thế của văn hóa và chính trị lẫn trong công việc mục vụ.[51] Hơn nữa, thần học về Giáo Hội nhận rõ tính năng động mầu nhiệm của mình như Thân mình Đức Kitô, Đền thờ Thánh Thần trong lịch sử, Bí tích cứu độ phổ quát, Dân Thiên Chúa trong đó mọi người lãnh nhận ơn gọi nên thánh và cam kết cho cùng một sứ vụ rao giảng Tin Mừng, với những dạng thái chứng nhân khác nhau và phục vụ khác nhau, theo như bậc sống của họ. Theo đó, chân trời của giáo dân trong lãnh vực trần thế và hoạt động mục vụ của Giáo Hội mở rộng thật sự. Lối nhìn về Giáo Hội hiển nhiên phải tập trung đến sự hiệp thông các lực lượng để hiện thực Vương quốc Thiên Chúa.

3. Bốn chiều kích cơ bản trong liên hệ giáo dục-rao giảng Tin Mừng

Chiều kích nhân bản
Đời sống và đức tin gợi nhắc nhau. Khóe nhìn “đức tin là thuốc phiện ru ngủ con người” chẳng thể hiểu đức tin thực sự là gì. Dù đầy đủ và được toại nguyện mọi sự, con người sẽ có lúc phải đối diện trạng huống giới hạn và thiếu thốn. Lúc đó, ta hiểu mình không chỉ nghèo trong nhiều khía cạnh và dưới nhiều hình thức, nhưng nhất là nhận ra cái nghèo tột cùng của con người là gì: nghèo Thiên Chúa.[52] Nhưng kinh nghiệm tôn giáo không có thể trồi hiện mãi đến khi đời sống được khám phá trong ý nghĩa chân thật của nó. Tất cả kinh nghiệm chân thật về đời sống đều làm nổi bật chiều kích tôn giáo. Nó cho thấy giữa tạo dựng và cứu chuộc có sự tiếp nối, chứ không phải rạn nứt.[53] Chính vì thế, các giai đoạn tuổi trẻ có giá trị nhưng cũng bày ra những thách đố cho một người để thành một nhân cách trưởng thành. Chăm chú đến những vấn nạn nảy sinh từ đời sống cá nhân và từ thế giới, ý thức về mầu nhiệm bao quanh mình và cố gắng dò thấu ý nghĩa của nó qua nỗ lực và suy tư quả là cần thiết.[54]

Điều này dẫn tới việc tiếp nhận cuộc sống, chấp nhận chính mình. Không ít người trẻ nghĩ rằng đời của mình không đáng sống vì thiếu những nhu cầu cơ bản. Chính lúc này họ cần nhà giáo dục đức tin ở bên với trí minh mẫn và cõi lòng, giúp họ nhận biết giá trị khôn sánh của cuộc đời như tặng phẩm và như bổn phận. Tầm nhìn đó khiến thiếu niên rộng mở cộng tác với tha nhân, chấp nhận đa nguyên cũng như giới hạn của nhau. Không có nhà giáo dục đức tin, thanh thiếu niên khó lắng nghe tiếng nói nội tâm và học để giải thích những hiện tượng của đời sống xã hội nhân loại, mở rộng tâm trí đến những nguyên tắc luân lý liên hệ mà theo đó họ sẽ thành kẻ ích kỷ hay có trách nhiệm và chia sẻ với tha nhân. Bằng cách đó, câu hỏi về ý nghĩa đời sống và việc tìm kiếm ý nghĩa tối hậu của đời sống bắt đầu hình thành, một cách hiện sinh. Điều này không thể không cần tới nhà giáo dục đức tin, mặc dù cách thức có thể là trang trọng hay tự phát.

“Nơi người trẻ vấn nạn và tìm kiếm ý nghĩa trở thành một lời cầu khấn, nghĩa là ước muốn về một lời đáp trả, một viễn cảnh hay một cách nhìn sẽ giúp giải đáp vấn nạn đặt ra do đời sống, về khởi đầu và kết thúc, về điều cá nhân phải làm để đời sống nên tròn đầy. Đây phải là mục đích của mọi tiến trình giáo dục. Người ta đi qua một kinh nghiệm nhân bản trưởng thành, mà cũng là một kinh nghiệm “tôn giáo” hầu cá nhân có thể thành công đi vào kế hoạch TC cách sung mãn.”[55]

Chiều kích Kitô học
Tăng trưởng nhân bản mà thôi thì không đủ, dù được những nguyên tắc kitô hữu gợi hứng. Giáo dục đức tin đi liền với xác quyết chỉ nơi Đức Giêsu Kitô cuộc sống nhân bản đạt được sự sung mãn. Gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu trong đức tin dưới hình thức “khẩn cầu” sẽ đưa đến hoán cải.[56] Bằng không, kiến thức sẽ hời hợt, mau qua, trừu tượng hay như ý thức hệ chi tiết của một nhóm tôn giáo nào. Nó chẳng phải là lời công bố và lời hứa cứu độ.[57] Để gặp gỡ Đức Kitô, con đường phải theo là qua chứng từ của cộng đoàn đức tin, qua kinh nghiệm Tin Mừng chân chính. Dù muốn dù không, Đức Kitô muốn gặp chúng ta qua những dấu chỉ nơi những người tạo nên cộng đoàn, nơi những thái độ làm ra nơi họ do hoài niệm (tưởng nhớ) về Đức Kitô, nơi việc cử hành lòng sùng mộ kitô hữu.[58]

Do đó, những cử chỉ nhân bản và bộc lộ đức tin của những người gần gũi giới trẻ tạo thành tiếng gọi đầu tiên tới đức tin.[59] Chứng từ này bộc lộ cho người trẻ giá trị phổ quát của đức tin, khi họ học từ những khuôn mẫu rõ ràng của đức ái hay sự cam kết vốn kích thích những động lực của họ và sức mạnh của tình yêu họ đối với Đức Kitô. Đức Kitô dần trở thành nhân vật trung tâm soi sáng cuộc tìm kiếm của người trẻ, trở thành sự sống kích thích những năng lực làm tốt của họ, và như con đường dẫn tới sự hoàn thành chính mình. Đức Kitô trở thành đấng được yêu mến, chiêm ngắm và được theo đuổi với thái độ của người môn đệ. Theo đó, giáo lý phải được đi theo bằng một sự đối diện của đức tin với những vấn đề văn hóa. Ta cảm nghiệm mạnh mẽ và cơ bản những điều này để não trạng đức tin được chín muồi thật sự, một đức tin vốn đòi hỏi sự nhất quán giữa tư duy và đời sống. “Đức tin nhìn nhận sự hiện diện và tình yêu của Cha nở rộ trong một thái độ hiền thảo đối với Ngài (“đạo đức” theo nghĩa đen). Cầu nguyện là ngôn ngữ được Thần khí ban cho ta để đến gần Cha và được khai triển trong nhiều hình thức khác nhau mà truyền thống Kitô giáo bày ra.”[60]

Chiều kích Giáo Hội
Tin vào Đức Kitô đi liền với chiều kích Giáo Hội. Không tin nơi Giáo Hội, đức tin sẽ rất èo uột. Chính vì vậy đòi buộc phải giúp giới trẻ sống kinh nghiệm Giáo Hội, phát triển cảm thức thuộc về Giáo Hội như Dân Thiên Chúa và Thân Mình Đức Kitô ngày một mạnh mẽ hơn. Chúng ta mời gọi người trẻ tích cực thể hiện tư cách thành viên của Giáo Hội trong những nhóm nhỏ (giống như cộng đoàn Giáo Hội cơ bản) để cảm nhận tình bạn và những tương giao liên vị sâu xa của chia sẻ và tình liên đới.

Không chỉ thế, người trẻ cử hành ơn cứu độ nơi các bí tích, nơi Lời Chúa, nơi cầu nguyện. Không thể coi nhẹ điều này. Thách đố chính là chỗ giúp cho người trẻ cử hành các thực tại này như biến cố cứu độ. Thật vậy, “giáo dục để cử hành và giáo dục trong cử hành đều cần thiết ngang nhau.”

Chiều kích vương quốc
Dần dần người trẻ học để chọn ơn gọi. Ở đây, ta không nói chọn nghề nghiệp. Đây là bước trưởng thành không thể thiếu được trong sự tăng trưởng nhân bản và Kitô hữu. Ơn gọi Kitô hữu chỉ được hiểu đúng trong viễn cảnh của Nước Thiên Chúa trong đó Thiên Chúa là nhân vật chính. Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc và con người được “mời gọi chấp nhận tặng phẩm này với tất cả sự sẵn sàng và đặt cược đời mình cho kế hoạch Thiên Chúa.” Theo đó, cần thiết giúp người trẻ khám phá chỗ đứng của mình trong việc xây dựng vương quốc. Nhãn quan ơn gọi khiến người trẻ đi vào nghề nghiệp hay bậc sống một cách năng động và đa dạng. Làm việc ở nhà thương như một nghiệp vụ và như một ơn gọi là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Và như thế, ơn gọi không được phép hiểu hạn hẹp như trước Vatican II, dù vẫn luôn quan tâm hơn đến ơn gọi linh mục, tu sĩ.

III. Như một kinh nghiệm huấn giáo

Đến đây, xin cho phép con dùng kinh nghiệm huấn giáo của mình như một đóng góp rất khiêm tốn trong việc cùng nhau xây dựng định hướng giáo lý trên quê hương đất Việt hôm nay. Khi ở Đalat, con phụ trách về sinh hoạt thanh thiếu niên và giới trẻ của giáo sở Don Bosco. Thời gian đó, các em vừa học giáo lý vừa sinh hoạt giải trí lành mạnh với những phong trào thi đua. Dưới sự dẫn dắt của các huynh trưởng và giáo lý viên, các em cử hành Thánh Lễ theo phong cách trẻ trung đơn sơ của các em mà vẫn giữ được nghi thức và bầu khí phụng vụ. Phong trào thi đua với những cao điểm theo chu kỳ năm phụng vụ dẫn các em nỗ lực cùng nhau học hành, giao lưu, chơi đùa, đi dạo, pinic, cầu nguyện và cả Chầu Thánh Thể nữa. Những phong trào đó “được đỡ đầu” bằng các hội đoàn trong giáo xứ, như một gia đình lo cho con em của mình. Giáo sở mang nặng bầu khí gia đình tươi vui hơn là một cơ cấu. Trong bầu khí đó, các thiếu niên đã trưởng thành một cách độc đáo và hiện nay, nhiều người vẫn còn là những hạt nhân nòng cốt của giáo lý tại địa phương.

Trong những năm tháng du học, con cũng được kêu gọi để phụ trách giúp các thanh thiếu niên trong cộng đồng tín hữu Việt Nam về giáo lý. Con cũng tiếp tục dành thời gian ở giữa thanh thiếu niên đủ mọi kiểu tóc, áo quần. Được một thời gian, cộng đoàn mời gọi con cộng tác lo cho thanh thiếu niên. Tổng quát, chương trình diễn tiến như sau: sau Thánh Lễ, các em có giờ giáo lý. Giờ ra chơi của các em là giờ sinh hoạt chung với nhau, với những phong trào thi đua về trò chơi. Sau đó các em có giờ học Việt ngữ. Chương trình đó chiếm trọn cả buổi chiều ngày Chúa Nhật. Mãi đến 4 giờ chiều mới tan sinh hoạt. Và ít nhất một tháng một lần, các thầy cô trong ban Việt Ngữ, giáo lý viên, và các huynh trưởng phụ trách các phong trào, đều ngồi lại với nhau để lượng giá các vấn đề. Các thầy cô lúc đầu chống đối rất mạnh, vì như vậy họ sẽ phải ở trường lâu giờ hơn, sẽ không được đi shopping và khi chiều về thi thấm mệt. Họ viện lẽ giáo lý đâu có cần sinh hoạt và họ cũng cần có giờ nghỉ ngơi để hôm sau đi làm.

Lắng nghe những yêu cầu thực tiễn và chính đáng của họ, con bình thản trao đổi với họ. Con mời gọi họ xác định một diện mạo “người” nào cho tương lai: một mẫu người toàn diện, hay một mẫu người dị dạng, có đầu rất to, nhưng tay chân và trái tim rất nhỏ. Từ mục tiêu đó, con cho họ thấy rằng không được đánh giá thấp những sinh hoạt vui chơi kia. Chắc chắn, Thánh Lễ là tối ưu. Giờ Giáo lý là bất khả thế. Nhưng khi các em chơi, các em mới học trên thực tế thế nào là yêu người, thế nào là chân thật, thế nào là tình bạn. Khi gặp những va chạm không cố ý, các em mới học biết xin lỗi cũng như biết tha thứ. Bằng không, các bài giáo lý và giảng lễ vẫn chỉ nằm gọn trong trí óc và không thực tiễn. Giờ chơi như vậy không còn chỉ là giờ xả hơi. Đó chính là giờ tập cầu nguyện, tập sống nhân đức bằng hành động. Cũng chính trong giờ chơi đó, thầy cô hòa mình với những giải trí, trò chơi của em. Họ trở thành không chỉ là một thầy cô trên bục giảng trong lớp, nhưng là người bạn, người chỉ dẫn của thanh thiếu niên trong cuộc đời. Lời nhủ khuyên của họ cho các em trong giờ chơi trở thành lời giáo lý thực hành. Trong giờ chơi đó, tất cả làm thành một gia đình. Thầy cô không chỉ lo cho con cái của mình mà thôi, nhưng cho tất cả, không thiên tư. Tuy nhiên, cũng chính trong giờ đó, thầy cô cũng học biết chính mình; đôi khi vì ham thắng, các thầy cô lại bày cho chúng “ăn gian”, “mánh lới”, “luồn lách” luật chơi, và như thế, rõ ràng họ có thể thấy Lời Chúa và giới răn của Chúa thấm vào cuộc đời mình đến mức độ nào. Khi hiểu được như thế, các thầy cô đã chấp nhận. Họ hiểu rằng để tiếp thu một giá trị, để xây dựng một nhân cách toàn diện, không thể nào không trả giá. Chúng ta đầu tư bao nhiêu, chúng ta gặt hái bấy nhiêu. Sau một thời gian, ai ai cũng nhận thấy các thanh thiếu niên của cộng đoàn lớn lên một cách đặc biệt. Và điều đó đã là phần thưởng khôn sánh cho những mệt nhọc của họ. Dần dần, họ bằng lòng trả giá các hy sinh ấy để được những thanh thiếu niên cho tương lai của cộng đồng.

IV. Như lời kết luận

Xin cho phép tôi dùng bài thơ của Gabriella Mistral để hiểu tại sao ta phải hú còi cấp cứu giáo dục.
Tên của nó là “Hôm Nay”
Chúng ta phạm nhiều sai lầm và lầm lỡ.
Nhưng tội tệ nhất ta phạm là bỏ mặc trẻ em,
Là lãng quên nguồn mạch sự sống.
Nhiều điều chúng ta cần có thể đợi chờ.
Nhưng trẻ em lại không thể.
Ngay giờ này từng thớ xương của em đang được hình thành,
Máu của em đang được tạo nên và
Những giác quan của em đang được phát triển.
Với trẻ em ta không thể trả lời “Ngày Mai.”

Đúng thế, trẻ em có tên là “Hôm Nay” đấy. Và ta hãy nghe: Đừng nói với một người ngày mai anh hãy đến lại và tôi sẽ cho anh, nếu con có thể cho nó hôm nay. Dù chúng ta đang gặp khó khăn đến mấy, chúng ta đừng bao giờ nói với trẻ em “ngày mai” tôi sẽ cho em nền giáo dục chân chính.

Đúng là Thiên Chúa muốn từng người và mọi người hạnh phúc. Hạnh phúc ấy hệ tại ở sự hiệp nhất mật thiết giữa thiên quốc và trần thế. Trong vương quốc Thiên Chúa, những giá trị nhân bản không bị phá hủy, nhưng được thánh hóa và nên hoàn hảo. Ước muốn ấy, Ngài thực hiện ngay trong lịch sử hôm qua và hôm nay, chứ không phải trong tương lai bất định. Đức Giêsu hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời. Thiên Chúa không ban cho nhân loại Con Ngài như một trang hoàng hay như một khách du lịch thăm trái đất. Trái lại, Thiên Chúa định cho Đức Giêsu là Khuôn mẫu và Trưởng tử của chúng ta. Người Con ấy lại hòa hợp nơi chính mình thần tính và nhân tính. Nếu vậy, không thống nhất đời sống, chúng ta có nguy cơ trình bày một hình ảnh méo mó về Thiên Chúa, khiến con người ngày nay chống báng và tẩy chay.

Chính vì thế, chiều hướng huấn giáo của chúng ta phải hòa hợp được chiều kích nhân bản, Chúa Kitô, Giáo Hội và vương quốc. Huấn giáo không còn chỉ trình bày tín lý, cách giáo điều, nhưng phải mang tính cách mục vụ cũng như giáo dục hướng tới Con Người Hoàn Hảo.

Lời kêu xin “Maranatha” của sách Khải huyền, của toàn Giáo Hội xưa và nay, của Giáo Hội Việt Nam có lẽ phải chuyển thành lời cầu xin Chúa Giêsu đến và làm chủ tâm hồn giới trẻ chúng ta. Ngài là NHÀ GIÁO DỤC VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG DUY NHẤT MÀ GIỚI TRẺ VIỆT NAM KHAO KHÁT TẬN SÂU THẲM.

________________________________________
[1]X. GS 31. “Trước hết cần phải tổ chức việc giáo dục ngừoi trẻ thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội, làm sao để đào tạo được những người nam và nữ không những tài giỏi về văn hóa mà còn có một tâm hồn cao thượng, bởi vì thời đại chúng ta đang khẩn thiết đòi phải có những người như vậy”; cũng x. Giovanni Mottini, cuộc phỏng vấn của Zenit, “Saving the Africa of the Future” đăng trong Zenit ngày 21.06.2011.
[2]X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 37; cũng xem Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam, số 35-37; Tài liệu làm việc, số 26.
[3]Hồng y Cafarra “Education Emergency. Commitment, beauty and the attempt to educate” ngày 6.11, 2007; được P. Chavez trích lại trong diễn từ kết thúc Salesian Family Spirituality Days 2008, “Educating with the Heart of Don Bosco”.
[4]X.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 43;
[5]X. HĐGMVN, Đề cương Giáo Hội tại VN, số 2-6;Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 4-9.
[6]Hồng y Cafarra, Education Emergency. Commitment, beauty and the attempt to educate” ngày 6.11, 2007; được P. Chavez trích lại trong diễn từ kết thúc Salesian Family Spirituality Days 2008, “Educating with the Heart of Don Bosco”; cũng x. Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Thánh lễ ở Olympic Stadium ngày 2011-06-19.
[7]X. LG 8; Đức Gioan Phaolô II, RH 18, 21.
[8]X. GS 1; 31;
[9]X.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 5; Bruno Forte, “What a Theologian-Pope Tells Theology”, cuộc phỏng vấn do Mirko Testa thực hiện, đăng trên Zenit ngày 25.01.2010.
[10]X. Đức Bênêđictô XVI, SS 4; DCE 28; Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam, số 29; Tài liệu làm việc, số 17-19;Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 3, 4.
[11]X. Đức Gioan Phaolô II, RH 12-17; Bênêđictô XVI, CV 21-33;Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 9.
[12]Vigano, “Don Bosco: Iuventutis pater et magister”, Acts, p. 16.
[13]Vigano, ibid., p. 16.
[14]X.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 36.
[15]Vigano, ibid., p. 16.
[16]X. FABC II; Aloysius Pieris, God’s Reign for God’s Poor, Tulana Research Centre, Sri Lanka, 1999.
[17]Vigano, ibid., p. 16-17.
[18]X. Bênêđictô XVI, DCE 18, 29;Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 41.
[19]X. GS 35, 29.
[20]P. Chavez, “Educating with the heart of Don Bosco”.
[21]P. Chavez, “Educating with the heart of Don Bosco”.
[22]P. Chavez, Giáo dục đức tin cho thanh thiếu niên; cũng x.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 44.
[23]X. P. Chavez, “Education and Citizenship, Forming the Citizen in a Salesian Way”
[24]X.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 32, 37-38; Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam, 25.
[25]P. Chavez, “Education and Citizenship. . .”
[26]P. Chavez, ibid.,
[27]X. Đức Bênêđictô XVI.
[28]Vigano, The New Evangelization, p. 12-13.
[29]P. Chavez, “Education and Citizenship…”
[30]Vigano, Salesian Spirituality for the New Evangelization, p. 12.
[31]FSDB 15.
[32]Cẩm nang giám đốc, chương 6
[33]X. Cẩm nang Giám đốc, chương 5.
[34]P. Chavez, “Educating with the heart of Don Bosco”
[35]P. Chavez, ibid.,
[36]P. Chavez, ibid.,
[37]P. Chavez, ibid.
[38]P. Chavez, ibid.
[39]Vigano, the New Evangelization, p. 7.
[40]Vigano, ibid, p. 9.
[41]Vigano, ibid. p. 9.
[42]Gioan Phaolô II, Oss. Rom. 28-29 Aug. 1989.
[43]Vigano, ibid. p. 8.
[44]GS 43.
[45]Synod 1975; 1980
[46]X. Đức Bênêđictô XVI, DCE 31; Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam, số 26; Tài liệu làm việc, số 18.
[47]X. Đức Phaolô VI, EN 19.
[48]Đức Phaolô VI, EN 18; Cũng x. Pontifical Council for Culture, Towards a Pastoral Approach to Cutlure, số 2-4.
[49]Đức Phaolô VI, EN 19; cũng x. Đức Bênêđictô XVI, SS 4.
[50]X. Đức Gioan Phaolô II; Đức Bênêđictô XVI, Bài nói chuyện ở Pontifical Roman Major Seminary tại Chapel Of The Seminary, ngày thứ sáu, 12 tháng Hai, 2010.
[51]Vigano, op. cit., p. 16.
[52]X. GS 19-21.
[53]X. Các Kinh tiền tụng mùa Phục sinh
[54]X. GS 18; Đức Bênêđictô XVI, Diễn từ cho Roman Ecclesial Congress, “May There Be a Growing Commitment to a Renewed Season of Evangelization”, đăng trên Zenit ngày 14.06.2011.
[55]GC23 148.
[56]X. Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý, số 142-145.
[57]X. Gioan Phaolô II, RH 8; Đức Bênêđictô XVI, SS 16-23.
[58]X. Đức Phaolô VI, MF 35-38; SC 7.
[59]Đức Gioan XXIII nói rằng ngài học được mọi điều cần thiết từ trên gối của mẹ mình.
[60]Công hội 23 của Tu hội Salêdiêng Don Bosco.

BÀI THUYẾT TRÌNH 2 A : GIÁO DỤC BẰNG PHÚC ÂM HÓA VÀ PHÚC ÂM HÓA BẰNG GIÁO DỤC (09/08/11, 4:48 pm)

Thuyết trình viên
Lm Giuse Nguyễn Văn Am SDB

Kính thưa quí Đức Cha, các Linh mục, tu sĩ và hết thảy mọi người tham dự Đại hội Giáo Lý toàn quốc hôm nay,

Trước hết, xin cho con được nói lên lời tri ân với tất cả mọi người, nhất là với ban tổ chức, đã dành cho con vinh dự này: được tham dự Đại hội Giáo Lý toàn quốc, và còn được vinh dự chia sẻ những nghĩ suy và quan tâm của mình với Đại hội.

Con được kêu gọi để trình bày đề tài: Giáo dục bằng phúc âm hóa và phúc âm hóa bằng giáo dục. Đây là một đề tài vốn sẽ mang đến những trực giác mục vụ có thể canh tân việc huấn giáo của chúng ta, vì mục tiêu tối hậu của huấn giáo chính là được biến đổi nên giống Đức Kitô, con người hoàn hảo. Nhưng con cũng phải nói ngay sự giới hạn của mình. Con không thể đóng được nhiều vai trò. Trong Thân Mình Đức Kitô, mỗi chi thể đều có phận vụ của mình, và không thể làm công việc của chi thể khác. Thiên Chúa đã muốn con trở thành một người con của Don Bosco, và trong đoàn sủng ấy, con được nuôi dưỡng, suy tư, lớn lên và trưởng thành. Chính vì thế dù muốn dù không, suy tư của con một cách tự nhiên và tự phát mặc lấy hướng chiều thiêng liêng của vị Thánh đó trong Giáo Hội. Con xác tín rằng khi càng là một người Salêdiêng chân chính, con lại càng có thể đóng góp phong phú hơn cho Giáo Hội địa phương, bởi vì đoàn sủng, phương pháp mục vụ và sự thánh thiện của Don Bosco thuộc về toàn Giáo Hội. Các dòng tu đóng góp cách chuyên biệt cho Giáo Hội qua chính đoàn sủng của mình. Đó là xác tín của Vatican II. Trong bài suy tư này, con sẽ cố gắng dựa trên nguồn liệu và kinh nghiệm đa dạng. Tuy nhiên, nếu đôi lúc con có qui chiếu đến Don Bosco để minh họa, xin anh chị em cũng hiểu đây không phải là một thứ tô son đánh phấn cho vị Sáng lập của mình. Nhưng thực sự hướng mục vụ-giáo dục-tông đồ của Ngài là thế, như lịch sử Giáo Hội nói lên.

Để khai triển đề tài, con xin tất cả cùng lắng nghe tiếng còi hụ báo động của giáo dục, để chọn được thái độ khởi từ những kẻ thấp nhất. Nơi họ ta lắng nghe được niềm khao khát một nền nhân học toàn diện và thống nhất, với mối liên hệ chặt chẽ đến độ bất khả phân giữa giáo dục và loan báo Tin Mừng: Giáo dục bằng rao giảng Tin Mừng và Rao giảng Tin Mừng bằng giáo dục. Hướng đi này mang lại những hệ quả thiết thực cho một tổng hợp thiêng liêng và mục vụ. Để thấy những suy tư trên không chỉ trên bàn giấy, con xin ghi lại một vài kinh nghiệm huấn giáo của chính mình như một minh họa rất nhạt và giới hạn, dưới mối tương quan giáo dục và rao giảng Tin Mừng. Nhờ đó, con sẽ kết luận về một con người lớn lên chỉ có một trái tim với nhịp đập liên kết của tĩnh mạch và động mạch, khác biệt, không lẫn lộn nhưng lại không phân chia. Nhịp đập của trái tim tin cậy mến nơi người tín hữu đưa ân sủng của Thiên Chúa vào trong thực tại trần thế và đưa những cặn bã của trần thế vào ân sủng để được biến đổi nên hoàn thiện, vì sự sống hạnh phúc của người con Thiên Chúa.

I. Hồi còi báo động giáo dục đức tin để tìm hướng mục vụ

1. Nỗi lo có thực

Âu lo trước tiền đồ của cha ông, Đại hội Dân Chúa vừa qua rõ ràng gióng lên một hồi còi báo động giáo dục của đất nước. Chạm tới tận sâu thẳm, những môn đệ của Đức Giêsu tại Việt Nam muốn đặt giáo dục thành một trong những ưu tiên trong kế hoạch mục vụ của mình trong những năm tới. Tiêu chuẩn “tiên học lễ hậu học văn” của các bậc cha anh đang đối diện với thực tại “bạo lực học đường”, “những bệnh thành tích giáo dục”, “những lợi dụng uy danh nhà giáo”, v.v. Truyền thống đất Việt luôn quan tâm đến giáo dục, đào tạo những nhân hiền cho dân tộc, vì biết rõ vận mạng quê hương tùy ở đây, tùy vào “trăm năm trồng người.” Thế nhưng, ngày nay chúng ta đang nhận rõ sự xuống cấp của giáo dục, với nhiều tiếng gióng lớn. Hẳn nhiên chúng ta vẫn quan tâm đến giáo dục, nên mới gióng tiếng. Vấn đề ở đây chính là nền giáo dục đang mất phương hướng, hay nói đúng hơn, đang đặt sai các bậc thang giá trị.[1] Đó là điều được phản ánh trong Đại hội Dân Chúa vừa qua.[2] Bậc thang giá trị phải dẫn dắt giáo dục là tiên vàn giáo dục thành người, rồi thành công dân, sau cùng mới thành chuyên viên. Thế mà giáo dục hiện nay thường được hiểu đáp ứng nhu cầu sản xuất. Báo động giáo dục là đấy.

Nhưng còn nữa:
“Thế hệ trẻ em hỏi xem họ có thể tiến vào một vũ trụ chân thiện mỹ hay không, đang khi đó thế hệ phụ huynh trở nên xa lạ trước một vũ trụ ý nghĩa. . . . Báo động giáo dục là sự ngắt quãng đối với câu chuyện mà một thế hệ kể cho thế hệ khác: phía thế hệ phụ huynh nó thì mất trí nhớ còn thế hệ con cái thiếu khả năng ngay cả nói rõ vấn nạn nảy sinh trong tâm hồn chúng. Cha mẹ không cống hiến truyền thống nào, bởi vì họ mất trí nhớ về nó, và họ trở thành chứng nhân cho hư vô và chỉ chuyển giao luật lệ. Trẻ em lại thấy mình lang thang trong một sa mạc không có lối đi, không còn biết họ từ đâu đến và đang đi đâu.”[3]

Điều vừa được nói có lẽ phản ánh đúng tâm trạng chúng ta dẫu chúng ta không diễn đạt được cách bóng bảy như thế. Chúng ta nhìn nhận rõ những cơ cấu truyền thống (như gia đình, trường học, giáo xứ) với những sinh hoạt truyền thống (kinh tối gia đình, các kinh quen thuộc, ngắm thương khó, v.v.) đang ngày một lạc lõng hơn với thế hệ trẻ.[4] Chúng không đến với chúng ta và nhiều người đến chỉ để cho xong một bó buộc nào đó. Cùng lúc đó, chúng ta đang loay hoay chưa tìm được những cơ cấu mới để chuyển giao giá trị chúng ta thâm tín. Thế hệ trẻ có những cấu trúc sinh hoạt mà chúng ta chưa thể vào được vì chóng mặt (chẳng hạn, chúng ta xem các trẻ bấm các phím chơi game hay phím điện thoại di động mà chóng mặt). Chính Đại hội Dân Chúa cũng nhìn thấy trào lưu duy tục, tiêu thụ và hưởng lạc đang tàn phá nhiều tâm hồn thanh thiếu niên, tạo cho chúng những thế giới ảo của anh hùng, của tình yêu.[5] Rõ ràng, “bị nhổ rễ khỏi truyền thống vĩ đại vốn cho chúng sự sống, giới trẻ tìm được một vị khách gây phiền muộn nhất đến sống với mình: chủ thuyết hư vô. Chúng ta đừng dối mình: đây là tình trạng cho nhiều người trẻ hôm nay.”[6] Thách đố này đòi buộc Giáo Hội, nhất là các giáo lý viên được hiểu là những nhà giáo dục đức tin, tìm ra lời đáp trả giáo dục có thể nảy sinh một nền văn hóa của chân thiện mỹ.

Hồi còi báo động giáo dục khiến Giáo Hội tại Việt Nam phải nhìn về chính mình ngay và chọn thái độ: cứ như cũ, vì giáo lý là không đổi thay, hay an phận, mặc kệ thế hệ trẻ, hay cùng nhau tìm phương cách mới, vì Thiên Chúa luôn luôn lớn hơn và con người luôn đổi mới? Thật vậy, nếu Giáo Hội vẫn là nhà giáo dục của nhân loại, thì Giáo Hội tại Việt Nam buộc phải tìm cách thực thi sứ vụ ấy, vào lúc thuận cũng như lúc nghịch. Nếu Giáo Hội vẫn nắm giữ những truyền thống lên tới thời Tông đồ thì Giáo Hội tại Việt Nam phải kiếm tìm được một lối đi mới để rao giảng Tin Mừng, để phúc âm hóa con người và các nền văn hóa của họ. Nếu Giáo Hội là thầy dạy chân lý, cột trụ nâng đỡ thuần phong mỹ tục, thì Giáo Hội tại Việt Nam phải để cho mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời khởi hứng mình trong phương hướng mục vụ.[7] Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam lại nhấn mạnh đến giáo dục đức tin đến thế. Giáo Hội này đang kêu gọi các gia đình, các giáo lý viên, các mục tử hiến mình cho giáo dục dẫn tới trưởng thành đức tin làm lẽ sống cho mình, làm ưu tiên số một. Bởi lẽ đó là cách Giáo Hội sẽ đóng góp vào tiền đồ của quê hương cách ý nghĩa nhất.

2. Khởi đi từ những kẻ thấp nhất

Đứng trước một thế giới giầu có về mọi mặt, nhưng lại đang phân hóa thành Nam-Bắc với khối khổng lồ của những kẻ nghèo khổ thậm chí tới mức không xứng với nhân phẩm sánh vai với số rất ít người bơi trong bể dư dật, Vatican II cho thấy GH phải khởi đi từ những ưu sầu, vui tươi, kỳ vọng, phiền sầu và hy vọng của những người thấp kém nhất;[8] lối đi này không phản ánh gì khác hơn lối đi của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã trở nên một người trong những kẻ hèn kém, bị bỏ rơi nhất và hơn nữa, đã đồng nhất chính mình với họ. Những kẻ thấp hèn nhất này không chỉ thuộc diện vật chất. Họ thật đa dạng, có thể ở diện tri thức, luân lý, tâm linh, vì “sự ngu dốt tôn giáo đang gia tăng nơi những thế hệ mới”, thực hành tôn giáo chân chính ngày càng giảm; chính giữa các thanh thiếu niên mang danh Kitô hữu, vị Thiên Chúa Kitô hữu hình như đã mất vị trí trung tâm cho Thiên Chúa của đa phương tiện vốn tôn thần thể thao, âm nhạc, tài tử.[9]

Chọn lựa này hoàn toàn là mục vụ.[10] Dầu vậy, thật đúng, “những kẻ nhỏ bé nhất là dấu chỉ sâu sắc của cuộc khủng hoảng ngày nay,” vì lẽ xét cho cùng nghèo khổ của thế giới hôm nay đã chuyển thành vấn đề luân lý.[11] Nhãn quan mục vụ, nghĩa là xuất phát từ đức ái mục tử, khiến các nhà giáo dục đức tin chúng ta “hủy bỏ những ngẫu tượng chúng ta dựng lên: tiền tài, quyền bính, tiêu thụ, phung phí và khuynh hướng sống vượt quá những phương tiện và khả thể của mình. Rồi chúng ta sẽ tái khám phá giá trị cố hữu trong thiện ích chung, vì đất nước sẽ tăng trưởng trừ phi tất cả chúng ta cùng tăng trưởng.”[12]

Đường nét tiếp cận này “kích thích một sự thay đổi não trạng trong cách thức chúng ta tri nhận những điểm chiến lược của việc rao giảng Tin Mừng.”[13] Chúng ta đã quá quen khởi từ tư cách người ban phát. Chỉ cần cho, thế là đủ rồi. Cho luôn luôn là tốt. Không cần hay ít để ý xem tặng phẩm ta mang lại cho có thích hợp, có đáp ứng nhu cầu, có được mong chờ, cung cách ta trao ra sao.[14] Không lượng giá những góc cạnh trên khiến có thể xẩy ra là những lối mục vụ của chúng ta trở thành không hiệu quả, gây chán ngán tẻ nhạt và bị coi thường. Đã đến lúc, “khởi từ những kẻ thấp nhất cho chúng ta hiểu tốt đẹp hơn những vấn đề của mọi người.”[15]

Hướng đi từ những kẻ thấp hèn nhất luôn phải trả giá. Ở giữa những người đó, chúng ta chợt bừng tỉnh, thoát khỏi căn bệnh cố hữu của những vị ngôn sứ buồn bã thất vọng, tưởng chừng như Thiên Chúa chỉ làm nên những tai ương. Không phải thế. Chúng ta dần dần học ra bài học khó nuốt trôi: Thiên Chúa canh tân bộ mặt trái đất nhờ những người nghèo.[16]

“Nếu GH tập trung vào những kẻ thấp hèn nhất thì không chỉ bởi vì họ bị bỏ rơi, thiếu thốn, không chỉ bởi vì họ nghèo và ở bền lề xã hội, không chỉ bởi vì họ ở cuối của đường nét và nạn nhân của những cơ cấu không thích đáng, nhưng còn bởi vì GH tri nhận ở giá trị thật của họ những phẩm tính giầu có của cõi lòng vốn hứa hẹn niềm hy vọng mới cho tương lai.”[17]

Rõ ràng, chúng ta học xác tín rằng không có một tạo vật nào hoàn toàn là xấu xa dơ bẩn. Nếu thế, Thiên Chúa đã chẳng bao giờ sáng tạo nó.

II. Một nhân học toàn diện

Khởi từ những kẻ thấp kém nhất, chúng ta bắt gặp sự thật rằng trước khi họ cần cơm bánh, họ cần được kính trọng và yêu thương;[18] Thực thế, giới trẻ cần sân chơi để triển nở tình bạn. Họ cần được kiến thức để biết chân lý, họ cần được học hành tử tế. Họ cần tình yêu gia đình.Trên hết, họ cần Thiên Chúa để làm cho tự do của họ trở nên đích thực và tròn đầy. Rõ ràng, giới trẻ cần được đóng góp phần mình để xây dựng chứ không phải để phá hoại.[19] Nếu Giáo Hội không thể trao ban điều mà các ý thức hệ không thể cho (sự kính trọng nhân vị, tình yêu và lòng thương mến) thì Giáo Hội chẳng khác nào một cơ chế lạnh lùng, nếu không nói là bóc lột. Nói theo góc cạnh giáo dục, khát vọng trên có thể diễn đạt như sau: Ở tận nền tảng của tất cả suy tư chúng ta, có một hoài nghi xem chúng ta đạt được phẩm chất giáo dục là kiến tạo những con người mới theo đòi hỏi của văn hóa mới hay không. “Chúng ta phải ưu tiên hướng đến đào tạo những người tự do chân thật, có óc phê phán, cam kết cho xã hội, có thể phục vụ anh chị em mình, tìm thấy động lực của mình từ Tin Mừng, nơi đức tin của họ vào Chúa Kitô, Con Người mới.”[20] Hay “giáo dục sẽ thường hằng hóa hệ thống cạnh tranh cũ kỹ hay sẽ mở ra những con lộ đi tới tham gia, chia sẻ trách nhiệm, tình liên đới và công bằng xã hội?”[21] Đấy không phải là hướng đi của giáo dục bằng rao giảng Tin Mừng và rao giảng Tin Mừng bằng giáo dục hay sao?

Soi sáng từ nhân học toàn diện, Giáo Hội và cách riêng những nhà giáo dục đức tin phải đặt lên hàng đầu thiện ích và hạnh phúc của những con người, chứ không phải vận hành một cơ cấu hay nhồi nhét một số kiến thức. Mà điều ấy chẳng thể xẩy ra được khi chúng ta chú ý rất ít hoặc chẳng mảy may đặt thành vấn đề:
“những khó khăn và đau khổ mà thanh thiếu niên phải đối diện trong việc hình thành nhân cách của chúng […] Đời sống của thanh thiếu niên cùng một lúc là khởi điểm bó buộc cho một hành trình đức tin, là điểm qui chiếu liên tục trong việc phát triển của nó, và là mục tiêu của chính hành trình, một khi nó được biến đổi và được đặt trên con đường tới sự sung mãn trong Đức Kitô Giêsu. Cũng thế, việc loan báo Đức Kitô, được canh tân liên tục, là khía cạnh căn bản của toàn hành trình; nó không phải là một cái gì xa lạ hay chỉ tiếp giáp với kinh nghiệm của tuổi trẻ. Trong kinh nghiệm đó nó trở thành con đường, sự thật và sự sống viên mãn.”[22]

Đoạn văn trích dẫn khiến chúng ta giật mình. Chúng ta rất dễ quên: thanh thiếu niên chưa có một nhân cách hoàn thành. Chúng đang hình thành nhân cách. Vậy mà nhiều khi chúng ta đòi hỏi chúng phải là những người trưởng thành, có nhân cách tuyệt vời và chững chạc. Đồng thời, rất nhiều lần chúng ta đến với lớp giáo lý hay lớp học với những mớ kiến thức tín điều đã có sẵn từ bao năm (tôi đã dạy giáo lý cả năm năm rồi, đám thanh thiếu niên này có gì khác đâu) mà chẳng cần hỏi hay áy náy “các thiếu niên của tôi đang thao thức gì”. Chúng ta thường xa lạ với thế giới của tuổi trẻ; không phải sao, chúng ta thường khoanh tay đứng nhìn chúng từ đàng xa hơn là đến gần, chơi, để được chúng chấp nhận và ngồi xuống lắng nghe chúng? Chúng ta muốn nói cho chúng điều phải làm trong những nỗi buồn, gian khổ, hay niềm vui của chúng. Chúng ta đóng vai ông thầy hơn là những người bạn, hay đúng hơn, những người bạn-ông thầy của chúng. Một thầy cô hòa mình làm bạn với trẻ trong giờ chơi, chỉ dạy chúng phải chơi ngay thật, không ăn lận vì háo thắng thì đang là người bạn dạy chúng bài giáo lý sống. (Chúng ta sẽ trở lại điều này). Và như thế, khi trình bày giáo lý, chúng ta dễ dàng nghĩ rằng Đức Kitô đã xong rồi, một lần cho tất cả, không cần phải liên kết với những vấn nạn và ưu tư của con người hôm nay. Con người thời nào mà chẳng giống nhau, mà Đức Kitô lại là Đấng cứu chuộc con người.

Suy nghĩ như thế vô tình chúng ta hành xử như đã đạt đích hơn là đang đi một hành trình, đang lữ hành. Chúng ta xác tín Thiên Chúa cũng là Thiên Chúa của hôm nay và lịch sử và xã hội ngày nay không giống với bất kỳ lịch sử và xã hội nào. Điều ấy có nghĩa rằng không bao giờ có một giới trẻ chung chung. Chỉ có giới trẻ ở đây và lúc này. Chỉ có giới trẻ của Việt Nam hôm nay, tại Thủ đô, hay tại Thành phố Hồ Chí Minh, hay tại Lạng sơn, giới trẻ của xã hội tiêu thụ tân tiến, hay giới trẻ của thế kỷ 19 mà thôi. Cũng thế, chẳng có một tương lai của Đức Kitô đã xong hoặc làm sẵn. Và hệ quả là khởi sự lại với Đức Kitô không chỉ có nghĩa là trở về với Đức Kitô trong Tin Mừng mà thôi, nhưng còn là trở về với những người bạn hôm nay của Ngài. Như thế, trở về với các em trong lớp tôi phụ trách thực sự quả là cần thiết khi khởi đầu tiến trình giáo dục đức tin. Rõ ràng, hai cực thanh thiếu niên và Đức Kitô trong ánh sáng trên mời gọi giáo lý viên chúng ta hoán cải, được Tin Mừng hóa đang khi loan báo Tin Mừng; nếu nói theo khía cạnh giáo dục, họ hãy để mình được giáo dục đang khi giáo dục (nếu việc “là” người luôn là năng động và luôn lên đường, theo Gabriel Marcel).[23]

Chúng ta nhấn mạnh đến một con người toàn diện,[24] vì đó chính là một khóe nhìn rất thực về con người. Rất có thể một ai đó trong chúng ta vẫn chấp nhận nhân chi sơ tính bổn thiện. Nhưng ngay cả như thế, họ cũng đồng ý rằng một người lớn lên phải học từng chút một, học ăn, học nói, học gói, học viết, học đọc, v.v.. Ai nấy đều phải học để làm người. Nghĩa là học để hòa hợp năng lực lý trí, ý chí, tình cảm theo một bậc thang giá trị để thành một người có trách nhiệm, biết sử dụng tự do, khao khát chân lý, sống công bằng và yêu thương, tha thứ, v.v. Kinh nghiệm đã cho chúng ta hay: có những người rất giỏi và thông minh, nhưng sự giỏi giang và thông minh đó, họ sử dụng để hại người. Chúng ta sợ sự thông minh đó. Khi sự thông minh và cấp độ luân lý không tương xứng thì tạo nên nhiều kinh hoàng hơn là bình an và hạnh phúc cho mọi người. Tất cả điều đó cho chúng ta một sự thật này: để tự nhiên, sống ích kỷ, ghen tuông, cáu kỉnh, hận thù, bừa phứa thì dễ dàng hơn sống quảng đại, nhân hậu, hiền lành, tha thứ và có kỷ luật. Hãy cho tôi dùng vài sự kiện như một minh họa chân lý trên. Những nhà vệ sinh công cộng, khu nhà thờ đầy rác do các tín hữu. Tất cả nói lên rằng: một cách tự nhiên, xả rác và bỏ mặc không thu dọn những gì bẩn thỉu của mình thì dễ hơn là bỏ rác vào đúng chỗ và dọn dẹp sạch sẽ đồ của mình để kính trọng người đến sau.

Khóe nhìn về con người toàn diện sẽ giúp tôn trọng được bậc thang giá trị trong giáo dục. Điều chúng ta đang chứng kiến trong đất nước là sự đảo lộn các giá trị. Chuẩn bị cho học sinh nghề nghiệp bước vào đời không thể là xấu. Thế nhưng thật sai lầm khi coi đấy là mục tiêu cao nhất. Lối nhìn đó đã làm sai lệch cách nguy hại, vì rõ ràng đặt giá trị con người hệ tại ở việc “có” nhiều hơn là ở việc “là” người ngày một hơn.

“Để đạt được mục tiêu là đào tạo nhân vị toàn diện đối với những nguyên lý dân chủ là cùng chung sống, những quyền lợi và những tự do cơ bản, giáo dục sẽ phải bao gồm đào luyện và thông tin, kỹ thuật và giá trị, theo một cách thức là trước tiên đào tạo những con người, rồi các công dân, rồi các chuyên nghiệp. Ba mục tiêu này là linh thánh cho giáo dục: con người, công dân và nghề nghiệp.”[25]

Những lời đó soi sáng cho ta biết lỗ hổng nào chúng ta đang gặp khi nói về thanh thiếu niên chúng ta hôm nay. Thách đố đến liền khi các nhà giáo dục, thầy cô và chính trị gia “không chia sẻ cùng một nhân học xét trên phương diện văn hóa. Làm sao chúng ta giúp thanh thiếu niên nên những người hạnh phúc khi không có lý tưởng và mục tiêu rõ ràng cho nhân loại, mà trong ánh sáng của nó chúng ta mới có thể phân định cái gì là đúng là sai, là chính trực và bất chính, cái gì đem lại phẩm giá và cái gì hạ thấp phẩm giá, nói tắt, cái gì nhân bản và cái gì phi nhân.”[26] Làm sao chúng ta cống hiến nền giáo dục lành mạnh khi chúng ta không biết rõ mục tiêu.[27]

Thế giới và lịch sử đã chứng kiến nhiều quan điểm về con người. Có hình ảnh con người thực dụng (William James), khoa học (David Hume), xã hội (Auguste Comte), chính trị đảng phái (Karl Marx), ích kỷ, quyền lực (Federich Nietzsche). Giáo Hội với mặc khải của Thiên Chúa qua khuôn mẫu Đức Kitô có một khoa nhân học vốn công nhận “sự tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong những năm gần đây thật lớn lao; âm vang của chúng trên nhân loại cũng lớn lao, nhưng không bao giờ mang lại câu giải đáp đầy đủ và thỏa mãn cho nhiều vấn nạn của con người. Chỉ mình Đức Kitô mới mạc khải cho con người thực sự con người là gì mà thôi.”[28] Theo khoa nhân học này, dầu bị phơi trần cho sự xấu do nguyên tội, con người có một ơn gọi siêu nhiên. Họ vẫn mang hình ảnh Thiên Chúa tận thâm sâu và hình ảnh ấy đã được khôi phục một cách tuyệt diệu hơn nữa nhờ chính Đấng là Hình Ảnh duy nhất chân thực của Chúa Cha. Con người là tội nhân, nhưng lại là tội nhân được tha thứ, được thánh hóa, được tẩy sạch, được đưa vào lòng của Chúa Cha.

Khoa nhân học toàn diện thống nhất

Theo ánh sáng này, “Nhân loại, mọi con người, có một nền tảng linh thánh mà họ phải khám phá, để đi xa hơn chính mình và nó dẫn xa hơn bản ngã: Thiên Chúa.”[29] Pascal nói rõ “con người vượt trên chính mình” (L’uomo supera infinitamente l’uomo) Đức tin nhìn con người rất mới, ngay cả giữa tội lỗi nữa, vì
“đức tin không phải là một cái gì rời rạc hoặc chỉ liên kết chặt chẽ với cái gì là nhân bản, lịch sử, trần thế (tạm bợ) hoặc thế tục, song đúng hơn là sinh lực bên trong những thứ này; nó cho chúng sự soi sáng và ý nghĩa mới và cũng siêu việt chúng, trải rộng chân trời của chúng ta vượt qua những biên giới của lịch sử.”[30]

Chỗ khác,
“Chúng ta không được tổ chức công cuộc của mình trên nền tảng là sự chia tách giữa điều linh thánh và trần tục. Nhưng đang khi chấp nhận sự kiện là điều linh thánh và trần tục khác biệt nhau, chúng ta cố gắng cho thấy tại sao tất cả công việc đang làm thì đều liên kết và hiệp nhất trong Đức Kitô.”[31]

Con người tốt lành, trưởng thành không phải chỉ là con người có các nhân đức. Đúng hơn, các nhân đức của họ được thống nhất, hòa hợp với nhau quanh một trục chính. Đức tin không để các nhân đức đứng cạnh nhau như trong bản liệt kê các nhân đức trong thần học. Không ít lần, chúng ta trình bày, quan niệm và tập tành các nhân đức tiếp liền theo nhau. Đời sống như thể chất đống các nhân đức. Quả vậy,
“đời sống thiêng liêng không hệ tại ở một bảng liệt kê những nhân đức rời rạc nhau, nhưng đúng hơn hệ tại ở cấu trúc cân xứng hài hòa và hòa điệu với nhau toàn vẹn, trong một sự liên kết hỗ tương và với một vài sự nhấn mạnh vốn tạo thành một diện mạo đặc biệt. Những nhân đức nơi một người đúng hơn là những giá trị và thái độ cốt yếu làm đặc trưng sắc thái một phong cách sống biệt loại nào đó.”[32]

Vậy ra, giáo dục đích thực sẽ là giáo dục đức tin, tức là giáo dục tới đức tin và trong đức tin, mà cốt yếu đưa tới sự thống nhất đời sống. Chắc chắn, các nhà giáo dục sẽ cống hiến cho trẻ cơm ăn áo mặc phần xác, huấn nghệ và cả lương thực nuôi lý trí. Nhưng trên hết, chúng ta giúp rộng mở trước chân lý và kiến tạo sự tự do của chính mình, giúp chúng thưởng nếm những giá trị chân thật sẽ giúp đem chúng đến sự thánh thiện Kitô giáo.[33] Sự thống nhất đời sống này được hiểu là sự thay đổi tận bên trong mà các ngôn sứ nói tới: Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài là chủ của tâm hồn mà thôi.

Giáo dục bằng Loan báo Tin Mừng

Hẳn nhiên, giáo dục và loan báo Tin Mừng là hai hoạt động khác nhau. Giáo dục thuộc diện văn hóa, rao giảng Tin Mừng thuộc diện đức tin. Thế nhưng, coi chúng độc lập, hay tệ hơn, tách biệt là một chuyện khác. Chúng ta đang chứng kiến khuynh hướng cắt nghĩa giáo dục thuần túy dưới diện duy tục. Nó giản lược nhà giáo dục thành thuần túy người cho kiến thức mà thôi. Nhưng sai hẳn. Giáo dục liên quan đến tiến trình nhân vị hóa, “qui chiếu đến tiến trình hấp thụ những giá trị nhân bản phức hợp đang tiến hóa, với mục đích biệt loại của chúng và tính hợp pháp nội khởi.”[34] Nó không liên quan nhiều đến
“việc áp đặt những nguyên tắc cho bằng làm cho tự do ngày một trách nhiệm hơn, liên hệ với lương tâm, phẩm chất chân chính của tình yêu và những chiều kích xã hội… nó có điều gì đó chung với tình cha tình mẹ như thể chia sẻ tiến trình khai sinh nhân bản đối với những giá trị nền tảng như lương tâm, chân lý, tình yêu, công việc, công bằng, tình liên đới, phẩm giá sự sống, công ích, quyền lợi cá nhân. Vì lẽ này nó quan tâm tránh bất kỳ cái gì hạ giá và lệch lạc: ngẫu tượng, bạo lực, ích kỷ, v.v. Mục đích của nó là mang đến sự tăng trưởng của người trẻ từ bên trong, hầu họ trở thành một người lớn có trách nhiệm và cư xử như một người công dân chính trực.”[35]

Như thế, ta thấy không thể cổ xúy một sự tách biệt giữa hai thực tại trên được. Đúng hơn, giáo dục phải lấy khởi hứng từ chính khởi đầu của Tin Mừng và loan báo Tin Mừng đòi buộc ngay từ đầu được thích ứng vào những hoàn cảnh thay đổi của đứa trẻ, thiếu niên, thanh niên. Cách chúng ta loan báo Tin Mừng hướng tới đào luyện những người trưởng thành theo mọi nghĩa của hạn từ. Nền giáo dục của chúng ta nhằm rộng mở trước Thiên Chúa và định mệnh đời đời của con người.”[36] Nền giáo dục như thế phải để ý một vài yếu tố:
“nhân vị là ưu tiên đối với những quan tâm thể chế hay ý thức hệ; chăm sóc đến khung cảnh mà phải phong phú trong những giá trị nhân bản và kitô hữu; phẩm chất và tính kiên định Tin Mừng của lời đề nghị văn hóa được trình bày trong các hoạt động và chương trình; tìm thiện ích chung, cam kết đối với những kẻ thiếu thốn nhất; vấn nạn về ý nghĩa đời sống, cảm thức siêu việt và rộng mở cho Thiên Chúa… Là nhà giáo dục Kitô hữu là người đảm trách công việc giáo dục coi nó như cộng tác với Thiên Chúa trong sự tăng trưởng của nhân vị.”[37]

Loan báo Tin Mừng bằng giáo dục

Loan báo Tin Mừng không bao giờ bị giản lược vào huấn giáo hay phụng vụ mà thôi, nhưng tìm được chỗ của mình trong tất cả những hoàn cảnh sư phạm/văn hóa của giới trẻ. Chúng ta đang nói về đức ái phúc âm được làm thành cụ thể… trong việc cổ xúy và giải phóng người trẻ bị bỏ rơi và để mặc chính mình.

“Loan báo Tin Mừng bằng giáo dục” có nghĩa là biết làm thế nào để cống hiến Tin tuyệt hảo (con người Đức Giêsu) bằng cách thích ứng nó và kính trọng những hoàn cảnh tiến hóa của một người. Người trẻ tìm hạnh phúc, niềm vui sống, quảng đại làm những hy sinh để đạt được điều này, nếu chúng ta tỏ cho chúng một con đường thuyết phục và nếu chúng ta dâng mình như những người bạn có uy tín trên đường. Chúng ta phải là nhà giáo dục và loan báo Tin Mừng. Là người loan báo Tin Mừng chúng ta biết và tìm ra mục tiêu: đem người trẻ tới với Đức Kitô; như nhà giáo dục, chúng ta phải biết làm thế nào bắt đầu từ những hoàn cảnh cụ thể của thanh thiếu niên và thành công trong việc tìm ra phương pháp thích hợp để đồng hành với họ trong tiến trình trở nên trưởng thành. Nếu như mục tử đối với chúng ta không thừa nhận mục tiêu thật là xấu hổ, thì như nhà giáo dục, cũng sẽ xấu hổ nếu chúng ta không thể tìm phương pháp thích hợp để thúc đẩy họ khởi sự trên hành trình và để đồng hành với họ cách khả tín.[38]

III. Những Hệ Quả

1. Những biên cương mới kéo theo những viễn cảnh mới

Không ai nghi ngờ xã hội ngày nay đổi thay phức tạp. Biên cương nghèo đói trải ra xa hơn nhiều. Ngày nay đang nói tới một thứ sa mạc hóa xã hội nhân loại. Quả là từ một xã hội tĩnh sang một xã hội động. Động như thế nào? Xã hội hôm nay “đề cao phẩm giá con người, quyền sống bất khả xâm phạm, tự do tôn giáo, gia đình ở đó bổn phận với xã hội bắt đầu; tình liên đới ở những bình diện khác nhau; sự cam kết chính trị vì một lối sống xã hội dân chủ; những vấn đề xã hội và kinh tế phức tạp; cuối cùng như tổng hợp của tất cả những cái khác, văn hóa (hay những nền văn hóa.)”[39] Cùng với nó, những viễn cảnh mới đang lộ rõ: tiến trình xã hội hóa, giải phóng, trần tục hóa, thăng tiến phụ nữ, Hồi giáo cực đoan, những đòi hỏi những mô hình mới song lệch lạc về gia đình, hôn nhân, v.v. “Các ý thức hệ tuyên bố cần phải thay đổi ngay, kể cả với giá của những phương thế phi nhân và tàn bạo.”[40] Chính con người hoạch định và thực hiện lịch sử. Tương lai liên kết với vị trí trung tâm dành cho thực tiễn, thực hành. Đó là “cách nhìn mới vào những trạng huống và quyết định những ưu tiên, đưa ra những quyết định và giải đáp độc đáo, dẫn tới sự giải phóng xã hội và cá nhân.”[41] Con người muốn mở ra sự chiến thắng của chủ thuyết trần tục (secularism). Viễn cảnh mới đang mở ra cùng với những biên cương mới của sự nghèo túng nhân loại không chỉ là chủ thuyết vô thần, nhưng là vô thần thực tiễn. Tức là con người sống như thể không có Thiên Chúa, không có Ý Nghĩa, không có Chân Lý, Sự Thiện. Mà khi không có Thiên Chúa, thì con người sẽ làm mình thành Thiên Chúa (Dostoevsky). Vậy, đó không là ngẫu tượng sao? Ngẫu tượng không phải là giải thích rằng bất kỳ yếu tố riêng rẽ nào của đời sống con người là tự lập (autonomous) với lề luật Thiên Chúa sao?[42]

2. Những nhấn mạnh mới của tổng hợp đức tin – thiêng liêng – mục vụ

Trước hiện trạng này, Giáo Hội với Vatican II kiên quyết hướng tới con người. “Con người là con đường của Giáo Hội.” Bi quan và lo sợ, có thể là thế, nếu chúng ta thiếu chuẩn bị. Nhưng Vatican II nói cho ta không được quên rằng “các tín hữu đang sống trong một thế giới phát triển không ngừng và chiều kích thế tục của Giáo Hội gắn liền với thân phận lữ hành của mình trong thế giới. Đàng khác giới trẻ phải được đào luyện trong khung cảnh lịch sử của chúng và có thể làm chứng cho ơn gọi Kitô hữu của mình trong những bổn phận nảy sinh từ tính chất trần thế của chúng.”[43] Như vậy, hiểm nguy lớn nhất cho mọi tín hữu là sự chia tách giữa đức tin và đời sống.

Tầm nhìn này cho ta biết phải canh tân huấn giáo ra sao. Với thời gian, khía cạnh nhiệm huấn khi các giáo phụ dạy giáo lý dường như trở nên nhạt dần để thay bằng góc cạnh tri thức. Nếu cần chúng ta đốt giai đoạn để trình bày cho xong các tín điều. Ta có thể thấy điều ấy trong nhiều huấn giáo dự tòng. Chúng ta trình bày giáo lý dưới góc cạnh suy lý hơn là một tri thức sống, kết hiệp và dẫn đến cầu nguyện. Vô tình, đức tin biến thành một trang hoàng đánh bóng cho đời sống con người. Khía cạnh biến đổi, hoán cải ít được để ý tới hơn khía cạnh tòng đạo. Nhưng trong bối cảnh xã hội hiện đại, hài hòa và thống nhất giữa đức tin và lý trí, khát vọng về Thiên Chúa và khát vọng nhân bản đích thực, giữa khoa học kỹ thuật và luân lý chân thật mới mang đến câu trả lời mà con người hôm nay cần. “Mỗi Kitô hữu hãy theo gương Đức Kitô Đấng lao động như một người thợ; họ hãy hãnh diện về cơ hội để thực thi hoạt động trần thế theo một cách thức đến nỗi hòa hợp những sự nghiệp nhân bản, gia đình, nghề nghiệp, khoa học và kỹ thuật với những giá trị tôn giáo, dưới sự hướng dẫn tối cao của chúng mọi sự được sắp đặt cho vinh quang Thiên Chúa.”[44] Đó là chương trình Thiên Chúa muốn hiện thực cho con người.

Vatican II đã cho thấy ơn gọi làm người đích thực và sung mãn là ơn gọi được trở thành con cái Thiên Chúa, đầy tràn Thần khí và được Đức Giêsu phục sinh chiếu soi. Và ngược lại. Đức Giêsu Kitô không là con người hoàn hảo, là Đấng nối kết tuyệt vời nơi chính bản thân mình điều thuộc về con người và điều thuộc về Thiên Chúa sao? “Ngài đã yêu bằng trái tim con người, suy nghĩ bằng khối óc con người, và lao động với đôi tay con người.” Bằng cách đó, Giáo Hội hôm nay tìm được một trực giác thật phong phú: chiều kích phát triển nhân bản trở thành một cấu tố bất khả phân của việc rao giảng Tin Mừng.[45] Đức Gioan Phaolô II đã tóm tắt điều này bằng một lối nói đã trở thành cổ điển: “Con người là con đường mà Giáo Hội phải đi.”

Theo ánh sáng này, sứ vụ rao giảng Tin Mừng không chỉ đóng khung ở việc cải đạo hay trồng Giáo Hội mà thôi.[46] Nó không hệ ở bình diện địa dư, hoặc ngay cả những con số đông đảo hơn.[47]

“Rao giảng Tin Mừng có nghĩa là mang Tin Mừng vào trong tất cả các giai tầng của nhân loại, và qua ảnh hưởng của nó biến đổi nhân loại từ bên trong và làm nó nên mới […] Nhưng không có nhân loại mới nếu trước tiên không có những con người mới được canh tân bởi phép Thánh Tẩy và bằng những cuộc đời, sống theo Tin Mừng.”[48]

Đoạn văn trên cho ta chìa khóa: Tin Mừng đi vào mọi tầng lớp của nhân loại. Nó không hệ ở việc đem lại nhiều thông tin hay kiến thức. Tin Mừng làm đảo lộn “những tiêu chuẩn phán đoán, những giá trị quyết định, những điểm quan tâm, những đường nét tư duy, những nguồn cảm hứng và những khuôn mẫu đời sống của nhân loại, vốn trái nghịch với Lời Chúa và kế hoạch cứu rỗi.”[49] Như thế, thật đúng khi nói rằng rao giảng Tin Mừng là cách giáo dục mới, và ngược lại, giáo dục tìm được ý nghĩa phong phú nhất của mình dưới diện phúc âm hóa.[50]

Suy tư trên làm cho thần học về tạo dựng phải có những dấu nhấn mới ở đó chiều kích nhân học và đặc tính trần thế như tiến bộ khoa học, quyền lợi nhân vị, giá trị của tự do, giá trị của gia đình, công ích, v.v phải được đánh giá đúng. Cũng vậy, thần học đức cậy không còn giới hạn vào những sự sau cùng. Nhưng nay nó chiếu sáng Giáo Hội nhận ra Ađam mới là khuôn mẫu đích thực của nhân loại, là Chúa lịch sử. Giáo Hội không tiến vào một tương lai chung chung và tạm bợ, nhưng vào tương lai siêu việt và dứt khoát của Đức Kitô. Thánh Thần quyền năng đang xây dựng vương quốc trong lịch sử với dấu ấn Đức Kitô phục sinh, cả trong trật tự trần thế của văn hóa và chính trị lẫn trong công việc mục vụ.[51] Hơn nữa, thần học về Giáo Hội nhận rõ tính năng động mầu nhiệm của mình như Thân mình Đức Kitô, Đền thờ Thánh Thần trong lịch sử, Bí tích cứu độ phổ quát, Dân Thiên Chúa trong đó mọi người lãnh nhận ơn gọi nên thánh và cam kết cho cùng một sứ vụ rao giảng Tin Mừng, với những dạng thái chứng nhân khác nhau và phục vụ khác nhau, theo như bậc sống của họ. Theo đó, chân trời của giáo dân trong lãnh vực trần thế và hoạt động mục vụ của Giáo Hội mở rộng thật sự. Lối nhìn về Giáo Hội hiển nhiên phải tập trung đến sự hiệp thông các lực lượng để hiện thực Vương quốc Thiên Chúa.

3. Bốn chiều kích cơ bản trong liên hệ giáo dục-rao giảng Tin Mừng

Chiều kích nhân bản
Đời sống và đức tin gợi nhắc nhau. Khóe nhìn “đức tin là thuốc phiện ru ngủ con người” chẳng thể hiểu đức tin thực sự là gì. Dù đầy đủ và được toại nguyện mọi sự, con người sẽ có lúc phải đối diện trạng huống giới hạn và thiếu thốn. Lúc đó, ta hiểu mình không chỉ nghèo trong nhiều khía cạnh và dưới nhiều hình thức, nhưng nhất là nhận ra cái nghèo tột cùng của con người là gì: nghèo Thiên Chúa.[52] Nhưng kinh nghiệm tôn giáo không có thể trồi hiện mãi đến khi đời sống được khám phá trong ý nghĩa chân thật của nó. Tất cả kinh nghiệm chân thật về đời sống đều làm nổi bật chiều kích tôn giáo. Nó cho thấy giữa tạo dựng và cứu chuộc có sự tiếp nối, chứ không phải rạn nứt.[53] Chính vì thế, các giai đoạn tuổi trẻ có giá trị nhưng cũng bày ra những thách đố cho một người để thành một nhân cách trưởng thành. Chăm chú đến những vấn nạn nảy sinh từ đời sống cá nhân và từ thế giới, ý thức về mầu nhiệm bao quanh mình và cố gắng dò thấu ý nghĩa của nó qua nỗ lực và suy tư quả là cần thiết.[54]

Điều này dẫn tới việc tiếp nhận cuộc sống, chấp nhận chính mình. Không ít người trẻ nghĩ rằng đời của mình không đáng sống vì thiếu những nhu cầu cơ bản. Chính lúc này họ cần nhà giáo dục đức tin ở bên với trí minh mẫn và cõi lòng, giúp họ nhận biết giá trị khôn sánh của cuộc đời như tặng phẩm và như bổn phận. Tầm nhìn đó khiến thiếu niên rộng mở cộng tác với tha nhân, chấp nhận đa nguyên cũng như giới hạn của nhau. Không có nhà giáo dục đức tin, thanh thiếu niên khó lắng nghe tiếng nói nội tâm và học để giải thích những hiện tượng của đời sống xã hội nhân loại, mở rộng tâm trí đến những nguyên tắc luân lý liên hệ mà theo đó họ sẽ thành kẻ ích kỷ hay có trách nhiệm và chia sẻ với tha nhân. Bằng cách đó, câu hỏi về ý nghĩa đời sống và việc tìm kiếm ý nghĩa tối hậu của đời sống bắt đầu hình thành, một cách hiện sinh. Điều này không thể không cần tới nhà giáo dục đức tin, mặc dù cách thức có thể là trang trọng hay tự phát.

“Nơi người trẻ vấn nạn và tìm kiếm ý nghĩa trở thành một lời cầu khấn, nghĩa là ước muốn về một lời đáp trả, một viễn cảnh hay một cách nhìn sẽ giúp giải đáp vấn nạn đặt ra do đời sống, về khởi đầu và kết thúc, về điều cá nhân phải làm để đời sống nên tròn đầy. Đây phải là mục đích của mọi tiến trình giáo dục. Người ta đi qua một kinh nghiệm nhân bản trưởng thành, mà cũng là một kinh nghiệm “tôn giáo” hầu cá nhân có thể thành công đi vào kế hoạch TC cách sung mãn.”[55]

Chiều kích Kitô học
Tăng trưởng nhân bản mà thôi thì không đủ, dù được những nguyên tắc kitô hữu gợi hứng. Giáo dục đức tin đi liền với xác quyết chỉ nơi Đức Giêsu Kitô cuộc sống nhân bản đạt được sự sung mãn. Gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu trong đức tin dưới hình thức “khẩn cầu” sẽ đưa đến hoán cải.[56] Bằng không, kiến thức sẽ hời hợt, mau qua, trừu tượng hay như ý thức hệ chi tiết của một nhóm tôn giáo nào. Nó chẳng phải là lời công bố và lời hứa cứu độ.[57] Để gặp gỡ Đức Kitô, con đường phải theo là qua chứng từ của cộng đoàn đức tin, qua kinh nghiệm Tin Mừng chân chính. Dù muốn dù không, Đức Kitô muốn gặp chúng ta qua những dấu chỉ nơi những người tạo nên cộng đoàn, nơi những thái độ làm ra nơi họ do hoài niệm (tưởng nhớ) về Đức Kitô, nơi việc cử hành lòng sùng mộ kitô hữu.[58]

Do đó, những cử chỉ nhân bản và bộc lộ đức tin của những người gần gũi giới trẻ tạo thành tiếng gọi đầu tiên tới đức tin.[59] Chứng từ này bộc lộ cho người trẻ giá trị phổ quát của đức tin, khi họ học từ những khuôn mẫu rõ ràng của đức ái hay sự cam kết vốn kích thích những động lực của họ và sức mạnh của tình yêu họ đối với Đức Kitô. Đức Kitô dần trở thành nhân vật trung tâm soi sáng cuộc tìm kiếm của người trẻ, trở thành sự sống kích thích những năng lực làm tốt của họ, và như con đường dẫn tới sự hoàn thành chính mình. Đức Kitô trở thành đấng được yêu mến, chiêm ngắm và được theo đuổi với thái độ của người môn đệ. Theo đó, giáo lý phải được đi theo bằng một sự đối diện của đức tin với những vấn đề văn hóa. Ta cảm nghiệm mạnh mẽ và cơ bản những điều này để não trạng đức tin được chín muồi thật sự, một đức tin vốn đòi hỏi sự nhất quán giữa tư duy và đời sống. “Đức tin nhìn nhận sự hiện diện và tình yêu của Cha nở rộ trong một thái độ hiền thảo đối với Ngài (“đạo đức” theo nghĩa đen). Cầu nguyện là ngôn ngữ được Thần khí ban cho ta để đến gần Cha và được khai triển trong nhiều hình thức khác nhau mà truyền thống Kitô giáo bày ra.”[60]

Chiều kích Giáo Hội
Tin vào Đức Kitô đi liền với chiều kích Giáo Hội. Không tin nơi Giáo Hội, đức tin sẽ rất èo uột. Chính vì vậy đòi buộc phải giúp giới trẻ sống kinh nghiệm Giáo Hội, phát triển cảm thức thuộc về Giáo Hội như Dân Thiên Chúa và Thân Mình Đức Kitô ngày một mạnh mẽ hơn. Chúng ta mời gọi người trẻ tích cực thể hiện tư cách thành viên của Giáo Hội trong những nhóm nhỏ (giống như cộng đoàn Giáo Hội cơ bản) để cảm nhận tình bạn và những tương giao liên vị sâu xa của chia sẻ và tình liên đới.

Không chỉ thế, người trẻ cử hành ơn cứu độ nơi các bí tích, nơi Lời Chúa, nơi cầu nguyện. Không thể coi nhẹ điều này. Thách đố chính là chỗ giúp cho người trẻ cử hành các thực tại này như biến cố cứu độ. Thật vậy, “giáo dục để cử hành và giáo dục trong cử hành đều cần thiết ngang nhau.”

Chiều kích vương quốc
Dần dần người trẻ học để chọn ơn gọi. Ở đây, ta không nói chọn nghề nghiệp. Đây là bước trưởng thành không thể thiếu được trong sự tăng trưởng nhân bản và Kitô hữu. Ơn gọi Kitô hữu chỉ được hiểu đúng trong viễn cảnh của Nước Thiên Chúa trong đó Thiên Chúa là nhân vật chính. Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc và con người được “mời gọi chấp nhận tặng phẩm này với tất cả sự sẵn sàng và đặt cược đời mình cho kế hoạch Thiên Chúa.” Theo đó, cần thiết giúp người trẻ khám phá chỗ đứng của mình trong việc xây dựng vương quốc. Nhãn quan ơn gọi khiến người trẻ đi vào nghề nghiệp hay bậc sống một cách năng động và đa dạng. Làm việc ở nhà thương như một nghiệp vụ và như một ơn gọi là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Và như thế, ơn gọi không được phép hiểu hạn hẹp như trước Vatican II, dù vẫn luôn quan tâm hơn đến ơn gọi linh mục, tu sĩ.

III. Như một kinh nghiệm huấn giáo

Đến đây, xin cho phép con dùng kinh nghiệm huấn giáo của mình như một đóng góp rất khiêm tốn trong việc cùng nhau xây dựng định hướng giáo lý trên quê hương đất Việt hôm nay. Khi ở Đalat, con phụ trách về sinh hoạt thanh thiếu niên và giới trẻ của giáo sở Don Bosco. Thời gian đó, các em vừa học giáo lý vừa sinh hoạt giải trí lành mạnh với những phong trào thi đua. Dưới sự dẫn dắt của các huynh trưởng và giáo lý viên, các em cử hành Thánh Lễ theo phong cách trẻ trung đơn sơ của các em mà vẫn giữ được nghi thức và bầu khí phụng vụ. Phong trào thi đua với những cao điểm theo chu kỳ năm phụng vụ dẫn các em nỗ lực cùng nhau học hành, giao lưu, chơi đùa, đi dạo, pinic, cầu nguyện và cả Chầu Thánh Thể nữa. Những phong trào đó “được đỡ đầu” bằng các hội đoàn trong giáo xứ, như một gia đình lo cho con em của mình. Giáo sở mang nặng bầu khí gia đình tươi vui hơn là một cơ cấu. Trong bầu khí đó, các thiếu niên đã trưởng thành một cách độc đáo và hiện nay, nhiều người vẫn còn là những hạt nhân nòng cốt của giáo lý tại địa phương.

Trong những năm tháng du học, con cũng được kêu gọi để phụ trách giúp các thanh thiếu niên trong cộng đồng tín hữu Việt Nam về giáo lý. Con cũng tiếp tục dành thời gian ở giữa thanh thiếu niên đủ mọi kiểu tóc, áo quần. Được một thời gian, cộng đoàn mời gọi con cộng tác lo cho thanh thiếu niên. Tổng quát, chương trình diễn tiến như sau: sau Thánh Lễ, các em có giờ giáo lý. Giờ ra chơi của các em là giờ sinh hoạt chung với nhau, với những phong trào thi đua về trò chơi. Sau đó các em có giờ học Việt ngữ. Chương trình đó chiếm trọn cả buổi chiều ngày Chúa Nhật. Mãi đến 4 giờ chiều mới tan sinh hoạt. Và ít nhất một tháng một lần, các thầy cô trong ban Việt Ngữ, giáo lý viên, và các huynh trưởng phụ trách các phong trào, đều ngồi lại với nhau để lượng giá các vấn đề. Các thầy cô lúc đầu chống đối rất mạnh, vì như vậy họ sẽ phải ở trường lâu giờ hơn, sẽ không được đi shopping và khi chiều về thi thấm mệt. Họ viện lẽ giáo lý đâu có cần sinh hoạt và họ cũng cần có giờ nghỉ ngơi để hôm sau đi làm.

Lắng nghe những yêu cầu thực tiễn và chính đáng của họ, con bình thản trao đổi với họ. Con mời gọi họ xác định một diện mạo “người” nào cho tương lai: một mẫu người toàn diện, hay một mẫu người dị dạng, có đầu rất to, nhưng tay chân và trái tim rất nhỏ. Từ mục tiêu đó, con cho họ thấy rằng không được đánh giá thấp những sinh hoạt vui chơi kia. Chắc chắn, Thánh Lễ là tối ưu. Giờ Giáo lý là bất khả thế. Nhưng khi các em chơi, các em mới học trên thực tế thế nào là yêu người, thế nào là chân thật, thế nào là tình bạn. Khi gặp những va chạm không cố ý, các em mới học biết xin lỗi cũng như biết tha thứ. Bằng không, các bài giáo lý và giảng lễ vẫn chỉ nằm gọn trong trí óc và không thực tiễn. Giờ chơi như vậy không còn chỉ là giờ xả hơi. Đó chính là giờ tập cầu nguyện, tập sống nhân đức bằng hành động. Cũng chính trong giờ chơi đó, thầy cô hòa mình với những giải trí, trò chơi của em. Họ trở thành không chỉ là một thầy cô trên bục giảng trong lớp, nhưng là người bạn, người chỉ dẫn của thanh thiếu niên trong cuộc đời. Lời nhủ khuyên của họ cho các em trong giờ chơi trở thành lời giáo lý thực hành. Trong giờ chơi đó, tất cả làm thành một gia đình. Thầy cô không chỉ lo cho con cái của mình mà thôi, nhưng cho tất cả, không thiên tư. Tuy nhiên, cũng chính trong giờ đó, thầy cô cũng học biết chính mình; đôi khi vì ham thắng, các thầy cô lại bày cho chúng “ăn gian”, “mánh lới”, “luồn lách” luật chơi, và như thế, rõ ràng họ có thể thấy Lời Chúa và giới răn của Chúa thấm vào cuộc đời mình đến mức độ nào. Khi hiểu được như thế, các thầy cô đã chấp nhận. Họ hiểu rằng để tiếp thu một giá trị, để xây dựng một nhân cách toàn diện, không thể nào không trả giá. Chúng ta đầu tư bao nhiêu, chúng ta gặt hái bấy nhiêu. Sau một thời gian, ai ai cũng nhận thấy các thanh thiếu niên của cộng đoàn lớn lên một cách đặc biệt. Và điều đó đã là phần thưởng khôn sánh cho những mệt nhọc của họ. Dần dần, họ bằng lòng trả giá các hy sinh ấy để được những thanh thiếu niên cho tương lai của cộng đồng.

IV. Như lời kết luận

Xin cho phép tôi dùng bài thơ của Gabriella Mistral để hiểu tại sao ta phải hú còi cấp cứu giáo dục.
Tên của nó là “Hôm Nay”
Chúng ta phạm nhiều sai lầm và lầm lỡ.
Nhưng tội tệ nhất ta phạm là bỏ mặc trẻ em,
Là lãng quên nguồn mạch sự sống.
Nhiều điều chúng ta cần có thể đợi chờ.
Nhưng trẻ em lại không thể.
Ngay giờ này từng thớ xương của em đang được hình thành,
Máu của em đang được tạo nên và
Những giác quan của em đang được phát triển.
Với trẻ em ta không thể trả lời “Ngày Mai.”

Đúng thế, trẻ em có tên là “Hôm Nay” đấy. Và ta hãy nghe: Đừng nói với một người ngày mai anh hãy đến lại và tôi sẽ cho anh, nếu con có thể cho nó hôm nay. Dù chúng ta đang gặp khó khăn đến mấy, chúng ta đừng bao giờ nói với trẻ em “ngày mai” tôi sẽ cho em nền giáo dục chân chính.

Đúng là Thiên Chúa muốn từng người và mọi người hạnh phúc. Hạnh phúc ấy hệ tại ở sự hiệp nhất mật thiết giữa thiên quốc và trần thế. Trong vương quốc Thiên Chúa, những giá trị nhân bản không bị phá hủy, nhưng được thánh hóa và nên hoàn hảo. Ước muốn ấy, Ngài thực hiện ngay trong lịch sử hôm qua và hôm nay, chứ không phải trong tương lai bất định. Đức Giêsu hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời. Thiên Chúa không ban cho nhân loại Con Ngài như một trang hoàng hay như một khách du lịch thăm trái đất. Trái lại, Thiên Chúa định cho Đức Giêsu là Khuôn mẫu và Trưởng tử của chúng ta. Người Con ấy lại hòa hợp nơi chính mình thần tính và nhân tính. Nếu vậy, không thống nhất đời sống, chúng ta có nguy cơ trình bày một hình ảnh méo mó về Thiên Chúa, khiến con người ngày nay chống báng và tẩy chay.

Chính vì thế, chiều hướng huấn giáo của chúng ta phải hòa hợp được chiều kích nhân bản, Chúa Kitô, Giáo Hội và vương quốc. Huấn giáo không còn chỉ trình bày tín lý, cách giáo điều, nhưng phải mang tính cách mục vụ cũng như giáo dục hướng tới Con Người Hoàn Hảo.

Lời kêu xin “Maranatha” của sách Khải huyền, của toàn Giáo Hội xưa và nay, của Giáo Hội Việt Nam có lẽ phải chuyển thành lời cầu xin Chúa Giêsu đến và làm chủ tâm hồn giới trẻ chúng ta. Ngài là NHÀ GIÁO DỤC VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG DUY NHẤT MÀ GIỚI TRẺ VIỆT NAM KHAO KHÁT TẬN SÂU THẲM.

________________________________________
[1]X. GS 31. “Trước hết cần phải tổ chức việc giáo dục ngừoi trẻ thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội, làm sao để đào tạo được những người nam và nữ không những tài giỏi về văn hóa mà còn có một tâm hồn cao thượng, bởi vì thời đại chúng ta đang khẩn thiết đòi phải có những người như vậy”; cũng x. Giovanni Mottini, cuộc phỏng vấn của Zenit, “Saving the Africa of the Future” đăng trong Zenit ngày 21.06.2011.
[2]X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 37; cũng xem Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam, số 35-37; Tài liệu làm việc, số 26.
[3]Hồng y Cafarra “Education Emergency. Commitment, beauty and the attempt to educate” ngày 6.11, 2007; được P. Chavez trích lại trong diễn từ kết thúc Salesian Family Spirituality Days 2008, “Educating with the Heart of Don Bosco”.
[4]X.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 43;
[5]X. HĐGMVN, Đề cương Giáo Hội tại VN, số 2-6;Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 4-9.
[6]Hồng y Cafarra, Education Emergency. Commitment, beauty and the attempt to educate” ngày 6.11, 2007; được P. Chavez trích lại trong diễn từ kết thúc Salesian Family Spirituality Days 2008, “Educating with the Heart of Don Bosco”; cũng x. Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Thánh lễ ở Olympic Stadium ngày 2011-06-19.
[7]X. LG 8; Đức Gioan Phaolô II, RH 18, 21.
[8]X. GS 1; 31;
[9]X.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 5; Bruno Forte, “What a Theologian-Pope Tells Theology”, cuộc phỏng vấn do Mirko Testa thực hiện, đăng trên Zenit ngày 25.01.2010.
[10]X. Đức Bênêđictô XVI, SS 4; DCE 28; Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam, số 29; Tài liệu làm việc, số 17-19;Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 3, 4.
[11]X. Đức Gioan Phaolô II, RH 12-17; Bênêđictô XVI, CV 21-33;Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 9.
[12]Vigano, “Don Bosco: Iuventutis pater et magister”, Acts, p. 16.
[13]Vigano, ibid., p. 16.
[14]X.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 36.
[15]Vigano, ibid., p. 16.
[16]X. FABC II; Aloysius Pieris, God’s Reign for God’s Poor, Tulana Research Centre, Sri Lanka, 1999.
[17]Vigano, ibid., p. 16-17.
[18]X. Bênêđictô XVI, DCE 18, 29;Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 41.
[19]X. GS 35, 29.
[20]P. Chavez, “Educating with the heart of Don Bosco”.
[21]P. Chavez, “Educating with the heart of Don Bosco”.
[22]P. Chavez, Giáo dục đức tin cho thanh thiếu niên; cũng x.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 44.
[23]X. P. Chavez, “Education and Citizenship, Forming the Citizen in a Salesian Way”
[24]X.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 32, 37-38; Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam, 25.
[25]P. Chavez, “Education and Citizenship. . .”
[26]P. Chavez, ibid.,
[27]X. Đức Bênêđictô XVI.
[28]Vigano, The New Evangelization, p. 12-13.
[29]P. Chavez, “Education and Citizenship…”
[30]Vigano, Salesian Spirituality for the New Evangelization, p. 12.
[31]FSDB 15.
[32]Cẩm nang giám đốc, chương 6
[33]X. Cẩm nang Giám đốc, chương 5.
[34]P. Chavez, “Educating with the heart of Don Bosco”
[35]P. Chavez, ibid.,
[36]P. Chavez, ibid.,
[37]P. Chavez, ibid.
[38]P. Chavez, ibid.
[39]Vigano, the New Evangelization, p. 7.
[40]Vigano, ibid, p. 9.
[41]Vigano, ibid. p. 9.
[42]Gioan Phaolô II, Oss. Rom. 28-29 Aug. 1989.
[43]Vigano, ibid. p. 8.
[44]GS 43.
[45]Synod 1975; 1980
[46]X. Đức Bênêđictô XVI, DCE 31; Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam, số 26; Tài liệu làm việc, số 18.
[47]X. Đức Phaolô VI, EN 19.
[48]Đức Phaolô VI, EN 18; Cũng x. Pontifical Council for Culture, Towards a Pastoral Approach to Cutlure, số 2-4.
[49]Đức Phaolô VI, EN 19; cũng x. Đức Bênêđictô XVI, SS 4.
[50]X. Đức Gioan Phaolô II; Đức Bênêđictô XVI, Bài nói chuyện ở Pontifical Roman Major Seminary tại Chapel Of The Seminary, ngày thứ sáu, 12 tháng Hai, 2010.
[51]Vigano, op. cit., p. 16.
[52]X. GS 19-21.
[53]X. Các Kinh tiền tụng mùa Phục sinh
[54]X. GS 18; Đức Bênêđictô XVI, Diễn từ cho Roman Ecclesial Congress, “May There Be a Growing Commitment to a Renewed Season of Evangelization”, đăng trên Zenit ngày 14.06.2011.
[55]GC23 148.
[56]X. Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý, số 142-145.
[57]X. Gioan Phaolô II, RH 8; Đức Bênêđictô XVI, SS 16-23.
[58]X. Đức Phaolô VI, MF 35-38; SC 7.
[59]Đức Gioan XXIII nói rằng ngài học được mọi điều cần thiết từ trên gối của mẹ mình.
[60]Công hội 23 của Tu hội Salêdiêng Don Bosco.

Nguon: http://giaolyductin.org/newsview/vn/233/BAI-THUYET-TRINH-2–GIAO-DUC-BANG-PHUC-AM-HOA-VA-PHUC-AM-HOA-BANG-GIAO-DUC.html

BÀI THUYẾT TRÌNH 1: LOAN BÁO TIN MỪNG HÔM NAY VÀ NHỮNG THÁCH THỨC CỦA NÓ

Thuyết trình viên
ĐTGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Nội dung của Đại Hội Giáo lý III là trao đổi về “Giáo lý trong viễn tượng Loan Báo Tin Mừng”. Nói theo tài liệu hướng dẫn Đại Hội thì “Đây là lúc chúng ta khám phá lại căn tính của việc dạy giáo lý bằng cách đặt nó vào khung cảnh của việc Loan Báo Tin Mừng (LBTM)”. Vì vậy, tôi cố gắng trình bày đề tài Loan Báo Tin Mừng thế nào để bài tiếp theo, thuyết trình viên có thể xác định được tương quan và chỗ đứng của việc dạy giáo lý trong công cuộc LBTM.
Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng (8-12-1975) đã đề nghị một trong những nguyên tắc cần được nhấn mạnh đó là:” việc dạy giáo lý là một hoạt động loan báo Tin Mừng nằm trong khuôn khổ sứ mạng lớn lao của Hội Thánh. Từ nay trở đi, hoạt động giáo lý phải luôn luôn được coi là thành phần trong những nhu cầu khẩn thiết và những ưu tư đặc thù của mệnh lệnh truyền giáo cho thời đại chúng ta” (HDTQ số 4). Tông Huấn “Dạy Giáo lý” (16-10-1979) “xác định lại vị trí của việc dạy giáo lý trong khuôn khổ của việc loan báo Tin Mừng”. (HDTQ 5).
Ban tổ chức đã giới hạn việc triển khai đề tài trong một số điểm, để tránh đi tản mác quá xa trong khi thời gian Đại Hội quá vắn vỏi. Trình bày đề tài “Loan báo Tin Mừng và những thách thức của nó” (HDTQ số 46-59) để giúp tham dự viên hiểu ý nghĩa và tiến trình của việc rao giảng Tin Mừng cũng như sự cấp bách và những thách thức của nó do tác động của những thay đổi sâu rộng và mau chóng về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và tôn giáo trên thế giới cũng như trên đất nước”.
Tôi sẽ cố gắng trình bày vắn tắt bốn điểm sau đây:
1. Loan báo Tin Mừng. (LBTM)
2. Tiến trình LBTM
3. Sự cấp bách của việc LBTM
4. Những thách thức của việc LBTM
1. Loan báo Tin Mừng.
Evangelizatio: (Loan báo Tin Mừng – Rao giảng Tin Mừng – Truyền giảng Tin Mừng – Truyền giáo – Phúc âm hóa …) có thể hiểu theo bốn nghĩa:
Nghĩa rộng: bất cứ công việc, công tác nào nhằm làm cho mọi thực tại trần thếtrở nên phù hợp với chương trình của Thiên Chúa, làm cho tinh thần và nội dung Tin Mừng thấm nhập vào các thực tại trần thế đều được coi là LBTM. Ví dụ: một chủ xí nghiệp mời công nhân tới dự một buổi tiệc … Bữa tiệc là việc bình thường, công nhân dùng một bữa tiệc vào dịp này dịp khác (tăng lương, thăng cấp …) cũng là việc bình thường nhưng nếu muốn tổ chức bữa tiệc đó vào dịp lễ Noel để mừng ngày Chúa Giáng sinh thì nó cũng đã góp phần vào việc loan báo mầu nhiệm Thiên Chúa làm Người, loan báo tình thương của Thiên Chúa dành cho con người, cách riêng người lao động, nghèo khó.
Nghĩa hẹp hơn: việc thi hành các hoạt động ngôn sứ, tư tế và vương giả (tức là cộng tác vào ba chức năng của Đức Kitô) đế nhằm xây dựng Hội Thánh theo ý định của Chúa (khác với hoạt động của các tổ chức dân sự hoặc xã hội). Ví dụ: cổ võ hay tổ chức việc đọc kinh tối gia đình để cảm tạ Chúa về một ngày sống đã qua đi trong bình an hay để cầu nguyện cho những nhu cầu tinh thần và vật chất của cuộc sống, hoặc để qui tụ thành cộng đoàn huynh đệ cũng là một cách thức LBTM, vì loan báo Thiên Chúa luôn hiện diện ở giữa loài người, chăm sóc con người, đồng hành với con người và con người có thể gặp gỡ Ngài, chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ Ngài bất cứ nơi nào, lúc nào, với ai …
Nghĩa chặtchẽ: những hoạt động nhằm giúp conngười nhận biết Chúa , sám hối và quay trở về với Chúa, giúp người tín hữu đào sâu đức tin để sống xác tín hơn (loan báoTin Mừng, dạy giáo lý, giảng thuyết, v.v).
Nghĩa chuyên môn: loan báoTin Mừng cho những miền, vùng, quốc gia chưa biết Chúa, chưa bao giờ được nghe nói về Chúa 😦 Ad Gentes :“Đến với muôn dân”, “Đến với lương dân” dưới sự chăm sóc của Bộ Truyền giáo ). Ngày nay, không thể phân chia ranh giới “biết Chúa và không biết Chúa” chẳng hạn như: Trong một vùng, có lẫn lộn những người chưa bao giờ nghe nói về Chúa, nghe nói nhưng không quan tâm, có đạo nhưng sống như không có đạo, đạo tùy mùa tùy dịp …
Ngày nay, khi nói LBTM cách tổng quát, không đặt trong một bối cảnh đặc biệt, thì chúng ta dừng lại ở nghĩa thông thường : đem Tin Mừng của Chúa đến cho người khác, cách riêng cho người chưa biết Chúa, hoặc mới biết Chúa cách mơ hồ, hoặc biết nhưng không gắn bó, biết nhưng đồng thời cũng tôn thờ những ngẫu tượng khác …
2. Tiến trình của việc LBTM
Đức Kitô hôm qua cũng như hôm nay và mãi như thế đến muôn đời nghĩa là: không có gì thay đổi nơi Người. Nhưng con người đón nhận Tin Mừng thì có nhiều khác biệt trong nhận thức, trong nếp sống, trong niềm tin .. Vì thế, cách thức RGTM cũng phải thích ứng với con người, với hoàn cảnh …
Việc rao giảng đầu tiênlà “mạc khải Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người cho những ai chưa biết đến, đó là chương trình căn bản mà Đấng sáng lập Giáo Hội đã giao cho Giáo Hội đảm nhận từ buổi sáng ngày Hiện Xuống (…). Do bởi ngày nay có những hoàn cảnh đức tin Kitô-giáo sa sút, việc loan báo đầu tiên ấy cũng tỏ ra cần thiết hơn mãi cho đông đảo những người đã được thanh tẩy nhưng sống bên ngoài mọi nếp sống Kitô-giáo, cho những người chất phác vẫn có đức tin cách nào đó nhưng lại chỉ biết lờ mờ về các nền tảng của đức tin, cho những nhà trí thức đang cảm thấy nhu cầu hiểu biết Đức Giêsu Kitô dưới một ánh sáng khác với những gì đã được học khi còn bé …” (LBTM 51-52).
Khai Tâm Kitô Giáomà qua đó những người nhờ ơn Chúa quyết định theo Đức Kitô được dẫn nhập vào tín lý, vào đời cầu nguyện và phụng tự, và vào đời sống nhân chứng. Việc khai tâm Kitô giáo được hoàn thành nhờ việc dạy Giáo Lý có liên quan đến việc lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm (Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể) . Việc dạy Giáo Lý này dành cho những người dự tòng (trưởng thành chưa được rửa tội), những người trưởng thành đã được rửa tội nhưng chưa hoàn toàn hiệp thông với Hội Thánh Công Giáo, và những người Công Giáo cần hoàn tất việc khai tâm, hay trở lại sống Đức Tin, và những trẻ em hay thanh thiếu niên đã được rửa tội đang lớn lên trong sự hiểu biết và thực thi Đức Tin Công Giáo. Việc giáo dục và đào luyện Công Giáo có thể xảy ra tại gia đình, tại các trường Công Giáo, tại giáo xứ hay trong các chương trình giáo dục tôn giáo thuộc về phần vụ của tác vụ Lời Chúa.
Kết thúc giai đoạn này, Phụng vụ có “Nghi thức gia nhập Kitô giáo cho người lớn”, một Nghi thức mà nếu chúng ta áp dụng đúng, sẽ mang lại nhiều kết quả thiêng liêng và cũng là một “giáo án” giáo lý rất lý tưởng.
Đại cương chúng ta có những giai đoạn như sau :
1. Giai đoạn 1 : Nghi lễ nhận làm người dự tòng : sau khi đã chấp nhận Tin Mừng và bắt đầu tin, đã hoàn tất giai đoạn bắt đầu tìm hiểu Phúc âm, bắt đầu trở lại, có đức tin và hiểu biết Hội thánh, đã tiếp xúc với LM hoặc một số người của cộng đồng và đã được chuẩn bị để lãnh nhận nghi lễ phụng vụ này. Nghi thức gồm một số nội dung : gặp gỡ đối thoại, từ bỏ việc thờ tự ngoại giáo, làm dấu Thánh giá, đưa vào thánh đường, cử hành Lời Chúa, trao sách Phúc âm.
2. Giai đoạn II : Nghi lễ Tuyển chọn, Thanh tẩy và Soi sáng : Vào đầu mùa Chay là thời kỳ chuẩn bị gần cho việc lãnh nhận các bí tích qua việc cử hành nghi lễ “tuyển chọn”, tức là “nghi lễ ghi danh”. Trong nghi lễ này, sau khi đã nghe lời chứng của người đỡ đầu và người dạy giáo lý, và dựa vào quyết tâm của những người dự tòng, Hội Thánh xét đoán về tình trạng chuẩn bị của họ mà quyết định có nên cho họ chịu các bí tích “vượt qua” hay không… Muốn được ghi vào sổ những người được tuyển chọn, mỗi người phải có đức tin sáng suốt và ý chí cương quyết lãnh nhận các bí tích của Hội Thánh. Tuyển chọn xong, phải thúc đẩy người dự tòng theo Chúa Kitô cách quảng đại hơn.
Hội thánh coi việc tuyển chọn này là mối bận tâm chính đối với những người dự tòng. Do đó, sau khi đã cân nhắc kỷ lưỡng, Giám mục, linh mục, phó tế, người dạy giáo lý, người đỡ đầu và tất cả cộng đồng địa phương, mỗi người tùy chức vị và cách thức của mình, mà bày tỏ ý kiến về trình độ hiểu biết và tiến trình của người dự tòng. Sau cùng, mọi người sẽ tận tình cầu nguyện cho những ai đã được tuyển chọn, để tất cả Hội thánh đều dẫn họ đi đón Chúa Kitô.Thời gian Thanh tẩy và Soi sáng thường ở trong Mùa Chay và bắt đầu từ ngày được tuyển chọn. Trong thời gian này, các người dự tòng cùng với các người địa phương chuyên lo việc thiêng liêng (tĩnh tâm) để chuân bị mừng lễ Phục sinh và bắt đầu lãnh nhận các bí tích. Để đạt mục đích đó, sẽ có những nghi thức khảo hạch, nghi thức trao kinh và nghi thức chuẩn bị trực tiếp.
3. Giai đoạn III : Cử hành các Bí tích Nhập đạo (Rửa tội – Thêm sức – Thánh Thể:Thường cử hành vào Đêm Vọng Phục Sinh. Vì lễ nghi Đêm nầy rất long trọng và chiếm nhiều thời gian, nên có nguy cơ bị cám dỗ rút ngắn và làm nhanh phần nầy, xúc phạm đến sự thánh thiêng của Bí tích và cũng phản giáo dục đối với các Dự tòng đang sốt sắng đón nhận hồng ân Chúa và tham dự vào mầu nhiệm Chúa Sống lại.
Thời kỳ Nhiệm huấn:
Để cho những bước đầu của các tân tòng được vững chắc, ước gì trong mọi hoàn cảnh, họ được cộng đồng tín hữu, các người đỡ đầu và các chủ chăn, chăm chú và tận tình giúp đỡ. Hãy cố hết sức liệu sao cho họ được vui vẻ hòa mình hoàn toàn vào đời sống cộng đoàn. Suốt mùa Phục Sinh, trong các lễ chúa nhật, nên dành chỗ đặc biệt cho các tân tòng. Tất cả các tân tòng hãy cùng với các người đỡ đầu, siêng năng tham dự thánh lễ. Trong bài giảng và tùy nghi, trong lời nguyện tín hữu, nên nhắc nhớ đến họ.
Cuối mùa Phục Sinh, khoảng lễ Hiện Xuống, để kết thúc thời kỳ nhiệm huấn, nên tổ chức một cuộc lễ nào đó, thêm cả những hình thức long trọng bề ngoài theo thói quen địa phương.
Ngày giáp năm lãnh nhận bí tích Rửa tội, ước mong các tân tòng họp nhau lại để tạ ơn Thiên Chúa, trao đổi với nhau những kinh nghiệm thiêng liêng và lãnh thêm sinh lực mới..
Để bắt liên lạc mục vụ với các phần tử mới trong Giáo Hội của ngài, Đức Giám mục phải liệu làm hết sức để có thể ít là mỗi năm một lần, tập họp các tân tòng lại và chủ sự một thánh lễ, trong đó ngài cho họ rước lễ dưới hai hình, nhất là khi chính ngài đã không chủ sự được các bí tích nhập đạo.
Việc dạy giáo lý thường trựccho những người đã được hoàn toàn khai tâm vào Đức Tin để giúp họ đào sâu kiến thức và thực thi Đức Tin suốt đời.
Tham gia Phụng Vụ Thánhmà một phần trong đó là tác vụ Lời Chúa (phần quan trọng nhất là bài giảng; cũng gồm cả những lời chỉ dẫn trong khi sửa soạn và cử hành các Bí Tích). Chính việc tham dự Thánh Lễ phải được coi là “một phương tiện chính trong việc giáo dục Đức Tin”.
Học Thần Học Thánhmà để qua đó chân lý Đức Tin được nghiên cứu một cách có hệ thống và khoa học để có thể hiểu các chân lý này cách tường tận hơn .
3. Sự cấp bách của việc LBTM
Giáo Hội ý thức sâu sắc rằng lời Đức Giêsu : “Ta phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa” (Lc 4,43) áp dụng hoàn toàn chính xác cho mình. Tất cả nơi Đức Kitô là loan báo Tin Mừng : Nhập Thể, phép lạ, giảng dạy, chiêu tập môn đệ, ban Thánh Thần và sai đi, chết và sống lại, hiện diện thường xuyên …
Giáo Hội đón nhận lời của thánh Phaolô, nhà truyền giáo lớn nhất của Kitô giáo như một lời nhắc nhở thường xuyên cho mình : “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9,16).
Vì thế, Giáo Hội khẳng định : “Chúng tôi muốn xác định một lần nữa rằng nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho mọi người là sứ mệnh chính yếu của Giáo Hội” (Tuyên bố của các Nghị Phụ 10/1974). … “Thật vậy, rao giảng Tin Mừng là ân huệ và ơn gọi đặc biệt của Giáo Hội, là chân tính sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu để loan báo Tin Mừng, nghĩa là để rao giảng và dạy dỗ, làm kênh rạch chuyển thông ơn thánh, giải hòa tội nhân với Thiên Chúa, làm cho cuộc tế hiến của Đức Kitô vẫn tồn tại mãi trong thánh lễ là lễ tưởng niệm Người chịu chết và sống lại vinh quang” (Phaolô VI, LBTM, 14).
Trong Sứ điệp ngày Truyền Giáo năm 1974 (20/10/1974), Đức Phaolô VI nói : “Không những việc truyền giáo là hết sức cần thiết, mà còn là việc cấp bách phải làm ngay. “Tình yêu Chúa Kitô thúc bác chúng ta” (2 Cr 5,14). Từ khi thánh Phaolô thốt lên lời đó cho đến hôm nay, tình trạng truyền giáo trong thế giới có nhiều điểm bắt chúng tôi phải âu lo và buồn lòng. Việc thừa sai truyền giáo đã diễn tiến quá chậm. Người ta quen nói, để chữa mình, là Giáo Hội phải bắt chước Chúa mà nhẫn nại. Đúng, Chúa nhẫn nại vì Chúa hằng có đời đời ; Chúa có giờ của Chúa, và dù nôn nóng đến đâu chúng ta cũng không nên kẻo sớm hơn giờ của Chúa. Tuy nhiên, chúng ta quên rằng chính chúng ta, vì ích kỷ đáng tội, vì biếng nhác, vì thiếu nhiệt tâm trong việc truyền giáo, mà nói được là chính chúng ta bắt Chúa phải nhẫn nại, phải đặt chân trong lối bước đi quá chậm chạp của chúng ta. Đang khi Chúa là Tình Yêu, và vì thế, Chúa nôn nóng thông ban Mình cho con người. Chính Chúa Cứu Thế đã nói lên lời này, lời nóng bỏng như một dòng nước lửa của hỏa diệm sơn, là : “Ta đem lửa xuống đất này mà Ta không tha thiết cho nó cháy lên sao ?” (Lc 12,49).
4. Những thách thức của việc LBTM.

a. Tình trạng chung :
ĐTC Biển Đức XVI đã cho công bố Tông Thư Tự Sắc của ngài về quyết định thành lập Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.Tự sắc mang tựa đề “Ubicumque et semper” (“Ởmọi nơi và mãi mãi”), trong đó sau khi nhắc đến nghĩa vụ ngay từ đầu của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô, ĐTC nói đến hiện tượng nhiều nước Kitô giáo kỳ cựu đang chịu ảnh hưởng nặng nề của trào lưu tục hóa, xa lìa đức tin Kitô, trào lưu vô thần thực hành lan tràn cùng với sự dửng dưng đối với tôn giáo. Ngài viết: “Một đàng nhân loại ngày nay được những lợi ích tỏ tường do những biến đổi xã hội, những tiến bộ vượt bực của khoa học và kỹ thuật… và Giáo Hội được kích thích nhiều trong việc làm chứng về niềm hy vọng của mình (Xc 1 Pr 3,15), nhưng đàng khác người ta nhận thấy có sự đánh mất đáng lo âu về ý nghĩa thánh thiêng, và người ta đi đến độ đặt lại vấn đề về những nền tảng trước kia không hề bị tranh cãi, như niềm tin nơi một Thiên Chúa đấng sáng tạo và quan phóng, mạc khải của Chúa Giêsu Kitô đấng cứu độ duy nhất, và quan niệm chung về những kinh nghiệm cơ bản của con người như sinh, tử, sống trong một gia đình, sự tham chiếu luật luân lý tự nhiên..Đây chính là “sa mạc nội tâm” chứ không phải là một cuộc giải phóng con người.”
b. Còn Việt Nam chúng ta ?
Theo dòng xoáy của cơn lốc kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, mọi người dân “bị đẩy” vào cuộc chạy đua, và các tín hữu cũng vậy. Tại một số nơi, những giờ kinh truyền thống gia đình đã bắt đầu được thay thế bằng giờ truyền hình đầy hấp dẫn. Đa số các bạn trẻ vùng quê di cư lên thành phố lớn để lao động trong các nhà máy, xí nghiệp. Rời lũy tre làng, các bạn bắt đầu tự lập ở chốn phồn hoa, với nhiều lôi cuốn. Nhiều bạn sống buông thả, sống thử trước hôn nhân; và hậu quả là không ít những ca nạo phá thai là người Công giáo. Bên cạnh đó, viện cớ mưu sinh, nhiều người đã không còn sống đạo. Họ chấp nhận những gian dối trong thi cử, làm ăn để miễn sao có địa vị và giàu có.
Nhiều người nhận xét rằng, đời sống đức tin của giáo dân Việt Nam không sâu. Hình như đang thịnh hành một lối giữ đạo hình thức: tất cả đều muốn biểu dương ra bên ngoài, từ việc cầu nguyện, phụng vụ và sinh hoạt giáo xứ. Giáo dân giữ đạo theo phong trào. Các buổi rước kiệu, dâng hoa, chầu lượt, kính thánh bổn mạng… mang nặng tính chất “hội” nhiều hơn “lễ”. Trình độ giáo lý của giáo dân còn thấp, giáo dân dường như còn “xa lạ” với Tin Mừng. Vai trò của Giáo dân trong Giáo Hội còn mờ nhạt.
Kết luận : Vì vậy phải Tân Phúc âm hóa :
Xưa cũng như nay, chỉ có một Phúc Âm hay Tin Mừng duy nhất, trường cửu : “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy đến muôn đời” (Dt 13,8). Tuy nhiên trong một xã hội đa dạng, phức tạp và thay đổi không ngừng như xã hội chúng ta, dĩ nhiên phương pháp và cách thế loan báo Tin Mừng phải luôn luôn được cập nhật hóa, ngõ hầu đáp ứng nhu cầu và yêu sách đặc biệt của thời đại. Đối diện với tình trạng thụ động, thờ ơ, buông xuôi, hờ hững với sứ vụ sống và rao truyền Tin Mừng của rất nhiều người Công giáo thời nay, yêu cầu tiên quyết là làm sao có được một khí thế và sự nhiệt thành mới. Hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần những tín hữu biết đào sâu đức tin, sống trung thực với lý tưởng của mình và can đảm, hăng say, nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho những người chung quanh.
Ngay từ buổi đầu triều đại Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II, “Tân Phúc Âm hóa”(có khi gọi“Tái RGTM”)đã trở thành một đề tài quan trọng, thường xuyên được ngài đề cập trong các văn kiện, nhất là trong các cuộc viếng thăm mục vụ ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ châu La tinh và Âu châu. Trước ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, “Tân Phúc Âm hóa”, hiểu theo nghĩa “mới trong sự nhiệt thành, trong phương pháp, trong lối diễn tả”( ngỏ lời trước Hội nghị các Giám mục Mỹ châu La tinh họp tại Port-au-Prince, Haiti, ngày 9 tháng 3 năm 1983, Đức Gioan Phaolô II đã xác định rõ như vậy) đã trở thành chương trình mục vụ chung của toàn thể Giáo Hội Công giáo.
Cũng trong chiều hướng ấy, ngày 28-06-2011, trong giờ Kinh Chiều, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tuyên bố thành lập Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm hóa. Hội đồng này có nhiệm vụ “cổ võ việc đổi mới công cuộc truyền giáo tại các quốc gia mà đức Tin đã được loan báo sớm nhất và Giáo Hội đã được thiết lập từ lâu, nhưng nay xã hội đang bị tục hóa và mất dần cảm thức về Thiên Chúa”. ĐTC công bố : “Sau khi đã tham khảo hàng giám mục trên toàn thế giới và đã hội ý với hội đồng thường trực của văn phòng tổng thư ký THĐGM, tôi đã quyết định triệu tập THĐGM thế giới sắp tới vào năm 2012 với chủ đề như sau: “Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin Kitô giáo”.
Việc LBTM đã khởi sự từ chính Đức Giêsu Kitô và tiếp nối bởi Giáo Hội từ thời các thánh Tông đồ cho đến thời đại chúng ta.Mọi thành phần Dân Chúa được mời gọi tham gia vào sứ mệnh này do chính bản chất của Hội Thánh là Truyền Giáo và mỗi tín hữu bởi chính bí tích Rửa tội và Thêm sức. Tuy nhiên, trong Giáo Hội, thành phần giáo dân là tuyệt đại đa số, hiện diện trong mọi nơi chốn, hoạt động trong mọi lãnh vực. Nếu thành phần lại thờ ơ, lãnh đạm với công cuộc Truyền giáo thì chắc chắn việc LBTM không thể thực hiện như ý Chúa muốn là Tin Mừng phải được loan báo “cho đến tận cùng trái đất”. Vì vậy, để kết thúc bài chia sẻ này mà chắc mọi người đều nhận thấy còn rất nhiều thiếu sót, tôi xin lăp lại lời của ĐTC Chân Phước Gioan Phaolô II ngõ với Giáo Hội toàn cầu, cách riêng là với Giáo Hội tại Châu Á : “Như Công Đồng Vatican II đã chỉ rõ, ơn gọi của giáo dân đặt họ ngay vào trong thế giới để thi hành những phận vụ đa dạng nhất, chính tại đây họ được mời gọi loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Do ân sủng và do tiếng gọi của bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, mọi giáo dân đều là nhà Truyền giáo, và địa bàn truyền giáo của họ là cả một thế giới rộng lớn và phức tạp như : chính trị, kinh tế, công nghiệp, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỷ thuật và thể thao. Tại nhiều nước Á Châu, người giáo dân đang phục vụ như những nhà truyền giáo đích thực, vì họ có thể tiếp xúc với những anh chị em Á Chấu, những người không có điều kiện gặp gỡ các giáo sĩ và tu sĩ. Tôi xin gửi lời cám ơn của toàn thể Giáo Hội đến họ, và tôi khuyên tất cả các giáo dân hãy nhận lấy vai trò riêng của mình trong đời sống và sứ mạng của Dân Chúa, là làm chứng cho Đức Kitô ở bất cứ nơi nào mình có mặt”.

Nguon: http://giaolyductin.org/newsview/vn/231/BAI-THUYET-TRINH-1–LOAN-BAO-TIN-MUNG-HOM-NAY-VA-NHUNG-THACH-THUC-CUA-NO–.html

BÀI THAM LUẬN 2: DẠY GIÁO LÝ, PHƯƠNG THẾ GIÁO DỤC VÀ CỦNG CỐ ÐỨC TIN

Thuyết trình viên
Nt Maria Nguyễn Thị Bạch Tuyết, MTG Thủ Thiêm

Ðức tin là ân huệ Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người, nhưng con người có tự do để đón nhận hay từ chối. Tư tưởng này được Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI giải thích rõ hơn: “Niềm tin tôn giáo luôn có sẵn trong tâm hồn mỗi người, nhưng bộ phận cảm ứng nội tâm dành cho Chúa trong ta không đương nhiên hoạt động như một cái máy kỹ thuật mà nó như một thứ sống động, hoặc là cùng lớn lên với con người, hay là chai cứng đến độ có thể gần như chết khô. Nếu nội tâm ta luôn làm việc với bộ cảm ứng đó, nó càng ngày càng trở nên sắc bén, bằng không nó sẽ teo lại và như bị chôn vùi dưới ảnh hưởng của thuốc tê.”[1] Như vậy, đức tin chính là sự chấp nhận của trí tuệ đối với chân lý mà Thiên Chúa đã mạc khải cho loài người trong Ðức Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần và qua Giáo hội. Đức tin là một tiến trình thăng trầm trong phận người. Quả thật, có những lúc con người đầy xác tín nhưng không thiếu những khi khắc khoải đi tìm lời giải đáp cho vấn nạn đức tin. Chúng ta thấy rõ điều này khi đọc lại Lịch Sử Cứu Ðộ: dân Itraen đã phải trải qua biết bao thử thách để đi đến xác tín vào Thiên Chúa độc nhất; các Tông đồ đã theo Thầy Giêsu một thời gian khá lâu, cứ ngỡ rằng mình đã hoàn toàn tin tưởng vào Thầy, nhưng rồi các ông đã phải xin với Thầy “Xin ban thêm đức tin cho chúng con”, hạnh các Thánh cũng chứng minh rất rõ điều này.

Ðức tin là một tiến trình. Nói cách khác, “đức tin là một con đường và bao lâu còn sống thì con người còn đi trên đường, và vì vậy, đức tin vẫn luôn bị đe dọa và chèn ép […]. Ðức tin chỉ có thể trưởng thành, khi trong mọi giai đoạn cuộc sống, nó đủ sức chấp nhận và chịu đựng sức mạnh cũng như sự o ép của không tin, cuối cùng thắng vượt chúng để lại bước đi tiếp trên một đoạn đường mới.”[2]Chính vì thế đức tin cần được giáo dục và được tôi luyện để trở nên trưởng thành. Dạy giáo lý chính là phương thế hữu hiệu để giáo dục đức tin.

Kể từ sau Công Ðồng Vaticanô II, Hội Thánh Công giáo đã tái khám phá ra rằng truyền bá đức tin hay giáo dục đức tin là một cuộc gặp gỡ cá vị với Ðức Kitô, được thực hiện nhờ Thánh Kinh và Thánh truyền sinh động của Hội Thánh, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.[3] Ðiều này đã được Thánh Bộ Giáo Sĩ nhấn mạnh: “Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người không những được tiếp xúc, mà còn được thông hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô.”[4]Ðây chính là nét độc đáo của giáo dục đức tin.

Nội dung bài chia sẻ trình bày bốn điểm sau đây:
– Nét độc đáo của sư phạm đức tin;
– Những bước cơ bản trong tiến trình khai tâm Kitô giáo;
– Nhìn lại tình hình chung việc thực hiện giáo dục đức tin;
– Hướng giải quyết.

1. Nét độc đáo của sư phạm đức tin: gặp gỡ Thiên Chúa

Như chúng ta đã biết, việc học giáo lý không giống như việc học các bộ môn văn hóa khác. Chính Ðức Giáo Hoàng Bênêdictiô XVI đã khẳng định trong tác phẩm “Thiên Chúa và Trần Thế”: “Niềm tin vào Thiên Chúa không phải là một kiến thức mà tôi có thể học được, như tôi học toán hay hóa học […]. Bởi đức tin đòi hỏi toàn lực đời sống, ý chí, tình yêu và bước ra khỏi mình”. Quả thật, việc giáo dục đức tin có một nét độc đáo riêng. Người thụ huấn được mời gọi đi vào cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa một cách tự do bằng đối thoại với Ngài và nhận ra những giáo huấn của Ngài để hoán cải nội tâm. Nhờ đó, họ cảm nhận niềm hạnh phúc của người có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa vàbày tỏ những cảm nhận sâu sắc này raqua lời nói cũng như hành động. Chúng tacó thể tóm tắt tiến trình gặp gỡ Thiên Chúa qua 3 chữ: mở trí (đối thoại, tìm hiểu), mở tâm (mở lòng để đón nhận, đi đến hoán cải nội tâm) và mở tay (đáp trả bằng cuộc sống và lời rao giảng).

a. Mở trí: đối thoại

Qua những cuộc gặp gỡ giữa Ðức Giêsu và các nhân vật trong Tin Mừng, chúng ta nhận ra Ðức Giêsu luôn mời gọi con người đi vào cuộc đối thoại để đón nhận mạc khải của Thiên Chúa. Ví dụ: trong cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samari, hoặc với ông Giakêu, người thu thuế, Ðức Giêsu đã có cuộc đối thoại, trò chuyện và mạc khải về Thiên Chúa, Ðấng Cứu độ đầy yêu thương và tha thứ.

Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở gặp gỡ và đối thoại thì chưa đủ. Có rất nhiều người đã nghe và đối thoại với Ðức Giêsu, nhưng tâm hồn họ vẫn còn đóng kín. Như vậy, mở trí làbước khởi đầu củatiến trình gặp gỡ với Thiên Chúa. Mở trí chuẩn bị cho bước chính yếu kế tiếp, mở tâm (hoán cải).

b. Mở tâm: hoán cải

Từ sự gặp gỡ và đối thoại với Ðức Giêsu, con người cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu mời gọi họ nhận ra tình trạng hiện tại của bản thân và hoán cải. Khi gặp gỡ Giakêu, Ðức Giêsu đã không đòi hỏi ông bất cứ điều gì, ngoài lời đề nghị: “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”Lời đề nghị này đã làm ông rung chuyển cõi lòng. Thật vậy, Giakêu đã cảm nhận được tình yêu thương của Thiên Chúa một cách sâu sắc. Thiên Chúa đã không chê ghét ông như những người đồng hương sống chung quanh ông. Ðối với họ, ông chỉ là kẻ tội lỗi. Cuộc đối thoại với Ðức Giêsu đã giúp ông Giakêu bắt gặp chân dung một Thiên Chúa từ nhân. Cảm nhận được Thiên Chúa yêu thương, Giakêu đã hoán cải và thay đổi cuộc sống. Khi gặp gỡ người phụ nữ Samari, Ðức Giêsu đã đưa chị đi vào cuộc đối thoại về một đề tài rất đời thường, đề tài “nước”. Qua hình ảnh quen thuộc này, Ngài hướng dẫn chị hiểu biết về một loại nước khác, “Nước Hằng Sống”. Ðức Giêsu còn mạc khải cho chị rằng chính Ngài là Ðấng ban nước hằng sống, là Ðấng Messia là Ðấng Kitô. Từ cảm nghiệm về cuộc gặp gỡ này, người phụ nữ Samari đã bày tỏ lòng sám hối cách tự nguyện như ông Giakêu đã làm. Sự chân thành đối thoại và ước muốn thay đổi đời sống đã đưa dẫn đưa họ đến với đức tin. Họ chọn lựa thay đổi và sẵn sàng chấp nhận trả giá cho những chọn lựa của chính họ.

Qua những ví dụ nêu trên, chúng ta thấy giai đoạn nội tâm hóa rất quan trọng trong tiến trình giáo dục đức tin. Đây chính là giai đoạn mà bản thân người thụ huấn phải quyết định cho việc hoán cải chính họ. Theo tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới, cuộc hoán cải trong việc giáo dục đức tin rất quan trọng và cần được duy trì[5] để giúp con người ngày càng đạt đến sự hoàn thiện như lời mời gọi của Ðức Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện”(Mt 5, 48). Và Ðức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI cũng nhấn mạnh: “Sẽ không có được thật nhiều tín hữu, nếu nội dung rao giảng không nhập được tâm của họ, để họ có thể thốt lên rằng: Ðúng, những gì tôn giáo nói quả là những điều tôi cần”[6]. Đức Thánh Cha đưa ra ví dụ cụ thể tại chính quê hương của ngài, nơi chương trình và việc dạy giáo lý trong trường học đều do các giáo phận đảm trách: “Ở nước Ðức, các em từ 9 tới 13 tuổi được học giáo lý trong trường học. Nhưng rồi tại sao chẳng còn gì đọng lại nơi các em, thật không hiểu nổi!”[7]Như vậy, Ðức Thánh Cha muốn nhấn mạnh, nội tâm hóa những điều đã học trong giáo lý là yếu tố thiết yếu trong giáo dục đức tin. Như vậy chúng ta có thể hiểu được nguyên nhân sâu xa tại sao cùng một bài giảng, cùng một thầy dạy là Ðức Giêsu nhưng người này tin, kẻ khác lại chống đối. Thực tế cho chúng ta thấyrằng cùng được giáo dục như nhau, có người có đức tin, nhưng vẫn có người thờ ơ và vô tâm.

c. Mở tay: đáp trả

Ðức tin được biểu hiện ra bằng hành động cụ thể. Thánh Giacôbê đã khẳng định: “Ðức tin không có việc làm là đức tin chết.”Thật vậy, những người đã tin phải có cuộc sống đi đôi với điều họ tin. Khi cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa và tin vào lòng nhân hậu và tha thứ của Ngài, Giakêu đã tự thay đổi để sống đúng phẩm giá, đúng lẽ công bình và bác ái. Khi nhận ra được chân dung của Thiên Chúa và yêu mến Người, người phụ nữ Samari đã trở thành môn đệ đích thực của Chúa: “Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Ðức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng”(Ga 4,39). Quả thật, khi cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời, con người không thể im lặng để chỉ giữ riêng cho bản thân nhưng họ có nhu cầu chia sẻ niềm vui này cho mọi người bằng nhiều cách, bởi vì “Niềm vui được chia sẻ là niềm vui được nhân đôi”. Tuy nhiên, chia sẻ niềm vui được ơn đức tin không phải là một việc tùy ý nhưng là một trách nhiệm của mọi người, vì đã là Kitô hữu có nghĩa là phải truyền giáo. Nếu là người yêu mến đức tin, người Kitô hữu có trách nhiệm phải làm chứng cho đức tin, thông truyền đức tin đến người khác để có thêm nhiều người tham dự vào niềm tin Kitô. Thiếu nhiệt huyết truyền giáo là thiếu nhiệt tình với đức tin[8].

Như vậy, giáo dục đức tin là cuộc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa, đối thoại với Ngài, cảm nhận được tình yêu của Ngài để rồi sống và loan báo niềm vui được yêu thương cho anh chị em xung quanh.

2. Bảy bước căn bản của phương pháp Khai tâm Kitô giáo[9]:

Trong Huấn giáo, cuộc gặp gỡ Thiên Chúa được xem là những bước trong tiến trình khai tâm Kitô giáo. Khai tâm Kitô giáo chính là mở lòng con người ra đón nhận mạc khải: Thiên Chúa tỏ mình ra nơi Ðức Giêsu, nhờ Thánh Thần và qua Giáo hội, mà biến cố trọng tâm của kinh nghiệm Kitô giáo là cái chết và sự phục sinh của Ðức Kitô, để hoán cải đời sống và hiệp thông trong đời sống mới nơi Ðức Kitô.

Khi áp dụng phương pháp khai tâm Kitô giáo, người giáo lý viên cần lưu ý bảy điểm sau:
a. Việc khai tâm đòi hỏi sự tự do của con người (chủ động, ý thức và có trách nhiệm[10]): Giáo lý viên phải tôn trọng học viên giáo lý nhưlà anh chị em trong đức tin trên đường bước theo Ðức Kitô.
b. Việc khai tâm đòi hỏi một lộ trình (lộ trình lâu dài và mạo hiểm): Giáo lý viên là người cùng đi với học viên trên lộ trình, nhưng người học không thuộc về giáo lý viên. Mặc dù chia sẻ những kinh nghiệm bản thân về các vấn đề trong cuộc sống cho học viên, nhưng giáo lý viên phải nhớ “Vai trò riêng biệt của việc dạy giáo lý là tỏ cho biết Chúa Giêsu Kitô là ai, về đời sống mầu nhiệm của Người, cũng như trình bày đức tin Công Giáo như là việc bước theo Người”[11]. Lộ trình này được thực hiện dưới tác động của Chúa Thánh Thần.
c. Việc khai tâm lấy nguồn từ Kinh Thánh (qua đó cho thấy Thiên Chúa luôn hiện diện với con người): Chính Chúa Thánh Thần ban sự hiểu biết thiêng liêng về Lời Chúa cho người đọc cũng như người nghe tùy theo sự chuẩn bị tâm hồn[12]. Qua Mạc Khải, Thiên Chúa ngỏ lời và đối thoại với con người như bạn hữu để họ hiệp nhất với Ngài[13].
d. Việc khai tâm đòi hỏi kinh nghiệm của một truyền thống sống động(cộng đoàn sống đức tin): Cần có sự lưu truyền từ truyền thống, kinh nghiệm của cộng đoàn và những chứng từ sống động từ các thánh.[14]
e. Việc khai tâm đòi hỏi những bước theo tiến trình giáo lý dự tòng(tiền dự tòng, dự tòng: nhận biết -hoán cải -gia nhập cộng đoàn -cầu nguyện -sống bí tích -làm chứng cho niềm tin, cảm nghiệm được Chúa yêu và được nâng đỡ qua giáo lý. Sau khi thấm nhuần tình yêu và ân sủng, sẽ đem tình yêu và ân sủng Chúa đến cho anh chị em).
f. Việc khai tâm đòi hỏi một động lực của sự chọn lựa (đáp trả tình yêu và ân huệ của Thiên Chúa qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ðức Kitô, bằng sự tín thác vào Chúa và sống đời sống luân lý Kitô giáo và yêu thương anh em).
g. Việc khai tâm đòi hỏi một sự cởi mở đối với sự da dạng văn hóa (“-đánh giá cao về phương tiện truyền thông đại chúng, tùy theo chức năng chuyên biệt của truyền thông mà giữ sự quân bình giữa ngôn ngữ hình ảnh và ngôn ngữ lời nói ; – bảo vệ ý nghĩa tôn giáo đích thực ; khuyến khích việc tạo nên phương tiện huấn giáo dành cho việc truyền thông đại chúng”[15], nhằm khám phá căn tính của mình và tìm ra ý nghĩa cuộc sống để dẫn đưa đến tương quan mới trong thời khoa học hiện đại, nghệ thuật…).

3. Tình hình chung hiện nay

a. Thuận lợi:
Giáo lý viên: Nhìn chung, việc giáo dục đức tin tại các giáo phận đã được tổ chức một cách hệ thống tương đối chặt chẽ. Có nhiều yếu tố tích cực: Đội ngũ giáo lý viên đông, việc huấn luyện giáo lý viên dần dần có quy trình rõ ràng, trình độ giáo lý viên nâng cấp bằng những khóa thần học tại các giáo phận. Nhiều nơi các cha xứ mời các chuyên viên giáo lý để tổ chức các khóa huấn luyện nhằm giúp giáo lý viên học tập và đào sâu sự hiểu biết về giáo lý. Riêng tại giáo phận Kontum việc đào tạo các giáo phu để dạy giáo lý cho các dân tộc thiểu số cũng được quan tâm. Việc dạy giáo lý có nhiều khởi sắc. Phần đông, anh chị em giáo lý viên đã cố gắng ứng dụng các phương pháp quy nạp, diễn giải hoặc trực giác vào giờ dạy giáo lý. Một số nơi vẫn áp dụng phương pháp giáo lý hỏi -thưa.

Phương pháp hỏi -thưa rất thích hợp cho người bình dân, bởi vì phương pháp này không nhằm giải thích toàn bộ tín điều Kitô giáo, hay giải thích những điều cao siêu, nhưng là dạy cho các tín hữu những mầu nhiệm đức tin, những luật lệ và truyền thống của Giáo Hội Công Giáo mà họ phải theo. Phương pháp này đã được một số đông anh chị em giáo lý viên phối hợp thêm những phương pháp khác như: diễn giải, chủ động… để giờ học được sinh động và bản thân người học được tham gia tìm hiểu Lời Chúa, cũng như đưa ra những điều cần thực hiện trong cuộc sống của mình.

Học viên: Các học viên tham gia rất đông và theo hạng tuổi, đa số là các em thiếu nhi và thiếu niên. Ngoài ra một số nơi đã tổ chức cho giới thanh niên và trưởng thành cũng như các thành viên trong các hội đoàn Công giáo. Các lớp giáo lý dự tòng và giáo lý hôn nhân cũng được tổ chức thường xuyên tại một số giáo xứ.

b. Khó khăn:
• Giáo lý viên: Tình trạng di dân ảnh hưởng đến nhân sự dạy giáo lý tại các giáo xứ. Một số rất đông thanh thiếu niên rời bỏ làng quê lên thành phố sinh sống đã tạo ra một lỗ hổng trong động ngũ giáo lý viên vùng nông thôn. Ngoài ra, một số giáo lý viên thiện nguyện chưa được đào tạo chuyên môn đầy đủ cũng ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy giáo lý. Hơn nữa, giáo lý viên cũng đối diện với gánh nặng giáo huấn trước sự thờ ơ của gia đình học viên hoặc sự thiếu quan tâm tạo điềukiện cho việc dạy giáo lýcủa một số cha xứ. Giáo lý viên cảm thấy nặng nề khi thi hành nhiệm vụ cao cả này. thêm vào đó, một số giáo lý viên chưa nhận thức đủ vài trò huấn giáo của chính họ, nên họ dạy giáo lý với thái độ thất vọng, thiếu nhiệt huyết, thiếu niềm vui và hy vọng khi trình bày về Chúa. Thậm chí, có những giáo lý viên thiếu đời sống chứng tá tông đồ, điều không thể thiếu nơi người làm công tác giáo dục đức tin. Điều này gây ra những hậu quả nghiêm trọng đôi khi dẫn đến phản chứng. Chính Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã khẳng định: “Con người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn nghe những thầy dạy, và nếu họ có nghe những thầy dạy thì đó là vì những thầy dạy này là những chứng nhân”[16]. Về phương pháp, giáo lý viên đã áp dụng sáng tạo những phương pháp và kỷ thuật mới vào tiết học. Tuy nhiên có nhiều giáo lý viên quá chú trọng đến hình thức nhưng thiếu quan tâm đến nội dung bài học. Từ đó dẫn đến hiệu quả của giờ dạy giáo lý chưa cao.

• Học viên: Một số người cho rằng: học giáo lý để giữ đạo; chỉ cần lãnh các bí tích cần thiết là đủ. Vì vậy rất nhiều bạn trẻ hài lòng với vốn liếng giáo lý “Xưng tội, Rước lễ, Thêm sức”. Họ không chịu tìm hiểu và học hỏi thêm về đời sống đức tin nhờ đó họ sẽ trưởng thành hơn trong đời sống đức tin. Chính đức tin có thể giúp họ đứng vững trong một xã hội mà vật chất đang chiếm ưu thế.

• Ảnh hưởng cách giáo dục xưa: Người Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều theo cách giáo dục Nho giáo. Sự giáo dục này có mặt tích cực là giúp ích cho xã hội bảo tồn tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới và tu dưỡng đạo đức. Tuy nhiên, cách giáo dục này đôi khi mang tính áp đặt, làm cho cá nhân thiếu sáng tạo, thiếu tư duy độc lập, suy tư cá nhân không được đề cao, ngại ngùng khi chọn lựa và sống dựa vào những quyết định của người người lớn. Vì vậy, trong việc giáo dục đức tin, người học cũng dễ rơi vào tâm trạng muốn được dẫn dắt và không có tính tự lập. Điều này làm cho học viên khó có thể trưởng thành trong đức tin.

• Ảnh hưởng của xã hội thiếu tôn trọng sự thật: Bản chất con người luôn hướng về sự thật. Khi con người không tôn trọng và bóp méo sự thật, con người sẽ trầm mình trong dối trá. Điều này gây ra những hậu quả khôn lường cho người khác cũng như chính đương sự. Trong một xã hội mà sự gian dối xảy khắp nơi đến mức báo động, không chỉ nơi thương trường mà cả nơi học đường, những người làm công tác giáo dục đức tin cần quan tâm đặc biệt đến giáo dục lòng yêu mến sự thật.

Thật vậy, việc giáo dục sự thật và ý nghĩa cuộc sống sẽ giúp đào luyện cho cá nhân khả năng sống một cách sung mãn, cống hiến phần độc đáo của mình cho lợi ích chung, và giúp họ có một đời sống trưởng thành trong đức tin. Tin vào Thiên Chúa đồng nghĩa với việc khước từ một cuộc sống bình lặng. Những người tin vào Thiên Chúa phải có một tương quan sâu xa vào Ngài, như thân cây chỉ có thể sống trong giông bão nếu rễ của nó đã đâm sâu và mạnh vào lòng đất, người có niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa cũng có khả năng vượt qua thách đố của cuộc đời.

Giáo dục sự trưởng thành đức tin rất quan trọng. Một soeur đã chia sẻ như sau: Có một cậu bé học viên được soeur dạy giáo lý tại giáo xứ. Sau một thời gian, soeur đi tu và giúp xứ ở những nơi khác nên không gặp lại em. Khi về phép trong dịp xuân năm 2010, ba của soeur đã nói với soeur cậu bé năm xưa muốn gặp và nói chuyện với soeur. Được soeur đồng ý, em đã gặp và thông báo cho soeur biết rằng mùa hè này em sẽ thi vào chủng viện, và em đã xin soeur cầu nguyện cho em. Em thêm rằng: nếu thi không đậu vào chủng viện, em sẽ khó có thể sống tốt được trong xã hội ngày nay. Em đã lo ngại khi làm việc chung với những người không sống thật, từ từ em sẽ nên giống họ. Soeur đã lắng nghe và khuyên bảo em nhiều điều. Trường hợp này làm cho soeur suy nghĩ nhiều về cách thức giáo dục đức tin của mình khi dạy giáo lý. Soeur nhận ra rằng soeur đã chưa làm tròn trách nhiệm của giáo lý viên. Soeur chưa giúp cho đức tin của học viên trưởng thành đủ mạnh để đương đầu với những thách đố và đứng vững trong xã hội hôm nay.

Cũng như bao nhiêu giáo lý viên khác, soeur đặt lại vấn đề về phương pháp dạy giáo lý thực hành và mong muốn thay đổi cách thực hành cho có hiệu quả.

4. Hướng giải quyết

Qua một số dẫn chứng về thuận lợi và khó khăn trong chương trình giáo dục đức tin hiện nay, chúng ta nhận ra một lỗ hổng khá lớn cần khắc phục cả nơi người dạy lẫn người học giáo lý. Tuy nhiên, phạm vi bài chia sẻ này chỉ lưu ý đến những điểm cần khắc phục nơi người dạy.

Nhìn chung còn nhiều giáo lý viên chưa được huấn luyện đầy đủ về:
a. Kiến thức thần học
Để dạy giáo lý đạt kết quả tốt, giáo lý viên cần phải có kiến thức thần học vững chắc.

b. Nguyên tắc sư phạm và tâm lý
Để biết cách truyền đạt hữu hiệu, giáo lý viên cần phải hiểu biết và ứng dụng thành thạo những nguyên tắc sư phạm và tâm lý. Với sự phát triển các phương tiện nghe nhìn, giáo lý viên nên học hỏi ứng dụng công nghệ mới đểgiúp cho buổi học sinh động hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng các phương pháphiện đại vào giáo lý, người dạy giáo lý phải biết chọn lọc và phải nhằm mục đích thiêng liêng. Chính Ðức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã lưuý:“Nếu tiến bộ kỷthuật không đi đôi với tiến bộ trong giáo dục đạo đức conngười, trong sự tăng trưởng con người nội tâm, thì đó chẳng phải là sự tiến bộ, nhưng là một mối đe dọa đối với con người và thế giới.”[17]

c- Niềm tin và xác tín niềm tin vào Thiên Chúa
Ðiều thiết yếu là giáo lý viên phải có kinh nghiệm cá nhân với Thiên Chúa một cách sâu sắc. Bằng cách lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày, giáo lý viên đi sâu vào cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa, gặp gỡ Ngài trong cử hành Thánh Thể, cảm nghiệm tình yêu tha thứ của Ngài nơi Bí Tích Hòa Giải và sống chan hòa tình bác ái với mọi người.

Ngoài ra, khi muốn thay đổi cách thức truyền đạt, giáo lý viên phải quy về Phúc Âm và giáo huấn đức tin để xét lại: Trước hết, cần phân biệt đâu là chân lý đức tin (bất biến), và những ý kiến riêng của các nhà thần học hay trường phái thần học đang trên đường nghiên cứu học hỏi[18]. Thứ đến là điều gì là cái có thể thay đổi theo thời gian? Kế tiếp là điều gì không phải là thành tố thiết yếu? Cuối cùng, điểm quyết định là phải có sự phân định đúng nghĩa (muốn có một giải pháp mới cần có sự phân định đúng đắn: xem, xét, làm).

Tóm lại, cho dù áp dụng bất cứ phương pháp nào, giáo lý viên cần phải biết cách nội tâm hóa và đi theo một luật cơ bản là trung thành với Thiên Chúa và trung thành với conngười[19].

Trung thành với Thiên Chúa: là trung thành với Lời Chúa. Tài liệu Hướng Dẫn Tổng Quát việc Dạy Giáo Lý nhấn mạnh: “Không có việc rao giảng Tin Mừng thực sự nếu danh tánh, giáo huấn, đời sống, các lời hứa, Nước Trời, mầu nhiệm của Chúa Giêsu Nagiarét, Con Thiên Chúa, không được loan báo. Ngay cả những người đã là môn đệ của Ðức Kitô cũng cần được Lời Chúa thường xuyên nuôi dưỡng, để đời sống Kitô hữu của họ được tăng trưởng.”[20]

Trung thành với con người: khi nói đến con người, giáo lý viên cần quan tâm đến một con người cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể. Giáo lý viên cần hiểu biết tâm lý lứa tuổi, hoàn cảnh sống và nhu cầu của học viên để có thể giúp họ nhận ra ý nghĩa của Lời Chúa trong đời sống thường ngày. Nhất là giáo lý viên phải giúp học viên ý thức và chịu trách nhiệm về đời sống cá nhân của chính học, tránh tình trạng học tập một cách thụ động.[21]

Hy vọng sự ý thức và những nỗ lực sáng tạo của các giáo lý viên trong chương trình giáo dục đức tin sẽ giúp xã hội thăng tiến và phù hợp với tinh thần của Tin Mừng.

________________________________________
[1]Bênêdictô XVI, Thiên Chúa và trần thế, tr. 29.
[2]Bênêdictô XVI, ibid, tr. 33-34.
[3]Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải Dei Verbum số 7tt.
[4]Hướng dẫn Tổng Quát việc dạy Giáo lý, số 80.
[5]Tài liệu “Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới thường niên lần XII”, số 19.
6ÐGH Bênêdictô XVI, Ánh sáng thế gian, nhà xuất bản tôn giáo, tr. 174.
7 ÐGH Bênêdictô XVI, ibid, tr. 180.
[8]Tài liệu “Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới thường niên lần XII”, số 10.
9 Texte national pour l’orientation de la catéchèse en France, Conférence des évêques de France, 2006, pp. 46-59.
10 Hướng dẫn Tổng Quát việc dạy Giáo lý, số 167.
11Hướng dẫn Tổng Quát việc dạy Giáo lý, số 41.
[12]Giáo Lý Công Giáo, số 1101.
13 Công Ðồng Vaticanô II, Dei Verbum, số 2.
14Hướng dẫn Tổng Quát việc dạy Giáo lý, số 95.
15Hướng dẫn Tổng Quát việc dạy Giáo lý, số 209.
[16]Phaolô VI, Tổng Huấn Evangelii nuntiandi (8-12-1975) 41: AAS 68 (1976) 31, 32
[17] ÐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi, số 22.
[18]Catechesi Tradendae, số 61.
[19]Tài liệu “Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới thường niên lần XII”, số 14.
[20]Hướng Dẫn Tổng Quát việc dạy Giáo lý, số 50.
[21] X. Hướng Dẫn Tổng Quát việc dạy Giáo lý, số 167.

Nguon: http://giaolyductin.org/newsview/vn/234/BAI-THAM-LUAN-2–DAY-GIAO-LY–PHUONG-THE-GIAO-DUC-VA-CUNG-CO-ÐUC-TIN–.html

GẶP GỠ & ĐỐI THOẠI – MỘT HÌNH THỨC SƯ PHẠM MỚI

Một bậc thầy giỏi, nếu chỉ có những kiến thức uyên thâm thì chưa đủ. Người ấy còn phải có “nghệ thuật truyền đạt”, đúng hơn “nghệ thuật gặp gỡ”.

I. KHÁI NIỆM GẶP GỠ & ĐỐI THOẠI

Gặp gỡ là nghệ thuật “hòa hợp với người khác”

Theo tài liệu Canh tân Giáo lý của Hội đồng Giám mục Ý, gặp gỡ là nghệ thuật “hòa điệu với người khác” (RdC 170b) để cùng nhau lớn lên, cùng nhau thực hiện một hành trình, cùng nhau tái tạo một kinh nghiệm tôn giáo sống động, cho đến khi cả hai được lớn lên.
Để được như vậy giáo lý viên cần có: (1) “khả năng hướng dẫn người khác lãnh hội, nội tâm hóa và sự diễn tả sứ điệp Kitô giáo” (RdC 169), (2) “biết chuẩn bị trong suy tư và cầu nguyện những giả thuyết (hypothesis) về việc dạy học” (RdC 181), và (3) “sử dụng cách khôn ngoan kỹ thuật giảng dạy thích hợp” (RdC 170c).

Có thể nói thành công hay thất bại của gặp gỡ trong giáo lý tùy thuộc lý luận dạy học được sử dụng như thế nào. Do đó, giáo lý viên hay linh hoạt viên giáo lý, ngoài những kiến thức về thần học và giáo lý, còn phải biết sử dụng kỹ thuật dạy học để thực hiện một cuộc gặp gỡ và đối thoại trong giáo lý.

Chẳng có tài liệu và đồ dùng giảng dạy nào đương nhiên phù hợp với mọi giáo lý viên hay linh hoạt viên giáo lý, với mọi tham dự viên cũng như mọi cuộc gặp gỡ. Là “trung gian” giữa nội dung giảng dạy và nhu cầu tâm lý của tham dự viên, giáo lý viên phải suy nghĩ, điều chỉnh, đổi mới và sáng tạo nhằm thích nghi tài liệu với thực tế tâm lý của tham dự viên, đòi hỏi của từng nhóm, từng tham dự viên.

Giáo lý viên không thể nói: “sách giáo lý viết như thế này, nên không thể làm khác được”; hoặc “sách tiến hành theo cách này, nên phải theo tiến trình đó”. Không có tiến trình nào là hợp lý nếu tách khỏi thực tại hoặc xa rời tiến trình tâm lý; làm như vậy chỉ lãng phí thời gian và sức lực; hoặc bỏ lỡ cơ hội và làm cho cuộc gặp gỡ trở nên trống rỗng thay vì làm cho nó sống động.

Giáo lý viên phải để một mắt vào sách giáo lý và mắt kia vào những đòi hỏi tâm lý của tham dự viên, bởi vì tinh thần chỉ có thể tăng trưởng khi vấn đề được giải quyết từ bên trong. Giáo lý viên phải tìm hiểu tham dự viên và thế giới của họ để chuẩn bị cho gặp gỡ.

Đối thoại có nghĩa là “trao đổi”, là “cho và nhận”.

Đối thoại phát xuất từ đòi hỏi cơ bản của con người, đó là việc mở ra với người khác để “cho” và để “nhận”. Thật vậy, mỗi người có giá trị riêng và xứng đáng được tôn trọng với những gì họ có như khả năng nhận thức, phân tích, phán đoán, liên lạc và đề xuất; mỗi người có quyền được người khác lắng nghe và lắng nghe người khác qua việc đóng góp những suy tư và hoạt động của mình đồng thời nhận lại và những suy tư và hoạt động của người khác, để cùng nhau tìm kiếm và nghiên cứu chân lý.

Tìm kiếm và nghiên cứu là hoạt động tìm hiểu những thực tại như con người, sự việc, ý tưởng, vấn đề, hiện tượng tôn giáo… nhằm sống tốt hơn trên phương diện cá nhân cũng như xã hội. Ở đây, chúng ta muốn nói đến việc tìm kiếm sự hiểu biết và kinh nghiệm về những gì được gọi là thực tại tôn giáo, thực tại mà chúng ta tiếp cận trực tiếp hoặc gián tiếp để tạo ra những kinh nghiệm tôn giáomới.

Cuộc tìm kiếm này phải được linh hoạt viên giáo lý và tham dự viên cùng quan tâm thực hiện; cả hai đều phải quan tâm thực hiện cuộc tìm kiếm này, vì không thể có gặp gỡ khi cả hai bên không có cùng một quan tâm. Giáo lý viên và tham dự viên phải có chung mối quan tâm là tìm hiểu thực tại để sống tốt hơn trên phương diện cá nhân cũng như xã hội, bằng không sẽ không có gặp gỡ hoặc gặp gỡ trở nên trống rỗng.

Tất cả là gặp gỡ và đối thoại

Giáo lýkhông chỉ là giảng dạy nhưng trước hết và trên hết là gặp gỡ và đối thoại. Trong gặp gỡ và đối thoại, không còn tồn tại người dạy và người học nhưng người dạy cũng là người học, và ngược lại. Cả hai trở thành chủ thể trong tiến trình tăng trưởng và trong tiến trình này, quyền lực không còn giá trị nữa. Để thi hành quyền lực, cần thi hành với sự tự do chứ không phải kiểm soát. (x. Freire P., La pedagogia degli oppressi, Mondatori, Milano 1974, 94).

Là gặp gỡ và đối thoại, giáo lýkhông giới hạn trong khuôn khổ của một lớp học, vì gặp gỡ và đối thoại phải được tiếp tục thực hiện trong những giờ giải lao, ở ngoài đường, ở quán nước, trong cộng đoàn giáo xứ, trong những hoạt động ngoài phạm vi lớp học, trong những hình thức hoạt động của các phong trào, hiệp hội, ở nông thôn, ngoại ô hay thành phố.

Tắt một lời, đây là cuộc gặp gỡ và đối thoại toàn diện với cả con người của tham dự viên, gặp gỡ và đối thoại với từng hoặc với tất cả tham dự viên, vào bất cứ lúc nào có thể trong cuộc sống.

II. CÁCH THỰC HIỆN MỘT CUỘC GẶP GỠ VÀ ĐỐI THOẠI

Điều kiện cần thiết cho gặp gỡ và đối thoại

Để thực hiện cuộc gặp gỡ & đối thoại này, trước hết giáo lý viên phải loại bỏ ý tưởng dạy giáo lý là “dạy bổn” và học giáo lý là “nhớ và thuộc lòng” những câu hỏi-thưa dọn sẵn (đây chỉ là một trong các bước của lộ trình giáo lý); kế đến, giúp tham dự viên chủ động trong việc học (thay vì tiếp nhận cách thụ động những gì giáo lý viên dạy); sau hết, gặp gỡ và đối thoại với tham dự viên để cùng nhau tìm hiểu một vấn đề tôn giáo hay cùng nhau khám phá để có được một kinh nghiệm tôn giáo mới.

Cấu trúc một buổi gặp gỡ-đối thoại

1. Cầu nguyện
Mỗi cuộc gặp gỡ phải khởi đầu và kết thúc bằng cầu nguyện. Có nhiều cách cầu nguyện khác nhau: truyền thống, sáng tạo, bài hát, cử điệu…mà sách giáo lý đề nghị.

2. Nhắc lại cuộcgặp gỡ trước và chuẩn bị cho gặp gỡ này
Để có sự liên kết với lần gặp gỡ trước, giáo lý viên có thể nhắc lại sơ qua nội dung của cuộc gặp gỡ trước. Glv hỏi các em: “Điều gì chúng ta đã nói, đã đọc, đã viết, đã đề nghị…trong lần gặp gỡ trước? Các em đã thực hành quyế tâm thế nào? Các em có kể cho cha mẹ nghe về buổi gặp gỡ giáo lý không? Đâu là những đoạn các em ghi nhớ? Những khuôn mặt nào làm các em nhớ? Các em đã làm gì tốt hơn trong cuộc sống? Chúa Nhật trước các em đã làm gì? Các em có cầu nguyện không? Các em có làm những việc tốt không? Các em có nhớ điều mà chúng ta đã thực hiện trong lần gặp gỡ trước không (vẽ hình, dán tranh, hình chụp, múa cử điệu, làm poster…)? Điều gì gây ấn tượng cho các em nhất?

3. Dẫn vào cuộc gặp gỡ mới
Sự quan tâm và tham gia của tham dự viên được kích thích bằng một câu, một đoạn văn, một hình ảnh, đặc biệt bằng một kinh nghiệm sống.

4.Nghe và hiểu lời Chúa
Mỗi cuộc gặp gỡ đều ứng với một nội dung để học hỏi và kiểm điểm đời sống, nhờ đọc và hiểu Lời Chúa. Giáo lý viên đối thoại với tham dự viên để giúp họ khảo sát bản văn Lời Chúa và khám phá sứ điệp của Lời Chúa. Giáo lý viên cần nắm vững cách kể chuyện và đặt câu hỏi.

5.Nội tâm hóa và đáp trả Lời Chúa
Đây là thời điểm thích hợp nhất để tham dự viên trở thành chủ thể của buổi gặp gỡ. Mỗi tham dự viên đón nhận và đáp trả lời Chúa mời gọi cách khác nhau. Tham dự viên được mời gọi diễn tả lại những gì đã diễn ra trong tâm hồn qua một hình vẽ hay một màn kịch, một bài hát hay một cử điệu, một vần thơ hay một lời nguyện… Chẳng hạn, giáo lý viên có thể gợi ý:
• Em hãy diễn tả bằng hình vẽ điều đánh động em nhất trong buổi gặp gỡ và chú thích một câu phù hợp với hình vẽ.
• Em hãy lấy lại một hình vẽ trong sách giáo lý mà em thích rồi diễn tả lại theo cách của em. Chú thích hình vẽ bằng một câu.
• Em hãy viết một đoạn tóm lược hoặc một lời cầu nguyện ngắn.
• Chúng ta cùng sáng tác một màn kịch, một bài hát, một video clip…
• Chúng ta tổ chức một cuộc triển lãm hay một buổi đọc văn thơ cho cha mẹ tham dự.
• Chúng ta có thể hỏi cha mẹ điều gì về Chúa, về Giáo Hội…

Việc đáp trả không chỉ dừng lại ở cảm nghĩ, nhưng còn được thực hiện qua một số việc cụ thể được gợi hứng bởi chứng từ hay gương sáng của những người trong cộng đoàn. Giáo lý viên đề nghị một số việc để các em tự do chọn lựa.

6.Củng cố và ghi nhớ
Mỗi hoạt động giáo lý phải bồi dưỡng nhận thức, tâm tình và thái độ của các tham dự viên. Không làm được điều này, buổi gặp gỡ gần như thất bại. Vì thế, phải có bước “củng cố” lại ý chính của buổi gặp gỡ.

Nhiều người không muốn nhắc đến việc “ghi nhớ” trong giáo lý, nhưng chắc chắn không thể “bỏ hoàn toàn việc ghi nhớ này trong khi dạy giáo lý”.

“Việc ghi nhớ những lời nói chính xác của CGS, những đoạn Kinh Thánh quan trọng, mười giới răn, những hình thức tuyên xưng đức tin, những bản văn phụng vụ, những kinh nguyện căn bản, những khái niệm then chốt của giáo huấn…là một thực tại cần thiết. Những hoa trái của đức tin và lòng đạo…không nảy nở trong những vùng sa mạc của một khoa giáo lý mà không dùng đến trí nhớ. Điều thiết yếu là những bản văn ghi nhớ phải được nội tâm hóa và dần dần được hiểu tường tận, để trở nên nguồn sống cho mỗi kitô hữu cũng như cho cả cộng đoàn” (DGL 55).

Trên thực tế, các sách giáo lý cổ điển cống hiến những câu hỏi và những câu trả lời ở cuối mỗi chương. Bổn phận của mỗi giáo lý viên là giải thích những câu trả lời đó sao cho phù hợp với các em và giúp các em học, không chỉ là ghi nhớ trong trí mà là như “nguồn sống cho mỗi kitô hữu cũng như cho cả cộng đoàn”, như ĐTC Gioan Phaolô II đã khẳng định.

7.Cầu nguyện kết thúc
Kết thúc buổi gặp gỡ luôn nhắm đến việc lượng giá buổi gặp gỡ; cơ hội để tham dự viên nhìn lại buổi gặp gỡ, khám phá ơn Chúa ban và dâng lời tạ ơn.

8.Đối thoại với phụ huynh
Phụ huynh là những giáo lý viên đầu tiên của con cái mình qua lời nói và việc làm. Họ ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống đức tin của con cái. Rất tiếc, sự tham gia của phụ huynh vào việc dạy giáo lý chưa được tốt, vì thế cần đối thoại ít là từ xa, để giúp các phụ huynh nhận thức lại vai trò quan trọng và không thể thay thế của mình trong việc giáo dục đức tin cho con cái. Việc lãnh nhận bí tích của con cái luôn là một cơ hội tốt nhất cho sự đối thoại này. Giáo lý viên cần kết hợp cụ thể, thường xuyên và hấp dẫn với phụ huynh.

KẾT LUẬN
Chúng tôi đã trình bày “khung hướng dẫn” cho một buổi dạy giáo lý với hình thức gặp gỡ và đối thoại; tuy nhiên không nên áp dụng một cách cứng nhắc, mà cần điều chỉnh lại sao cho phù hợp với những đòi hỏi và những tình huống khác nhau mà giáo lý viên cũng như tham dự viên cùng tìm kiếm.

Nguyên bản Catechisti oggi. Note di catechetica, psicopedagogia e didattica per la pastorale dell’eta’ evolutiva (Giáo lý viên ngày nay. Những đặc tính của giáo lý, tâm lý sư phạm và dạy học đối với mục vụ cho lứa tuổi phát triển) của G. CIONCHI, Elledici, TO, 1999, 149-158.

Md Phạm Thúy chuyển ngữ từ tiếng Ý
Nguon: http://giaolyductin.org/newsview/vn/225/GAP-GO-&-DOI-THOAI—-MOT-HINH-THUC-SU-PHAM-MOI.html

BAN GIÁO LÝ GIÁO TỈNH SÀIGÒN VÀ GIÁO TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO LÝ VIÊN

Chiều ngày 14/12/2010, Ban Giáo lý giáo tỉnh Sàigòn đã có buổi họp thường kỳ tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Tp. HCM.

Trong phiên họp lần này, các linh mục Trưởng ban Giáo lý của 10 giáo phận cùng với hai linh mục chuyên viên là Cha Phanxicô X. Nguyễn Hai Tính và Cha Phêrô Hoàng Đình Thành đã trao đổi về Giáo trình đào tạo giáo lý viên với hai môn căn bản: Tín lý và Luân lý.

Mặc dù nội dung Tín lý và Luân lý Kitô giáo truyền giảng cho giáo lý viên không là những gì khác ngoài những điều đã được Giáo Hội tuyên tín và hướng dẫn, nhưng với đối tượng là “Người giáo lý viên – trong xã hội Việt Nam – ngày nay”, ban Giáo lý cần phải giúp học TIN và SỐNG đúng như Chúa muốn và Giáo Hội chỉ dạy, để không còn là “nghiệp dư” mặc dù “thiện nguyện”.

Bàn về Tín lý, cha Phanxicô X. Tính đề nghị một hành trình “khám phá lại lòng tin” với những đề tài then chốt của thần học tín lý như Đức tin, Mạc khải, Ba Ngôi, Giáo hội và Cánh chung. Vì là hành trình khám phá đức tin, nên mỗi đề tài phải được trình bày khởi đi từ kinh nghiệm thực tế của học viên và giúp họ đón nhận mạc khải của Thiên Chúa. Các cha đề nghị sử dụng những từ ngữ đơn sơ hơn là những thuật ngữ chuyên môn để giúp giáo lý viên dễ dàng lãnh hội chân lý chứ không cảm thấy quá xa lạ hay bí nhiệm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng giáo lý viên cần được trang bị và làm quen với những lối diễn tả các chân lý đức tin bằng những thuật ngữ chuyên môn, nhờ đó có được sự chuẩn xác và rõ ràng trong nhận thức về những điều cốt yếu mà Giáo Hội dạy cũng như có đủ ngôn ngữ để diễn tả đức tin của mình trong sự hiệp thông với Giáo Hội.

Về huấn luyện luân lý cho giáo lý viên, cha Phêrô Thành khẳng định: mục đích chính yếu là giúp giáo lý viên “bước theo Chúa Giêsu”. Vì thế tài liệu huấn luyện bô môn này không những phải trình bày một nội dung đầy đủ về Luân lý Kitô giáo và có hệ thống, mà còn phải gần gũi với đối tượng và giúp họ sống tự do của người con cái Thiên Chúa. Trong ý hướng ấy, giáo trình không gồm những đề tài cần triển khai nhưng gồm những lời mời gọi học viên sống với và sống như Chúa Giêsu. Giáo trình nên khởi đầu với phẩm giá của con người – được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa – và kết thúc với việc mở ra cho truyền giáo, nghĩa là mở ra với anh chị em đồng loại trong xã hội. Tóm lại, nhà đào tạo phải cân nhắc trong việc chọn nội dung và phương pháp giảng dạy thích hợp. Theo cha Phêrô, giáo trình đào tạo luân lý cho giáo lý viên sẽ không hoàn toàn giống giáo trình đào tạo cho linh mục và tu sĩ, bởi họ phải sống và nên thánh ở giữa đời, với những bổn phận và hoàn cảnh khác nhau.

Nhóm Thư ký ban Giáo lý Giáo tỉnh Sàigòn
Nguon: http://giaolyductin.org/newsview/vn/130/DAO-TAO-GIAO-LY-VIEN-VE-TIN-LY-VA-LUAN-LY.html

GIỚI THIỆU LỘ TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO LÝ VIÊN CỦA GIÁO PHẬN ROMA

ĐÀO TẠO GIÁO LÝ VIÊN

Trong bối cảnh xã hội và văn hóa hiện đại cũng như trước tình hình nhiều gia đình không có khả năng bảo đảm việc huấn luyện kitô giáo cho con em họ, nhiều cộng đoàn trong Giáo Hội bắt đầu từ những giáo xứ, đảm nhận toàn bộ lộ trình huấn luyện, bắt đầu từ những năm tuổi thơ cho đến tuổi trẻ, tuổi trưởng thành và tuổi già.

Người ta nói đến việc huấn luyện những Kitô hữu đích thực và điều này không thể thực hiện được nếu như không có sự tham gia của những huấn luyện viên cũng như những người được huấn luyện.

(Thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhân dịp bế mạc Năm Đại Thánh 2000, số 5).

1. HUẤN LUYỆN LÀ GÌ?

Huấn luyện là tạo cơ hội giúp giảng viên giáo lý trưởng thành trong đức tin, là khơi dậy nơi giảng viên giáo lý một đức tin sống động và mạnh mẽ trong Đức Kitô, là huấn luyện chính con người (being) của họ, tương ứng với ơn gọi đặc thù của họ là phục vụ (doing), trước khi bàn tới việc “dạy giáo lý” (teaching).

Công cuộc huấn luyện hướng tới việc khơi lên nơi người giảng viên giáo lý một niềm khát khao nên thánh và nâng đỡ họ sống theo Chúa Thánh Thần, cùng với họ nối kết đức tin và cuộc sống, đức tin và văn hóa, đồng thời khơi dậy khả năng nhận ra niềm mong đợi của con người qua những dấu chỉ thời đại.

1.HUẤN LUYỆN NHỮNG GÌ?
Huấn luyện không những nội dung đức tin, mà còn giáo dục và phát triển nơi giảng viên giáo lý những thái độ của một người tín hữu: không ngừng củng cố và đào sâu đức tin, phục vụ Giáo hội cách quảng đại, dấn thân truyền giáo để xây dựng thế giới thành “trời mới, đất mới”.

1.HUẤN LUYỆN TRỞ THÀNH NHỮNG NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?
Được Thánh Thần hướng dẫn, giảng viên giáo lý mạnh dạn bước theo Chúa Kitô, trở nên chứng nhân sống động của Ngài, nên sứ giả loan báo Tin Mừng nhờ chia sẻ hồng ân đức tin đã lãnh nhận, một đức tin luôn được củng cố nhờ biết xẻ chia.

Để được như thế, kế hoạch huấn luyện phải được thực hiện như lộ trình lớn lên của người môn đệ trong cộng đoàn kitô hữu, hướng tới sự trưởng thành nhân bản và đức tin, biết đón nhận lời mời gọi phục vụ và trách nhiệm của người tín hữu là chia sẻ cho người khác chính kinh nghiệm đức tin và tìm kiếm chân lý của mình, để chính họ cũng được lớn lên và trưởng thành trong đức tin.

2. HUẤN LUYỆN Ở ĐÂU?

Công cuộc huấn luyện bắt đầu từ giáo hội địa phương, nơi mà giảng viên giáo lý bước vào hành trình đức tin và trưởng thành trong ơn gọi phục vụ của mình. Giáo hội địa phương hay giáo xứ là nơi giảng viên giáo lý sống và lớn lên trong đức tin, được mời gọi làm chứng và loan báo Tin Mừng trong tư cách một giảng viên giáo lý.

Giáo hạt là nơimà giảng viên giáo lý trải nghiệm sự cộng tác giữa các giáo xứ, đối chiếu những kinh nghiệm của mình với những giảng viên khác, mở ra cho việc đào sâu nội dung đức tin một cách có tổ chức và hệ thống.

Giáo phậnlà nơithuận tiện đểgiảng viên giáo lý nhận thức rằng Giám mục là người chịu trách nhiệm cộng đoàn và thầy dạy đức tin, điều hành và hướng dẫn tất cả các hoạt động giáo lý của giáo phận.

3. HUẤN LUYỆN THEO LỘ TRÌNH NÀO?

Việc huấn luyện được tiến hành trong bầu khí hiệp thông giáo hội mới có thể phát triển việc làm chứng đức tin cách đích thực và hiệu quả, vì sự hiệp thông này là động lực cần thiết giúp các giảng viên giáo lý đảm nhận những nhu cầu và thách đố của công cuộc “tân phúc âm hóa”, hội nhập và đối thoại với các nền văn hóa, với các tôn giáo cũng như với những anh chị em không tôn giáo.

Lộ trình huấn luyện nhằm đào sâu một cách hệ thống và có tổ chức nội dung đức tin và nâng cao khả năng giảng dạy giáo lý nhờ nắm vững mục đích và nhiệm vụ của việc dạy giáo lý cũng như phương pháp giáo dục chủ động, nhờ gắn liền đức tin với cuộc sống và văn hóa cũng như chú ý đến tiến trình phát triển tâm lý và khả năng hướng dẫn người thụ giáo trong hành trình giáo lý thường xuyên.

Lộ trình huấn luyện không chỉ giúp giảng viên giáo lý nhận thức đầy đủ về việc dạy giáo lý, mà còn giúp họ có khả năng đồng hành với những đối tượng khác nhau vươn tới một đức tin trưởng thành. Trong khi hướng dẫn, huấn luyện viên phải chú ý đến việc phát triển khả năng đặc thù của giảng viên giáo lý trong môi trường mục vụ của Giáo hội, hướng họ đến việc truyền giáo nhờ khơi dậy niềm xác tín mỗi giảng viên giáo lý là một nhà truyền giáo giống như Giáo hội là truyền giáo.

4. HUẤN LUYỆN THEO CÁC CẤP NÀO?

Với mục đích như thế, lộ trình huấn luyện trước hết nhắm tới con người giảng viên giáo lý viên, kế đến là đời sống và sứ vụ của họ, sau hết là khả năng và kỹ năng thông truyền nội dung đức tin, để họ có thể phục vụ Giáo hội cách nhiệt tình và hiệu quả.

Kế hoạch huấn luyện được sắp xếp theo các cấp khác nhau tương ứng với nhu cầu huấn luyện giảng viên giáo lý và nhu cầu của môi trường.

4.1. Cấp một

Việc huấn luyện cơ sở được thực hiện tại giáo xứ nhằm huấn luyện con người giáo lý viên, giúp họ trưởng thành trong đời sống đức tin và làm chứng cho niềm tin. Giáo xứ được ủy thác để khơi dậy nơi giảng viên giáo lý và giúp họ phân định ơn gọi phục vụ, đồng thời tạo môi trường thuận tiện để họ lớn lên và trưởng thành trong ơn gọi ấy. Tại giáo xứ, giảng viên giáo lý phải được đồng hành trong một hành trình giáo dục tiệm tiến hướng đến việc phục vụ; nhờ đó, họ đảm nhận trách nhiệm của mình trong cộng đoàn kitô hữu.

4.2. Cấp hai

Việc huấn luyện căn bản được thực hiện tại giáo hạt nhằm giúp cho các giảng viên đã được huấn luyện tại giáo xứ trở thành những thầy dạy và những nhà giáo dục đức tin. Chương trình huấn luyện cấp II kéo dài trong 3 năm, gồm lộ trình huấn luyện tổng quát trong 2 năm và lộ trình huấn luyện chuyên biệt trong 1 năm. Việc huấn luyện căn bản được thực hiện theo chỉ dẫn của Giáo hội Ý trong hai tài liệu “Canh tân Giáo lý” và “Kế hoạch Giáo lý”.

Lộ trình huấn luyện tổng quát trang bị cho giảng viên giáo lý kiến thức căn bản về nhân học, thánh kinh, kitô học, giáo hội học, linh đạo, luân lý và sư phạm giáo lý. Lộ trình huấn luyện chuyên biệt trang bị cho giảng viên giáo lý kiến thức về phụng vụ và bí tích, lộ trình đức tin và tâm lý các lứa tuổi, những môi trường và hoàn cảnh giáo dục khác nhau. Cả hai giúp giảng viên giáo lý có khả năng đồng hành với người thụ giáo trong toàn bộ hành trình giáo lý thường xuyên.

4.3. Cấp ba

Lộ trình huấn luyện cấp ba có thể thực hiện ở giáo phận, giáo hạt hay giáo xứ, có mục đích giúp giảng viên giáo lý cập nhật kiến thức, canh tân nhiệt tình, phương pháp và cách diễn tả đức tin. Lộ trình bao gồm những khóa ngắn hạn liên quan đến những vấn đề và những nhu cầu của các giảng viên đang dấn thân trong việc dạy giáo lý; những khóa học này có thể được thực hiện để đào sâu nội dung thánh kinh, thần học, giáo lý hay phương pháp dạy giáo lý. Những khóa học của cấp ba không thay thế và loại trừ các khóa huấn luyện ở các cấp khác.

5. HUẤN LUYỆN NHỮNG CHIỀU KÍCH NÀO?

Các lộ trình huấn luyện bổ túc và phụ thuộc lẫn nhau. Mỗi lộ trình có những chiều kích sau:

5.1. Chiều kích cuộc sống liên quan đến căn tính của giảng viên giáo lý, bối cảnh xã hội và văn hóa mà họ sống cũng như đặc tính giáo hội và giáo phận mà họ phục vụ. Cụ thể, chiều kích này liên quan đến các lãnh vực văn hóa nhân học và xã hội trong năm thứ nhất của cấp hai và linh đạo trong năm thứ ba. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc huấn luyện giảng viên giáo lý trong hành trình ơn gọi thánh tẩy và thêm sức, trong việc xây dựng giáo hội và thánh hóa thế giới.

5.2. Chiều kích thánh kinh -thần học liên quan đếnviệcđào sâu nội dung đức tin một cách hệ thống và có tổ chức trong viễn tượng phục vụ giáo hội của giảng viên giáo lý.

•Thánh kinh: hiểu biết Thánh Kinh trong tương quan với hoạt động giáo lý.
•Kitô học, Giáo hội học, Bí tích: hiểu biết Đức Kitô, Giáo hội và các Bí tích để sống và chia sẻ với những người khác, nâng đỡ đời sống và sự dấn thân của giảng viên giáo lý.
5.3. Chiều kích phụng vụ và linh đạo: liên quan đến linh đạo kitô giáo đặt nền trên sự chọn lựa bước theo Đức Kitô và làm chứng đức tin, một linh đạo có khả năng hòa nhập đức tin vào cuộc sống.

•Phụng vụ: nổi bật trong “nhiệm cục bí tích” của năm thứ ba xét như “đỉnh cao” và “suối nguồn” của sứ vụ mà giảng viên giáo lý đảm nhận;
•Linh đạo: xuyên suốt trong ba năm nhằm hướng dẫn và nâng đỡ giảng viên giáo lý trong hành trình trưởng thành đức tin của họ, chuyên cần cầu nguyện và học tập dưới tác động của Thánh Thần. Những điều này hướng giảng viên giáo lý đến việc thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý, để cổ võ một chứng tá đích thực của đời sống mới trong Thán Thần.
5.4. Chiều kích giáo dục liên quan đến việc giúp giảng viên giáo lý có được khả năng sư phạm trong sứ mạng phục vụ của Giáo hội.

5.5. Chiều kích phương pháp luận thể hiện trong cả ba năm và trong các lãnh vực liên quan đến các chiều kích tâm lý, xã hội, sư phạm và mục vụ của năm thứ ba; đây là những chiều kích liên quan đến những chuyên môn khác nhau và giúp giảng viên giáo lý có được khả năng tiến hành và hướng dẫn các lộ trình giáo lý khác biệt.

6. HUẤN LUYỆN THEO NHỮNG PHƯƠNG PHÁP NÀO?

Những khóa học khác nhau làm nên lộ trình ở các cấp, mặc dù được phân biệt để triển khai, đều sử dụng phương pháp tiếp cận.

Mỗi khóa học bao gồm những bài học và những bài tập thực hành: những bài học được huấn luyện viên hướng dẫn theo kiểu đối thoại nhằm nối kết hiểu biết và kinh nghiệm. Những bài tập thực hành thường được tiến hành theo nhóm để thẩm tra trực tiếp khả năng lãnh hội của mỗi giảng viên giáo lý.

Mỗi khóa học của lộ trình huấn luyện đều kết thúc bằng một bài kiểm tra hoặc một bài tự luận về những đề tài khác nhau do huấn luyện viên đề nghị. Kết quả các bài kiểm tra đó sẽ được ghi vào trong một cuốn sổ cá nhân của giảng viên giáo lý viên, được người có trách nhiệm của văn phòng giáo lý giáo phận chứng thực ở cuối mỗi năm.

LỘ TRÌNH HUẤN LUYỆN CON NGƯỜI

CẤP MỘT

“Trong viễn tượng nuôi dưỡng một niềm tin sống động và mạnh mẽ nơi Đức Kitô,

thì việc huấn luyện trước hết là huấn luyện con người giáo lý viên, trước khi huấn luyện người đó dạy giáo lý”.

Mons. Cesare Nosiglia 11.2.1997

Lộ trình huấn luyện cấp một được thực hiện tại giáo xứ như lộ trình giáo dục đức tin giúp người tín hữu thể hiện khuynh hướng phục vụ, giúp họ phân định để đón nhận lời mời gọi phục vụ trong các lãnh vực hoạt động mục vụ khác nhau. Chương trình huấn luyện này do giáo xứ tổ chức và được cha xứ hoặc người mà ngài ủy quyền hướng dẫn theo lộ trình hai môn đệ đi Emmau:

“Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ”

1.Suy tư về cuộc sống với những vấn đề văn hóa và xã hội của địa hạt mình đang sống;
2.Trung thành với Thiên Chúa và con người: những đường nét hoạt động mục vụ.
3.Suy nghĩ về đức tin và về Giáo hội.
4.Nhận diện và nhận định về ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội.
5.Suy nghĩ về Giáo hội: xét như một “tổ chức xã hội” và như một “mầu nhiệm”; xét như một “phẩm trật” và như một “gia đình”.
6.Đặt tất cả mọi sự trong sáng kiến và sự quan phòng của Thiên Chúa: nhận biết sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày; chính Người đã kêu gọi và qui tụ chúng ta trong Giáo hội để ở lại với Chúa và được sai đi để phục vụ.
Việc đào sâu này giúp người tín hữu có khả năng đọc những dấu chỉ thời đại trong hoạt động mục vụ và nhận ra các việc Thiên Chúa làm trong lịch sử để giáo dục họ dấn thân phục vụ.

“Người giải thích … tất cả Sách Thánh”

1.Tiếp cận Sách Thánh, chiều kích thánh kinh trong cuộc sống
2.Chúa Giêsu Kitô: Lời nhân loại đợi trông.
◦Kinh Thánh: đường lối ưu tiên gặp gỡ Đức Kitô.
3.Hiếu biết, yêu mến và tôn kính Lời Thiên Chúa và đọc cuộc sống dưới ánh sáng Lời Chúa;
4.Đón nhận Kinh Thánh trong sự vâng phục đức tin, như Giáo Hội đề nghị và giải thích dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.
◦Chúa Giêsu, Lời chung cuộc của Chúa Cha cho con người.
5.Sự mạc khải viên mãn nơi Đức Kitô;
6.Theo Đức Kitô, con người hoàn hảo, để trở nên người hơn (GS 41);
7.Vươn tới sự toàn vẹn về nhân tính của Đức Kitô để bước vào sự toàn vẹn về thiên tính của Ngài.
◦Cầu nguyện qua việc đón nhận Lời Chúa trong cuộc sống, kinh nguyện kitô hữu. Việc suy tư giúp người tín hữu đào sâu chiều kích cầu nguyện của đời sống kitô hữu.
“Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người”

1.Trong Giáo Hội: được Thiên Chúa kêu gọi để phục vụ tha nhân;
2.Giáo lý viên, chứng nhân, thầy dạy, nhà giáo dục.
◦Trung thành với Lời Chúa và với những đòi hỏi cụ thể của con người
3.Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đón nhận và ở lại trong sự thật;
4.Trong Thánh Thần, chúng ta trung thành với chân lý, để là những chứng nhân đích thực của Đức Kitô;
5.Hy tế Thập giá trường tồn dưới những dấu chỉ Thánh thể.
◦Đến với con người trong hoàn cảnh sống của họ và phục vụ tha nhân bằng chính đức ái của Chúa Kitô.
6.Giới răn mới, hồng ân Vượt Qua phải thực hiện trong Thánh Thần.
◦Cầu nguyện và chiêm niệm trợ giúp một sự gắn bó tròn đầy với Đức Kitô.
Những suy tư này giúp người tín hữu tích cực tham gia vào phụng vụ và lãnh nhận các bí tích, đặc biệt với bí tích Thánh Thể, là phương thế hữu hiệu giúp họ mở ra để đón nhận và thực hiện ơn gọi phục vụ giáo hội như một ân ban.

“Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại”

1.Nhà truyền giáo trong một Giáo Hội truyền giáo
2.Đối thoại và tương quan giáo dục.
◦Được Giáo Hội sai đi
3.Những nhà truyền giáo của thời đại trong một Giáo hội có bản chất là truyền giáo.
4.Được sai đi để phục vụ với sự quan tâm đặc biệt dành cho những người rốt hết.
◦Thành viên sống động của cộng đoàn trong tương quan hiệp thông và trung thành với giáo huấn của Giáo hội.
5.Cảm thức hoàn toàn thuộc về cộng đoàn
6.Hoạt động trong sự hiệp nhất với Giáo Hội.
Việc đào sâu chiều kích truyền giáo này giúp người tín hữu mở ra và cộng tác với Chúa Thánh Thần trong sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội cùng với Đức Trinh Nữ Maria.

HUẤN LUYỆN GIÁO LÝ VIÊN

CẤP II

“Mọi việc phục vụ đều diễn tả lòng trung thành với lời mời gọi của Chúa trong bí tích Thánh Tẩy và Thêm sức. Mọi người đã được thanh tẩy đều là giáo lý viên, mà giáo lý viên là một con người, một kitô hữu, một chứng nhân, một thầy dạy, một nhà giáo dục”.

(Rinnovamento della Catechesi/Canh tân giáo lý, ch. X).

LỘ TRÌNH HUẤN LUYỆN TỔNG QUÁT

Năm I (27 buổi, mỗi thứ Hai, từ 9g30 đến 12g00)

Con người có khả năng đón nhận Thiên Chúa. Con người nào? 4 buổi

1.Hình ảnh con người trong Thánh Kinh so với những hình ảnh khác về con người gắn liền với nền văn hóa phát triển.
2.Những người con trong Người Con hay kinh nghiệm tôn giáo về con người và về tín hữu.
3.Con người, con đường ưu tiên của Giáo Hội (GS 22; RH 13-14)
4.Con người, hình ảnh Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô.
5.Mầu nhiệm con người dẫn đến mầu nhiệm Thiên Chúa.
Nhận biết và thấu hiểu thế giới chúng ta đang sống(GS 4)

1.Phác họa và giải mã những định hình văn hóa trong thời đại chúng ta (đặc biệt từ những năm 60 đến nay)
2.Làm nổi bật khái niệm về con người theo văn hóa đương đại.
3.Dạy giáo lý là phục vụ con người trong lãnh vực giáo dục.
“Chuyên cần lắng nghe lời Chúa” 1 – 6 buổi

1.Thiên Chúa muốn mạc khải chính mình và tỏ bày mầu nhiệm thánh ý Ngài (Ep 1,9).
Thiên Chúa mạc khải trong lịch sử

•Tôn giáo và mạc khải;
•Thiên Chúa tỏ mình qua các biến cố và qua lời;
•Mạc Khải diễn ra trong lịch sử và hoàn tất nơi Đức Kitô.
Loan truyền Mạc Khải của Thiên Chúa

•Tương quan giữa Thánh Kinh,Thánh truyền và Huấn quyền;
•Truyền thống tông đồ.
Sách Thánh

•Linh hứng;
•Một cuốn sách duy nhất trong sự thống nhất giữa Cựu và Tân Ước;
•Tính lịch sử của Đức Giêsu.
Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội

•Huấn luyện về thư quy;
•Những công thức đức tin.
Kinh Thánh, việc dạy giáo lý và sách giáo lý

Chúa Giêsu Kitô, sự mạc khải viên mãn (5 buổi)

1.Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu độ duy nhất của con người.
2.Chiều kích quy kitô trong giáo lý;
3.Kitô học trong chương trình giáo lý Ý;
4.Hoạt động và sứ điệp của Đức Giêsu thành Nadaret;
5.Chúa Giêsu trao ban chính mình trên Thập Giá và qua sự phục sinh;
6.Đức Kitô mạc khải Chúa Cha và ban Thánh Thần.
Đáp lời Chúa Cha trong Đức Kitô và Thánh Thần (1 – 5 buổi)

•Con người mới trong Đức Kitô.
•Theo Chúa Kitô bằng một đời sống mới trong Thánh Thần, đến với Chúa Cha; ơn gọi và sự đáp trả của người kitô hữu.
•Lề luật mới trong Thánh Thần. Tự do tin mừng và tự do kitô hữu; các mối phúc.
•Nguyên tắc luân lý và trách nhiệm của con người; lương tâm kitô giáo.
1.Dạy giáo lý trong đời sống Giáo Hội (1 – 7 buổi)
◦Ơn gọi để hiện hữu và phục vụ
◦Là giáo lý viên
◦Giáo lý viên trong cộng đoàn Kitô hữu và việc huấn luyện đời sống thiêng liêng cũng như làm tông đồ.
◦Niên biểu lịch sử giáo lý qua các thời đại văn hóa khác nhau.
2.Giáo lý trong chương trình mục vụ của giáo phận
◦Các sách giáo lý trong hoạt động mục vụ;
◦Mục đích giáo dục của hoạt động mục vụ;
◦Phối hợp các hoạt động giáo lý.
3.Những nguyên tắc dạy giáo lý
◦Trung thành với Thiên Chúa và với con người
◦Lưu tâm đến chủ thể
◦Phương pháp và những cách thức
◦Giáo lý cho đời sống kitô hữu và những lộ trình khác nhau cho việc huấn luyện thường xuyên.
___________________

Năm II (27 buổi, mỗi thứ Ba, từ 9g30 đến 12g00)

Chuyên cần lắng nghe lời Chúa (2 – 8 buổi)

1.Làm thế nào giải thích Kinh Thánh, đọc bản văn và những tiêu chuẩn hiện tại hóa.
2.Chiều kích thánh kinh trong giáo lý.
3.Đào sâu kinh thánh là lưu tâm đến việc tiếp cận thống nhất của Kinh Thánh trong Giáo lý.
“Thiên Chúa hướng dẫn dân Người, Giáo Hội” (6 buổi)

1.Hội Thánh dân Thiên Chúa và Giáo hội hiệp thông
◦Hiện tại hóa mục vụ liên quan đến bản chất Giáo Hội;
2.Giáo hội học và giáo lý trong chương trình giáo lý Ý
◦Đào sâu giáo hội học là lưu tâm đến việc đối thoại đại kết và đối thoại liên tôn.
◦Giáo hội trong các sách Giáo lý.
Đáp lời Chúa Cha trong Đức Kitô và ThánhThần (2 – 5 buổi)

•Kinh nghiệm kitô hữu;
•Đón nhận và tôn trọng sự sống;
•Phái tính, hôn nhân và đời sống thánh hiến;
•Gia đình và công việc;
•Dấn thân xã hội và chính trị.
Dạy giáo lý trong đời sống Giáo Hội (2 – 8 buổi)

•Những yếu tố nền tảng của huấn giáo
•Loan báo Tin Mừng và Giáo lý;
•Những tiêu chuẩn và những yếu tố để trình bày sứ điệp Kitô;
•Các nguồn của Giáo lý;
•Các chủ thể hay đối tượng của giáo lý.
_________________

LỘ TRÌNH HUẤN LUYỆN CHUYÊN BIỆT

Năm III (27 buổi, mỗi thứ Tư, từ 9g30 đến 12g00)

Phần I – Tổng quát (16 buổi)

Mầu nhiệm Vượt qua trong thời Giáo Hội (5 buổi)

1.Phụng vụ: công trình của Ba Ngôi.
2.Nhiệm cục bí tích.
3.Các đối tượng, nơi chốn, cách thức và thời gian cử hành
4.Phụng vụ và giáo lý
Mầu nhiệm Vượt qua trong các bí tích của Hội Thánh (5 buổi)

1.Trở nên người kitô hữu, khai tâm kitô giáo
2.Các bí tích khai tâm kitô giáo
3.Các bí tích chữa lành
4.Các bí tích phục vụ cộng đoàn
Lộ trình đức tin cho đời sống kitô hữu (6 buổi)

1.Chương trình giáo lý Ý
2.Thủ bản giáo lý và việc lên chương trình giáo lý
3.Những lộ trình khác biệt: làm thế nào để tổ chức và thực hiện một lộ trình đức tin.
Phần tổng quát đặt nền cho phần chuyên biệt.

Phần II – Chuyên biệt (11 buổi)

•Nét đặc thù của các lứa tuổi, hoàn cảnh và môi trường sống (11 buổi).
•Hiểu biết các chủ thể hay đối tượng, chiều kích tâm lý – xã hội -sư phạm;
•Chiều kích mục vụ và phương pháp luận được đào sâu trong phần thực hiện những lộ trình khác nhau.
Nhờ sử dụng những thủ bản giáo lý và tài liệu hỗ trợ, giáo lý viên có khả năng thực hiện những lộ trình trưởng thành đức tin cho các đối tượng giáo lý mình phục vụ.

Phần huấn luyện chuyên biệt bao gồm việc hiểu biết đối tượng giáo lý và đào sâu chiều kích tâm lý-xã hội-sư phạm, mục vụ cũng như phương pháp luận.

•Nhằm mục đích giúp cho giảng viên giáo lý có khả năng chuẩn bị trước những lộ trình trưởng thành đức tin, khởi đi từ những thủ bản giáo lý dành cho các lứa tuổi khác nhau;
•Phần thứ hai của lộ trình với những đề nghị cho các đối tượng khác nhau, ưu tiên phương pháp thực nghiệm giáo lý (experience of laboratory).
Tất cả những buổi gặp gỡ trong chương trình huấn luyện đều khởi sự với giây phút cầu nguyện và tương hợp với các mùa phụng vụ để tạo cơ hội cho giảng viên giáo lý sống đức tin.

Phần hiểu biết chủ thể hay đối tượng của giáo lý được trình bày liên tục qua các đề tài:

•Giáo lý khai tâm kitô giáo
•Cho người lớn (Dự tòng)
•Cho trẻ em
•Giáo lý cho người trẻ
•Thiếu niên, 15-17 tuổi
•Giới trẻ, 18-25 tuổi
•Giáo lý người lớn
•Giáo lý gia đình
•Giáo lý cho người có hoàn cảnh đặc biệt (disable).

HUẤN LUYỆN THƯỜNG XUYÊN – THƯỜNG HUẤN

Cấp III

Lộ trình huấn luyện thường xuyên giúp giảng viên giáo lý cập nhật kiến thức, bồi dưỡng đời sống thiêng liêng và nghiệp vụ chuyên môn. Lộ trình gồm những khóa ngắn hạn được ấn định theo yêu cầu địa phương.

TRUNG TÂM

HUẤN LUYỆN GIÁO LÝ VIÊN

CỦA GIÁO HẠT

Trung tâm Huấn luyện phục vụ cho những người đã được huấn luyện cơ sở tại giáo xứ, những người ước muốn bước vào hành trình huấn luyện có tổ chức và hệ thống để trở thành những giảng viên giáo lý.

Kiên trì tiếp cận với thực tế địa phương, Trung Tâm đảm nhận việc huấn luyện căn bản và cập nhật cho giảng viên giáo lý theo yêu cầu của giáo hạt hoặc giáo xứ, qua những lộ trình huấn luyện tổng quát và chuyên biệt gắn với kế hoạch mục vụ của giáo phận.

Ban giảng huấn

Trung tâm Huấn luyện của giáo hạt được linh hoạt bởi một ban giảng huấn bao gồm giám học, điều phối viên, các giảng viên và thư ký. Các thành viên của Trung Tâm làm việc trong sự đồng thuận và liên kết thường xuyên với Trung tâm Huấn luyện của Giáo phận. Họ được tuyển chọn giữa những người đang sống và làm việc trong các giáo hạt.

Giám học

Giám học là người điều phối các hoạt động mục vụ của giáo hạt, thúc đẩy việc huấn luyện giảng viên giáo lý, bổ nhiệm các thành viên của Trung Tâm và kiểm tra việc thực hiện các lộ trình huấn luyện của Trung Tâm.

Điều phối viên

Điều phối viên có nhiệm vụ điều phối các hoạt động của Trung Tâm, được giám học bổ nhiệm, nối kết Trung Tâm và Giáo Phận, thực hiện mục đích và yêu cầu giáo dục và mục vụ mà Trung Tâm đề ra.

Điều phối viên được tuyển chọn từ những người hoạt động mục vụ tại địa phương, được đào luyện từ các khoa thần học, mục vụ, giáo lý hay từ các khoa giáo dục tôn giáo, hoặc đã hoàn tất hành trình huấn luyện dành cho những người hoạt động mục vụ. Điều phối viên là gạch nối giữa Giám học và Hội đồng Mục vụ của Giáo hạt.

Điều phối viên thi hành các phận vụ sau:

•Cùng với Hội đồng Mục vụ của giáo hạt chọn các giảng viên: Ước mong các giảng viên (linh mục, tu sĩ và giáo dân) được chọn là những người trong giáo hạt để hành trình huấn luyện gắn với môi trường mục vụ. Sự chọn lựa cần được giới thiệu ngay với Trung tâm Huấn luyện của giáo phận;
•Kiểm tra xem nội dung và hình thức trình bày của các giảng khóa có đồng nhất và dễ hiểu đối với những người tham gia khóa học không;
•Lên chương trình thực tập và những ngày tĩnh tâm;
•Điều khiển những buổi tiếp xúc với giáo phận về việc thống nhất kế hoạch huấn luyện sao cho phù hợp với những đòi hỏi chung của kế hoạch mục vụ giáo phận;
•Cổ võ sự tương tác sống động và thoải mái giữa các tham dự viên với các lộ trình huấn luyện.
•Linh hoạt cầu nguyện cộng đoàn vào đầu giờ học và trong các buổi tĩnh nguyện vào những thời điểm chính của phụng vụ như mùa Vọng, mùa Chay, Phục sinh, Hiện xuống, hay vào thời điểm khai mạc và bế mạc các lộ trình huấn luyện.
Thư ký

Thư ký là thành viên của ban giảng huấn, có bổn phận điều phối kỹ thuật và tổ chức. Vào các tháng 5 và 6, thúc đẩy việc ghi danh các khóa học, gửi thông báo và các mẫu đơn đến các cha xứ. Việc ghi danh kéo dài đến cuối tháng 6. Phối hợp với các giảng viên và điều phối viên để soạn thảo lịch giảng dạy và quán xuyến công việc của văn phòng thư ký.

Các giảng viên

Các giảng viên cần nắm vững phương pháp giảng dạy “thực nghiệm”: nghiên cứu, đối thoại, sinh hoạt nhóm xen kẽ những khoảnh khắc cầu nguyện và trao đổi kinh nghiệm nhằm khơi dậy một sự tham gia tích cực của người thụ giáo.

Các giảng viên còn phải nắm vững hệ thống huấn luyện và thực hiện trong bầu khí hiệp thông giáo hội để có được những giải pháp cụ thể cho mọi hoàn cảnh và môi trường sống, cũng như cho mọi lứa tuổi.

Các giảng viên cần đối chiếu với các văn kiện chính thức về giáo huấn của Giáo Hội, những văn kiện của Hội đồng Giám mục cũng như của Giáo phận.

Các giảng viên do điều phối viên của Trung Tâm giáo hạt tuyển chọn với sự chấp thuận của Trung tâm Huấn luyện giáo phận. Các giảng viên gặp nhau theo từng thời điểm để lên kế hoạch và kiểm tra hoạt động huấn luyện của Trung Tâm.

Các giảng viên không chỉ quan tâm đến nội dung giảng dạy mà còn phải quan tâm đến chủ thể hay đối tượng, không chỉ giản lược vào việc trình bày các đề tài về thánh kinh, thần học, sư phạm, mà còn phải nghiên cứu theo những phương pháp đặc thù nhắm đến thực hành giáo lý.

Cần dự kiến những buổi gặp gỡ hàng năm giữa ban giảng huấn và đại diện giám mục để điều phối các hoạt động huấn luyện.

Những chỉ dẫn chung

•Chương trình “huấn luyện căn bản” dành cho GLV được đề nghị trong một lộ trình 3 năm và thực hiện tại giáo hạt. Lộ trình huấn luyện căn bản hàng năm được thực hiện trong 80 tiết học, được phân chia theo các giảng khóa khác nhau, và theo kế hoạch của giáo phận.
•Hai năm đầu trong lộ trình căn bản được phân biệt chứ không lặp lại.
•Mỗi giáo hạt ấn định ngày giờ thực hiện các khóa học theo tình hình và nhu cầu địa phương, lưu ý mỗi tiết học kéo dài tối thiểu 45 phút.
•Học viên đến ghi danh theo các lộ trình huấn luyện phải tròn 18 tuổi.
•Chỉ được phép thi cuối các giảng khóa nếu hiện diện đủ 2/3 các buổi học.
•Trung tâm Huấn luyện tự điều hòa các khoản đóng góp của các học viên và sự cộng tác của các cộng đoàn, giáo xứ.

(SOẠN THEO TÀI LIỆU CỦA VĂN PHÒNG GIÁO LÝ VÀ PHỤC VỤ CHO NGƯỜI DỰ TÒNG GIÁO PHẬN RÔMA 2001)
Nguon: http://giaolyductin.org/newsview/vn/160/GIOI-THIEU-LO-TRINH–DAO-TAO-GIAO-LY-VIEN–CUA-GIAO-PHAN-ROMA.html

GIÁO LÝ VÀ NỖ LỰC TÌM LẠI CĂN TÍNH

A. HÀNH TRÌNH TÌM LẠI CĂN TÍNH

Trong suốt chiều dài lịch sử, việc dạy giáo lý có những phương thức khác nhau. Vì thế, người ta thường hỏi đâu là bản chất đích thực và đặc điểm của nó. Câu hỏi trở nên cấp thiết khi công đồng Vatican II thực hiện một bước ngoặt quyết định làm thay đổi truyền thống trong việc dạy giáo lý của Giáo Hội. Để tìm được câu trả lời, thiết tưởng chúng ta phải nhìn lại một cách hệ thống chiều dài lịch sử của việc dạy giáo lý.

1. Trong thời hiện đại: việc dạy giáo lý giản lược vào việc “dạy thủ bản giáo lý”

Toàn bộ thời hiện đại, từ thế kỷ XVI cho đến giữa thế kỷ XX, chú tâm vào việc dạy thủ bản hay toát yếu giáo lý Kitô giáo (compendium), thủ bản trở thành công cụ ưu việt của việc dạy giáo lý.

Suốt thời hiện đại, đã có những ghi nhận về việc sử dụng và tầm quan trọng của những sách giáo lý truyền thống từ thời công đồng Trentô đến sách giáo lý của ĐTC Piô X, trong số đó, có những sách rất phổ biến như Canisio, Bellarmino, Astete, Ripalda, Deharbe, vv. Đã từ lâu việc dạy giáo lý được hiểu như việc ghi nhớ, giải thích và áp dụng vào cuộc sống những bản tóm tắt hay toát yếu giáo lý Kitô giáo này; chúng được biên soạn cách rõ ràng, cô đọng, dưới hình thức hỏi thưa, bao gồm những chân lý đức tin cần thiết cho ơn cứu độ, những giới luật hoặc nguyên tắc thực hành và những phương tiện hay công cụ siêu việt như ân sủng và bí tích.

Suy tư về giáo lý nghiêng về phương tiện ưu việt này và về mô hình sư phạm nghịch lại mô hình mục vụ. Bên cạnh những ưu điểm và lợi ích không thể phủ nhận, có thể đưa ra không ít những giới hạn của nó: chú trọng đến thần học nhiều hơn sư phạm của sứ điệp, sử dụng ngôn ngữ trừu tượng, sự nghèo nàn về Kinh Thánh và phụng vụ, quy trình diễn giải, sư phạm kiểu “lên lớp” và “hộ giáo”, vv. Không chỉ như thế, việc dạy giáo lý bị đồng hóa với việc “dạy thủ bản” cũng xuất hiện trong dòng lịch sử gắn với thời mà phần lớn “Kitô giáo” vẫn còn duy nhất và thuần nhất. Có thể nói rằng, trên nhiều bình diện, giáo dục tôn giáo tìm được trong môi trường gia đình và xã hội nhiều kênh truyền thông và ảnh hưởng bổ khuyết phần nào cho những thiếu sót của phương pháp dạy giáo lý này.

Thời gian trôi qua, việc bỏ đạo gia tăng, sự bất mãn và bận tâm cũng tăng lên; người ta thấy cần phải suy nghĩ lại thành phần của những hoạt động giáo lý khác nhau. Phong trào giáo lý nảy sinh và phát triển từ đó.

2. Thời tiền công đồng: từ việc “dạy thủ bản giáo lý” đến việc “dạy giáo lý”

Vào khoảng cuối thế kỷ XIX, một sự xoay chuyển lớn về ý tưởng và những sáng kiến được phát triển dẫn đến việc canh tân và khuếch trương giáo lý trong Giáo Hội được gọi là “phong trào giáo lý”.

Một chuỗi gợi ý và chỉ dẫn mang tính chính thức của phong trào được ghi nhận bắt nguồn từ Rôma, sau đó ảnh hưởng tới những quốc gia và các Giáo Hội địa phương khác. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến công trình tiên khởi của ĐTC Piô X, với thông điệp “Acerbo Nimis” (1905) và những sách giáo lý mang tên ngài (1905 và 1912), bản tuyên ngôn “Provido Sane” năm 1935 và Hội nghị Giáo lý Quốc tế ở Rôma năm 1950. Trong các quốc gia, chúng thấy có những hội nghị giáo lý khác nhau, nỗ lực soạn thảo sách giáo lý cấp quốc gia, những công trình không biết mỏi mệt của những nhà khai sáng khác nhau trong việc canh tân giáo lý.

Phong trào giáo lý cũng tìm được một số quốc gia làm nơi thuận tiện để xem xét lại hoạt động giáo lý dưới ảnh hưởng của nền thần học và sư phạm đương thời cũng như việc sử dụng những phương thế phân tích và giải thích mới. Trong ý hướng này, phải tuyên dương đặc biệt các nước Đức, Áo và Pháp. Nhìn chung về phong trào giáo lý ở châu Âu, người ta có thể phân biệt ba ảnh hưởng mang tính quyết định đó là sư phạm, phụng vụ và thần học-mục vụ.

Ảnh hưởng sư phạm
Ảnh hưởng đầu tiên (từ cuối thế kỷ XVIII đến thế chiến thứ hai) phát xuất từ mối bận tâm về phương phápdạy môn tôn giáo và từ ảnh hưởng của những ý tưởng lớn về sư phạm và tâm lý (O. Willmann, J.F. Herbart, J. Dewey, G. Kerschenstainer, A. Ferrière, vv.). Bận tâm chính là tìm ra cách dạy giáo lý tốt hơn, đặc biệt là điều kiện và cách học của trẻ em. Điều này nhắc ta nhớ đến ảnh hưởng của “phương pháp đan sĩ (Monaco)” và công trình không mỏi mệt của những người tiên phong trong việc canh tân giáo lý như H. Stieglitz, A. Weber, W. Pichler, M. Pfliegler, C. Quinet, M. Fargues, F. Derkenne, M. Montessori, J.M. Dingeon, vv…

Ảnh hưởng phụng vụ

Ảnh hưởng phụng vụ phát xuất từ việc canh tân phụng vụ, đặc biệt từ cách giải thích mục vụ (B. Beaudin, Hội nghị Malines 1908 và Monserrat 1915). Nỗ lực canh tân này đưa những yêu cầu và phương thức phụng vụ như bài hát, cử hành, biểu tượng, cử chỉ, vv…vào trong giáo lý.

Ảnh hưởng thần học-mục vụ

Ảnh hưởng thần học-mục vụ xảy ra giữa thế chiến thứ hai và CĐ Vatican II, phát xuất từ vấn đề nội dung hoặc sứ điệp của giáo lý là “kerygma”. Người ta phản đối cấu trúc trừu tượng và giáo điều của sách giáo lý truyền thống và tán thành việc trở lại với “kerygma” của các tông đồ cũng như với truyền thống giáo lý chân thực của Giáo Hội. Người ta khám phá lại tính quy Kitô của giáo lý, trọng tâm của lịch sử cứu độ, chiều kích Kinh Thánh và phụng vụ của sứ điệp Kitô giáo, khái niệm giáo lý như là việc giáo dục đức tin. Một vài khuôn mặt đáng nhớ về ảnh hưởng này: J.A. Jungmann, F.X. Arnold, G. Delcuve, J. Colomb, F. Schreibmayr, K. Tilmann, J. Hofinger.

3. Bước ngoặt công đồng Vatican II:duyệt xét lại toàn bộ việc dạy giáo lý

Công đồng Vatican II có ảnh hưởng sâu rộng và quyết liệt trên việc dạy giáo lý. Có thể nói Công Đồng đã khép lại “thời đại dạy thủ bản giáo lý” và mở ra công cuộc rà soát lại nền tảng của việc dạy giáo lý. Mặc dù Công Đồng không đề cập trực tiếp đến giáo lý, nhưng toàn bộ công trình của Công Đồng buộc ta phải thay đổi cách hiểu về nhiệm vụ của việc dạy giáo lý, qua việc xem xét lại một số điểm căn bản về việc dạy giáo lý như Lời Chúa, đức tin và Giáo Hội.

Hậu Công đồng là một thời kỳ đầy chấn động về giáo lý cũng như về các vấn đề khác trong đời sống Giáo Hội, một thời kỳ thật phong phú nhưng cũng rất phức tạp. Phong phú vì có nhiều công trình nghiên cứu những đường lối mới, đầy nhiệt thành và sáng tạo. Người ta soạn thảo nhiều sách giáo lý mới với những bản văn và tài liệu hỗ trợ, lập ra những Học viện và Trung tâm Huấn giáo lý. Nỗ lực suy tư về giáo lý dẫn đến nhiều bình diện hay chiều kích mới trên bình diện thực hành như đòi hỏi về nhân học, trọng tâm Kinh Thánh, chiều kích chính trị và xã hội, ưu tiên cho người lớn, ảnh hưởng của truyền thông và cách riêng của truyền thanh và truyền hình, tầm quan trọng của cộng đoàn, vv… Những thúc đẩy và tác động lớn lao này có khả năng phác họa một khuôn mặt thực sự mới mẻ về hoạt động giáo lý.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng có một thời kỳ thực sự bất ổn và phức tạp không thể kiểm soát được do những biến đổi và những sự mới mẻ gây ra. Thông thường một hoàn cảnh bất ổn và phức tạpnhư thế sẽ làm cho toàn bộ hoạt động giáo lý bị khủng hoảng về nội dung, phương pháp, môi trường, đối tượng, nhân sự, vv… đồng thời tạo ra xung đột và rối loạn, tranh cãi và căng thẳng, khủng hoảng về nhân sự và tổ chức, những cố gắng không chuyên môn và những kinh nghiệm chín muồi tỏa sang. Chúng ta không được quên rằng tận sâu thẳm của mọi biến đổi đều có những nguy cơ và những khó khăn; đây là cái giá phải trả cho mọi nỗ lực canh tân nghiêm túc.

4. Sự đóng góp của Huấn quyền về việc dạy giáo lý

Trong thời hậu Công đồng, cũng có rất nhiều chỉ dẫn giúp canh tân giáo lý một cách đúng đắn và có trật tự. Chúng ta nhớ đến những văn kiện và tài liệu của Giáo Hội Phổ quát như Hướng Dẫn Giáo Lý Tổng Quát năm 1971, Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người lớn” (OICA/RICA), Thượng Hội Đồng Gíam Mục năm 1974 và 1977 với các tông huấn kết thúc Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi) và Dạy giáo lý (Catechesi Tradendae), tông thư Sứ vụ Đấng cứu độ (Redemptoris Mission – 1990), Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (1992) và văn kiện mới Hướng Dẫn Tổng Quát về việc Dạy Giáo Lý (1997).

Bên cạnh những chỉ dẫn đại thể này, còn có những tài liệu hướng dẫn không kém phần quan trọng và ý nghĩa của các Giáo Hội địa phương, chẳng hạn tài liệu của các Giáo Hội châu Mỹ la tinh: Medellín, Puebla và S.Domingo.

Cần có sự minh định

Dạy giáo lý là một trong những hình thức thực thi sứ vụ Rao giảng Lời Chúa hoặc thừa tác vụ Ngôn sứ của Giáo Hội, bên cạnh các hình thức khác như Loan báo Tin Mừng đầu tiên, giảng dạy trong phụng vụ, suy tư thần học, vv… Vì thế, việc dạy giáo lý chỉ có thể tìm lại căn tính của mình trong viễn tượng Rao giảng Tin Mừng (RGTM). Việc đề cao tính ưu việt của RGTM trong sứ mạng của Giáo Hội có vẻ làm mờ nhiều chức năng truyền thống của việc dạy giáo lý, chí ít buộc chúng phải được xem xét lại. Cặp từ “RGTM và Giáo lý” thường xuất hiện trong các văn kiện và chương trình mục vụ mà trước đây những tài liệu ấy chỉ nói đến giáo lý. Người ta cũng nói đến “giáo lý phúc âm hóa”, “giáo lý truyền giáo” vv… và ưu tiên chọn RGTM đến độ hoạt động giáo lý chừng như biến mất hay bị lu mờ.Do đó, thiết nghĩ cần phải làm sáng tỏ vấn đề này.

Một khó khăn khác nảy sinh từ việc giáo lý có rất nhiều hình thức khác nhaunhư lộ trình dự tòng, chuẩn bị lãnh nhận các bí tích, các nhóm suy tư, các khóa huấn luyện, đọc Kinh Thánh, vv…, và hoạt động giáo lý cũng có nhiều tên gọi khác nhaunhư dạy đạo, giáo dục đức tin, dạy giáo lý, dạy tôn giáo, huấn luyện đạo đức, vv… Khi nói đến giáo lý, người ta cũng nói đến những hoạt động rất đa dạng nhưcử hành phụng vụ, cầu nguyện và chiêm niệm, các nhóm linh thao, sống & chia sẻ, các hiệp hội và phong trào, vv… Như thế, “giáo lý” dường như có mặt ở mọi nơi mọi chỗ, do đó, đánh mất ý nghĩa và căn tính của nó trong sự hòa hợp các chức năng khác nhau của cộng đoàn Kitô hữu. Một lần nữa, cần phải làm sáng tỏ và đào sâu ý nghĩa của việc dạy giáo lý.

B. CĂN TÍNH CỦA VIỆC DẠY GIÁO LÝ

Bản chất và ý nghĩa của việc dạy giáo lý được xác định trong viễn tượng Rao giảng Tin Mừngcũng như trong khuôn khổ sứ vụ của Giáo Hội, tức thừa tác vụ Lời Chúa.

1. Rao giảng Tin Mừng
Từ “Rao giảng Tin Mừng” hay “Phúc Âm hóa” (evangelization), trong CĐ Vatican II, chưa được xác định rõ, nhưng sau Công Đồng không những được xác định rõ mà còn được biết đến cách rộng rãi, nhất là trong thập niên 70. Thuật ngữ này xuất hiện trong các văn kiện, tài liệu, hội nghị và chương trình mục vụ và ảnh hưởng một cách nào đó trên THĐGM năm 1974 và sau đó trên tông huấn Evangelii Nuntiandi của ĐTC Phaolô VI năm 1975. Từ thập niên 80 và 90, xuất hiện lối diễn tả “Tân Phúc Âm hóa”, đặc biệt cho bối cảnh Âu Mỹ.

Thuật ngữ “Rao giảng Tin Mừng” hay “Phúc Âm hóa” (evangelization) ngày xưa được dùng cho những vùng “truyền giáo” và được hiểu như là sứ mạng chính yếu của toàn thể Giáo Hội:

“Chúng tôi muốn tái khẳng định rằng việc sai đi RGTM cho muôn dân làm nên sứ mạng chính yếu của Giáo Hội. Nhiệm vụ và sứ mạng này không giảm thiểu tính khẩn thiết của nó trong một xã hội nhiều chuyển biến lớn lao và sâu xa. Thật vậy, việc RGTM là ân sủng, là ơn gọi thiết yếu và là bản chất sâu xa của Giáo Hội” (EN 14).

Trong Tân ước, động từ “loan báo” (euanghelìzesthai) khi thì được dùng theo nghĩa hẹp là công khai và long trọng tuyên bố ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho mọi người trong Đức Giêsu Kitô – Đấng đã chết và đã sống lại, khi thì được dùng theo nghĩa rộng để chỉ toàn bộ hoạt động của Giáo Hội, bằng lời nói và cuộc sống, làm cho ơn cứu độ thành hiện thực.

Trọng tâm của việc RGTM luôn luôn là “Tin Mừng/Phúc Âm”. RGTM nghĩa là loan báo Tin Mừng Cứu độ, công bố Nước Trời, mạc khải “mầu nhiệm” được ẩn giấu nơi Thiên Chúa, loan báo cuộc Vượt qua của Đức Kitô – mạc khải siêu việt và kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa trong lịch sử.

Trong các văn kiện CĐ Vatican II, từ “RGTM” chuyển từ nghĩa hẹp là RGTM cho người chưa tin để họ hoán cải và gia nhập đạo, đến nghĩa rộng hơn là RGTM trong toàn bộ hoạt động ngôn sứ hoặc truyền giáo của Giáo Hội. Khảo sát thuật ngữ“RGTM” trong các văn kiện Công Đồng, Grasso kết luận như sau:

“Chúng ta có thể phân biệt ba ý nghĩa sau: hoặc chỉ việc dạy dỗ muôn dân (Ad gentes 6,26), hoặc chỉ toàn bộ thừa tác vụ lời (Lumen gentium 3,18; Christus Dominus 6,10; Gaudium et Spes 44,13; Apostolicam Actuositatem 2,20, vv.), hoặc chỉ toàn bộ hoạt động truyền giáo của Giáo Hội (Ad Gentes 23,6; 27,15, vv.)”

Trongcác văn kiện hậu Công Đồng, ý nghĩa của từ RGTM được xác định rõ và được hiểu theo nghĩa rộng, tức toàn bộ hoạt động truyền giáo của Giáo Hội được thực hiện dưới mọi hình thức. Tông huấn Evangelii Nuntiandi đã xác định nghĩa rộng của từ này, áp dụng nghĩa này trong cái nhìn phức hợp (17) và sự phong phú của mọi chiều kích (18-24).

“Chúng tôi đã tuyên bố, RGTM là một tiến trình phức hợp gồm nhiều yếu tố khác nhau: canh tân nhân loại, làm chứng, loan báo minh bạch, gắn kết tâm hồn, hội nhập cộng đoàn, chấp nhận những dấu chỉ, những sáng kiến tông đồ” (EN 24).

Nghĩa rộng của từ này cũng được Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý chấp nhận:
“Loan báo, làm chứng, giáo huấn, các bí tích, yêu tha nhân, thâu nạp môn đệ: tất cả những sắc thái ấy đều là những con đường và phương tiện cho việc truyền đạt Phúc Âm và làm thành những yếu tố của việc RGTM […]. Những thừa tác viên của việc RGTM phải biết hành động với một “cái nhìn tổng thể” về chính việc RGTM và đồng hóa nó với toàn bộ sứ mạng của GIÁO HỘI” (46).

“Việc RGTM phải được quan niệm như tiến trình mà qua đó Hội Thánh loan báo và phổ biến TM cho toàn thế giới dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần” (48).

Trong ý thức hiện tại của Giáo Hội, RGTM là loan báo và làm chứng cho Tin Mừng từ phía Giáo Hội, qua tất cả những gì Giáo Hội nói, Giáo Hội làm và Giáo Hội là. Nó bao gồm toàn bộ hoạt động của Giáo Hội nhắm đến việc loan báo và làm chứng Tin Mừng Nước Trời. Có thể nói định nghĩa này đánh dấu một bước ngoặt trong công cuộc Rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Giáo Hội sẽ “không có nghĩa gì nếu như nó không trở thành chứng tá, khơi lên lòng cảm phục và hoán cải, khi giảng dạy và loan báo Tin Mừng” (EN 15). Ý nghĩa của thuật ngữ RGTM giúp chúng ta xác định căn tính của việc dạy giáo lý, ngay bên trong tác vụ Lời Chúa.

2. Việc dạy giáo lý trong tác vụ Lời Chúa

Ngay từ thời các tông đồ, việc phục vụ Lời Thiên Chúa (Cv 6,2-4) đã được xem là yếu tố nền tảng của việc RGTM (x. HDTQ 50). Cùng với việc “làm chứng” (martyria), giáo lý là một phần của tác vụ Lời Chúa.

Các hình thức phục vụ Lời Chúa: Theo truyền thống của Giáo Hội, có ba hình thức chính yếu phục vụ Lời Thiên Chúa: loan báo Tin Mừng đầu tiên (kerygma), dạy giáo lý (catechesis) và giảng dạy trong phụng vụ (homily). Cách phân chia này vừa ám chỉ những đối tượng khác nhau (người chưa tin, người dự tòng, người tín hữu), vừa nói đến tiến trình tháp nhập vào nhiệm cục bí tích (hoán cải, rửa tội, thánh thể), cũng như những giai đoạn chính trong tiến trình năng động của đức tin (tiếp nhận đức tin, đào sâu đức tin, sống đức tin). Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy giáo lý (s. 51) phân biệt 5 hình thức của tác vụ Lời Chúa: qui tụ và mời gọi đón nhận đức tin, khai tâm, giáo dục đức tin thường xuyên, chức năng phụng vụ và chức năng thần học. Cách phân chia này không cho thấy hết toàn bộ lý thuyết cũng như thực hành mục vụ. Trên thực tế, không có sự phân biệt rạch ròi như thế; những hình thức đó thông thường, vì lý do mục vụ, phải đảm nhận cùng một lúc nhiều chức năng khác nhau (HDTQ 52). Cách phân chia truyền thống có thể làm sáng tỏ hơn.

Chứng từ Thánh Kinh và lịch sử: Các Giáo Hội tông truyền chứng minh một thực tế rất khác mà không ấn định các hình thức phục vụ Lời Chúa. Chính từ việc đáp trả trong đức tin lời loan báo Tin Mừng, rồi phát triển và đào sâu Lời Chúa dưới những hình thức khác nhau mà cộng đoàn hiện diện và làm chứng trước mặt mọi người. Sau đây là một vài hình thức đặc trưng được liệt kê một cách tổng quát:

“Việc loan báo Tin Mừng, nghĩa là việc loan báo Tin Mừng đầu tiên, với mục đích khơi dậy nơi người chưa có đức tin ước muốn gia nhập đạo; việc dạy giáo lý hay huấn giáo, là việc đào sâu, có mục đích giúp hiểu cặn kẽ và rút ra những hệ quả cho cuộc sống từ trọng tâm sứ điệp Tin Mừng; việc ngôn sứ, là việc thúc đẩy cộng đoàn phân định thánh ý Thiên Chúa trong lịch sử; làm chứng, là việc minh họa, bảo đảm và thuyết phục; khuyến thiện, là việc sửa dạy và làm cho thêm hăng hái”.

Những hình thức phục vụ Lời kể trên làm nên đời sống của các cộng đoàn, đời sống này trở thành điểm chuẩn để nối kết trung thành với sứ điệp cứu độ duy nhất. Dựa vào sự chuyển biến của từ ngữ tìm thấy trong Tân Ước, người ta có thể phân biệt giữa thời điểm đầu tiên của việc loan báosứ điệp, qua những động từ như “la lên” (krazein), “công bố” (keryssein), “truyền đạt” (euangelizein), “làm chứng” (martyrein), và thời điểm thứ hai của việc diễn giải và đào sâu,qua những động từ như “dạy dỗ” (didaskein), “dạy giáo lý” (katechein), “thuyết giảng” (homilein), “loan truyền” (paradidonai) và những từ tương tự. Vào thời điểm thứ hai của việc diễn giải và đào sâu, chúng ta tìm thấy từ “dạy giáo lý” (katechein):

“Keryssein có tương quan ngữ học với katechein. Keryssein (công bố) chỉ thể thức căn bản của một lời, một sứ điệp, so với katechein (dạy giáo lý) chỉ tiếng vang kéo dài dẫn đến việc thông hiểu sứ điệp”.

Từ “katechein” cho thấy tính mới mẻ của Tân ước, nhấn mạnh đến tính độc đáo của giáo lý, bao hàm việc “làm vang vọng” một Lời vượt trên hết mọi sự và không gì có thể thay thế được. Theo nghĩa đen, “katechein” có nghĩa là “vang vọng, làm vang vọng”, tương ứng với ý nghĩa của các từ như giảng dạy, lên tiếng dạy dỗ, tường thuật, kể lại (xem Lc 1,4; Cv 18,25; 21,21; Rm 2,18; 1 Cr 14,19; Gal 6,6).

Trong thời hậu các tông đồ và các giáo phụ, việc dạy giáo lý có một ý nghĩa chính xác nhất; đó là việc giảng dạy căn bản đức tin Kitô giáo trong bối cảnh dự tòng. Vào thời trung cổ, từ “dạy giáo lý” (catechesis) biến mất và được thay thế bằng những từ như “sách giáo lý” (catechism), “huấn thị” (instruction), thường ở dạng hỏi-thưa như thấy trong phần mở đầu nghi thức rửa tội. Trong thời hiện đại (thế kỷ XVI-XIX) hoạt động giáo lý trở nên hưng thịnh với những phương tiện (các sách báo về giáo lý được in ấn và phổ biến) và tên gọi khác nhau như dạy bổn, dạy đạo, dạy tôn giáo, vv. Chỉ với sự phát triển của phong trào giáo lý ở thế kỷ XX, người ta mới lấy lại định nghĩa truyền thống về “dạy giáo lý”, với ý định vừa khám phá lại ý nghĩa đích thực vừa giải thích lại ý nghĩa của nó dưới ánh sáng của những điều kiện lịch sử và văn hóa biến đổi.

3. Bản chất của việc dạy giáo lý
Truyền thống Giáo Hội cho thấy có sự khác biệt đáng kể giữa các hoạt động được diễn tả bằng từ “dạy giáo lý” hoặc các từ tương đương. Trong những thời đại nhất định, các từ này biểu thị những hình thức hoạt động thường làm nên các tổ chức như dự tòng thời cổ đại, khai tâm bí tích, dạy đạo cho người lớn và trẻ em, dạy tôn giáo trong nhà trường, vv. Từ “dạy giáo lý” ngày nay, theo giáo huấn của Giáo Hội, được hiểu theo nghĩa rộng và xác thực hơn.
Hiện có rất nhiều định nghĩa về giáo lý; một vài định nghĩa được sử dụng và trích dẫn trong các văn kiện chính thức của Giáo Hội, chẳng hạn Công Đồng nói đến “việc dạy giáo lý” để “khơi dậy đức tin nơi mọi người và làm cho đức tin ấy, nhờ đạo lý soi dẫn, trở nên sống động, dứt khoát và tích cực» (CD 14); hoặc định nghĩa của THĐGM năm 1977:

«Công việc này … bao gồm việc giáo dục đức tin có tồ chức, phát triển và thống nhất với một tiến trình trưởng thành đức tin vững chắc».

Một định nghĩa khác trong Hướng dẫn Giáo lý Tổng quát năm 1971:
«Trong lãnh vực hoạt động mục vụ, giáo lý là hoạt động Giáo Hội dẫn dắt các Kitô hữu và các cộng đoàn đạt tới một đức tin trưởng thành» (HDGL 21).

Trong Hướng dẫn Tổng quátviệc Dạy Giáo lý năm 1997, “dạy giáo lý là một trong những thời điểm chính yếu của tiến trình rao giảng Tin Mừng … Thời điểm của việc dạy giáo lý là thời gian để hình thành cuộc trở lại với Chúa Giêsu” (s.63) và “đặt nền tảng cho tòa nhà đức tin” (s.64), “là sự khai tâm có tổ chức và hệ thống hướng về Mạc khải” (s.66). Đặc biệt việc dạy giáo lý khai tâm được diễn tả như là “một sự đào tạo có tổ chức và có hệ thống về đức tin” (s.67), hơn hẳn việc giảng dạy truyền thống:

«Việc đào tạo có tổ chức và có truyền thống này còn hơn là một sự giảng dạy: đó là một cuộc tập luyện toàn bộ đời sống Kitô giáo, “một sự khai tâm Kitô giáo trọn vẹn” dẫn đến cuộc sống đích thực theo chân Đức Kitô, tập trung vào Ngôi vị của Người. Thực vậy, đó là việc giáo dục để nhận biết và sống đức tin sao cho qua những kinh nghiệm sâu sắc của mình, con người toàn diện tự cảm thấy mình phong phú nhờ Lời Chúa»(HDTQ 67).

Dẫu có những diễn tả khác nhau, nhưng Giáo Hội hiện thời vẫn thống nhất ý kiến trong việc nhận ra căn tính của giáo lý xoay quanh 3 trục chính: Lời Chúa, Đức tin và Giáo Hội:

• Dạy giáo lý là tác vụ Lời Chúa; vì vậy, dạy giáo lý là phục vụ Tin Mừng, là thông truyền sứ điệp Kitô giáo và loan báo Đức Kitô;
• Dạy giáo lý là giáo dục đức tin; trongcông cuộc giáo dục này, Giáo Hội giữ vai trò trung gian để giúp cho đức tin nảy sinh và tăng trưởng nơi từng người cũng như nơi cộng đoàn;
• Dạy giáo lý là hoạt động của Giáo Hội; hoạt động nàydiễn tả thực tại và sứ mạng chính yếu của Giáo Hội.
Tóm lại, dạy giáo lý là hình thức phục vụ Lời Chúa của Giáo Hội nhằm mục đích làm cho từng người và từng cộng đoàn trưởng thành trong đức tin.

4. Một vài xác định và chọn lựa ưu tiên

Giáo lý là một thời điểm có ý nghĩa trong toàn bộ tiến trình Rao giảng Tin Mừng.Nếu như trong thực tế, Giáo Hội phối hợp loan báo và làm chứng cho Tin Mừng lại với nhau, thì giáo lý luôn là một hình thức Rao giảng Tin Mừng:

«Việc dạy giáo lý nằm trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội và được coi là ‘thời điểm’ chính yếu, nó kín múc trong công cuộc RGTM động lực truyền giáo đã đem lại cho nó sự phong phú nội tại và căn tính đặc thù»(HDTQ 59; x. DGL 18).

Về bản chất, giáo lý là một thời điểm khác biệt và tiếp nối thời điểm loan báo Tin Mừng đầu tiên(HDGL 61). Nó giả định bước loan báo đầu tiên này thúc đẩy sự hoán cải ban đầu. Điều này không luôn xảy ra nhưng xác lập biên giới giữa 2 thời điểm, thực tế, việc dạy giáo lý bao hàm việc hoán cải và kêu gọi hoán cải (HDGL 62). Hoàn cảnh mục vụ ngày nay khiến việc dạy giáo lý phải thực thi luôn chức năng truyền giáo, đặc biệt trong các Giáo Hội có truyền thống Kitô giáo lâu đời, nơi mà xã hội mang đậm tính Kitô giáo nhưng không hành xử theo đức tin.

Như vậy, điểm nổi bật trong toàn bộ hoạt động giáo lý là việc dạy giáo lý khai tâm dưới các dạng thức khác nhau, chẳng hạn việc đào tạo có tổ chức và có hệ thống về đức tin (HDGL 67), và việc dạy giáo lý có một chức năng không thể thay thế được trong tiến trình RGTM:

«Việc dạy giáo lý khai tâm, vì thế, là mắt xích nối kết hoạt động truyền giáo là mời gọi tin, với hoạt động mục vụ là làm sống lại cộng đoàn Kitô giáo. Vậy đây không phải là một hoạt động tùy tiện, nhưng là nền tảng phát huy chính nhân cách của người môn đệ cũng như cộng đoàn»(HDTQ 64).

Trong bối cảnh này, người ta dành ưu tiên cho giáo lý người lớn; một chọn lựa chín chắn trong thời hậu công đồng và được khắp nơi tán thành:

«Các mục tử cũng nên nhớ rằng việc dạy giáo lý cho người lớn là việc dạy giáo lý trực tiếp cho những người có khả năng gia nhập và dấn thân thực sự có trách nhiệm, hình thức dạy giáo lý này cùng với những hình thức khác, được xem là hình thức chính của việc dạy giáo lý, cho nên không được xem nhẹ nhưng phải xem là mệnh lệnh” (HDGL 20).

Chức năng dạy giáo lý của Giáo Hội rất rộng lớn và được thực hiện dưới những hình thức khác nhau: cá nhân và cộng đoàn, tự phát và có tổ chức, cơ hội và có hệ thống. Đan cử những hình thức khác nhau: giảng dạy, khuyên răn, thảo luận, làm chứng, suy tư, vv. Những hình thức này được thực hiện trong những sinh hoạt đa dạng và cụ thể: những lộ trình dự tòng, chuẩn bị lãnh các bí tích, các khóa huấn luyện tôn giáo, suy tư cộng đoàn, giảng dạy phụng vụ, truyền thông đại chúng, vv. (x. HDGL 71).

Chức năng và những hình thức dạy giáo lý khác nhau không được làm mất đi căn tính của việc dạy giáo lý là phục vụ Lời Chúa hướng đến sự trưởng thành đức tin của người Kitô hữu. Cùng với những hoạt động khác của Giáo Hội, việc dạy giáo lý xác định rõ đặc điểm của mình là đào sâu (đối với đức tin ban đầu) và khai mở hoặc dẫn vào (những thực hành đạo đức khác nhau trong đời sống Kitô hữu như cầu nguyện, phụng vụ, cam kết, làm chứng, vv.). Cho nên, không phải mọi hình thức hoạt động trong đời sống Giáo Hội đều là “giáo lý”, cho dù có thể nói toàn bộ hoạt động của Giáo Hội luôn có mộtkhía cạnh hoặcchiều kích giáo lý.

Theo Emilio ALBERICH, La catechesi oggi. Manuale di catechetica fondamentale (Giáo lý ngày nay. Thủ bản nghiên cứu giáo lý căn bản), Elledici, TO, 2001, 61 – 77.

Md Phạm Thúy
Nguon : http://giaolyductin.org/newsview/vn/222/GIAO-LY–VA-NO-LUC-TIM-LAI-CAN-TINH-.html