Tâm tình sống Mùa Vọng SỐNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

Hôm nay là ngày cứu độ” (2Cor 6, 2).

Suy nghĩ một chút, ta thấy giây phút hiện tại ít được quan tâm, ít thấy có giá trị, bởi vì hiện tại thật nhỏ nhoi, thật dòn mỏng giữa hai thực thể khổng lồ là quá khứ và tương lai. Tùy theo tuổi tác và tính khí, con người ta ít nhiều ôm đồm những giấc mộng tương lai hay gánh nặng quá khứ hơn là chú tâm sống giây phút hiện tại. Tuổi trẻ thường muốn sống cuộc đời trong mơ, muốn thực hiện ngay những “dự phóng” còn chưa khô mực, trong khi đó người già thích ngồi “đánh bóng” những kỹ niệm xa mờ. Ta thường đánh mất hiện tại bằng cách giam hãm mình và người khác trong quá khứ, hoặc triệt buộc mình và người khác trong một tương lai mịt mù. Khi chưa có, ta khao khát mãnh liệt, khi vừa qua đi ta lại muốn níu kéo lại. Giây phút hiện tại có thể nắm bắt được thì ta lại lơ là, không để cho nó hoàn tất những gì phải làm, không để nó sản sinh những gì phải có, để rồi cứ miệt mài theo cách nghĩ và lối sống sẵn có của mình.

1. Tầm quan trọng

Ngay từ xa xưa một số triết thuyết ngoại giáo cũng đã từng chủ trương sống cái hiện tại. Theo Aristippe, thủ lãnh trường phái Cyrênê, cần nắm bắt và tận hưởng khoái lạc trong hiện tại. Khoái lạc hiện tại cũng là mục tiêu của phái Epicure. Horace đã tóm tắt ý tưởng này trong câu nói thời danh: Cape diem : hãy tận hưởng giây phút hiện tại. Đến thời Phục hưng, Ronsard cũng diễn tả điều đó qua câu thơ:

Hãy ngắt những bông hồng cuộc sống

Chờ đợi làm chi đến ngày mai.

Cuối cùng A. Gide cũng đề xướng “Hãy có một tâm hồn rộng mở trước tất cả những gì mà giây phút hiện tại đưa tới”. Nhưng rất tiếc là ông cũng như những chủ thuyết trên chỉ toan tính và cởi mở trước những khoái lạc nhục dục. Tuy nhiên, tự chúng cũng hàm ngụ phần nào sự thật. Ngay như Séneque, một triết gia ngoại giáo, cũng đã nhận xét rằng: lầm lẫn chung của tất cả chúng ta là không làm hay làm không tốt những gì phải làm ngay trong lúc này.

Mở ra trang Tin Mừng của Đức Kitô, ta gặp được công thức sống giây phút hiện tại ở cuối bài giảng trên núi (Mt 6, 34): “Đừng lo về ngày mai. Ngày mai sẽ lo cho ngày mai”. Thánh Phaolô đã xác định với chúng ta: “Lúc này là lúc thuận tiện. Hôm nay là ngày cứu độ” (2Cor 6, 2). Các thánh đã sống tuyệt hảo giây phút hiện tại theo gương Chúa, Đấng chỉ có hiện tại, không có quá khứ hay tương lai. Thiên Chúa phán cùng Ngôi Con: “Hôm nay Ta đã sinh ra con”. Hôm nay là của Chúa, giây phút hiện tại này là vĩnh cửu. Lúc hấp hối, Thánh Têrêsa đã nói: “Tôi chỉ thấy giây phút hiện tại, quên hết quá khứ và cảnh giác tương lai”.

Quá khứ đã qua, tương lai thì chưa biết, chỉ có hiện tại nằm trong tầm tay của chúng ta, sẵn sàng giúp ta dàn trải tư tưởng và hành động trong cuộc sống, hầu cảm nhận nét bút kỳ diệu của Thiên Chúa trên những đường cong trong cuộc đời mình. Khi mời gọi chúng ta sống tỉnh thức, Chúa Giêsu muốn chúng ta sống triệt để giây phút hiện tại, nghĩa là tập trung toàn bộ năng lực cho sự phát khởi cao đẹp nhất của một tư tưởng, một hành vi, một thái độ, một tâm tình, một phản ứng với tất cả sự đáp ứng tích cực. Bởi đó, việc đầu tiên trong chương trình sống của người Kitô hữu hằng ngày phải là: đong đầy trong yêu thương những giây phút hiện tại đi qua trong đời.

Tiếp tục đọc

MÙA VỌNG

Mùa vọng là mùa đợi trông trong hy vọng. Mong đợi trong phụng vụ thường đi đôi với niềm vui chứa chan, lạc quan và tin tưởng nơi Thiên Chúa yêu thương.

Ngoài bài ca của thiên thần hang Belem, lễ vật của ba vua phương đông dâng tiến và lời tiên tri của Ana và Simêon trong ngày lễ dâng vào đền thánh, không có gì cho thấy em bé đó là Thiên Chúa giáng trần.

Chúa đến trần gian trong âm thầm nơi hang đá hẻo lánh, giữa mùa đông giá lạnh. Chúa nhận thân phận con người như mọi người ngoại trừ tội lỗi; nhận bà Maria làm mẹ; nhận Giuse làm cha nuôi; nhận làm người tị nạn ngay từ lúc mới sinh, nhận sống lưu đầy từ tấm bé, nhận cái nghèo của gia đình lao động chân tay; nhận ẩn mình trong phận người, hòa mình với kẻ nghèo, ăn đồng bàn với phường tội lỗi; lội bộ dọc bờ cát với đám dân chài.

Ngài còn nhận làm con dân một dân tộc mà suốt dòng lịch sự khi hoạn nạn xảy đến tỏ ra ngoan ngõan, trung thành; lúc bình an vô sự lại tỏ dấu bất trung; Một dân tộc mà ông tổ từ lúc khởi nguyên đã ăn trái cấm còn đổ lỗi vòng quanh, không chấp nhận giới hạn, sai trái, lỗi phạm của phận người.

Chúa ẩn mình trong con người tầm thường như mọi người để cảm thông với mọi người. Chúa nhận được niềm cảm mến, tôn thờ, chúc tụng ngợi khen của những người tin theo. Trái lại cũng có nhiều người không tin theo, tôn thờ. Người ta xỉ vả, xua đuổi, chất vấn, đánh đòn, bắt vác thập giá ra pháp trường chịu đóng đanh cũng vì Ngài đến và sống một cách quá tầm thường. Ngay cả sau khi Chúa sống lại người ta vẫn tiếp tục hiểu lầm về ơn cữu rỗi. Việc hiểu lầm kéo dài ngàn năm vì người ta không chấp nhận một Thiên Chúa quá âm thầm, khiêm nhường đến độ các bộ óc thông minh nhất không lí giải nổi việc Chúa làm. Chọn chết để sống lại vinh quang; chấp nhận xua đuổi để được đón nhận, chọn ghét bỏ đổi lấy yêu thương, chọn làm người hữu hạn để diễn tả lòng Chúa vô biên. Chúa tình yêu không thể tìm gặp bằng lí luận mà bằng con tim. Lòng yêu mến dẫn ta đến với Ngài. Chúa đến âm thầm, đơn sơ đến độ nhẹ nhàng như lời nói đầu của phúc âm Gioan Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (1,14). Đơn sơ quá, tầm thường quá, trở nên phàm nhân thì phàm nhân lấy chi để phân biệt ai là phàm nhân, ai là Chúa ẩn mình. Vì thế mà có tình trạng ‘Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận’ (1,11).

Vì người nhà dùng trí thông minh suy xét và mượn lí luận của triết học đưa đến kết luận Đấng Cứu Thế sẽ đến trong uy quyền ngập tràn tiếng kèn tiếng trống với bài ca bất tận của đạo binh thiên thần. Quyền uy oai phong lẫm liệt đè bẹp mọi sức mạnh trần thế và mọi thế lực trần gian phải phủ phục tôn thờ. Ngài là Thiên Chúa oai phong mãnh liệt hơn muôn đạo binh, hùng dũng hơn sóng thần, mạnh bạo hơn vũ bão, bước chân ngài rền vang hơn cả sấm gầm, sóng vỗ, uy lực rung chuyển cả mặt đất và sáng hơn cả vầng thái dương. Do vậy Ngài không thể đến trong âm thầm, ẩn thân và ẩn dật nơi vùng Belem hay vùng Nazareth nơi tăm tiếng trải dài không quá ba dặm đường.

Người nhà chờ Đấng Cứu Thế đến sống và thực hành theo đất lề, quê thói, giữ trọn vẹn truyền thống cha ông và bảo đảm luật Môi sê được thực hiện cho mọi dân mọi nước. Người nhà không chấp nhận một Giêsu đến theo họ là phá bỏ lề luật tiền nhân, không rửa tay trước khi ăn, chữa bệnh ngày Sabath, ăn cùng mâm với bọn thu thuế, ngồi chung bàn với quân tội lỗi. Một Giêsu như thế người nhà không chờ, không đón và không chấp nhận nhưng phải giết đi vì dám nhận là Con Thiên Chúa, phạm thượng gọi Chúa là Cha, xưng mình làm vua, tội đáng chết khổ hình thập giá.

Tiếp tục đọc

Mùa vọng mùa tình nhân

  Mùa tình nhân đến đây rồi,
 “lời yêu thương vang khắp nơi”.
 

Trong giai đoạn tiền hôn nhân, tình nhân của muôn thuả, muôn muôn thế hệ thích chờ, thích đợi, vọng ngóng trông nhau. Không gặp được nhau, cuộc đời bỗng dưng buồn tênh, trống vắng; cuộc sống tự nhiên nhạt nhẽo, dư thừa. Khi gặp được nhau, cuộc đời tưng bừng tiếng pháo, nở tung ngàn vạn đóa hoa, bởi chàng sánh vai dẫn nàng đi chơi, đi vô công viên ngắm hoa, đi sắm đồ trong thương xá, đi ăn tối có nhạc giao hưởng nhè nhẹ đệm nhịp trên những khăn bàn nhung đỏ, có những ngọn nến hồng lung linh cháy sáng bên cạnh những nụ hoa hồng đỏ tươi. Bữa cơm nến hồng vừa xong, những người yêu nhau đi vô vũ trường nhảy đầm, hát karaokee, hoặc đi coi xi-nê. Bởi thế, cuộc sống mùa vọng của một đôi tình nhân, trước ngưỡng cửa hôn nhân, lúc nào cũng ngập tràn lãng mạn. Anh lúc nào cũng là hoàng tử đẹp nhất của long em. Và em lúc nào cũng là công chúa của lòng anh. Mùa vọng của một đôi tình nhân luôn luôn là những ngọn nến hồng của Gaudete (Vui Lên! Rejoice!) được đốt sáng trong thánh lễ Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng, Chúa Nhật của Gaudete, của Vui Lên, của Rejoice, bởi vì nàng và chàng đang sống trong mùa của tình nhân.

Một cách tương tự, Mùa Vọng là mùa người Kitô hữu đợi chờ giây phút Tình Nhân Giêsu lái xe, ghé tới nhà, mở cửa mời chúng ta lên xe, đi vào căn nhà hàng mầu hồng của tình yêu thiên đàng. Cho nên, Mùa Vọng cũng chính là Mùa Tình Nhân.

Thật vậy, người Kitô hữu trong Mùa Vọng chính là những thiếu nữ tuổi mười tám phơi phới tình xuân, nhưng nghèo nàn, đang chờ đợi, vọng trông giây phút Hoàng Tử Giêsu ghé tới, thay đổi cuộc đời bần hàn của chúng ta.

Tiếp tục đọc

Mùa vọng mùa năn nỉ

Chúa ơi, làm ơn đi mà
Con năn nỉ Chúa đó!

Mùa Vọng là mùa của trông đợi trời cao hãy đổ sương xuống. Lời năn nỉ của những người Kitô hữu Việt Nam, “Maranatha, Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi” trong những ngôi giáo đường của quốc nội và hải ngoại tiếp tục ngân vang từ những ngày Chúa Nhật đầu tiên của Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng. Lời năn nỉ Maranatha, trong tiếng Aramaic có nghĩa là “Chúa của chúng con ơi, xin hãy đến” (1Cor 16:22), sẽ còn tiếp tục nỉ non cho tới giây phút chuông vàng chuông bạc của Thánh Lễ Nửa Đêm ngân vang kỷ niệm giây phút Ngôi Hai nhập thể làm người. Mùa Vọng, do đó, có thể được gọi là Mùa Năn Nỉ. Trong suốt bốn tuần lễ của Mùa Vọng, chúng ta năn nỉ Giavê Thiên Chúa, “Chúa ơi, con năn nỉ Chúa đó. Làm ơn đi mà. Xin hãy đến. Xin hãy nhập thể vào trong máng cỏ tâm hồn của con”.

Thành Sôđôm nổi tiếng trong dòng lịch sử ơn cứu độ bởi lửa đỏ và diêm sinh đã từng tuôn đổ từ trời cao thiêu đốt cháy hết tất cả mọi người trong thành ngoại trừ gia đình ông Lót. Nhưng thành Sôđôm có lẽ cũng nổi tiếng bởi một cuộc năn nỉ, trả giá tay đôi giữa Thiên Chúa và tổ phụ Abraham. Abraham ra một cái giá năm mươi, năn nỉ với Ông Trời xin tha phạt nếu ông tìm được năm mươi người công chính trong thành Sôđôm. Thiên Chúa gật đầu đồng ý. Abraham được thể lấn tới, đòi hạ giá nữa. Lần này bốn mươi năm. Chúa vẫn gật. Thấy Chúa dễ dãi, tổ phụ Abraham lại xuống giá. Lần này bốn mươi người. Tổ phụ Abraham nói, “Chúa ơi, nếu con tìm được bốn mươi người công chính, xin giơ cao đánh khẽ thôi nhé”. Chúa lại gật. Thấy tình hình làm ăn có vẻ dễ dàng thuận lợi, Abraham lấn tới nữa. Lần này ba mươi. Chúa vẫn gật. Rồi hai mươi. Thiên Chúa từ bi nhân hậu tiếp tục gật. Sau cùng là mười. Và Giavê Thiên Chúa vẫn không lắc mà chỉ gật.

Đêm khuya canh vắng có người gõ cửa nhà ông hàng xóm, năn nỉ xin ba chén gạo về nhà nấu cơm cho người khách lỡ độ đường. Người này đứng gõ cửa, gãi tóc, năn nỉ, “Ông hàng xóm, ông bạn dễ thương của tôi ơi. Tôi có người bạn mới ghé thăm. Mà kẹt quá, trong nhà gạo lại chạm đáy lu rồi. Làm ơn cho tôi mượn mấy chén gạo về nhà nấu cháo hoa cho người bạn lỡ độ đường đi”. Người đứng ngoài cửa tiếp tục năn nỉ, tiếp tục gõ. Người nằm trên giường tiếp tục chối từ, tiếp tục lắc, “Trời tối rồi, tôi đã lên giường. Về đi. Mai tôi còn phải dậy sớm, đi làm, cày hai jobs. Về đi”. Người nằm trong giường tiếp tục lắc, “Về đi”. Người đứng ngoài cửa tiếp tục gõ, “Làm ơn đi mà”. Và theo như lời của Đức Giêsu, cuối cùng, người nằm trên giường bên trong ngôi nhà cũng phải đứng dậy, mở cửa cho người năn nỉ tất cả những thứ mà anh ta cần, không phải bởi tình bạn hoặc tình hàng xóm, nhưng bởi vì lòng kiên trì của anh ta (Luca 11:8).

Bạn thân,

Nếu mình không bao giờ cất giọng năn nỉ, không mấp máy đôi môi, không mở miệng nói, “Làm ơn đi mà”, không ai trên cõi Thiên Đàng cũng như dưới cõi trần thế biết là chúng ta đang thiếu thốn bần hàn, đang nghèo rớt mồng tơi. Nếu chúng ta cứ tiếp tục ngồi trong bóng tối, không than thở, không nói chi, tiếp tục im lặng, nghĩ là mình đầy đủ, dư thừa, ân sủng vàng bạc từ trời cao sẽ không bao giờ tuôn rơi lấp lánh, rớt xuống phủ chùm trên linh hồn và trên thân xác của chúng ta.

Có dịp dừng chân ngay tại góc đường ở dưới phố, đôi khi bạn và tôi gặp hai ba người hành khất đứng chìa tay xin tiền, “Làm ơn cho hai mươi năm xu. Làm ơn bố thí cho mấy đồng bạc lẻ”. Người hành khất này nghèo không có tiền. Bởi không có tiền, anh ta không mua được những thứ anh ta cần. Cho nên anh ta cần phải năn nỉ vào lòng từ tâm của những người qua đường. Nếu người hành khất này không mở miệng năn nỉ, không một người khách bộ hành nào sẽ để ý nhìn đến anh ta, chứ đừng nói chi đến chuyện bố thí tiền bạc.

Trong tình yêu, người ta cũng năn nỉ nhau. Hàn Mặc Tử, nhà thơ Công Giáo nổi tiếng với những vần thơ về trăng, về Đức Mẹ Ave Maria cũng đã từng mở miệng năn nỉ,

Sao [em] không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.

Có lẽ bởi không được yêu, thiếu thốn tình yêu, nhà thơ họ Hàn phải mở giọng cất tiếng van xin tình yêu. Bởi thế, nhà thơ viết xuống giấy trắng mực đen bao nhiêu bài thơ tình năn nỉ tình yêu. Không biết những thiếu nữ có đáp lại lời năn nỉ của nhà thơ hay không, nhưng hình như Mộng Cầm cũng đã từng lên tiếng đáp trả lời năn nỉ của nhà thơ họ Hàn. Nhưng rất tiếc, có lẽ tại bệnh phong của nhà thơ, cuối cùng câu đáp trả của Mộng Cầm cho lời năn nỉ của họ Hàn cũng không trọn vẹn. Cuối cùng nhà thơ đã chết cô đơn trong nhà thương cùi tại Quy Hòa.

Triệu Minh, Quận Chúa cao sang Mông Cổ trong Cô Gái Đồ Long cũng đã từng năn nỉ tình yêu của Ma Vương Trương Vô Kỵ. Vào ngày cưới của Trương Vô Kỵ với Chu Chỉ Nhược, xuất hiện với một nhúm tóc vàng của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, Triệu Minh năn nỉ Trương Vô Kỵ ngưng, thôi không cưới cô dâu xinh đẹp, trưởng môn Nga Mi. Nếu Triệu Minh không xuất hiện, không năn nỉ, Quận Chúa Mông Cổ không bao giờ có dịp được Trương Vô Kỵ kẻ chân mày cho mình.

Mẹ Việt Nam cũng từng năn nỉ con gái Việt Nam ,

Con ơi! Mẹ bảo con này,
Học khôn, học nói, cho tày người ta,
Con đừng học thói chua ngoa,
Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười.

Có lẽ bởi lời năn nỉ của mẹ Việt Nam, vương quốc Văn Lang đã sản sinh ra không biết bao nhiêu thiếu nữ Lạc Việt với công dung ngôn hạnh, duyên dáng, mặn mà, xứng đáng là con cháu của Hai Bà Trưng và Bà Triệu.

Con cái khi còn ở với bố mẹ cũng đã từng năn nỉ, “Mẹ ơi cái kiếng mắt Guchi đó nhìn đẹp lắm. Bố ơi, cái quần jean ở tiệm Gap đang bán on sale. Bố mua cho con đi”.

Và mẹ cũng đã từng năn nỉ con gái, “Mẹ sẽ mua cho con cái kiếng Guchi”; bố cũng đã từng năn nỉ con trai, “Bố sẽ mua không phải một nhưng mà là ba cái quần jean CK brandname, không bán on sale, nếu cuối năm con mang về cho bố một rừng điểm A sáng chói nhé”.

Đức Giáo Hoàng vĩ đại của thiên niên kỷ thứ ba cũng năn nỉ với giới trẻ qua những đại hội Giới Trẻ, “Các con hãy trở nên thánh thiện. Hãy đứng dậy đáp lại lời mời gọi dấn thân của Đức Kitô”. Và chắc chắn, thông điệp hãy đứng lên, hãy dấn thân cũng sẽ là một trong nhiều thông điệp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ mở miệng, sẽ năn nỉ giới trẻ vào đại hội Giới Trẻ Mùa Hè 2005 được tổ chức tại thành phố Cologne bên Đức.

Đức Mẹ trong lần diện kiến với ba trẻ mục đồng bên Fatima của Bồ Đào Nha năm 1917 cũng đã năn nỉ thế giới thôi đừng xúc phạm đến danh thánh Chúa nữa, nhưng nên lần hạt Mân Côi, thay đổi đời sống. Có lẽ, bởi người ta không thiết tha lắng nghe lời năn nỉ của Mẹ, cho nên, đã có một thời nước Nga trở thành một cái roi sắt mà Thiên Chúa sử dụng để luận phạt thiên hạ.

Bạn thân,

Người ta cần phải năn nỉ nhau, bởi người ta không có những thứ mà người ta đang mở miệng năn nỉ. Và bởi biết mở miệng năn nỉ, những thiếu thốn, những trống vắng sẽ được lấp đầy.

Mẹ năn nỉ con cái học khôn ngoan thôi xảo quyệt. Đức Giáo Hoàng năn nỉ giới trẻ. Đức Mẹ Fatima năn nỉ cả thế giới. Tất cả những cái năn nỉ của người mẹ Việt Nam, của Đức Giáo Hoàng, và của Đức Mẹ Fatima đã làm cho thế giới càng ngày càng trở nên một nơi để sống chứ không phải là một nơi để chạy trốn. Bởi thế, ngoài mở miệng năn nỉ Thiên Chúa, chúng ta hãy mở miệng năn nỉ lẫn nhau. Hãy mở miệng năn nỉ người hàng xóm, người công nhân trong hãng thôi lường gạt, thôi gian dối. Hãy mở miệng năn nỉ thôi nói xấu lẫn nhau. Hãy mở miệng năn nỉ thôi làm tất cả những điều mà mình không muốn người khác làm tổn thương mình. Hãy năn nỉ nhau thôi làm điều xấu. Khi điều xấu bớt đi, cái đẹp tự nhiên sinh chồi nẩy lộc, đơm hoa đâm nhánh. Khi đó cỏ thơm hương hoa thiên đàng mọc lan tràn khắp nơi. Bởi người ta biết năn nỉ nhau, trái đất này sẽ không còn phải là một nơi để người ta tiếp tục than khóc thở than nữa.

Mùa Vọng chính là Mùa Năn Nỉ, bởi vì tương tự như tổ phụ Abraham, như những người anh chị em Do Thái, như người đàn ông đứng gõ cửa nhà ông bạn hàng xóm trong đêm khuya thanh vắng, nếu chúng ta biết mở miệng năn nỉ Thiên Chúa qua những lời kinh nguyện, Ngôi Lời sẽ nhập thể trong hình hài của một trẻ thơ trong máng cỏ lòng của chúng ta.

Lạy Chúa, trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, xin dạy con biết mở miệng năn nỉ, năn nỉ Chúa, và năn nỉ anh chị em con.

 

 

Mùa vọng mùa tình nhân

Mùa tình nhân đến đây rồi,
“lời yêu thương vang khắp nơi”.
T
rong giai đoạn tiền hôn nhân, tình nhân của muôn thuả, muôn muôn thế hệ thích chờ, thích đợi, vọng ngóng trông nhau. Không gặp được nhau, cuộc đời bỗng dưng buồn tênh, trống vắng; cuộc sống tự nhiên nhạt nhẽo, dư thừa. Khi gặp được nhau, cuộc đời tưng bừng tiếng pháo, nở tung ngàn vạn đóa hoa, bởi chàng sánh vai dẫn nàng đi chơi, đi vô công viên ngắm hoa, đi sắm đồ trong thương xá, đi ăn tối có nhạc giao hưởng nhè nhẹ đệm nhịp trên những khăn bàn nhung đỏ, có những ngọn nến hồng lung linh cháy sáng bên cạnh những nụ hoa hồng đỏ tươi. Bữa cơm nến hồng vừa xong, những người yêu nhau đi vô vũ trường nhảy đầm, hát karaokee, hoặc đi coi xi-nê. Bởi thế, cuộc sống mùa vọng của một đôi tình nhân, trước ngưỡng cửa hôn nhân, lúc nào cũng ngập tràn lãng mạn. Anh lúc nào cũng là hoàng tử đẹp nhất của long em. Và em lúc nào cũng là công chúa của lòng anh. Mùa vọng của một đôi tình nhân luôn luôn là những ngọn nến hồng của Gaudete (Vui Lên! Rejoice!) được đốt sáng trong thánh lễ Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng, Chúa Nhật của Gaudete, của Vui Lên, của Rejoice, bởi vì nàng và chàng đang sống trong mùa của tình nhân.

Một cách tương tự, Mùa Vọng là mùa người Kitô hữu đợi chờ giây phút Tình Nhân Giêsu lái xe, ghé tới nhà, mở cửa mời chúng ta lên xe, đi vào căn nhà hàng mầu hồng của tình yêu thiên đàng. Cho nên, Mùa Vọng cũng chính là Mùa Tình Nhân.

Thật vậy, người Kitô hữu trong Mùa Vọng chính là những thiếu nữ tuổi mười tám phơi phới tình xuân, nhưng nghèo nàn, đang chờ đợi, vọng trông giây phút Hoàng Tử Giêsu ghé tới, thay đổi cuộc đời bần hàn của chúng ta.

Bạn thân,

Bây giờ đang là Mùa Vọng, Mùa Tình Nhân, hãy vui lên bởi vì Tình Nhân Giêsu đã tới gần lắm rồi. Không bao lâu nữa, Hoàng Tử Bình An sẽ xuất hiện. Ngài sẽ biến đổi cuộc đời của chúng ta, từ những cô bé lọ lem của thiên niên kỷ thứ ba trở thành những con người mới trong Thần Khí của thiên đàng.

Mùa Tình Nhân đang ngập tràn trên mặt quả địa cầu, hãy sẵn sàng để đèn dầu đón chờ Hoàng Tử Giêsu của chúng ta lúc nào cũng lênh láng và dư thừa những dầu; hãy sửa lại đại lộ để xe hơi của Tình Nhân Giêsu có thể lái thẳng vào căn nhà tâm hồn của chúng ta.

Mùa Tình Nhân đến đây rồi, “nhạc yêu đương vang khắp nơi”, hãy vui lên bởi vì giây phút linh thiêng và canh giờ huyền diệu của trời gặp đất đang gõ canh điểm nhịp; hãy bắt chước Hàn Mặc Tử làm thinh, chớ nói nhiều để lắng nghe giây phút Con Trời giải nghiã danh từ tình yêu.

Lạy Chúa, trong mùa của trông ngóng đợi chờ, xin giúp chúng con chuẩn bị sẵn sàng máng cỏ tâm hồn đón chờ giây phút Hoàng Tử Bình An Giêsu, Đông Cung Thái Tử của Trời Cao giáng lâm.

 

 

Mùa vọng mùa niềm tin

Mùa Vọng, mùa của trông ngóng, đợi chờ kéo dài bốn tuần lễ liên tục khẳng định niềm tin tuyệt đối vào Giavê Thiên Chúa về Tình Yêu bất diệt của Trời Cao dành cho người trần, những con người cả một đời bơ vơ, lạc loài, phiền muộn, và lang thang trên mặt đất. Bốn cây nến Mùa Vọng minh họa rõ nét Tình Yêu của một Thiên Chúa quyết liệt Yêu, và một con người quyết liệt bỏ đi hoang, từ chối tình yêu của thiên đàng. Bốn tuần của Mùa Vọng do đó nhắc nhở, khuyến khích, và giúp đỡ người Kitô hữu hãy tiếp tục đổ dầu vào đèn dầu để ánh sáng niềm tin bừng cháy sáng hơn, sáng lung linh hơn, và sáng huyền diệu hơn. Mùa Vọng do đó cũng chính là Mùa Niềm Tin vào Tình Yêu của Trời Cao.

Hồi còn nhỏ khi nghe tới câu “Nếu anh chị em có niềm tin bằng hạt cải, thì dù anh chị em bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, đi xuống dưới biển kia mà mọc’, thì nó cũng sẽ vâng lời anh chị em” (Luca 17:5), tôi nghĩ mình là một người có đạo, đi lễ, rước lễ hằng ngày, hát lễ trong ca đoàn, không phải chỉ trong một thánh lễ mà cả sáng lẫn chiều, ngày nào cũng phụ giúp Masơ dòng Mến Thánh Giá dạy Giáo Lý, ngày nào cũng kinh sáng kinh tối đọc oang oang, “Gia đình con xin nguyện trung tín với lễ dâng gia đình này”, như vậy là mình có đức tin thật mạnh, ít ra cũng phải hơn hạt cải. Thế là tôi hứng chí, phán truyền cho cây mận của người hàng xóm nhổ bật rễ đi chỗ khác chơi, để mình không phải quét lá mận rơi đầy sân nhà. Nhưng rất tiếc cây mận vẫn xum xuê lá xanh, trơ gan cùng tuế nguyệt. Mận không chịu nhổ rể đi chỗ nào khác. Mà ngược lại, tôi lại bị nhổ rễ, bứng gốc đi thật xa, xa hơn một nửa của quả địa cầu.

Hình ảnh cây dâu bật rễ đi xuống dưới biển mà mọc nhắc nhở đến câu thơ nổi tiếng của cụ Tiên Điền,

Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Bể dâu trong câu này có lẽ lấy từ ý của Thần Tiên truyện,

Thương hải biến vi tang điền,
Tang điền biến vi thương hải.

Nghĩa là,

Biển cả hóa thành ruộng dâu,
Ruộng dâu hóa thành biển cả.

Đức Giêsu và cụ Tiên Điền, khi nhắc đến cây dâu bứng rễ và một cuộc bể dâu, cả hai đều muốn nói đến sự thay đổi. Thay đổi trong Truyện Kiều là một thay đổi của tiêu cực và ngậm ngùi, “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Nhưng thay đổi trong Tin Mừng Luca 17:5 là một thay đổi tích cực, bởi vì theo như Đức Giêsu, một người dù chỉ có niềm tin bé tí ti như hạt cải, họ vẫn có thể thay đổi đời sống của họ. Và bởi đời sống thay đổi, người Kitô hữu sẽ bớt lầm than và cực khổ hơn nhiều.

Thật sự ra phép lạ của niềm tin vẫn xảy ra hằng ngày nhưng có lẽ tại chúng ta không để ý đến phép lạ của niềm tin hạt cải mà thôi.

Môt người Kitô hữu, vì niềm tin hạt cải, họ quyết định và chọn lựa KHÔNG LÀM những điều ngược lại với niềm tin là một phép lạ.

Một người công nhân trong hãng xưởng, bác sĩ, y tá, kỹ sư quyết định không vô trễ về sớm, hoặc cất vào túi những thứ không phải của mình, bởi vì muốn dọn máng cỏ lòng cho Chúa và bởi vì niềm tin hạt cải vào Tình Yêu của Trời Cao là một phép lạ của niềm tin.

Vì niềm tin hạt cải vào bí tích hôn nhân và lời thề hứa trong thánh lễ cưới, “sẽ yêu thương và kính trọng nhau”, người chồng và người vợ quyết định tương kính như tân, không nói những câu nói tổn thương đến danh dự của nhau là một phép lạ của niềm tin. Và bởi niềm tin hạt cải, tuần trăng mật của một cặp vợ chồng sẽ tiếp tục kéo dài; tuần dập mật do đó sẽ không bao giờ gõ cửa nhà; và bởi thế, tuần nát mật không bao giờ có dịp thập thò đầu ngõ. Bởi niềm tin hạt cải, hiện tượng yêu nhau một thời, chán nhau một đời sẽ không bao giờ xảy ra.

Phép lạ niềm tin xảy ra khi thanh niên thiếu nữ, học sinh trung học, và sinh viên đại học quyết định không hút thuốc, không say sưa rượu chè, không sử dụng ma túy cần sa, không hút E, không lên những trang web của Thúy Kiều lầu xanh, không sống phóng túng trong đời sống tình cảm lứa đôi, không phá hoại đền thờ và hình ảnh tuyệt đẹp của Thiên Chúa nơi tha nhân.

Phép lạ niềm tin xảy ra khi chúng ta quyết định không mở miệng nói những lời tổn thương đến danh dự của hàng xóm láng giềng, bởi vì niềm tin là trong hình ảnh tuyệt đẹp của Thiên Chúa, anh chị em của chúng ta đã được tạo dựng nên.

Bạn thân,

Người ta hay xôn xao với những tin đồn thất thiệt về phép lạ. Nhưng trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, chúng ta hãy để phép lạ của niềm tin hạt cải xảy ra ngay trong tâm hồn và căn nhà của chính mình. Nếu bạn chưa dọn máng cỏ lòng cho Con Trời, hãy bắt đầu chọn lựa rơm khô đan kết máng cỏ tâm hồn bằng cách chọn lựa sống niềm tin hạt cải. Hãy đứng dậy! Hãy lên đường hòa giải với Thiên Chúa của Tình Yêu. Khi đó phép lạ của thay đổi sẽ xảy ra ngay trong tâm hồn và trong căn nhà thân thương của chúng ta.

Lạy Chúa, trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, xin hãy ban thêm sức mạnh của Trời Cao để con quyết định CHỌN LỰA sống niềm tin hạt cải.

 

 

Mùa vọng mùa hy vọng

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị đứng chờ đợi ai?

Mùa Vọng, mùa của trông ngóng đợi chờ nhắc nhở người Việt Nam sự tích Hòn Vọng Phu. Theo như câu truyện, người chồng lên đường chinh chiến phương xa, người vợ ở nhà trông ngóng đợi chờ. Cuối cùng nàng bế con leo lên núi, mắt dõi nhìn, tìm kiếm hình ảnh người chinh phu. Nhưng rất tiếc, chàng không về. Và nàng, trên tay bồng con thơ, hóa thành tượng đá Hòn Vọng Phu.

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị đứng chờ đợi ai?

Ngày xưa trên đỉnh núi cao, cô phụ đứng đó, ngóng trông đợi chờ, hy vọng nhìn thấy bóng dáng chinh phu. Ngày hôm nay, trong suốt bốn tuần lễ của Mùa Vọng, chúng ta làm Hòn Vọng Phu mong đợi hình dạng chinh phu Ngôi Lời Nhập Thể; chúng ta hy vọng chinh phu Ngôi Lời sẽ hiện thân trong hình dạng của một trẻ thơ nhập thể vào trong máng cỏ lòng của chúng ta. Bởi thế, Mùa Vọng cũng chính là Mùa Hy Vọng.

Hy vọng không phải là một danh từ trừu tượng xa lạ. Hy vọng là một danh từ của hiện tại nhưng chỉ về tương lai. Bởi hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn, những nhọc nhằn và phiền muộn của ngày hôm nay được xoa dịu và trở nên bớt nhọc nhằn, bớt phiền muộn hơn.

Bởi hy vọng vào tương lai, cách sống của một người trong giây phút hiện tại có thể thay đổi. Bởi hy vọng vào một tương lai với nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp, con khôn, thay vì say mê ngồi dán mắt vào màn ảnh TV hoặc ngớ ngẩn ngồi chatting hơn ba bốn tiếng đồng hồ, học sinh và sinh viên thức đêm học bài, thức khuya làm homework cho những điểm A. Bởi hy vọng con cái của mình sẽ có một mớ kiến thức vững chắc hơn để làm hành trang đi vào tương lai, có nhiều cặp vợ chồng Việt Nam hy sinh ngày nắng cũng như ngày mưa cày hai jobs để có nhiều tiền gửi con mình vào những trường trung học tư thục mắc tiền. Bởi thế, ngày thứ Bẩy tuyết đổ cao tới cửa sổ, họ cào tuyết, lái xe ra xa lộ vắng tanh đi làm; ngày Chúa Nhật mưa rào, họ đội dù ra bến xe bus đón xe đi làm luôn.

Trong phạm trù tôn giáo, khái niệm hy vọng có một vị thế cũng khá quan trọng trong đời sống đức tin của người Kitô hữu. Bởi hy vọng, người tín hữu có thể sẽ thay đổi lối sống đạo của chính mình.

Một người lực sĩ chạy 100 mét của đại hội Thế Vận Hội Olympics, bởi hy vọng đoạt được huy chương vàng vô địch quốc tế, người lực sĩ sáng chiều luyện tập đôi chân, đêm ngày chạy bộ trong vận động trường. Người thương gia buôn ngọc trong Mátthêu 13:44-46, sau khi khám phá ra viên ngọc quý, đã bán tất cả những gì mình sở hữu để chiếm cho bằng được viên ngọc quý giá. Ngược lại, người nhà giầu trong Luca 16:19-31 không có niềm hy vọng vào cuộc sống đời sau. Bởi thế ông ta tiếp tục lối sống ích kỷ, tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước người hàng xóm ghẻ lở đầy mình đang nằm lăn lóc trước cửa nhà. Một cách tương tự, nếu không phải vì sợ mất cõi Thiên Đàng, nhưng mà là hy vọng đoạt được huy chương vàng của Đại Hội Olympics trên Nước Trời, cung cách sống đạo của người Kitô hữu cũng sẽ hoàn toàn đổi khác.

Vài người Kitô hữu giữ đạo trong tâm tình sợ hãi. Họ sợ Thiên Chúa phạt rớt xuống hỏa ngục. Họ sợ chết mất linh hồn. Họ sợ mai này chết đi, giơ tay ra gõ cửa thiên đàng, thánh Phêrô đứng bên trong ngoảnh mặt làm ngơ. Trong tâm tình sợ phải ngồi đếm và bóc lịch đời đời kiếp kiếp a-men ở trong cõi khóc lóc và nghiến răng ken két, họ nhọc nhằn đi xem lễ ngày Chúa Nhật, họ cố gắng nhịn miệng kiêng thịt vào ngày thứ Sáu mùa Chay, xưng tội trong Mùa Vọng. Tất cả những điều vừa liệt kê ở trên đây đều đúng, không có gì sai trái. Nhưng thật sự ra họ làm những điều này là bởi vì sợ, sợ chết rớt xuống hỏa ngục! Và nếu đúng là bạn và tôi sợ bị phạt rớt xuống hỏa ngục, chúng ta đang giữ đạo chứ chúng ta không sống đạo.

Một người chỉ giữ luật, nếu biết rằng không có ai đang theo dõi hành động của mình, người này sẽ xé rào phá luật. Trong khi đang lái xe, nếu không thấy bóng dáng của cảnh sát tại ngã tư đèn xanh đèn đỏ, người giữ luật sẽ sẵn sàng vượt đèn đỏ. Ngược lại, một người sống với luật, họ sẽ có thái độ tích cực hơn trong khi đang lái xe. Dù có hay không có bóng dáng của cảnh sát, họ vẫn tuân giữ điều luật căn bản của đèn xanh đèn đỏ, của vận tốc tối đa trên freeway, bởi vì họ tôn trọng luật pháp. Đèn đỏ bật sáng, họ ngừng lại ngay, bởi vì họ quan tâm đến an toàn xã hội và sinh mạng con người. Họ biết, nếu vượt đèn đỏ, họ có thể gây ra tai nạn, cản trở giao thông, và giết hại nhiều người.

Tương tự như vậy, nếu chúng ta sống đạo, chúng ta sẽ tích cực hơn trong đời sống đức tin. Khi sống đạo, chúng ta đi lễ Chúa Nhật vì yêu Chúa, vì muốn được tạ ơn Ngài cho một tuần lễ vừa trôi qua trong thanh bình và trong hạnh phúc. Và ngay cả nếu một tuần vừa qua là một tuần lễ khá nhọc nhằn với nhiều thất bại với nhiều nước mắt nhỏ giọt tuôn rơi, chúng ta vẫn tạ ơn Chúa cho những nhọc nhằn và thất bại này, bởi vì chúng ta tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa quyền năng. Khi sống đạo, chúng ta cẩn thận chọn lựa lời ăn tiếng nói và phương cách hành xử với tha nhân, bởi vì chúng ta hy vọng rằng mình sẽ không bao giờ hóa thành con dê, nhưng mà là con chiên của dụ ngôn Ngày Phán Xét (Matt 25:31-46). Để rồi, đến ngày cuối đời, chúng ta hy vọng sẽ được đứng bên tay phải của Thiên Chúa, là phía của những con chiên.

Ngược lại, nếu chỉ giữ đạo vì sợ rớt xuống hỏa ngục, nếu không có người để ý theo dõi, chúng ta sẽ sẵn sàng nhổ rào đi hoang ngay. Cho nên hy vọng vào đời sống Thiên Đàng là một phương cách sống đạo mà chúng ta có thể bắt đầu thực hành trong tâm tình của hy vọng chinh phu Ngôi Lời nhập thể. Bởi chúng ta hy vọng vào nước Thiên Đàng, chúng ta sẽ làm tất cả mọi thứ, bằng mọi giá để chiếm lấy được huy chương vàng 24 carat của Nước Trời, tương tự như người lực sĩ chạy 100 mét của Thế Vận Hội Olympics hoặc người thương gia buôn ngọc. Người lực sĩ Olympics và người thương gia buôn ngọc trong câu chuyện dụ ngôn đã từng hy vọng chiếm được huy chương vàng và viên ngọc quý. Và bởi niềm hy vọng này, cả hai quyết định không ngồi hoặc nằm đợi chờ sung rụng; nhưng cả hai làm tất cả mọi thứ để biến giấc mơ của họ trở thành sự thật.

Ngày xưa người thiếu phụ bế con đứng trên đỉnh núi dõi mắt tìm kiếm, hy vọng người chinh phu quay về. Nhưng chàng không về, để người thiếu phụ và người con mỏi mòn chết đi hóa thành tượng đá. Ngày hôm nay chúng ta đang ở trong bốn tuần lễ của trông ngóng, đợi chờ chinh phu Ngôi Hai sẽ hiện thân làm người và định cư trong máng cỏ lòng của tâm hồn chúng ta. Không như người chinh phu của Hòn Vọng Phu, chinh phu Ngôi Lời chắc chắn sẽ quay về. Điều quan trọng là chúng ta đã chuẩn bị máng cỏ lòng để người chinh phu ngự vào hay chưa? Một trong những cách chúng ta có thể dọn máng cỏ lòng cho chinh phu Ngôi Lời là hãy thôi GIỮA đạo, nhưng SỐNG đạo.

Lạy Chúa, trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, xin dạy chúng con tiếp tục hy vọng vào huy chương vàng đính kim cương 24 carat của Đại Hội Olympics của Nước Trời.

 

 

 

Mùa Vọng

Năm Phụng vụ bắt đầu với Mùa Vọng, chuẩn bị chúng ta mừng đại lễ Giáng sinh, một lễ tưng bừng nhất trong năm, xét về mặt xã hội, không những trong đạo mà cả “ngoài đời” nữa. Tôi luôn luôn biết ơn và cảm phục Giáo Hội, người mẹ hiền của chúng ta. Giáo Hội thật khôn ngoan, biết rõ lòng người. Con người có nhu cầu vui chơi và mừng lễ. Trong đời sống xã hội có biết bao nhiêu là ngày lễ, biết bao nhiêu mùa lễ và cao điểm.

Và ai cũng biết : các ngày lễ, các mùa lễ như thế không chỉ có mục đích giải trí, vui chơi mà thôi. Trong năm Phụng Vụ, Giáo Hội cũng cho ta sống nhiều mùa đại lễ, nhiều cao điểm Phụng vụ, để bồi dưỡng tinh thần chúng ta, giúp ta sống bởi sự sống của Thiên Chúa cách dồi dào, phong phú hơn. Đức Kitô tự ví mình như cây nho và chúng ta là cành. Cây nho này lại phải nẩy sinh thêm những cành mới, lại phải trở nên xanh tươi và sinh hoa kết quả qua các mùa Phụg vụ: Mùa Vọng và Giáng sinh, Mùa Chay và Phục sinh, rồi đến Mùa Thường niên.

Năm Phụng Vụ nhắc lại lịch sử Dân Chúa trong Cựu ước hoặc làm sống lại những biến cố lớn trong cuộc đời Chúa Giêsu, hoặc gợi lại gương sáng của Đức Mẹ và các thánh, nhưng đó không phải là do lòng sùng bái quá khứ, thích thú những chuyện đã qua rồi. Điều Phụng Vụ nhắm tới không phải là quá khứ nhưng là hiện tại, là đời sống ân sủng của chúng ta hôm nay. Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông nối tiếp nhau không phải chỉ là lặp lại y nguyên một vòng tròn, song là điều kiện cho con người trưởng thành và sung mãn. Cũng vậy, người Kitô hữu phải chờ đợi nơi năm Phụng Vụ sự sống của Chúa ngày càng dồi dào hơn trong mình, sự sống mà họ đã nhận lãnh như một mầm mống trong Bí tích Thánh Tẩy.

Các mùa Phụng Vụ đều nhắm cùng một mục đích như nhau nhưng theo những cách thức khác nhau, cũng như tứ thời bát tiết đều là những mùa của trời đất xoay vần song không giống nhau. Vậy Mùa Vọng có gì đặc trưng ? Chúng ta cử hành gì trong mùa này ?

Một Chút Lịch Sử.

Cho đến thế kỷ thứ IV, Giáo Hội Tây phương mừng một đại lễ duy nhất là lễ Phục Sinh. Tất nhiên là có một số lễ khác song tất cả đều qui về Phục Sinh và không bao giờ long trọng bằng Phục Sinh. Đến thế kỷ thứ IV, Tây phương mới bắt đầu mừng lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12. Theo thời tiết, thì đó là kỳ đông chí, lúc mà đêm ngắn lại và ngày bắt đầu dài thêm. Vào dịp này, người ngoại giáo cử hành lễ mừng Ánh sáng. Giáo Hội đã đặt lễ Giáng sinh vào đúng ngày đó để công bố rằng chính Đức Giêsu Kitô mới thực là Ánh sáng, là Mặt trời soi sáng thế gian.

Nhưng lúc đầu Giáng sinh cũng chỉ là lễ thường thôi. Mãi đến thế kỷ thứ VI mới trở thành một đại lễ, và cũng kể từ đó, người ta mới tổ chức một thời gian chuẩn bị tương đương với Mùa Chay trước Phục sinh, và được gọi là mùa Adventô tức là Mùa Vọng như ta quen gọi ngày nay. Năm Phụng Vụ được tổ chức thành 2 chu kỳ xoay quanh 2 trung tâm là Phục sinh và Giáng sinh. Chu kỳ Giáng Sinh vươn lên từ đêm tối đến ánh sáng (như mùa đông qua mùa xuân) còn Phục Sinh thì đầm đìa trong ánh sáng chan hòa.

Tinh thần và Ý Nghĩa của Mùa Vọng.

Vọng là trông mong. Trong thời gian Mùa Vọng, Giáo Hội muốn chúng ta sống mãnh liệt hơn tâm tình khát mong Chúa đến. Nhưng Chúa đến lúc nào ? Ta biết Chúa đã đến cách nay 2000 năm, trong thận phận làm người. Mùa Vọng có mục đích đầu tiên là chuẩn bị tâm hồn ta mừng lễ Giáng sinh, tức là kỷ niệm biến cố Ngôi Hai xuống thế làm người tại Bêlem xưa. Nhưng ta cũng tuyên xưng Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét thế gian và hoàn thành công cuộc cứu độ không những đối với loài người mà còn đối vơi toàn thể vũ trụ nữa.

Mùa Vọng mời gọi chúng ta sống tích cực hướng về ngày đó mà giáo lý quen gọi là ngày cánh chung. Giữa hai lần Chúa đến ấy, còn có thể nói tới một lần nưã, đó là cuộc Chúa ngự đến cách nhiệm mầu trong tâm hồn chúng ta bằng ân sủng, như lới Kinh thánh : “Ai yêu mến Ta, thì Cha Ta sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ cư ngụ trong người ấy”. Như vậy Mùa Vọng cử hành ba cuộc ngự đến. Cần nhớ tới cả ba nếu chúng ta muốn hiểu rõ nội dung của các bản văn Kinh thánh và Phụng vụ của mùa này và có được những tâm tình thích hợp. Hồng Y Newman đã viết : “Trong linh đạo Mùa Vọng, Đức Kitô xuất hiện như một người đã có mặt đó rồi, và đồng thời vẫn không ngừng được chờ mong. Và Kitô hữu sống linh đạo này như một người chờ đợi Đức Kitô.”

Có thể nói chúng ta sống càng về phía trưóc. Mùa Vọng đến nhắc nhở chúng ta rằng cuộc đời ta còn dang dở và quê hương thật của ta ở trên trời. Mùa Vọng mời gọi ta nhổ trại lên đường tiến về Ngày của Chúa, ngày Chúa đến làm cho cuộc đời chúng ta cũng như toàn thể lịch sử nên sung mãn. Chính ngày đó đem lại cho cuộc sống hiện tại một hướng đi và một ý nghĩa cao cả. Vì thế nỗi chờ mong của ta cũng là một niềm hy vọng. Chúng ta chờ đợi với sự tin tưởng và nôn nóng như người vợ hiền chờ đợi người chồng mà bà đã biết, mà bà yêu mến và được yêu mến. “Đức Kitô về trời mang theo trái tim của Hội thánh. Tất cả đời sống của Hội thánh chỉ là một hành vi khao khát, hy vọng, cầu nguyện và đợi chờ” (Jean Daniélou). Lời cầu nguyện kết thúc toàn bộ Kinh thánh mà thánh Gioan Tông đồ đã đặt vào miệng Giáo Hội đang bị bách hại là : Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến !

Ba Thái Độ Sống Cụ Thể.

Theo tinh thần Mùa Vọng, sống hướng về ngày Chúa đến có thể được diễn tả trong ba thái độ cụ thể. Trước tiên là tương đối hóa hiện tại. Mọi giá trị ở đời này như của cải, danh vọng, tình yêu, gia đình, khoa học, kỹ thuật, văn hóa v.v. là những điều tốt lành mà chúng ta phải ra sức thực hiện theo thánh ý của Chúa trong hoàn cảnh sống cụ thể của mình, nhưng đó chưa phải là những cái tuyệt đối đáng cho ta coi là mục đích phải gắn bó và đeo đuổi với bất cứ giá nào. Trái lại, chúng chỉ tìm được trọn vẹn giá trị khi đối chiếu với cùng đích tối hậu, đích thực của đời ta.

Thái độ sống này làm cho ta nên khôn ngoan, sáng suốt, chừng mực và tự do. Sống hướng về ngày Chúa đến còn đòi hỏi nơi ta một thái độ thứ hai là phải cương quyết chống lại tội lỗi và sự ác nơi mình và chung quanh mình, nơi gia đình và trong xã hội. Đó là dọn đường cho Chúa ngự đến, như chúng ta thường hát trong Mùa Vọng theo lời Kinh Thánh : “Quanh co uốn cho ngay, Gồ ghề san cho phẳng, Hố sâu lấp cho đầy, Nơi cao phải bạt xuống”.

Sau hết, sống hướng về ngày Chúa đến buộc ta phải tỉnh thức và luôn luôn sẵn sàng như người tôi trung: hết lòng với nhiệm vụ được trao phó, tận dụng mọi khả năng của mình để hoàn thành mọi việc theo ý chủ nhà hiện đang vắng mặt và mau mắn mở cửa đón chủ về bất cứ lúc nào.

Lm. Nguyễn Hồng Giáo OFM

(Viết theo J. Daniélou:
Le Mystère de l’Avent, Paris 1948)

Mầu nhiệm của ánh sáng và sự thiện chiến thắng mầu nhiệm của tối tăm và sự ác

“Mầu nhiệm của ánh sáng và sự thiện chiến thắng mầu nhiệm của tối tăm và sự ác. Mùa Vọng mời gọi chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô suối nguồn ánh sáng và bước vào dòng sông ánh sáng, để trở thanh những người trao ban ánh sáng, tạo dựng hòa bình và làm chứng cho sự thật”. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 8000 tín hữu và du khách hành hương sáng thứ tư 3-12-2008 trong đại thính đường Phaolô VI. Trong số các đoàn hành hương có nhóm tín hữu Việt Nam thuộc giáo xứ Đức Bà, Giorgia, Hoa Kỳ.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý ”Tương quan giữa Ađam và Chúa Kitô”. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, trong bài giáo lý hôm nay chúng ta sẽ dừng lại trên các tương quan giữa Ađam và Đức Kitô, như thánh Phaolô đã vạch ra trong một trang nổi tiếng của thư gửi tín hữu Roma (5,12-21), trong đó thánh nhân cống hiến cho Giáo Hội các đường nét chính của giáo lý về tội tổ tông. Thật ra khi nói về lòng tin vào sự sống lại trong thư gửi tín hữu Corintô, thánh nhân đã so sánh giữa nguyên tổ và Chúa Kitô: ”Qủa thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống… Con người đầu tiên là Ađam được dựng nên thành một sinh vật, còn Ađam cuối cùng là thần khí ban sự sống” (1 Cr 15,22.45). Với văn bản thư gửi tín hữu Roma chương 5,12-21 sự so sánh giữa Đức Kitô và Ađam trở thành chi tiết và soi sáng hơn: thánh Phaolô đi lại con đường lịch sử cứu độ từ Ađam cho tới Lề Luật và từ Lề Luật cho tới Đức Kitô. Trọng tâm của lịch sử đó không phải là Ađam với các hậu qủa tội lỗi của nhân loại cho bằng Đức Giêsu Kitô và ơn thánh, qua Người được đổ tràn đầy trên nhân loại, vượt xa tội lỗi của Ađam và các hậu quả của nó trên cuộc sống con người. Vì thế thánh Phaolô mới kết luận: ”Nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).

Trong lòng tin của Giáo Hội ý thức tín điều về tội tổ tông đã chín mùi vì nó gắn liền với tín điều về ơn cứu rỗi và sự tự do trong Chúa Kitô. Do đó không được đề cập tới tội của Ađam và của nhân loại tách rời khỏi bối cảnh ơn cứu rỗi trong chân trời của sự công chính hóa trong Đức Kitô.
Tiếp tục đọc

Mùa Vọng, đợi chờ trong tin tưởng

Khi nhận được “thiệp hồng” của một người bạn thân báo tin vui được truyền chức linh mục nhiều năm trước đây, tôi vội vã thu xếp để bay về Đà nẵng cho kịp tham dự Thánh Lễ và ngày vui của anh. Trong Thánh Lễ, tôi cảm động rất nhiều dù không phải đó là lần đầu tiên tham dự Thánh Lễ Truyền Chức Thánh. Đến phần tân chức cám ơn, tôi lại cảm động vì mấy lời chân thành của anh: “Con xin cám ơn các ân nhân, thân nhân ở Sàigòn đã giúp đỡ con cách này cách khác khi con còn lưu lạc. Đặc biệt con cám ơn gia đình bác Năm Trịnh và anh Thương, gia đình dì Dụng, bác An, bác Kim… đã cho con miếng cơm qua bữa, giấc ngủ qua đêm”. Tại sao nhiều năm trôi qua mà tôi vẫn nhớ đến từng lời trong bài cám ơn của tân linh mục hôm ấy? Thưa là bởi vì tôi đã cùng chia sẻ với anh những ngày “Mùa Vọng” trong cuộc đời anh, những năm tháng cơ cực, có phần lam lũ nhưng tràn đầy hy vọng và bình an. Rồi tôi rẽ đường, anh đi tiếp… Nhưng dù sống ơn gọi nào, cuộc đời vẫn là Mùa Vọng, mùa đợi chờ những hồng ân Chúa tuôn đổ từng ngày, từng giờ, không, phải nói là từng giây, từng khoảnh khắc phần triệu giây trong đời mình, và đợi chờ ngày Chúa quang lâm.

Hàng năm, Giáo Hội sống Mùa Vọng bốn tuần lễ trước Đại Lễ Giáng Sinh. Ngày xưa dân Chúa chờ ngày Cứu Chuộc qua bao nhiêu niên đại. Nếu chỉ tính từ Abraham đến thời Chúa Giêsu thì cũng đã mười tám thể kỷ. Tại sao Thiên Chúa cứ để con người mãi đợi chờ? Và dường như Ngài ít khi ban cho chúng ta điều gì ngay tức khắc, trừ những ơn huệ cần thiết cho những giờ phút khẩn thiết nhất. Khi Chúa chữa người mù, Ngài bảo anh đi đến suối Silôê mà rửa mắt. Chúa chữa người bệnh tật nào, Ngài cũng hỏi họ về lòng tin. Chúa cho Lazarô sống lại cũng hỏi hai chị em Matta và Maria về niềm tin phục sinh. Hình như Chúa vẫn muốn con người đợi chờ và chuẩn bị sẵn sàng. Mà nào có phải chỉ có con người đợi chờ đâu. Tất cả các mầu nhiệm thánh suy cho cùng cũng là những mầu nhiệm của sự đợi chờ với lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa. Khi sáng tạo đất trời, Chúa có thể phán một lời thì tích tắc tất cả xuất hiện. Nhưng Chúa vẫn dựng nên thời gian, và trong thời gian quí giá ấy Ngài “nhẩn nha” thực hiện như một người thợ rất đỗi cần cù, cho dù Ngài quyền năng tuyệt đối và vô song. Mầu nhiệm sáng tạo, mầu nhiệm cứu chuộc, và mầu nhiệm thánh hoá trần gian bao giờ cũng mang yếu tố đợi chờ. Và qua bao năm tháng, mãi cho tới ngày chung thẩm, dân thánh vẫn không ngừng hát lên lời ca “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng Cứu đời”, dân thánh vẫn ngày ngày tung hô “chúng con mong đợi ngày Chúa đến vinh quang”.

Tiếp tục đọc