BÀI THAM LUẬN 3: DẠY GIÁO LÝ THEO HƯỚNG GIÁO DỤC ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN VÀ TINH THẦN TRUYỀN GIÁO

Thuyết trình viên
Thầy Antôn Phạm Đình Tú (Nha Trang)

Nằm trong viễn tượng loan báo Tin Mừng, Dạy Giáo lý là việc giáo dục đức tin cho người tín hữu để dẫn đưa họ đến cuộc sống Kitô hữu sung mãn (x. CT 18; CEC 5). Đức tin ở đây vừa là một hành vi cá nhân (tôi tin) vừa là một hành vi mang chiều kích cộng đoàn (chúng tôi tin): “…Người tin nhận được đức tin từ những kẻ khác và phải thông truyền đức tin đó cho những kẻ khác. Tình yêu của chúng ta đối với Chúa Giêsu và đối với tha nhân, thúc giục chúng ta nói về đức tin của chúng ta cho những người khác. Mỗi người tin là như một mắt xích trong một xâu chuỗi rộng lớn các kẻ tin. Tôi không thể tin nếu không được nâng đỡ bằng đức tin của những người khác, và bằng đức tin của tôi, tôi góp phần vào việc nâng đỡ đức tin của những người khác” (CEC 166).

Như vậy, ngoài việc giúp hiểu biết đức tin, giáo dục phụng vụ, huấn luyện luân lý, dạy cầu nguyện, thì việc Dạy Giáo lý còn có bổn phận mang lại cho người Kitô hữu khả năng sống cộng đoàn, cũng như thamgia cách tích cực vào đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh (x. DGC 86). Nhiệm vụ này lại càng khẩn thiết đối với Hội Thánh Việt Nam trong giai đoạn hiện nay nếu muốn xây dựng một Hội Thánh Việt Nam hiệp thông và sứ vụ như đã được đề ra trong năm thánh 2010 của Hội Thánh Việt Nam và Đại hội Dân Chúa vừa qua.

I. GIÁO DỤC ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN: SỐNG HIỆP THÔNG

Hội Thánh là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là Thiên Chúa duy nhất nhưng luôn hiệp thông trong Ba Ngôi, để quy tụ toàn thể nhân loại về hiệp thông với Ngài và với nhau, thành một gia đình duy nhất.

Ngay từ đầu, đời sống cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi đã được sách Công vụ Tông đồ nhấn mạnh trong hai chữ “hiệp thông”, hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với nhau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. …Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”. (Cv 2,42.44-47).

Tài liệu học hỏi Năm Thánh 2010 nhấn mạnh: “Hội Thánh Việt Nam trước hết phải là một cộng đoàn hiệp thông đâm rễ sâu trong đời sống Chúa Ba Ngôi, một cộng đoàn cầu nguyện và chiêm niệm, một cộng đoàn cử hành bí tích với Thánh Thể là trung tâm; kế đến, phải là cộng đoàn tham gia và đồng trách nhiệm, một cộng đoàn hiệp nhất với các chủ chăn cũng như với Hội Thánh duy nhất. Cuối cùng, phải là cộng đoàn làm chứng cho những ý nghĩa và giá trị mà mình tuyên xưng, để cho những giá trị đó nhập thể vào trong lối sống của mình, diễn tả chúng trong cách thế hiện diện, đối thoại và thực hành của mình trong mọi lãnh vực hoạt động của Hội Thánh ngay giữa lòng thế giới. (x. Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh, Phần II, Đề tài 5: Giáo Hội muốn trở nên cộng đoàn hiệp thông).

Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010 nói thêm: “Hội Thánh tại Việt Nam còn phải canh tân chính mình qua nỗ lực xây dựng Hội Thánh như một gia đình, trong đó mọi người hiệp thông với nhau như anh chị em một nhà, bình đẳng với nhau trên nền tảng ơn gọi làm người và làm con Chúa, chia sẻ cùng một sứ mạng và trách nhiệm dù được thể hiện trong những bậc sống và nhiệm vụ khác nhau. Sự hiệp thông này vừa là đòi hỏi vừa là lời chứng cần thiết mà Hội Thánh phải bày tỏ trước mặt mọi người như Chúa Giêsu đã thiết tha cầu nguyện: “Xin cho họ nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21)” (Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010, số 5).

Để đạt mục tiêu trên, về mặt Dạy Giáo lý cần có phương hướng nào?
– Trước hết, cần giúp người tín hữu thay đổi cái nhìn về Hội Thánh. Giáo dân Việt Nam lâu nay vẫn quen với hình ảnh Hội Thánh phẩm trật: Hội Thánh là của hàng giáo sĩ, tu sĩ. Giờ đây cần giúp người tín hữu giáo dân hiểu rõ hơn ơn gọi và sứ mạng của mình trong Hội Thánh để cùng nhau tích cực xây dựng Hội Thánh hiệp thông, tham dự và đồng trách nhiệm. Điều này đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trình bày trong tông huấn Christifideles laici (Người Kitô hữu giáo dân). Việc thay đổi này phải thực hiện vừa trên bình diện nhận thức, vừa trên bình diện thực hành: “Giáo Hội cần quan tâm hơn đến việc phát huy phẩm chất của giáo dân bằng cách tổ chức các khóa huấn luyện về thần học, giáo lý, Kinh Thánh, mục vụ.Đồng thời, cần canh tân những đường hướng và qui chế tổ chức giáo phận và giáo xứ, để giáo dân có cơ hội thực thi những quyền chính đáng và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội” (TC, 2011số 27). “Sự hiệp thông đích thực và sâu xa trong Giáo Hội cần được thể hiện nơi từng giáo phận cũng như giữa các giáo phận. Qua sự hợp nhất yêu thương giữa mọi thành phần Dân Chúa như trong một gia đình, các cộng đoàn vừa là dấu chỉ vừa là trường dạy hiệp thông. Mối tương quan giữa giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân được đặt nền trên phẩm giá bình đẳng của mọi tín hữu, cũng như tinh thần đồng trách nhiệm của từng tín hữu nơi Thân Mình Đức Kitô trong đức tin, cậy, mến. Đại Hội Dân Chúa mong muốn Giáo Hội tại Việt Nam củng cố sự hiệp thông và tham gia trong đời sống Giáo Hội ở mọi cấp bậc, tạo điều kiện để mọi thành phần Dân Chúa tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội”. Trên thực tế, điều này chưa được thể hiện đồng đều và rõ nét ở cấp giáo phận cũng như giáo xứ. Vì thế, việc xây dựng một Giáo Hội hiệp thông và tham gia phải là mối quan tâm mục vụ hàng đầu của Giáo Hội tại Việt Nam trong những năm sắp tới.” (TC, 2011, số 23).

– Giúp người tín hữu, nhất là giới trẻ thêm ý thức Hội Thánh, biết đồng cảm với Hội Thánh, vui niềm vui của Hội Thánh và đau nỗi đau của Hội Thánh. Ý thức thuộc về Hội Thánh, cụ thể ở việc tích cực tham gia và góp phần vào những sinh hoạt Giáo phận và Giáo xứ nơi mình đang cư ngụ. Điều này cần nhấn mạnh vì hiện nay tại Việt Nam vấn đề di dân đang nổi cộm: người trẻ từ các làng quê kéo về các thành phố để làm việc cũng như học hành. Trong Tông huấn Christifideles laici, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Việc hiệp thông của Hội Thánh mặc dầu có tầm vóc bao quát hoàn vũ, nhưng nó được diễn tả một cách rõ ràng và gần gũi nhất ở trong Giáo xứ. Giáo xứ là đơn vị địa phương của Hội Thánh. Nói một cách khác chính là Hội Thánh sống giữa con cái nam nữ của mình…. Giáo xứ không phải là một cơ cấu, một địa hạt, hay một ngôi nhà, nó là “một gia đình của Chúa, một cộng đoàn huynh đệ chỉ có một linh hồn” là “mái gia đình, đầy tình huynh đệ và mở rộng đón tiếp mọi người” là “cộng đồng các tín hữu.” … Giáo xứ là cộng đồng tiên khởi của Dân Chúa, chính giáo xứ phải khai trương đời sống phụng vụ và tập hợp Dân Chúa trong việc cử hành phụng vụ; giáo xứ có bổn phận phải bảo tồn và nung nấu đức tin của đoàn lũ dân chúng hôm nay; giáo xứ còn là trường dạy dỗ giáo lý cứu rỗi của Đức Kitô; nơi tích cực thực thi các công tác bác ái huynh đệ” (ChL, 26).

– Giúp người tín hữu biết quan tâm đến ích chung cũng như biết làm việc chung với nhau. Giáo dân cần tập cộng tác với các linh mục và tu sĩ trong những công việc chung, chẳng hạn như dạy giáo lý, bác ái xã hội, truyền thông, quản trị giáo xứ v.v… Bên cạnh đó, các linh mục cũng cần trân trọng sự cộng tác của người giáo dân và giúp họ sống ơn gọi của họ sâu xa hơn. “Theo gương Chúa Giêsu, Đấng luôn ưu ái những người trẻ, Giáo Hội hoàn vũ đang nỗ lực mời gọi người trẻ cộng tác và tham gia vào đời sống cộng đồng Dân Chúa. Tại Việt Nam, Giáo Hội nên nghiên cứu và mạnh dạn tổ chức những cử hành phụng tự thích hợp, khuyến khích giới trẻ tham gia vào các hội đoàn và những sinh hoạt cộng đồng, để ngày càng có thêm nhiều người trẻ quảng đại và can đảm, sống đức tin cách sinh động và trưởng thành. Công việc mục vụ đó cần được chuẩn bị chu đáo bằng việc giáo dục đức tin và nhân bản cho thiếu nhi. Nhờ đời sống thiêng liêng vững mạnh, giới trẻ Công giáo sẽ góp phần tích cực và bền vững vào việc lành mạnh hóa xã hội hay dấn thân truyền giáo tại những nơi xa xôi” (TC, 2011, số 29).

– Giáo dục đời sống cộng đoàn. Sách Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý số 86 nói rõ: Đời sống Kitô hữu trong cộng đoàn không phải là ngẫu hứng nhưng phải được giáo dục cẩn thận. Trong việc rèn luyện này, giáo huấn của Chúa Giêsu về đời sống cộng đoàn đã được tường thuật lại trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, đòi hỏi một số thái độ mà việc dạy giáo lý buộc phải ghi khắc:
• Ÿtinh thần đơn sơ và khiêm nhường: (“nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em …”- Mt 18,3);
• Ÿquan tâm đến những người bé mọn nhất (“ai làm cớ cho một trong kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã…”- Mt 18,6);
• Ÿlưu tâm cách riêng đến những người lầm lạc (“đi tìm con chiên lạc”- Mt 18,12);
• sửa lỗi anh em (“anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” – Mt 18,15);
• Ÿcầu nguyện chung (“nếu hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì”- Mt 18,19);
• Ÿ tha thứ cho nhau (“đến bảy mươi lần bảy…”- Mt 18,22);
• đức bác ái huynh đệ gồm tóm tất cả những thái độ này (“anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em”- Ga 13,34).

Ngoài ra, trong các sinh hoạt giáo lý, cũng cần cổ võ sự cộng tác của mọi thành phần trong giáo xứ, đặc biệt là của các phụ huynh học sinh giáo lý và các cha mẹ đỡ đầu. Sự hiện diện các thành phần này trong sinh hoạt giáo lý chính là một bài học sống động về sự hiệp thông và về đời sống cộng đoàn.

– Quan tâm đến chiều kích đại kết. Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là điều nghịch lại ý muốn hiệp nhất của Đức Kitô (x. Ga 17,20), là gương xấu cho thế giới và làm hại đến việc loan báo Tin Mừng. Sự chia rẽ, ngay từ ban đầu đôi khi là lỗi của những người ở cả hai bên, những người ngày nay sinh trưởng trong các cộng đoàn ấy không thể bị kết tội chia rẽ (UR, 1 và 3). Tại Việt Nam hiện nay, các hệ phái Kitô giáo chưa hiện diện nhiều như bên châu Âu hoặc châu Mỹ. Tuy nhiên hiện nay, các giáo phái đang có chiều hướng gia tăng vào Việt Nam. Trong việc dạy giáo lý, cần giúp người tín hữu đào sâu hơn về đức tin của mình cũng như giúp họ hiểu biết đúng đắn về các giáo hội Kitô anh em. Tránh gây tranh cãi và đụng chạm mà cần sống chung hoà hợp và kính trọng nhau, cùng nhau dấn thân để trở thành những người “xây dựng hoà bình”.. Đặc biệt cần giúp người tín hữu siêng năng đọc, học hỏi Kinh Thánh một cách đúng đắn, cầu nguyện với Kinh Thánh cũng như nỗ lực làm cho đời sống mình thấm nhuần tinh thần Tin Mừng. “Việc dạy giáo lý sẽ có một chiều kích đại kết trong mức độ nó biết khơi dậy và nuôi dưỡng “ước muốn hiệp nhất đích thực”, không phải nhằm một thái độ hòa giải dễ dãi, nhưng nhằm hiệp nhất hoàn toàn, khi Chúa muốn và bằng con đường Chúa muốn” (DGC 86).

II. TÍCH CỰC THAM GIA VÀO SỨ MỆNH CỦA HỘI THÁNH

Hiệp thông với Hội Thánh không chỉ dừng lại ở việc nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh mà còn phải tham gia tích cực sứ mệnh của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng. Trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19). Loan báo Tin Mừng không chỉ là sứ vụ chung của Hội Thánh mà còn là sứ vụ của mỗi Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Rửa tội. Tuy nhiên, nếu nhìn lại Hội Thánh Việt Nam thời gian vừa qua, chúng ta thấy người giáo dân chưa ý thức nhiều về bổn phận này. So sánh với anh chị em Tin Lành thì có lẽ anh chị em Công giáo còn thua kém về lòng nhiệt thành và sự quảng đại dấn thân cho việc truyền giáo. Đa số giáo dân nghĩ rằng người Kitô hữu tốt là người siêng năng đi lễ, đọc kinh, sống tốt với mọi người, tham gia một số công tác xã hội cứu trợ người nghèo, người bệnh, tích cực đóng góp vật chất cho việc xây dựng nhà thờ ở các nơi, còn việc truyền giáo là lãnh vực của các linh mục tu sĩ. Nhiều anh chị em giáo dân quên rằng tỉ lệ người Công giáo Việt Nam mới chỉ khoảng 7% dân số, nghĩa là chung quanh mình còn khoảng 93% anh chị em khác là Phật giáo, là Cao Đài, Hoà Hảo, hoặc không tôn giáo… Ngay cả các Giáo lý viên cũng không mấy thao thức đến sứ vụ truyền giáo.

Chính vì thế, Đại hội Dân Chúa vừa qua đã nhấn mạnh đến sứ vụ truyền giáo. Trong việc truyền giáo, cần quan tâm đến việc đối thoại với các tôn giáo và cả với những anh chị em không tôn giáo:
– Trong bối cảnh của xã hội Việt Nam, khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Giáo Hội cần đối thoại với các tôn giáo, với người nghèo, và với những anh chị em không tôn giáo. Đây là cuộc đối thoại từ trái tim đến trái tim nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và phục vụ hạnh phúc đích thực của con người. Đó cũng là cuộc đối thoại phục vụ ơn cứu độ (Đức Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi 75-79; Vatican II, GS 92; Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia 29). (TC 2011, số 39)

– Cuộc đối thoại với các tôn giáo sẽ giúp Giáo Hội tại Việt Nam xác tín hơn nữa vào tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đang dẫn dắt mọi người tới Chân Lý toàn vẹn (x. Ga 16, 13). Tại Việt Nam, chúng ta nhận thấy đức bác ái của đạo Công giáo đã gặp gỡ lòng từ bi của Phật giáo, cảm thức tâm linh của Đạo giáo, triết lý xã hội của Khổng giáo và lòng mộ đạo bẩm sinh của người dân Việt: luôn tôn kính Trời, thực hành Đạo Hiếu, bày tỏ lòng biết ơn đối với các đấng sinh thành cũng như đối với các bậc anh hùng dân tộc… Đồng thời, đối thoại cũng giúp Giáo Hội rộng mở hợp tác với các tôn giáo trong công cuộc lành mạnh hóa xã hội và thăng tiến con người. Hơn thế nữa, đây còn là cơ hội để Giáo Hội canh tân lòng tin của mình vào Đức Kitô là Khởi Nguyên và Cùng Đích của toàn thể lịch sử nhân loại (x. Vatican II, GS 45, 93). Ý thức tầm quan trọng của cuộc đối thoại với các tôn giáo, trong những năm sắp tới, Giáo Hội phải lưu tâm hơn nữa đến chiều kích này trong việc đào tạo nhân sự cũng như trong các hoạt động mục vụ. (TC 2011, số 40)

– Trong cuộc đối thoại với anh chị em không tôn giáo, Giáo Hội nhìn nhận những nỗ lực và thiện chí của họ trong việc phục vụ công ích. Các tín hữu cũng nên ý thức phần trách nhiệm của mình trước hiện tượng dửng dưng, tục hóa, duy vật…, vì nhiều khi chúng ta “đã che giấu hơn là bày tỏ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo” (Vatican II, GS 19). Đồng thời, với sự hiền hòa và lòng kính trọng, người Công giáo “sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình” (1 Pr 3,15), thẳng thắn trình bày quan điểm của Giáo Hội trước các vấn đề nhân sinh; nếu cần, sẵn sàng chấp nhận đau khổ để làm chứng cho chân lý Tin Mừng. Ngoài ra, qua cuộc đối thoại chân thành và thẳng thắn, Giáo Hội cũng có thể nhận ra hoạt động mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn con người, và học được cách thế trình bày niềm tin của mình cho con người ngày nay. (TC 2011, số 42)

Từ những yêu cầu trên, cần nhìn lại và canh tân đường hướng dạy giáo lý tại Việt Nam:
– Nhấn mạnh mục tiêu việc Dạy Giáo lý là đào tạo người Kitô hữu, chứ không dừng lại ở việc chuẩn bị lãnh nhận các bí tích (Xưng tội, Rước lễ, Thêm sức, Hôn phối). Bởi thế, cần có một chương trình Giáo lý xuyên suốt theo tuổi từ thiếu nhi cho đến người lớn. Lâu nay, đa số các giáo xứ chỉ dừng lại ở các lớp giáo lý cho thiếu nhi chứ chưa quan tâm đến các lớp giáo lý cho người lớn (ngoại trừ các lớp dự tòng và dự bị hôn nhân). Tuy nhiên hiện nay ở nhiều nơi, sau khi Thêm sức, các em nghỉ học giáo lý. Lý do là phải đi học thêm. Thực ra nguyên nhân chính không phải do các em mà là do chính phụ huynh của các em. Riêng các lớp dự tòng, nhiều trường hợp trở lại là để lấy vợ lấy chồng có đạo. Bởi vậy, có nhiều người học giáo lý theo kiểu đối phó. Cưới xong, họ không còn quan tâm gì đến đạo. Đây là một thực tế mà những người có trách nhiệm cần phải suy nghĩ để tìm ra phương hướng giải quyết.

– Nội dung giáo lý cần nhắm đào tạo về nhiều mặt: đức tin, nhân bản, cầu nguyện, đời sống tâm linh, Kinh Thánh, lòng nhiệt thành truyền giáo, lòng yêu mến Hội Thánh v.v… Cần đưa vào chương trình giáo lý một nền tu đức (linh đạo) phù hợp với người giáo dân Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi người tín hữu Việt Nam đang phải đối mặt với các trào lưu tục hoá: chủ nghĩa hưởng thụ, tôn thờ tiền bạc, vật chất, tôn thờ sự thành công, chủ nghĩa vô thần thực tiễn, dửng dưng tôn giáo, chủ nghĩa tương đối v.v… Dường như lâu nay các Giáo lý viên mới nhắm tới việc truyền thụ kiến thức giáo lý là chính còn những mặt khác chưa quan tâm đủ, kể cả các lớp giáo lý dự tòng. Có lẽ chúng ta mới đào tạo một tầng lớp Kitô hữu “giữ đạo” chứ chưa “sống đạo”. Giáo sư Nguyễn Khắc Dương có một nhận xét như sau: “Hình như người Công giáo VN chỉ mới có lòng sùng đạo, có thể là quảng đại, sẵn sàng hy sinh tài sản, thì giờ, sức lực, nhưng mới chỉ là giữ đạo chứ chưa thể hiện đạo, nghĩa là chỉ đạt nặng về phụng tự và luân lý, giữ luật chứ ít thấy có một đời sống nội tâm thiêng liêng sâu sắc. (“Quia respexit humilitatem meam”, Thế Tâm, 1997, tr.176).

– Ngoài phần học hỏi lịch sử Hội Thánh Công giáo toàn cầu và tại Việt Nam, cần có thêm phần giúp hiểu biết niềm tin những anh chị em chung quanh mình như Phật giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, Hồi giáo, đạo Hiếu v.v… để có thể nhận ra những yếu tố mạc khải tiềm ẩn trong các niềm tin này, nhờ đó có thể đi vào việc đối thoại tôn giáo trong sự hiểu biết lẫn nhau và cộng tác với nhau trong việc phục vụ hạnh phúc đích thực của con người. “Khi giáo dục theo chiều hướng truyền giáo này, việc dạy giáo lý sẽ hình thành cuộc đối thoại liên tôn, có thể mang lại cho người tín hữu khả năng hiệp thông một cách có hiệu quả với những người thuộc các tôn giáo khác (x. EN 53 và RM 55-57). Việc dạy giáo lý phải cho thấy rằng mối liên hệ của Hội Thánh với những tôn giáo ngoài Kitô giáo, trước hết là mối liên hệ về nguồn gốc và định mệnh chung của loài người, cũng như mối liên hệ của rất nhiều “hạt giống Lời Chúa” đã được Ngài đặt để vào các tôn giáo này. Việc dạy giáo lý cũng sẽ giúp để biết dung hòa và đồng thời biết phân biệt: “sự loan báo Đức Kitô” và “sự đối thoại liên tôn”. Hai yếu tố này, mặc dầu liên kết mật thiết, nhưng không được lẫn lộn cũng như không được coi là tương đương. Thực vậy, “việc đối thoại không miễn trừ cho việc rao giảng Tin Mừng” (DGC 86b).

– Cũng cần giúp người giáo dân xem lại những việc đạo đức bình dân để có thể diễn tả đức tin Kitô giáo cách chân thực, sống động và phù hợp với văn hoá Việt Nam. (x. DGC 195).

KẾT LUẬN
Trên đây chỉ là một vài suy nghĩ thô thiển xin được đóng góp với đại hội để giúp suy nghĩ thêm về phương hướng Dạy Giáo lý cho Hội Thánh Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên điều quan trọng không chỉ là soạn thảo một bộ giáo lý đáp ứng những yêu cầu canh tân Hội Thánh Việt Nam như Đại hội Dân Chúa vừa qua mong ước, mà còn phải quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo Giáo lý viên. Nếu muốn có những người tín hữu trưởng thành,biết nỗ lực thamgia cách tích cực vào đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh thì những người đào tạo tức là các Giáo lý viên và các linh mục phải là những người tiên phong đi trước. Không thể có những người giáo dân tích cực trong việc truyền giáo nếu không có những Giáo lý viên và các vị mục tử biết thao thức và hy sinh dấn thân cho công việc rao giảng Tin Mừng.

¬¬¬¬¬____________________________________
Chữ viết tắt:
– CEC: Catechismus Catholicae Ecclesiae (Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo), 1992. Bản dịch của Uỷ Ban Giáo lý Đức tin, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 2010.
– ChL: ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles Laici (Tông huấn Người Kitô hữu Giáo dân), 1988
– CT: ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Catechesi Tradendae (Tông huấn Dạy Giáo lý), 1979
– DGC: Thánh bộ Giáo sĩ, Directorium Catechisticum Generale (Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý), 1997
– EN: ĐGH Phaolô VI, Thông điệp Evangelii Nuntiandi (Thông điệp Loan báo Tin Mừng), 1975
– GCM: Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, Hướng dẫn các giáo lý viên, 1993
– RM: ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio (Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ)
– TC 2011: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010
– UR: Cđ Vaticanô II, sắc lệnh Unitatis Redintegratio (Sắc lệnh về Hiệp Nhất), 1965
Nguon: http://giaolyductin.org/newsview/vn/238/BAI-THAM-LUAN-3–DAY-GIAO-LY-THEO-HUONG–GIAO-DUC-DOI-SONG-CONG-DOAN-VA-TINH-THAN-TRUYEN-GIAO-.html

BÀI THUYẾT TRÌNH 2 A : GIÁO DỤC BẰNG PHÚC ÂM HÓA VÀ PHÚC ÂM HÓA BẰNG GIÁO DỤC

Thuyết trình viên
Lm Giuse Nguyễn Văn Am SDB

Kính thưa quí Đức Cha, các Linh mục, tu sĩ và hết thảy mọi người tham dự Đại hội Giáo Lý toàn quốc hôm nay,

Trước hết, xin cho con được nói lên lời tri ân với tất cả mọi người, nhất là với ban tổ chức, đã dành cho con vinh dự này: được tham dự Đại hội Giáo Lý toàn quốc, và còn được vinh dự chia sẻ những nghĩ suy và quan tâm của mình với Đại hội.

Con được kêu gọi để trình bày đề tài: Giáo dục bằng phúc âm hóa và phúc âm hóa bằng giáo dục. Đây là một đề tài vốn sẽ mang đến những trực giác mục vụ có thể canh tân việc huấn giáo của chúng ta, vì mục tiêu tối hậu của huấn giáo chính là được biến đổi nên giống Đức Kitô, con người hoàn hảo. Nhưng con cũng phải nói ngay sự giới hạn của mình. Con không thể đóng được nhiều vai trò. Trong Thân Mình Đức Kitô, mỗi chi thể đều có phận vụ của mình, và không thể làm công việc của chi thể khác. Thiên Chúa đã muốn con trở thành một người con của Don Bosco, và trong đoàn sủng ấy, con được nuôi dưỡng, suy tư, lớn lên và trưởng thành. Chính vì thế dù muốn dù không, suy tư của con một cách tự nhiên và tự phát mặc lấy hướng chiều thiêng liêng của vị Thánh đó trong Giáo Hội. Con xác tín rằng khi càng là một người Salêdiêng chân chính, con lại càng có thể đóng góp phong phú hơn cho Giáo Hội địa phương, bởi vì đoàn sủng, phương pháp mục vụ và sự thánh thiện của Don Bosco thuộc về toàn Giáo Hội. Các dòng tu đóng góp cách chuyên biệt cho Giáo Hội qua chính đoàn sủng của mình. Đó là xác tín của Vatican II. Trong bài suy tư này, con sẽ cố gắng dựa trên nguồn liệu và kinh nghiệm đa dạng. Tuy nhiên, nếu đôi lúc con có qui chiếu đến Don Bosco để minh họa, xin anh chị em cũng hiểu đây không phải là một thứ tô son đánh phấn cho vị Sáng lập của mình. Nhưng thực sự hướng mục vụ-giáo dục-tông đồ của Ngài là thế, như lịch sử Giáo Hội nói lên.

Để khai triển đề tài, con xin tất cả cùng lắng nghe tiếng còi hụ báo động của giáo dục, để chọn được thái độ khởi từ những kẻ thấp nhất. Nơi họ ta lắng nghe được niềm khao khát một nền nhân học toàn diện và thống nhất, với mối liên hệ chặt chẽ đến độ bất khả phân giữa giáo dục và loan báo Tin Mừng: Giáo dục bằng rao giảng Tin Mừng và Rao giảng Tin Mừng bằng giáo dục. Hướng đi này mang lại những hệ quả thiết thực cho một tổng hợp thiêng liêng và mục vụ. Để thấy những suy tư trên không chỉ trên bàn giấy, con xin ghi lại một vài kinh nghiệm huấn giáo của chính mình như một minh họa rất nhạt và giới hạn, dưới mối tương quan giáo dục và rao giảng Tin Mừng. Nhờ đó, con sẽ kết luận về một con người lớn lên chỉ có một trái tim với nhịp đập liên kết của tĩnh mạch và động mạch, khác biệt, không lẫn lộn nhưng lại không phân chia. Nhịp đập của trái tim tin cậy mến nơi người tín hữu đưa ân sủng của Thiên Chúa vào trong thực tại trần thế và đưa những cặn bã của trần thế vào ân sủng để được biến đổi nên hoàn thiện, vì sự sống hạnh phúc của người con Thiên Chúa.

I. Hồi còi báo động giáo dục đức tin để tìm hướng mục vụ

1. Nỗi lo có thực

Âu lo trước tiền đồ của cha ông, Đại hội Dân Chúa vừa qua rõ ràng gióng lên một hồi còi báo động giáo dục của đất nước. Chạm tới tận sâu thẳm, những môn đệ của Đức Giêsu tại Việt Nam muốn đặt giáo dục thành một trong những ưu tiên trong kế hoạch mục vụ của mình trong những năm tới. Tiêu chuẩn “tiên học lễ hậu học văn” của các bậc cha anh đang đối diện với thực tại “bạo lực học đường”, “những bệnh thành tích giáo dục”, “những lợi dụng uy danh nhà giáo”, v.v. Truyền thống đất Việt luôn quan tâm đến giáo dục, đào tạo những nhân hiền cho dân tộc, vì biết rõ vận mạng quê hương tùy ở đây, tùy vào “trăm năm trồng người.” Thế nhưng, ngày nay chúng ta đang nhận rõ sự xuống cấp của giáo dục, với nhiều tiếng gióng lớn. Hẳn nhiên chúng ta vẫn quan tâm đến giáo dục, nên mới gióng tiếng. Vấn đề ở đây chính là nền giáo dục đang mất phương hướng, hay nói đúng hơn, đang đặt sai các bậc thang giá trị.[1] Đó là điều được phản ánh trong Đại hội Dân Chúa vừa qua.[2] Bậc thang giá trị phải dẫn dắt giáo dục là tiên vàn giáo dục thành người, rồi thành công dân, sau cùng mới thành chuyên viên. Thế mà giáo dục hiện nay thường được hiểu đáp ứng nhu cầu sản xuất. Báo động giáo dục là đấy.

Nhưng còn nữa:
“Thế hệ trẻ em hỏi xem họ có thể tiến vào một vũ trụ chân thiện mỹ hay không, đang khi đó thế hệ phụ huynh trở nên xa lạ trước một vũ trụ ý nghĩa. . . . Báo động giáo dục là sự ngắt quãng đối với câu chuyện mà một thế hệ kể cho thế hệ khác: phía thế hệ phụ huynh nó thì mất trí nhớ còn thế hệ con cái thiếu khả năng ngay cả nói rõ vấn nạn nảy sinh trong tâm hồn chúng. Cha mẹ không cống hiến truyền thống nào, bởi vì họ mất trí nhớ về nó, và họ trở thành chứng nhân cho hư vô và chỉ chuyển giao luật lệ. Trẻ em lại thấy mình lang thang trong một sa mạc không có lối đi, không còn biết họ từ đâu đến và đang đi đâu.”[3]

Điều vừa được nói có lẽ phản ánh đúng tâm trạng chúng ta dẫu chúng ta không diễn đạt được cách bóng bảy như thế. Chúng ta nhìn nhận rõ những cơ cấu truyền thống (như gia đình, trường học, giáo xứ) với những sinh hoạt truyền thống (kinh tối gia đình, các kinh quen thuộc, ngắm thương khó, v.v.) đang ngày một lạc lõng hơn với thế hệ trẻ.[4] Chúng không đến với chúng ta và nhiều người đến chỉ để cho xong một bó buộc nào đó. Cùng lúc đó, chúng ta đang loay hoay chưa tìm được những cơ cấu mới để chuyển giao giá trị chúng ta thâm tín. Thế hệ trẻ có những cấu trúc sinh hoạt mà chúng ta chưa thể vào được vì chóng mặt (chẳng hạn, chúng ta xem các trẻ bấm các phím chơi game hay phím điện thoại di động mà chóng mặt). Chính Đại hội Dân Chúa cũng nhìn thấy trào lưu duy tục, tiêu thụ và hưởng lạc đang tàn phá nhiều tâm hồn thanh thiếu niên, tạo cho chúng những thế giới ảo của anh hùng, của tình yêu.[5] Rõ ràng, “bị nhổ rễ khỏi truyền thống vĩ đại vốn cho chúng sự sống, giới trẻ tìm được một vị khách gây phiền muộn nhất đến sống với mình: chủ thuyết hư vô. Chúng ta đừng dối mình: đây là tình trạng cho nhiều người trẻ hôm nay.”[6] Thách đố này đòi buộc Giáo Hội, nhất là các giáo lý viên được hiểu là những nhà giáo dục đức tin, tìm ra lời đáp trả giáo dục có thể nảy sinh một nền văn hóa của chân thiện mỹ.

Hồi còi báo động giáo dục khiến Giáo Hội tại Việt Nam phải nhìn về chính mình ngay và chọn thái độ: cứ như cũ, vì giáo lý là không đổi thay, hay an phận, mặc kệ thế hệ trẻ, hay cùng nhau tìm phương cách mới, vì Thiên Chúa luôn luôn lớn hơn và con người luôn đổi mới? Thật vậy, nếu Giáo Hội vẫn là nhà giáo dục của nhân loại, thì Giáo Hội tại Việt Nam buộc phải tìm cách thực thi sứ vụ ấy, vào lúc thuận cũng như lúc nghịch. Nếu Giáo Hội vẫn nắm giữ những truyền thống lên tới thời Tông đồ thì Giáo Hội tại Việt Nam phải kiếm tìm được một lối đi mới để rao giảng Tin Mừng, để phúc âm hóa con người và các nền văn hóa của họ. Nếu Giáo Hội là thầy dạy chân lý, cột trụ nâng đỡ thuần phong mỹ tục, thì Giáo Hội tại Việt Nam phải để cho mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời khởi hứng mình trong phương hướng mục vụ.[7] Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam lại nhấn mạnh đến giáo dục đức tin đến thế. Giáo Hội này đang kêu gọi các gia đình, các giáo lý viên, các mục tử hiến mình cho giáo dục dẫn tới trưởng thành đức tin làm lẽ sống cho mình, làm ưu tiên số một. Bởi lẽ đó là cách Giáo Hội sẽ đóng góp vào tiền đồ của quê hương cách ý nghĩa nhất.

2. Khởi đi từ những kẻ thấp nhất

Đứng trước một thế giới giầu có về mọi mặt, nhưng lại đang phân hóa thành Nam-Bắc với khối khổng lồ của những kẻ nghèo khổ thậm chí tới mức không xứng với nhân phẩm sánh vai với số rất ít người bơi trong bể dư dật, Vatican II cho thấy GH phải khởi đi từ những ưu sầu, vui tươi, kỳ vọng, phiền sầu và hy vọng của những người thấp kém nhất;[8] lối đi này không phản ánh gì khác hơn lối đi của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã trở nên một người trong những kẻ hèn kém, bị bỏ rơi nhất và hơn nữa, đã đồng nhất chính mình với họ. Những kẻ thấp hèn nhất này không chỉ thuộc diện vật chất. Họ thật đa dạng, có thể ở diện tri thức, luân lý, tâm linh, vì “sự ngu dốt tôn giáo đang gia tăng nơi những thế hệ mới”, thực hành tôn giáo chân chính ngày càng giảm; chính giữa các thanh thiếu niên mang danh Kitô hữu, vị Thiên Chúa Kitô hữu hình như đã mất vị trí trung tâm cho Thiên Chúa của đa phương tiện vốn tôn thần thể thao, âm nhạc, tài tử.[9]

Chọn lựa này hoàn toàn là mục vụ.[10] Dầu vậy, thật đúng, “những kẻ nhỏ bé nhất là dấu chỉ sâu sắc của cuộc khủng hoảng ngày nay,” vì lẽ xét cho cùng nghèo khổ của thế giới hôm nay đã chuyển thành vấn đề luân lý.[11] Nhãn quan mục vụ, nghĩa là xuất phát từ đức ái mục tử, khiến các nhà giáo dục đức tin chúng ta “hủy bỏ những ngẫu tượng chúng ta dựng lên: tiền tài, quyền bính, tiêu thụ, phung phí và khuynh hướng sống vượt quá những phương tiện và khả thể của mình. Rồi chúng ta sẽ tái khám phá giá trị cố hữu trong thiện ích chung, vì đất nước sẽ tăng trưởng trừ phi tất cả chúng ta cùng tăng trưởng.”[12]

Đường nét tiếp cận này “kích thích một sự thay đổi não trạng trong cách thức chúng ta tri nhận những điểm chiến lược của việc rao giảng Tin Mừng.”[13] Chúng ta đã quá quen khởi từ tư cách người ban phát. Chỉ cần cho, thế là đủ rồi. Cho luôn luôn là tốt. Không cần hay ít để ý xem tặng phẩm ta mang lại cho có thích hợp, có đáp ứng nhu cầu, có được mong chờ, cung cách ta trao ra sao.[14] Không lượng giá những góc cạnh trên khiến có thể xẩy ra là những lối mục vụ của chúng ta trở thành không hiệu quả, gây chán ngán tẻ nhạt và bị coi thường. Đã đến lúc, “khởi từ những kẻ thấp nhất cho chúng ta hiểu tốt đẹp hơn những vấn đề của mọi người.”[15]

Hướng đi từ những kẻ thấp hèn nhất luôn phải trả giá. Ở giữa những người đó, chúng ta chợt bừng tỉnh, thoát khỏi căn bệnh cố hữu của những vị ngôn sứ buồn bã thất vọng, tưởng chừng như Thiên Chúa chỉ làm nên những tai ương. Không phải thế. Chúng ta dần dần học ra bài học khó nuốt trôi: Thiên Chúa canh tân bộ mặt trái đất nhờ những người nghèo.[16]

“Nếu GH tập trung vào những kẻ thấp hèn nhất thì không chỉ bởi vì họ bị bỏ rơi, thiếu thốn, không chỉ bởi vì họ nghèo và ở bền lề xã hội, không chỉ bởi vì họ ở cuối của đường nét và nạn nhân của những cơ cấu không thích đáng, nhưng còn bởi vì GH tri nhận ở giá trị thật của họ những phẩm tính giầu có của cõi lòng vốn hứa hẹn niềm hy vọng mới cho tương lai.”[17]

Rõ ràng, chúng ta học xác tín rằng không có một tạo vật nào hoàn toàn là xấu xa dơ bẩn. Nếu thế, Thiên Chúa đã chẳng bao giờ sáng tạo nó.

II. Một nhân học toàn diện

Khởi từ những kẻ thấp kém nhất, chúng ta bắt gặp sự thật rằng trước khi họ cần cơm bánh, họ cần được kính trọng và yêu thương;[18] Thực thế, giới trẻ cần sân chơi để triển nở tình bạn. Họ cần được kiến thức để biết chân lý, họ cần được học hành tử tế. Họ cần tình yêu gia đình.Trên hết, họ cần Thiên Chúa để làm cho tự do của họ trở nên đích thực và tròn đầy. Rõ ràng, giới trẻ cần được đóng góp phần mình để xây dựng chứ không phải để phá hoại.[19] Nếu Giáo Hội không thể trao ban điều mà các ý thức hệ không thể cho (sự kính trọng nhân vị, tình yêu và lòng thương mến) thì Giáo Hội chẳng khác nào một cơ chế lạnh lùng, nếu không nói là bóc lột. Nói theo góc cạnh giáo dục, khát vọng trên có thể diễn đạt như sau: Ở tận nền tảng của tất cả suy tư chúng ta, có một hoài nghi xem chúng ta đạt được phẩm chất giáo dục là kiến tạo những con người mới theo đòi hỏi của văn hóa mới hay không. “Chúng ta phải ưu tiên hướng đến đào tạo những người tự do chân thật, có óc phê phán, cam kết cho xã hội, có thể phục vụ anh chị em mình, tìm thấy động lực của mình từ Tin Mừng, nơi đức tin của họ vào Chúa Kitô, Con Người mới.”[20] Hay “giáo dục sẽ thường hằng hóa hệ thống cạnh tranh cũ kỹ hay sẽ mở ra những con lộ đi tới tham gia, chia sẻ trách nhiệm, tình liên đới và công bằng xã hội?”[21] Đấy không phải là hướng đi của giáo dục bằng rao giảng Tin Mừng và rao giảng Tin Mừng bằng giáo dục hay sao?

Soi sáng từ nhân học toàn diện, Giáo Hội và cách riêng những nhà giáo dục đức tin phải đặt lên hàng đầu thiện ích và hạnh phúc của những con người, chứ không phải vận hành một cơ cấu hay nhồi nhét một số kiến thức. Mà điều ấy chẳng thể xẩy ra được khi chúng ta chú ý rất ít hoặc chẳng mảy may đặt thành vấn đề:
“những khó khăn và đau khổ mà thanh thiếu niên phải đối diện trong việc hình thành nhân cách của chúng […] Đời sống của thanh thiếu niên cùng một lúc là khởi điểm bó buộc cho một hành trình đức tin, là điểm qui chiếu liên tục trong việc phát triển của nó, và là mục tiêu của chính hành trình, một khi nó được biến đổi và được đặt trên con đường tới sự sung mãn trong Đức Kitô Giêsu. Cũng thế, việc loan báo Đức Kitô, được canh tân liên tục, là khía cạnh căn bản của toàn hành trình; nó không phải là một cái gì xa lạ hay chỉ tiếp giáp với kinh nghiệm của tuổi trẻ. Trong kinh nghiệm đó nó trở thành con đường, sự thật và sự sống viên mãn.”[22]

Đoạn văn trích dẫn khiến chúng ta giật mình. Chúng ta rất dễ quên: thanh thiếu niên chưa có một nhân cách hoàn thành. Chúng đang hình thành nhân cách. Vậy mà nhiều khi chúng ta đòi hỏi chúng phải là những người trưởng thành, có nhân cách tuyệt vời và chững chạc. Đồng thời, rất nhiều lần chúng ta đến với lớp giáo lý hay lớp học với những mớ kiến thức tín điều đã có sẵn từ bao năm (tôi đã dạy giáo lý cả năm năm rồi, đám thanh thiếu niên này có gì khác đâu) mà chẳng cần hỏi hay áy náy “các thiếu niên của tôi đang thao thức gì”. Chúng ta thường xa lạ với thế giới của tuổi trẻ; không phải sao, chúng ta thường khoanh tay đứng nhìn chúng từ đàng xa hơn là đến gần, chơi, để được chúng chấp nhận và ngồi xuống lắng nghe chúng? Chúng ta muốn nói cho chúng điều phải làm trong những nỗi buồn, gian khổ, hay niềm vui của chúng. Chúng ta đóng vai ông thầy hơn là những người bạn, hay đúng hơn, những người bạn-ông thầy của chúng. Một thầy cô hòa mình làm bạn với trẻ trong giờ chơi, chỉ dạy chúng phải chơi ngay thật, không ăn lận vì háo thắng thì đang là người bạn dạy chúng bài giáo lý sống. (Chúng ta sẽ trở lại điều này). Và như thế, khi trình bày giáo lý, chúng ta dễ dàng nghĩ rằng Đức Kitô đã xong rồi, một lần cho tất cả, không cần phải liên kết với những vấn nạn và ưu tư của con người hôm nay. Con người thời nào mà chẳng giống nhau, mà Đức Kitô lại là Đấng cứu chuộc con người.

Suy nghĩ như thế vô tình chúng ta hành xử như đã đạt đích hơn là đang đi một hành trình, đang lữ hành. Chúng ta xác tín Thiên Chúa cũng là Thiên Chúa của hôm nay và lịch sử và xã hội ngày nay không giống với bất kỳ lịch sử và xã hội nào. Điều ấy có nghĩa rằng không bao giờ có một giới trẻ chung chung. Chỉ có giới trẻ ở đây và lúc này. Chỉ có giới trẻ của Việt Nam hôm nay, tại Thủ đô, hay tại Thành phố Hồ Chí Minh, hay tại Lạng sơn, giới trẻ của xã hội tiêu thụ tân tiến, hay giới trẻ của thế kỷ 19 mà thôi. Cũng thế, chẳng có một tương lai của Đức Kitô đã xong hoặc làm sẵn. Và hệ quả là khởi sự lại với Đức Kitô không chỉ có nghĩa là trở về với Đức Kitô trong Tin Mừng mà thôi, nhưng còn là trở về với những người bạn hôm nay của Ngài. Như thế, trở về với các em trong lớp tôi phụ trách thực sự quả là cần thiết khi khởi đầu tiến trình giáo dục đức tin. Rõ ràng, hai cực thanh thiếu niên và Đức Kitô trong ánh sáng trên mời gọi giáo lý viên chúng ta hoán cải, được Tin Mừng hóa đang khi loan báo Tin Mừng; nếu nói theo khía cạnh giáo dục, họ hãy để mình được giáo dục đang khi giáo dục (nếu việc “là” người luôn là năng động và luôn lên đường, theo Gabriel Marcel).[23]

Chúng ta nhấn mạnh đến một con người toàn diện,[24] vì đó chính là một khóe nhìn rất thực về con người. Rất có thể một ai đó trong chúng ta vẫn chấp nhận nhân chi sơ tính bổn thiện. Nhưng ngay cả như thế, họ cũng đồng ý rằng một người lớn lên phải học từng chút một, học ăn, học nói, học gói, học viết, học đọc, v.v.. Ai nấy đều phải học để làm người. Nghĩa là học để hòa hợp năng lực lý trí, ý chí, tình cảm theo một bậc thang giá trị để thành một người có trách nhiệm, biết sử dụng tự do, khao khát chân lý, sống công bằng và yêu thương, tha thứ, v.v. Kinh nghiệm đã cho chúng ta hay: có những người rất giỏi và thông minh, nhưng sự giỏi giang và thông minh đó, họ sử dụng để hại người. Chúng ta sợ sự thông minh đó. Khi sự thông minh và cấp độ luân lý không tương xứng thì tạo nên nhiều kinh hoàng hơn là bình an và hạnh phúc cho mọi người. Tất cả điều đó cho chúng ta một sự thật này: để tự nhiên, sống ích kỷ, ghen tuông, cáu kỉnh, hận thù, bừa phứa thì dễ dàng hơn sống quảng đại, nhân hậu, hiền lành, tha thứ và có kỷ luật. Hãy cho tôi dùng vài sự kiện như một minh họa chân lý trên. Những nhà vệ sinh công cộng, khu nhà thờ đầy rác do các tín hữu. Tất cả nói lên rằng: một cách tự nhiên, xả rác và bỏ mặc không thu dọn những gì bẩn thỉu của mình thì dễ hơn là bỏ rác vào đúng chỗ và dọn dẹp sạch sẽ đồ của mình để kính trọng người đến sau.

Khóe nhìn về con người toàn diện sẽ giúp tôn trọng được bậc thang giá trị trong giáo dục. Điều chúng ta đang chứng kiến trong đất nước là sự đảo lộn các giá trị. Chuẩn bị cho học sinh nghề nghiệp bước vào đời không thể là xấu. Thế nhưng thật sai lầm khi coi đấy là mục tiêu cao nhất. Lối nhìn đó đã làm sai lệch cách nguy hại, vì rõ ràng đặt giá trị con người hệ tại ở việc “có” nhiều hơn là ở việc “là” người ngày một hơn.

“Để đạt được mục tiêu là đào tạo nhân vị toàn diện đối với những nguyên lý dân chủ là cùng chung sống, những quyền lợi và những tự do cơ bản, giáo dục sẽ phải bao gồm đào luyện và thông tin, kỹ thuật và giá trị, theo một cách thức là trước tiên đào tạo những con người, rồi các công dân, rồi các chuyên nghiệp. Ba mục tiêu này là linh thánh cho giáo dục: con người, công dân và nghề nghiệp.”[25]

Những lời đó soi sáng cho ta biết lỗ hổng nào chúng ta đang gặp khi nói về thanh thiếu niên chúng ta hôm nay. Thách đố đến liền khi các nhà giáo dục, thầy cô và chính trị gia “không chia sẻ cùng một nhân học xét trên phương diện văn hóa. Làm sao chúng ta giúp thanh thiếu niên nên những người hạnh phúc khi không có lý tưởng và mục tiêu rõ ràng cho nhân loại, mà trong ánh sáng của nó chúng ta mới có thể phân định cái gì là đúng là sai, là chính trực và bất chính, cái gì đem lại phẩm giá và cái gì hạ thấp phẩm giá, nói tắt, cái gì nhân bản và cái gì phi nhân.”[26] Làm sao chúng ta cống hiến nền giáo dục lành mạnh khi chúng ta không biết rõ mục tiêu.[27]

Thế giới và lịch sử đã chứng kiến nhiều quan điểm về con người. Có hình ảnh con người thực dụng (William James), khoa học (David Hume), xã hội (Auguste Comte), chính trị đảng phái (Karl Marx), ích kỷ, quyền lực (Federich Nietzsche). Giáo Hội với mặc khải của Thiên Chúa qua khuôn mẫu Đức Kitô có một khoa nhân học vốn công nhận “sự tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong những năm gần đây thật lớn lao; âm vang của chúng trên nhân loại cũng lớn lao, nhưng không bao giờ mang lại câu giải đáp đầy đủ và thỏa mãn cho nhiều vấn nạn của con người. Chỉ mình Đức Kitô mới mạc khải cho con người thực sự con người là gì mà thôi.”[28] Theo khoa nhân học này, dầu bị phơi trần cho sự xấu do nguyên tội, con người có một ơn gọi siêu nhiên. Họ vẫn mang hình ảnh Thiên Chúa tận thâm sâu và hình ảnh ấy đã được khôi phục một cách tuyệt diệu hơn nữa nhờ chính Đấng là Hình Ảnh duy nhất chân thực của Chúa Cha. Con người là tội nhân, nhưng lại là tội nhân được tha thứ, được thánh hóa, được tẩy sạch, được đưa vào lòng của Chúa Cha.

Khoa nhân học toàn diện thống nhất

Theo ánh sáng này, “Nhân loại, mọi con người, có một nền tảng linh thánh mà họ phải khám phá, để đi xa hơn chính mình và nó dẫn xa hơn bản ngã: Thiên Chúa.”[29] Pascal nói rõ “con người vượt trên chính mình” (L’uomo supera infinitamente l’uomo) Đức tin nhìn con người rất mới, ngay cả giữa tội lỗi nữa, vì
“đức tin không phải là một cái gì rời rạc hoặc chỉ liên kết chặt chẽ với cái gì là nhân bản, lịch sử, trần thế (tạm bợ) hoặc thế tục, song đúng hơn là sinh lực bên trong những thứ này; nó cho chúng sự soi sáng và ý nghĩa mới và cũng siêu việt chúng, trải rộng chân trời của chúng ta vượt qua những biên giới của lịch sử.”[30]

Chỗ khác,
“Chúng ta không được tổ chức công cuộc của mình trên nền tảng là sự chia tách giữa điều linh thánh và trần tục. Nhưng đang khi chấp nhận sự kiện là điều linh thánh và trần tục khác biệt nhau, chúng ta cố gắng cho thấy tại sao tất cả công việc đang làm thì đều liên kết và hiệp nhất trong Đức Kitô.”[31]

Con người tốt lành, trưởng thành không phải chỉ là con người có các nhân đức. Đúng hơn, các nhân đức của họ được thống nhất, hòa hợp với nhau quanh một trục chính. Đức tin không để các nhân đức đứng cạnh nhau như trong bản liệt kê các nhân đức trong thần học. Không ít lần, chúng ta trình bày, quan niệm và tập tành các nhân đức tiếp liền theo nhau. Đời sống như thể chất đống các nhân đức. Quả vậy,
“đời sống thiêng liêng không hệ tại ở một bảng liệt kê những nhân đức rời rạc nhau, nhưng đúng hơn hệ tại ở cấu trúc cân xứng hài hòa và hòa điệu với nhau toàn vẹn, trong một sự liên kết hỗ tương và với một vài sự nhấn mạnh vốn tạo thành một diện mạo đặc biệt. Những nhân đức nơi một người đúng hơn là những giá trị và thái độ cốt yếu làm đặc trưng sắc thái một phong cách sống biệt loại nào đó.”[32]

Vậy ra, giáo dục đích thực sẽ là giáo dục đức tin, tức là giáo dục tới đức tin và trong đức tin, mà cốt yếu đưa tới sự thống nhất đời sống. Chắc chắn, các nhà giáo dục sẽ cống hiến cho trẻ cơm ăn áo mặc phần xác, huấn nghệ và cả lương thực nuôi lý trí. Nhưng trên hết, chúng ta giúp rộng mở trước chân lý và kiến tạo sự tự do của chính mình, giúp chúng thưởng nếm những giá trị chân thật sẽ giúp đem chúng đến sự thánh thiện Kitô giáo.[33] Sự thống nhất đời sống này được hiểu là sự thay đổi tận bên trong mà các ngôn sứ nói tới: Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài là chủ của tâm hồn mà thôi.

Giáo dục bằng Loan báo Tin Mừng

Hẳn nhiên, giáo dục và loan báo Tin Mừng là hai hoạt động khác nhau. Giáo dục thuộc diện văn hóa, rao giảng Tin Mừng thuộc diện đức tin. Thế nhưng, coi chúng độc lập, hay tệ hơn, tách biệt là một chuyện khác. Chúng ta đang chứng kiến khuynh hướng cắt nghĩa giáo dục thuần túy dưới diện duy tục. Nó giản lược nhà giáo dục thành thuần túy người cho kiến thức mà thôi. Nhưng sai hẳn. Giáo dục liên quan đến tiến trình nhân vị hóa, “qui chiếu đến tiến trình hấp thụ những giá trị nhân bản phức hợp đang tiến hóa, với mục đích biệt loại của chúng và tính hợp pháp nội khởi.”[34] Nó không liên quan nhiều đến
“việc áp đặt những nguyên tắc cho bằng làm cho tự do ngày một trách nhiệm hơn, liên hệ với lương tâm, phẩm chất chân chính của tình yêu và những chiều kích xã hội… nó có điều gì đó chung với tình cha tình mẹ như thể chia sẻ tiến trình khai sinh nhân bản đối với những giá trị nền tảng như lương tâm, chân lý, tình yêu, công việc, công bằng, tình liên đới, phẩm giá sự sống, công ích, quyền lợi cá nhân. Vì lẽ này nó quan tâm tránh bất kỳ cái gì hạ giá và lệch lạc: ngẫu tượng, bạo lực, ích kỷ, v.v. Mục đích của nó là mang đến sự tăng trưởng của người trẻ từ bên trong, hầu họ trở thành một người lớn có trách nhiệm và cư xử như một người công dân chính trực.”[35]

Như thế, ta thấy không thể cổ xúy một sự tách biệt giữa hai thực tại trên được. Đúng hơn, giáo dục phải lấy khởi hứng từ chính khởi đầu của Tin Mừng và loan báo Tin Mừng đòi buộc ngay từ đầu được thích ứng vào những hoàn cảnh thay đổi của đứa trẻ, thiếu niên, thanh niên. Cách chúng ta loan báo Tin Mừng hướng tới đào luyện những người trưởng thành theo mọi nghĩa của hạn từ. Nền giáo dục của chúng ta nhằm rộng mở trước Thiên Chúa và định mệnh đời đời của con người.”[36] Nền giáo dục như thế phải để ý một vài yếu tố:
“nhân vị là ưu tiên đối với những quan tâm thể chế hay ý thức hệ; chăm sóc đến khung cảnh mà phải phong phú trong những giá trị nhân bản và kitô hữu; phẩm chất và tính kiên định Tin Mừng của lời đề nghị văn hóa được trình bày trong các hoạt động và chương trình; tìm thiện ích chung, cam kết đối với những kẻ thiếu thốn nhất; vấn nạn về ý nghĩa đời sống, cảm thức siêu việt và rộng mở cho Thiên Chúa… Là nhà giáo dục Kitô hữu là người đảm trách công việc giáo dục coi nó như cộng tác với Thiên Chúa trong sự tăng trưởng của nhân vị.”[37]

Loan báo Tin Mừng bằng giáo dục

Loan báo Tin Mừng không bao giờ bị giản lược vào huấn giáo hay phụng vụ mà thôi, nhưng tìm được chỗ của mình trong tất cả những hoàn cảnh sư phạm/văn hóa của giới trẻ. Chúng ta đang nói về đức ái phúc âm được làm thành cụ thể… trong việc cổ xúy và giải phóng người trẻ bị bỏ rơi và để mặc chính mình.

“Loan báo Tin Mừng bằng giáo dục” có nghĩa là biết làm thế nào để cống hiến Tin tuyệt hảo (con người Đức Giêsu) bằng cách thích ứng nó và kính trọng những hoàn cảnh tiến hóa của một người. Người trẻ tìm hạnh phúc, niềm vui sống, quảng đại làm những hy sinh để đạt được điều này, nếu chúng ta tỏ cho chúng một con đường thuyết phục và nếu chúng ta dâng mình như những người bạn có uy tín trên đường. Chúng ta phải là nhà giáo dục và loan báo Tin Mừng. Là người loan báo Tin Mừng chúng ta biết và tìm ra mục tiêu: đem người trẻ tới với Đức Kitô; như nhà giáo dục, chúng ta phải biết làm thế nào bắt đầu từ những hoàn cảnh cụ thể của thanh thiếu niên và thành công trong việc tìm ra phương pháp thích hợp để đồng hành với họ trong tiến trình trở nên trưởng thành. Nếu như mục tử đối với chúng ta không thừa nhận mục tiêu thật là xấu hổ, thì như nhà giáo dục, cũng sẽ xấu hổ nếu chúng ta không thể tìm phương pháp thích hợp để thúc đẩy họ khởi sự trên hành trình và để đồng hành với họ cách khả tín.[38]

III. Những Hệ Quả

1. Những biên cương mới kéo theo những viễn cảnh mới

Không ai nghi ngờ xã hội ngày nay đổi thay phức tạp. Biên cương nghèo đói trải ra xa hơn nhiều. Ngày nay đang nói tới một thứ sa mạc hóa xã hội nhân loại. Quả là từ một xã hội tĩnh sang một xã hội động. Động như thế nào? Xã hội hôm nay “đề cao phẩm giá con người, quyền sống bất khả xâm phạm, tự do tôn giáo, gia đình ở đó bổn phận với xã hội bắt đầu; tình liên đới ở những bình diện khác nhau; sự cam kết chính trị vì một lối sống xã hội dân chủ; những vấn đề xã hội và kinh tế phức tạp; cuối cùng như tổng hợp của tất cả những cái khác, văn hóa (hay những nền văn hóa.)”[39] Cùng với nó, những viễn cảnh mới đang lộ rõ: tiến trình xã hội hóa, giải phóng, trần tục hóa, thăng tiến phụ nữ, Hồi giáo cực đoan, những đòi hỏi những mô hình mới song lệch lạc về gia đình, hôn nhân, v.v. “Các ý thức hệ tuyên bố cần phải thay đổi ngay, kể cả với giá của những phương thế phi nhân và tàn bạo.”[40] Chính con người hoạch định và thực hiện lịch sử. Tương lai liên kết với vị trí trung tâm dành cho thực tiễn, thực hành. Đó là “cách nhìn mới vào những trạng huống và quyết định những ưu tiên, đưa ra những quyết định và giải đáp độc đáo, dẫn tới sự giải phóng xã hội và cá nhân.”[41] Con người muốn mở ra sự chiến thắng của chủ thuyết trần tục (secularism). Viễn cảnh mới đang mở ra cùng với những biên cương mới của sự nghèo túng nhân loại không chỉ là chủ thuyết vô thần, nhưng là vô thần thực tiễn. Tức là con người sống như thể không có Thiên Chúa, không có Ý Nghĩa, không có Chân Lý, Sự Thiện. Mà khi không có Thiên Chúa, thì con người sẽ làm mình thành Thiên Chúa (Dostoevsky). Vậy, đó không là ngẫu tượng sao? Ngẫu tượng không phải là giải thích rằng bất kỳ yếu tố riêng rẽ nào của đời sống con người là tự lập (autonomous) với lề luật Thiên Chúa sao?[42]

2. Những nhấn mạnh mới của tổng hợp đức tin – thiêng liêng – mục vụ

Trước hiện trạng này, Giáo Hội với Vatican II kiên quyết hướng tới con người. “Con người là con đường của Giáo Hội.” Bi quan và lo sợ, có thể là thế, nếu chúng ta thiếu chuẩn bị. Nhưng Vatican II nói cho ta không được quên rằng “các tín hữu đang sống trong một thế giới phát triển không ngừng và chiều kích thế tục của Giáo Hội gắn liền với thân phận lữ hành của mình trong thế giới. Đàng khác giới trẻ phải được đào luyện trong khung cảnh lịch sử của chúng và có thể làm chứng cho ơn gọi Kitô hữu của mình trong những bổn phận nảy sinh từ tính chất trần thế của chúng.”[43] Như vậy, hiểm nguy lớn nhất cho mọi tín hữu là sự chia tách giữa đức tin và đời sống.

Tầm nhìn này cho ta biết phải canh tân huấn giáo ra sao. Với thời gian, khía cạnh nhiệm huấn khi các giáo phụ dạy giáo lý dường như trở nên nhạt dần để thay bằng góc cạnh tri thức. Nếu cần chúng ta đốt giai đoạn để trình bày cho xong các tín điều. Ta có thể thấy điều ấy trong nhiều huấn giáo dự tòng. Chúng ta trình bày giáo lý dưới góc cạnh suy lý hơn là một tri thức sống, kết hiệp và dẫn đến cầu nguyện. Vô tình, đức tin biến thành một trang hoàng đánh bóng cho đời sống con người. Khía cạnh biến đổi, hoán cải ít được để ý tới hơn khía cạnh tòng đạo. Nhưng trong bối cảnh xã hội hiện đại, hài hòa và thống nhất giữa đức tin và lý trí, khát vọng về Thiên Chúa và khát vọng nhân bản đích thực, giữa khoa học kỹ thuật và luân lý chân thật mới mang đến câu trả lời mà con người hôm nay cần. “Mỗi Kitô hữu hãy theo gương Đức Kitô Đấng lao động như một người thợ; họ hãy hãnh diện về cơ hội để thực thi hoạt động trần thế theo một cách thức đến nỗi hòa hợp những sự nghiệp nhân bản, gia đình, nghề nghiệp, khoa học và kỹ thuật với những giá trị tôn giáo, dưới sự hướng dẫn tối cao của chúng mọi sự được sắp đặt cho vinh quang Thiên Chúa.”[44] Đó là chương trình Thiên Chúa muốn hiện thực cho con người.

Vatican II đã cho thấy ơn gọi làm người đích thực và sung mãn là ơn gọi được trở thành con cái Thiên Chúa, đầy tràn Thần khí và được Đức Giêsu phục sinh chiếu soi. Và ngược lại. Đức Giêsu Kitô không là con người hoàn hảo, là Đấng nối kết tuyệt vời nơi chính bản thân mình điều thuộc về con người và điều thuộc về Thiên Chúa sao? “Ngài đã yêu bằng trái tim con người, suy nghĩ bằng khối óc con người, và lao động với đôi tay con người.” Bằng cách đó, Giáo Hội hôm nay tìm được một trực giác thật phong phú: chiều kích phát triển nhân bản trở thành một cấu tố bất khả phân của việc rao giảng Tin Mừng.[45] Đức Gioan Phaolô II đã tóm tắt điều này bằng một lối nói đã trở thành cổ điển: “Con người là con đường mà Giáo Hội phải đi.”

Theo ánh sáng này, sứ vụ rao giảng Tin Mừng không chỉ đóng khung ở việc cải đạo hay trồng Giáo Hội mà thôi.[46] Nó không hệ ở bình diện địa dư, hoặc ngay cả những con số đông đảo hơn.[47]

“Rao giảng Tin Mừng có nghĩa là mang Tin Mừng vào trong tất cả các giai tầng của nhân loại, và qua ảnh hưởng của nó biến đổi nhân loại từ bên trong và làm nó nên mới […] Nhưng không có nhân loại mới nếu trước tiên không có những con người mới được canh tân bởi phép Thánh Tẩy và bằng những cuộc đời, sống theo Tin Mừng.”[48]

Đoạn văn trên cho ta chìa khóa: Tin Mừng đi vào mọi tầng lớp của nhân loại. Nó không hệ ở việc đem lại nhiều thông tin hay kiến thức. Tin Mừng làm đảo lộn “những tiêu chuẩn phán đoán, những giá trị quyết định, những điểm quan tâm, những đường nét tư duy, những nguồn cảm hứng và những khuôn mẫu đời sống của nhân loại, vốn trái nghịch với Lời Chúa và kế hoạch cứu rỗi.”[49] Như thế, thật đúng khi nói rằng rao giảng Tin Mừng là cách giáo dục mới, và ngược lại, giáo dục tìm được ý nghĩa phong phú nhất của mình dưới diện phúc âm hóa.[50]

Suy tư trên làm cho thần học về tạo dựng phải có những dấu nhấn mới ở đó chiều kích nhân học và đặc tính trần thế như tiến bộ khoa học, quyền lợi nhân vị, giá trị của tự do, giá trị của gia đình, công ích, v.v phải được đánh giá đúng. Cũng vậy, thần học đức cậy không còn giới hạn vào những sự sau cùng. Nhưng nay nó chiếu sáng Giáo Hội nhận ra Ađam mới là khuôn mẫu đích thực của nhân loại, là Chúa lịch sử. Giáo Hội không tiến vào một tương lai chung chung và tạm bợ, nhưng vào tương lai siêu việt và dứt khoát của Đức Kitô. Thánh Thần quyền năng đang xây dựng vương quốc trong lịch sử với dấu ấn Đức Kitô phục sinh, cả trong trật tự trần thế của văn hóa và chính trị lẫn trong công việc mục vụ.[51] Hơn nữa, thần học về Giáo Hội nhận rõ tính năng động mầu nhiệm của mình như Thân mình Đức Kitô, Đền thờ Thánh Thần trong lịch sử, Bí tích cứu độ phổ quát, Dân Thiên Chúa trong đó mọi người lãnh nhận ơn gọi nên thánh và cam kết cho cùng một sứ vụ rao giảng Tin Mừng, với những dạng thái chứng nhân khác nhau và phục vụ khác nhau, theo như bậc sống của họ. Theo đó, chân trời của giáo dân trong lãnh vực trần thế và hoạt động mục vụ của Giáo Hội mở rộng thật sự. Lối nhìn về Giáo Hội hiển nhiên phải tập trung đến sự hiệp thông các lực lượng để hiện thực Vương quốc Thiên Chúa.

3. Bốn chiều kích cơ bản trong liên hệ giáo dục-rao giảng Tin Mừng

Chiều kích nhân bản
Đời sống và đức tin gợi nhắc nhau. Khóe nhìn “đức tin là thuốc phiện ru ngủ con người” chẳng thể hiểu đức tin thực sự là gì. Dù đầy đủ và được toại nguyện mọi sự, con người sẽ có lúc phải đối diện trạng huống giới hạn và thiếu thốn. Lúc đó, ta hiểu mình không chỉ nghèo trong nhiều khía cạnh và dưới nhiều hình thức, nhưng nhất là nhận ra cái nghèo tột cùng của con người là gì: nghèo Thiên Chúa.[52] Nhưng kinh nghiệm tôn giáo không có thể trồi hiện mãi đến khi đời sống được khám phá trong ý nghĩa chân thật của nó. Tất cả kinh nghiệm chân thật về đời sống đều làm nổi bật chiều kích tôn giáo. Nó cho thấy giữa tạo dựng và cứu chuộc có sự tiếp nối, chứ không phải rạn nứt.[53] Chính vì thế, các giai đoạn tuổi trẻ có giá trị nhưng cũng bày ra những thách đố cho một người để thành một nhân cách trưởng thành. Chăm chú đến những vấn nạn nảy sinh từ đời sống cá nhân và từ thế giới, ý thức về mầu nhiệm bao quanh mình và cố gắng dò thấu ý nghĩa của nó qua nỗ lực và suy tư quả là cần thiết.[54]

Điều này dẫn tới việc tiếp nhận cuộc sống, chấp nhận chính mình. Không ít người trẻ nghĩ rằng đời của mình không đáng sống vì thiếu những nhu cầu cơ bản. Chính lúc này họ cần nhà giáo dục đức tin ở bên với trí minh mẫn và cõi lòng, giúp họ nhận biết giá trị khôn sánh của cuộc đời như tặng phẩm và như bổn phận. Tầm nhìn đó khiến thiếu niên rộng mở cộng tác với tha nhân, chấp nhận đa nguyên cũng như giới hạn của nhau. Không có nhà giáo dục đức tin, thanh thiếu niên khó lắng nghe tiếng nói nội tâm và học để giải thích những hiện tượng của đời sống xã hội nhân loại, mở rộng tâm trí đến những nguyên tắc luân lý liên hệ mà theo đó họ sẽ thành kẻ ích kỷ hay có trách nhiệm và chia sẻ với tha nhân. Bằng cách đó, câu hỏi về ý nghĩa đời sống và việc tìm kiếm ý nghĩa tối hậu của đời sống bắt đầu hình thành, một cách hiện sinh. Điều này không thể không cần tới nhà giáo dục đức tin, mặc dù cách thức có thể là trang trọng hay tự phát.

“Nơi người trẻ vấn nạn và tìm kiếm ý nghĩa trở thành một lời cầu khấn, nghĩa là ước muốn về một lời đáp trả, một viễn cảnh hay một cách nhìn sẽ giúp giải đáp vấn nạn đặt ra do đời sống, về khởi đầu và kết thúc, về điều cá nhân phải làm để đời sống nên tròn đầy. Đây phải là mục đích của mọi tiến trình giáo dục. Người ta đi qua một kinh nghiệm nhân bản trưởng thành, mà cũng là một kinh nghiệm “tôn giáo” hầu cá nhân có thể thành công đi vào kế hoạch TC cách sung mãn.”[55]

Chiều kích Kitô học
Tăng trưởng nhân bản mà thôi thì không đủ, dù được những nguyên tắc kitô hữu gợi hứng. Giáo dục đức tin đi liền với xác quyết chỉ nơi Đức Giêsu Kitô cuộc sống nhân bản đạt được sự sung mãn. Gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu trong đức tin dưới hình thức “khẩn cầu” sẽ đưa đến hoán cải.[56] Bằng không, kiến thức sẽ hời hợt, mau qua, trừu tượng hay như ý thức hệ chi tiết của một nhóm tôn giáo nào. Nó chẳng phải là lời công bố và lời hứa cứu độ.[57] Để gặp gỡ Đức Kitô, con đường phải theo là qua chứng từ của cộng đoàn đức tin, qua kinh nghiệm Tin Mừng chân chính. Dù muốn dù không, Đức Kitô muốn gặp chúng ta qua những dấu chỉ nơi những người tạo nên cộng đoàn, nơi những thái độ làm ra nơi họ do hoài niệm (tưởng nhớ) về Đức Kitô, nơi việc cử hành lòng sùng mộ kitô hữu.[58]

Do đó, những cử chỉ nhân bản và bộc lộ đức tin của những người gần gũi giới trẻ tạo thành tiếng gọi đầu tiên tới đức tin.[59] Chứng từ này bộc lộ cho người trẻ giá trị phổ quát của đức tin, khi họ học từ những khuôn mẫu rõ ràng của đức ái hay sự cam kết vốn kích thích những động lực của họ và sức mạnh của tình yêu họ đối với Đức Kitô. Đức Kitô dần trở thành nhân vật trung tâm soi sáng cuộc tìm kiếm của người trẻ, trở thành sự sống kích thích những năng lực làm tốt của họ, và như con đường dẫn tới sự hoàn thành chính mình. Đức Kitô trở thành đấng được yêu mến, chiêm ngắm và được theo đuổi với thái độ của người môn đệ. Theo đó, giáo lý phải được đi theo bằng một sự đối diện của đức tin với những vấn đề văn hóa. Ta cảm nghiệm mạnh mẽ và cơ bản những điều này để não trạng đức tin được chín muồi thật sự, một đức tin vốn đòi hỏi sự nhất quán giữa tư duy và đời sống. “Đức tin nhìn nhận sự hiện diện và tình yêu của Cha nở rộ trong một thái độ hiền thảo đối với Ngài (“đạo đức” theo nghĩa đen). Cầu nguyện là ngôn ngữ được Thần khí ban cho ta để đến gần Cha và được khai triển trong nhiều hình thức khác nhau mà truyền thống Kitô giáo bày ra.”[60]

Chiều kích Giáo Hội
Tin vào Đức Kitô đi liền với chiều kích Giáo Hội. Không tin nơi Giáo Hội, đức tin sẽ rất èo uột. Chính vì vậy đòi buộc phải giúp giới trẻ sống kinh nghiệm Giáo Hội, phát triển cảm thức thuộc về Giáo Hội như Dân Thiên Chúa và Thân Mình Đức Kitô ngày một mạnh mẽ hơn. Chúng ta mời gọi người trẻ tích cực thể hiện tư cách thành viên của Giáo Hội trong những nhóm nhỏ (giống như cộng đoàn Giáo Hội cơ bản) để cảm nhận tình bạn và những tương giao liên vị sâu xa của chia sẻ và tình liên đới.

Không chỉ thế, người trẻ cử hành ơn cứu độ nơi các bí tích, nơi Lời Chúa, nơi cầu nguyện. Không thể coi nhẹ điều này. Thách đố chính là chỗ giúp cho người trẻ cử hành các thực tại này như biến cố cứu độ. Thật vậy, “giáo dục để cử hành và giáo dục trong cử hành đều cần thiết ngang nhau.”

Chiều kích vương quốc
Dần dần người trẻ học để chọn ơn gọi. Ở đây, ta không nói chọn nghề nghiệp. Đây là bước trưởng thành không thể thiếu được trong sự tăng trưởng nhân bản và Kitô hữu. Ơn gọi Kitô hữu chỉ được hiểu đúng trong viễn cảnh của Nước Thiên Chúa trong đó Thiên Chúa là nhân vật chính. Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc và con người được “mời gọi chấp nhận tặng phẩm này với tất cả sự sẵn sàng và đặt cược đời mình cho kế hoạch Thiên Chúa.” Theo đó, cần thiết giúp người trẻ khám phá chỗ đứng của mình trong việc xây dựng vương quốc. Nhãn quan ơn gọi khiến người trẻ đi vào nghề nghiệp hay bậc sống một cách năng động và đa dạng. Làm việc ở nhà thương như một nghiệp vụ và như một ơn gọi là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Và như thế, ơn gọi không được phép hiểu hạn hẹp như trước Vatican II, dù vẫn luôn quan tâm hơn đến ơn gọi linh mục, tu sĩ.

III. Như một kinh nghiệm huấn giáo

Đến đây, xin cho phép con dùng kinh nghiệm huấn giáo của mình như một đóng góp rất khiêm tốn trong việc cùng nhau xây dựng định hướng giáo lý trên quê hương đất Việt hôm nay. Khi ở Đalat, con phụ trách về sinh hoạt thanh thiếu niên và giới trẻ của giáo sở Don Bosco. Thời gian đó, các em vừa học giáo lý vừa sinh hoạt giải trí lành mạnh với những phong trào thi đua. Dưới sự dẫn dắt của các huynh trưởng và giáo lý viên, các em cử hành Thánh Lễ theo phong cách trẻ trung đơn sơ của các em mà vẫn giữ được nghi thức và bầu khí phụng vụ. Phong trào thi đua với những cao điểm theo chu kỳ năm phụng vụ dẫn các em nỗ lực cùng nhau học hành, giao lưu, chơi đùa, đi dạo, pinic, cầu nguyện và cả Chầu Thánh Thể nữa. Những phong trào đó “được đỡ đầu” bằng các hội đoàn trong giáo xứ, như một gia đình lo cho con em của mình. Giáo sở mang nặng bầu khí gia đình tươi vui hơn là một cơ cấu. Trong bầu khí đó, các thiếu niên đã trưởng thành một cách độc đáo và hiện nay, nhiều người vẫn còn là những hạt nhân nòng cốt của giáo lý tại địa phương.

Trong những năm tháng du học, con cũng được kêu gọi để phụ trách giúp các thanh thiếu niên trong cộng đồng tín hữu Việt Nam về giáo lý. Con cũng tiếp tục dành thời gian ở giữa thanh thiếu niên đủ mọi kiểu tóc, áo quần. Được một thời gian, cộng đoàn mời gọi con cộng tác lo cho thanh thiếu niên. Tổng quát, chương trình diễn tiến như sau: sau Thánh Lễ, các em có giờ giáo lý. Giờ ra chơi của các em là giờ sinh hoạt chung với nhau, với những phong trào thi đua về trò chơi. Sau đó các em có giờ học Việt ngữ. Chương trình đó chiếm trọn cả buổi chiều ngày Chúa Nhật. Mãi đến 4 giờ chiều mới tan sinh hoạt. Và ít nhất một tháng một lần, các thầy cô trong ban Việt Ngữ, giáo lý viên, và các huynh trưởng phụ trách các phong trào, đều ngồi lại với nhau để lượng giá các vấn đề. Các thầy cô lúc đầu chống đối rất mạnh, vì như vậy họ sẽ phải ở trường lâu giờ hơn, sẽ không được đi shopping và khi chiều về thi thấm mệt. Họ viện lẽ giáo lý đâu có cần sinh hoạt và họ cũng cần có giờ nghỉ ngơi để hôm sau đi làm.

Lắng nghe những yêu cầu thực tiễn và chính đáng của họ, con bình thản trao đổi với họ. Con mời gọi họ xác định một diện mạo “người” nào cho tương lai: một mẫu người toàn diện, hay một mẫu người dị dạng, có đầu rất to, nhưng tay chân và trái tim rất nhỏ. Từ mục tiêu đó, con cho họ thấy rằng không được đánh giá thấp những sinh hoạt vui chơi kia. Chắc chắn, Thánh Lễ là tối ưu. Giờ Giáo lý là bất khả thế. Nhưng khi các em chơi, các em mới học trên thực tế thế nào là yêu người, thế nào là chân thật, thế nào là tình bạn. Khi gặp những va chạm không cố ý, các em mới học biết xin lỗi cũng như biết tha thứ. Bằng không, các bài giáo lý và giảng lễ vẫn chỉ nằm gọn trong trí óc và không thực tiễn. Giờ chơi như vậy không còn chỉ là giờ xả hơi. Đó chính là giờ tập cầu nguyện, tập sống nhân đức bằng hành động. Cũng chính trong giờ chơi đó, thầy cô hòa mình với những giải trí, trò chơi của em. Họ trở thành không chỉ là một thầy cô trên bục giảng trong lớp, nhưng là người bạn, người chỉ dẫn của thanh thiếu niên trong cuộc đời. Lời nhủ khuyên của họ cho các em trong giờ chơi trở thành lời giáo lý thực hành. Trong giờ chơi đó, tất cả làm thành một gia đình. Thầy cô không chỉ lo cho con cái của mình mà thôi, nhưng cho tất cả, không thiên tư. Tuy nhiên, cũng chính trong giờ đó, thầy cô cũng học biết chính mình; đôi khi vì ham thắng, các thầy cô lại bày cho chúng “ăn gian”, “mánh lới”, “luồn lách” luật chơi, và như thế, rõ ràng họ có thể thấy Lời Chúa và giới răn của Chúa thấm vào cuộc đời mình đến mức độ nào. Khi hiểu được như thế, các thầy cô đã chấp nhận. Họ hiểu rằng để tiếp thu một giá trị, để xây dựng một nhân cách toàn diện, không thể nào không trả giá. Chúng ta đầu tư bao nhiêu, chúng ta gặt hái bấy nhiêu. Sau một thời gian, ai ai cũng nhận thấy các thanh thiếu niên của cộng đoàn lớn lên một cách đặc biệt. Và điều đó đã là phần thưởng khôn sánh cho những mệt nhọc của họ. Dần dần, họ bằng lòng trả giá các hy sinh ấy để được những thanh thiếu niên cho tương lai của cộng đồng.

IV. Như lời kết luận

Xin cho phép tôi dùng bài thơ của Gabriella Mistral để hiểu tại sao ta phải hú còi cấp cứu giáo dục.
Tên của nó là “Hôm Nay”
Chúng ta phạm nhiều sai lầm và lầm lỡ.
Nhưng tội tệ nhất ta phạm là bỏ mặc trẻ em,
Là lãng quên nguồn mạch sự sống.
Nhiều điều chúng ta cần có thể đợi chờ.
Nhưng trẻ em lại không thể.
Ngay giờ này từng thớ xương của em đang được hình thành,
Máu của em đang được tạo nên và
Những giác quan của em đang được phát triển.
Với trẻ em ta không thể trả lời “Ngày Mai.”

Đúng thế, trẻ em có tên là “Hôm Nay” đấy. Và ta hãy nghe: Đừng nói với một người ngày mai anh hãy đến lại và tôi sẽ cho anh, nếu con có thể cho nó hôm nay. Dù chúng ta đang gặp khó khăn đến mấy, chúng ta đừng bao giờ nói với trẻ em “ngày mai” tôi sẽ cho em nền giáo dục chân chính.

Đúng là Thiên Chúa muốn từng người và mọi người hạnh phúc. Hạnh phúc ấy hệ tại ở sự hiệp nhất mật thiết giữa thiên quốc và trần thế. Trong vương quốc Thiên Chúa, những giá trị nhân bản không bị phá hủy, nhưng được thánh hóa và nên hoàn hảo. Ước muốn ấy, Ngài thực hiện ngay trong lịch sử hôm qua và hôm nay, chứ không phải trong tương lai bất định. Đức Giêsu hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời. Thiên Chúa không ban cho nhân loại Con Ngài như một trang hoàng hay như một khách du lịch thăm trái đất. Trái lại, Thiên Chúa định cho Đức Giêsu là Khuôn mẫu và Trưởng tử của chúng ta. Người Con ấy lại hòa hợp nơi chính mình thần tính và nhân tính. Nếu vậy, không thống nhất đời sống, chúng ta có nguy cơ trình bày một hình ảnh méo mó về Thiên Chúa, khiến con người ngày nay chống báng và tẩy chay.

Chính vì thế, chiều hướng huấn giáo của chúng ta phải hòa hợp được chiều kích nhân bản, Chúa Kitô, Giáo Hội và vương quốc. Huấn giáo không còn chỉ trình bày tín lý, cách giáo điều, nhưng phải mang tính cách mục vụ cũng như giáo dục hướng tới Con Người Hoàn Hảo.

Lời kêu xin “Maranatha” của sách Khải huyền, của toàn Giáo Hội xưa và nay, của Giáo Hội Việt Nam có lẽ phải chuyển thành lời cầu xin Chúa Giêsu đến và làm chủ tâm hồn giới trẻ chúng ta. Ngài là NHÀ GIÁO DỤC VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG DUY NHẤT MÀ GIỚI TRẺ VIỆT NAM KHAO KHÁT TẬN SÂU THẲM.

________________________________________
[1]X. GS 31. “Trước hết cần phải tổ chức việc giáo dục ngừoi trẻ thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội, làm sao để đào tạo được những người nam và nữ không những tài giỏi về văn hóa mà còn có một tâm hồn cao thượng, bởi vì thời đại chúng ta đang khẩn thiết đòi phải có những người như vậy”; cũng x. Giovanni Mottini, cuộc phỏng vấn của Zenit, “Saving the Africa of the Future” đăng trong Zenit ngày 21.06.2011.
[2]X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 37; cũng xem Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam, số 35-37; Tài liệu làm việc, số 26.
[3]Hồng y Cafarra “Education Emergency. Commitment, beauty and the attempt to educate” ngày 6.11, 2007; được P. Chavez trích lại trong diễn từ kết thúc Salesian Family Spirituality Days 2008, “Educating with the Heart of Don Bosco”.
[4]X.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 43;
[5]X. HĐGMVN, Đề cương Giáo Hội tại VN, số 2-6;Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 4-9.
[6]Hồng y Cafarra, Education Emergency. Commitment, beauty and the attempt to educate” ngày 6.11, 2007; được P. Chavez trích lại trong diễn từ kết thúc Salesian Family Spirituality Days 2008, “Educating with the Heart of Don Bosco”; cũng x. Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Thánh lễ ở Olympic Stadium ngày 2011-06-19.
[7]X. LG 8; Đức Gioan Phaolô II, RH 18, 21.
[8]X. GS 1; 31;
[9]X.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 5; Bruno Forte, “What a Theologian-Pope Tells Theology”, cuộc phỏng vấn do Mirko Testa thực hiện, đăng trên Zenit ngày 25.01.2010.
[10]X. Đức Bênêđictô XVI, SS 4; DCE 28; Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam, số 29; Tài liệu làm việc, số 17-19;Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 3, 4.
[11]X. Đức Gioan Phaolô II, RH 12-17; Bênêđictô XVI, CV 21-33;Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 9.
[12]Vigano, “Don Bosco: Iuventutis pater et magister”, Acts, p. 16.
[13]Vigano, ibid., p. 16.
[14]X.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 36.
[15]Vigano, ibid., p. 16.
[16]X. FABC II; Aloysius Pieris, God’s Reign for God’s Poor, Tulana Research Centre, Sri Lanka, 1999.
[17]Vigano, ibid., p. 16-17.
[18]X. Bênêđictô XVI, DCE 18, 29;Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 41.
[19]X. GS 35, 29.
[20]P. Chavez, “Educating with the heart of Don Bosco”.
[21]P. Chavez, “Educating with the heart of Don Bosco”.
[22]P. Chavez, Giáo dục đức tin cho thanh thiếu niên; cũng x.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 44.
[23]X. P. Chavez, “Education and Citizenship, Forming the Citizen in a Salesian Way”
[24]X.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 32, 37-38; Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam, 25.
[25]P. Chavez, “Education and Citizenship. . .”
[26]P. Chavez, ibid.,
[27]X. Đức Bênêđictô XVI.
[28]Vigano, The New Evangelization, p. 12-13.
[29]P. Chavez, “Education and Citizenship…”
[30]Vigano, Salesian Spirituality for the New Evangelization, p. 12.
[31]FSDB 15.
[32]Cẩm nang giám đốc, chương 6
[33]X. Cẩm nang Giám đốc, chương 5.
[34]P. Chavez, “Educating with the heart of Don Bosco”
[35]P. Chavez, ibid.,
[36]P. Chavez, ibid.,
[37]P. Chavez, ibid.
[38]P. Chavez, ibid.
[39]Vigano, the New Evangelization, p. 7.
[40]Vigano, ibid, p. 9.
[41]Vigano, ibid. p. 9.
[42]Gioan Phaolô II, Oss. Rom. 28-29 Aug. 1989.
[43]Vigano, ibid. p. 8.
[44]GS 43.
[45]Synod 1975; 1980
[46]X. Đức Bênêđictô XVI, DCE 31; Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam, số 26; Tài liệu làm việc, số 18.
[47]X. Đức Phaolô VI, EN 19.
[48]Đức Phaolô VI, EN 18; Cũng x. Pontifical Council for Culture, Towards a Pastoral Approach to Cutlure, số 2-4.
[49]Đức Phaolô VI, EN 19; cũng x. Đức Bênêđictô XVI, SS 4.
[50]X. Đức Gioan Phaolô II; Đức Bênêđictô XVI, Bài nói chuyện ở Pontifical Roman Major Seminary tại Chapel Of The Seminary, ngày thứ sáu, 12 tháng Hai, 2010.
[51]Vigano, op. cit., p. 16.
[52]X. GS 19-21.
[53]X. Các Kinh tiền tụng mùa Phục sinh
[54]X. GS 18; Đức Bênêđictô XVI, Diễn từ cho Roman Ecclesial Congress, “May There Be a Growing Commitment to a Renewed Season of Evangelization”, đăng trên Zenit ngày 14.06.2011.
[55]GC23 148.
[56]X. Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý, số 142-145.
[57]X. Gioan Phaolô II, RH 8; Đức Bênêđictô XVI, SS 16-23.
[58]X. Đức Phaolô VI, MF 35-38; SC 7.
[59]Đức Gioan XXIII nói rằng ngài học được mọi điều cần thiết từ trên gối của mẹ mình.
[60]Công hội 23 của Tu hội Salêdiêng Don Bosco.

BÀI THUYẾT TRÌNH 2 A : GIÁO DỤC BẰNG PHÚC ÂM HÓA VÀ PHÚC ÂM HÓA BẰNG GIÁO DỤC (09/08/11, 4:48 pm)

Thuyết trình viên
Lm Giuse Nguyễn Văn Am SDB

Kính thưa quí Đức Cha, các Linh mục, tu sĩ và hết thảy mọi người tham dự Đại hội Giáo Lý toàn quốc hôm nay,

Trước hết, xin cho con được nói lên lời tri ân với tất cả mọi người, nhất là với ban tổ chức, đã dành cho con vinh dự này: được tham dự Đại hội Giáo Lý toàn quốc, và còn được vinh dự chia sẻ những nghĩ suy và quan tâm của mình với Đại hội.

Con được kêu gọi để trình bày đề tài: Giáo dục bằng phúc âm hóa và phúc âm hóa bằng giáo dục. Đây là một đề tài vốn sẽ mang đến những trực giác mục vụ có thể canh tân việc huấn giáo của chúng ta, vì mục tiêu tối hậu của huấn giáo chính là được biến đổi nên giống Đức Kitô, con người hoàn hảo. Nhưng con cũng phải nói ngay sự giới hạn của mình. Con không thể đóng được nhiều vai trò. Trong Thân Mình Đức Kitô, mỗi chi thể đều có phận vụ của mình, và không thể làm công việc của chi thể khác. Thiên Chúa đã muốn con trở thành một người con của Don Bosco, và trong đoàn sủng ấy, con được nuôi dưỡng, suy tư, lớn lên và trưởng thành. Chính vì thế dù muốn dù không, suy tư của con một cách tự nhiên và tự phát mặc lấy hướng chiều thiêng liêng của vị Thánh đó trong Giáo Hội. Con xác tín rằng khi càng là một người Salêdiêng chân chính, con lại càng có thể đóng góp phong phú hơn cho Giáo Hội địa phương, bởi vì đoàn sủng, phương pháp mục vụ và sự thánh thiện của Don Bosco thuộc về toàn Giáo Hội. Các dòng tu đóng góp cách chuyên biệt cho Giáo Hội qua chính đoàn sủng của mình. Đó là xác tín của Vatican II. Trong bài suy tư này, con sẽ cố gắng dựa trên nguồn liệu và kinh nghiệm đa dạng. Tuy nhiên, nếu đôi lúc con có qui chiếu đến Don Bosco để minh họa, xin anh chị em cũng hiểu đây không phải là một thứ tô son đánh phấn cho vị Sáng lập của mình. Nhưng thực sự hướng mục vụ-giáo dục-tông đồ của Ngài là thế, như lịch sử Giáo Hội nói lên.

Để khai triển đề tài, con xin tất cả cùng lắng nghe tiếng còi hụ báo động của giáo dục, để chọn được thái độ khởi từ những kẻ thấp nhất. Nơi họ ta lắng nghe được niềm khao khát một nền nhân học toàn diện và thống nhất, với mối liên hệ chặt chẽ đến độ bất khả phân giữa giáo dục và loan báo Tin Mừng: Giáo dục bằng rao giảng Tin Mừng và Rao giảng Tin Mừng bằng giáo dục. Hướng đi này mang lại những hệ quả thiết thực cho một tổng hợp thiêng liêng và mục vụ. Để thấy những suy tư trên không chỉ trên bàn giấy, con xin ghi lại một vài kinh nghiệm huấn giáo của chính mình như một minh họa rất nhạt và giới hạn, dưới mối tương quan giáo dục và rao giảng Tin Mừng. Nhờ đó, con sẽ kết luận về một con người lớn lên chỉ có một trái tim với nhịp đập liên kết của tĩnh mạch và động mạch, khác biệt, không lẫn lộn nhưng lại không phân chia. Nhịp đập của trái tim tin cậy mến nơi người tín hữu đưa ân sủng của Thiên Chúa vào trong thực tại trần thế và đưa những cặn bã của trần thế vào ân sủng để được biến đổi nên hoàn thiện, vì sự sống hạnh phúc của người con Thiên Chúa.

I. Hồi còi báo động giáo dục đức tin để tìm hướng mục vụ

1. Nỗi lo có thực

Âu lo trước tiền đồ của cha ông, Đại hội Dân Chúa vừa qua rõ ràng gióng lên một hồi còi báo động giáo dục của đất nước. Chạm tới tận sâu thẳm, những môn đệ của Đức Giêsu tại Việt Nam muốn đặt giáo dục thành một trong những ưu tiên trong kế hoạch mục vụ của mình trong những năm tới. Tiêu chuẩn “tiên học lễ hậu học văn” của các bậc cha anh đang đối diện với thực tại “bạo lực học đường”, “những bệnh thành tích giáo dục”, “những lợi dụng uy danh nhà giáo”, v.v. Truyền thống đất Việt luôn quan tâm đến giáo dục, đào tạo những nhân hiền cho dân tộc, vì biết rõ vận mạng quê hương tùy ở đây, tùy vào “trăm năm trồng người.” Thế nhưng, ngày nay chúng ta đang nhận rõ sự xuống cấp của giáo dục, với nhiều tiếng gióng lớn. Hẳn nhiên chúng ta vẫn quan tâm đến giáo dục, nên mới gióng tiếng. Vấn đề ở đây chính là nền giáo dục đang mất phương hướng, hay nói đúng hơn, đang đặt sai các bậc thang giá trị.[1] Đó là điều được phản ánh trong Đại hội Dân Chúa vừa qua.[2] Bậc thang giá trị phải dẫn dắt giáo dục là tiên vàn giáo dục thành người, rồi thành công dân, sau cùng mới thành chuyên viên. Thế mà giáo dục hiện nay thường được hiểu đáp ứng nhu cầu sản xuất. Báo động giáo dục là đấy.

Nhưng còn nữa:
“Thế hệ trẻ em hỏi xem họ có thể tiến vào một vũ trụ chân thiện mỹ hay không, đang khi đó thế hệ phụ huynh trở nên xa lạ trước một vũ trụ ý nghĩa. . . . Báo động giáo dục là sự ngắt quãng đối với câu chuyện mà một thế hệ kể cho thế hệ khác: phía thế hệ phụ huynh nó thì mất trí nhớ còn thế hệ con cái thiếu khả năng ngay cả nói rõ vấn nạn nảy sinh trong tâm hồn chúng. Cha mẹ không cống hiến truyền thống nào, bởi vì họ mất trí nhớ về nó, và họ trở thành chứng nhân cho hư vô và chỉ chuyển giao luật lệ. Trẻ em lại thấy mình lang thang trong một sa mạc không có lối đi, không còn biết họ từ đâu đến và đang đi đâu.”[3]

Điều vừa được nói có lẽ phản ánh đúng tâm trạng chúng ta dẫu chúng ta không diễn đạt được cách bóng bảy như thế. Chúng ta nhìn nhận rõ những cơ cấu truyền thống (như gia đình, trường học, giáo xứ) với những sinh hoạt truyền thống (kinh tối gia đình, các kinh quen thuộc, ngắm thương khó, v.v.) đang ngày một lạc lõng hơn với thế hệ trẻ.[4] Chúng không đến với chúng ta và nhiều người đến chỉ để cho xong một bó buộc nào đó. Cùng lúc đó, chúng ta đang loay hoay chưa tìm được những cơ cấu mới để chuyển giao giá trị chúng ta thâm tín. Thế hệ trẻ có những cấu trúc sinh hoạt mà chúng ta chưa thể vào được vì chóng mặt (chẳng hạn, chúng ta xem các trẻ bấm các phím chơi game hay phím điện thoại di động mà chóng mặt). Chính Đại hội Dân Chúa cũng nhìn thấy trào lưu duy tục, tiêu thụ và hưởng lạc đang tàn phá nhiều tâm hồn thanh thiếu niên, tạo cho chúng những thế giới ảo của anh hùng, của tình yêu.[5] Rõ ràng, “bị nhổ rễ khỏi truyền thống vĩ đại vốn cho chúng sự sống, giới trẻ tìm được một vị khách gây phiền muộn nhất đến sống với mình: chủ thuyết hư vô. Chúng ta đừng dối mình: đây là tình trạng cho nhiều người trẻ hôm nay.”[6] Thách đố này đòi buộc Giáo Hội, nhất là các giáo lý viên được hiểu là những nhà giáo dục đức tin, tìm ra lời đáp trả giáo dục có thể nảy sinh một nền văn hóa của chân thiện mỹ.

Hồi còi báo động giáo dục khiến Giáo Hội tại Việt Nam phải nhìn về chính mình ngay và chọn thái độ: cứ như cũ, vì giáo lý là không đổi thay, hay an phận, mặc kệ thế hệ trẻ, hay cùng nhau tìm phương cách mới, vì Thiên Chúa luôn luôn lớn hơn và con người luôn đổi mới? Thật vậy, nếu Giáo Hội vẫn là nhà giáo dục của nhân loại, thì Giáo Hội tại Việt Nam buộc phải tìm cách thực thi sứ vụ ấy, vào lúc thuận cũng như lúc nghịch. Nếu Giáo Hội vẫn nắm giữ những truyền thống lên tới thời Tông đồ thì Giáo Hội tại Việt Nam phải kiếm tìm được một lối đi mới để rao giảng Tin Mừng, để phúc âm hóa con người và các nền văn hóa của họ. Nếu Giáo Hội là thầy dạy chân lý, cột trụ nâng đỡ thuần phong mỹ tục, thì Giáo Hội tại Việt Nam phải để cho mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời khởi hứng mình trong phương hướng mục vụ.[7] Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam lại nhấn mạnh đến giáo dục đức tin đến thế. Giáo Hội này đang kêu gọi các gia đình, các giáo lý viên, các mục tử hiến mình cho giáo dục dẫn tới trưởng thành đức tin làm lẽ sống cho mình, làm ưu tiên số một. Bởi lẽ đó là cách Giáo Hội sẽ đóng góp vào tiền đồ của quê hương cách ý nghĩa nhất.

2. Khởi đi từ những kẻ thấp nhất

Đứng trước một thế giới giầu có về mọi mặt, nhưng lại đang phân hóa thành Nam-Bắc với khối khổng lồ của những kẻ nghèo khổ thậm chí tới mức không xứng với nhân phẩm sánh vai với số rất ít người bơi trong bể dư dật, Vatican II cho thấy GH phải khởi đi từ những ưu sầu, vui tươi, kỳ vọng, phiền sầu và hy vọng của những người thấp kém nhất;[8] lối đi này không phản ánh gì khác hơn lối đi của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã trở nên một người trong những kẻ hèn kém, bị bỏ rơi nhất và hơn nữa, đã đồng nhất chính mình với họ. Những kẻ thấp hèn nhất này không chỉ thuộc diện vật chất. Họ thật đa dạng, có thể ở diện tri thức, luân lý, tâm linh, vì “sự ngu dốt tôn giáo đang gia tăng nơi những thế hệ mới”, thực hành tôn giáo chân chính ngày càng giảm; chính giữa các thanh thiếu niên mang danh Kitô hữu, vị Thiên Chúa Kitô hữu hình như đã mất vị trí trung tâm cho Thiên Chúa của đa phương tiện vốn tôn thần thể thao, âm nhạc, tài tử.[9]

Chọn lựa này hoàn toàn là mục vụ.[10] Dầu vậy, thật đúng, “những kẻ nhỏ bé nhất là dấu chỉ sâu sắc của cuộc khủng hoảng ngày nay,” vì lẽ xét cho cùng nghèo khổ của thế giới hôm nay đã chuyển thành vấn đề luân lý.[11] Nhãn quan mục vụ, nghĩa là xuất phát từ đức ái mục tử, khiến các nhà giáo dục đức tin chúng ta “hủy bỏ những ngẫu tượng chúng ta dựng lên: tiền tài, quyền bính, tiêu thụ, phung phí và khuynh hướng sống vượt quá những phương tiện và khả thể của mình. Rồi chúng ta sẽ tái khám phá giá trị cố hữu trong thiện ích chung, vì đất nước sẽ tăng trưởng trừ phi tất cả chúng ta cùng tăng trưởng.”[12]

Đường nét tiếp cận này “kích thích một sự thay đổi não trạng trong cách thức chúng ta tri nhận những điểm chiến lược của việc rao giảng Tin Mừng.”[13] Chúng ta đã quá quen khởi từ tư cách người ban phát. Chỉ cần cho, thế là đủ rồi. Cho luôn luôn là tốt. Không cần hay ít để ý xem tặng phẩm ta mang lại cho có thích hợp, có đáp ứng nhu cầu, có được mong chờ, cung cách ta trao ra sao.[14] Không lượng giá những góc cạnh trên khiến có thể xẩy ra là những lối mục vụ của chúng ta trở thành không hiệu quả, gây chán ngán tẻ nhạt và bị coi thường. Đã đến lúc, “khởi từ những kẻ thấp nhất cho chúng ta hiểu tốt đẹp hơn những vấn đề của mọi người.”[15]

Hướng đi từ những kẻ thấp hèn nhất luôn phải trả giá. Ở giữa những người đó, chúng ta chợt bừng tỉnh, thoát khỏi căn bệnh cố hữu của những vị ngôn sứ buồn bã thất vọng, tưởng chừng như Thiên Chúa chỉ làm nên những tai ương. Không phải thế. Chúng ta dần dần học ra bài học khó nuốt trôi: Thiên Chúa canh tân bộ mặt trái đất nhờ những người nghèo.[16]

“Nếu GH tập trung vào những kẻ thấp hèn nhất thì không chỉ bởi vì họ bị bỏ rơi, thiếu thốn, không chỉ bởi vì họ nghèo và ở bền lề xã hội, không chỉ bởi vì họ ở cuối của đường nét và nạn nhân của những cơ cấu không thích đáng, nhưng còn bởi vì GH tri nhận ở giá trị thật của họ những phẩm tính giầu có của cõi lòng vốn hứa hẹn niềm hy vọng mới cho tương lai.”[17]

Rõ ràng, chúng ta học xác tín rằng không có một tạo vật nào hoàn toàn là xấu xa dơ bẩn. Nếu thế, Thiên Chúa đã chẳng bao giờ sáng tạo nó.

II. Một nhân học toàn diện

Khởi từ những kẻ thấp kém nhất, chúng ta bắt gặp sự thật rằng trước khi họ cần cơm bánh, họ cần được kính trọng và yêu thương;[18] Thực thế, giới trẻ cần sân chơi để triển nở tình bạn. Họ cần được kiến thức để biết chân lý, họ cần được học hành tử tế. Họ cần tình yêu gia đình.Trên hết, họ cần Thiên Chúa để làm cho tự do của họ trở nên đích thực và tròn đầy. Rõ ràng, giới trẻ cần được đóng góp phần mình để xây dựng chứ không phải để phá hoại.[19] Nếu Giáo Hội không thể trao ban điều mà các ý thức hệ không thể cho (sự kính trọng nhân vị, tình yêu và lòng thương mến) thì Giáo Hội chẳng khác nào một cơ chế lạnh lùng, nếu không nói là bóc lột. Nói theo góc cạnh giáo dục, khát vọng trên có thể diễn đạt như sau: Ở tận nền tảng của tất cả suy tư chúng ta, có một hoài nghi xem chúng ta đạt được phẩm chất giáo dục là kiến tạo những con người mới theo đòi hỏi của văn hóa mới hay không. “Chúng ta phải ưu tiên hướng đến đào tạo những người tự do chân thật, có óc phê phán, cam kết cho xã hội, có thể phục vụ anh chị em mình, tìm thấy động lực của mình từ Tin Mừng, nơi đức tin của họ vào Chúa Kitô, Con Người mới.”[20] Hay “giáo dục sẽ thường hằng hóa hệ thống cạnh tranh cũ kỹ hay sẽ mở ra những con lộ đi tới tham gia, chia sẻ trách nhiệm, tình liên đới và công bằng xã hội?”[21] Đấy không phải là hướng đi của giáo dục bằng rao giảng Tin Mừng và rao giảng Tin Mừng bằng giáo dục hay sao?

Soi sáng từ nhân học toàn diện, Giáo Hội và cách riêng những nhà giáo dục đức tin phải đặt lên hàng đầu thiện ích và hạnh phúc của những con người, chứ không phải vận hành một cơ cấu hay nhồi nhét một số kiến thức. Mà điều ấy chẳng thể xẩy ra được khi chúng ta chú ý rất ít hoặc chẳng mảy may đặt thành vấn đề:
“những khó khăn và đau khổ mà thanh thiếu niên phải đối diện trong việc hình thành nhân cách của chúng […] Đời sống của thanh thiếu niên cùng một lúc là khởi điểm bó buộc cho một hành trình đức tin, là điểm qui chiếu liên tục trong việc phát triển của nó, và là mục tiêu của chính hành trình, một khi nó được biến đổi và được đặt trên con đường tới sự sung mãn trong Đức Kitô Giêsu. Cũng thế, việc loan báo Đức Kitô, được canh tân liên tục, là khía cạnh căn bản của toàn hành trình; nó không phải là một cái gì xa lạ hay chỉ tiếp giáp với kinh nghiệm của tuổi trẻ. Trong kinh nghiệm đó nó trở thành con đường, sự thật và sự sống viên mãn.”[22]

Đoạn văn trích dẫn khiến chúng ta giật mình. Chúng ta rất dễ quên: thanh thiếu niên chưa có một nhân cách hoàn thành. Chúng đang hình thành nhân cách. Vậy mà nhiều khi chúng ta đòi hỏi chúng phải là những người trưởng thành, có nhân cách tuyệt vời và chững chạc. Đồng thời, rất nhiều lần chúng ta đến với lớp giáo lý hay lớp học với những mớ kiến thức tín điều đã có sẵn từ bao năm (tôi đã dạy giáo lý cả năm năm rồi, đám thanh thiếu niên này có gì khác đâu) mà chẳng cần hỏi hay áy náy “các thiếu niên của tôi đang thao thức gì”. Chúng ta thường xa lạ với thế giới của tuổi trẻ; không phải sao, chúng ta thường khoanh tay đứng nhìn chúng từ đàng xa hơn là đến gần, chơi, để được chúng chấp nhận và ngồi xuống lắng nghe chúng? Chúng ta muốn nói cho chúng điều phải làm trong những nỗi buồn, gian khổ, hay niềm vui của chúng. Chúng ta đóng vai ông thầy hơn là những người bạn, hay đúng hơn, những người bạn-ông thầy của chúng. Một thầy cô hòa mình làm bạn với trẻ trong giờ chơi, chỉ dạy chúng phải chơi ngay thật, không ăn lận vì háo thắng thì đang là người bạn dạy chúng bài giáo lý sống. (Chúng ta sẽ trở lại điều này). Và như thế, khi trình bày giáo lý, chúng ta dễ dàng nghĩ rằng Đức Kitô đã xong rồi, một lần cho tất cả, không cần phải liên kết với những vấn nạn và ưu tư của con người hôm nay. Con người thời nào mà chẳng giống nhau, mà Đức Kitô lại là Đấng cứu chuộc con người.

Suy nghĩ như thế vô tình chúng ta hành xử như đã đạt đích hơn là đang đi một hành trình, đang lữ hành. Chúng ta xác tín Thiên Chúa cũng là Thiên Chúa của hôm nay và lịch sử và xã hội ngày nay không giống với bất kỳ lịch sử và xã hội nào. Điều ấy có nghĩa rằng không bao giờ có một giới trẻ chung chung. Chỉ có giới trẻ ở đây và lúc này. Chỉ có giới trẻ của Việt Nam hôm nay, tại Thủ đô, hay tại Thành phố Hồ Chí Minh, hay tại Lạng sơn, giới trẻ của xã hội tiêu thụ tân tiến, hay giới trẻ của thế kỷ 19 mà thôi. Cũng thế, chẳng có một tương lai của Đức Kitô đã xong hoặc làm sẵn. Và hệ quả là khởi sự lại với Đức Kitô không chỉ có nghĩa là trở về với Đức Kitô trong Tin Mừng mà thôi, nhưng còn là trở về với những người bạn hôm nay của Ngài. Như thế, trở về với các em trong lớp tôi phụ trách thực sự quả là cần thiết khi khởi đầu tiến trình giáo dục đức tin. Rõ ràng, hai cực thanh thiếu niên và Đức Kitô trong ánh sáng trên mời gọi giáo lý viên chúng ta hoán cải, được Tin Mừng hóa đang khi loan báo Tin Mừng; nếu nói theo khía cạnh giáo dục, họ hãy để mình được giáo dục đang khi giáo dục (nếu việc “là” người luôn là năng động và luôn lên đường, theo Gabriel Marcel).[23]

Chúng ta nhấn mạnh đến một con người toàn diện,[24] vì đó chính là một khóe nhìn rất thực về con người. Rất có thể một ai đó trong chúng ta vẫn chấp nhận nhân chi sơ tính bổn thiện. Nhưng ngay cả như thế, họ cũng đồng ý rằng một người lớn lên phải học từng chút một, học ăn, học nói, học gói, học viết, học đọc, v.v.. Ai nấy đều phải học để làm người. Nghĩa là học để hòa hợp năng lực lý trí, ý chí, tình cảm theo một bậc thang giá trị để thành một người có trách nhiệm, biết sử dụng tự do, khao khát chân lý, sống công bằng và yêu thương, tha thứ, v.v. Kinh nghiệm đã cho chúng ta hay: có những người rất giỏi và thông minh, nhưng sự giỏi giang và thông minh đó, họ sử dụng để hại người. Chúng ta sợ sự thông minh đó. Khi sự thông minh và cấp độ luân lý không tương xứng thì tạo nên nhiều kinh hoàng hơn là bình an và hạnh phúc cho mọi người. Tất cả điều đó cho chúng ta một sự thật này: để tự nhiên, sống ích kỷ, ghen tuông, cáu kỉnh, hận thù, bừa phứa thì dễ dàng hơn sống quảng đại, nhân hậu, hiền lành, tha thứ và có kỷ luật. Hãy cho tôi dùng vài sự kiện như một minh họa chân lý trên. Những nhà vệ sinh công cộng, khu nhà thờ đầy rác do các tín hữu. Tất cả nói lên rằng: một cách tự nhiên, xả rác và bỏ mặc không thu dọn những gì bẩn thỉu của mình thì dễ hơn là bỏ rác vào đúng chỗ và dọn dẹp sạch sẽ đồ của mình để kính trọng người đến sau.

Khóe nhìn về con người toàn diện sẽ giúp tôn trọng được bậc thang giá trị trong giáo dục. Điều chúng ta đang chứng kiến trong đất nước là sự đảo lộn các giá trị. Chuẩn bị cho học sinh nghề nghiệp bước vào đời không thể là xấu. Thế nhưng thật sai lầm khi coi đấy là mục tiêu cao nhất. Lối nhìn đó đã làm sai lệch cách nguy hại, vì rõ ràng đặt giá trị con người hệ tại ở việc “có” nhiều hơn là ở việc “là” người ngày một hơn.

“Để đạt được mục tiêu là đào tạo nhân vị toàn diện đối với những nguyên lý dân chủ là cùng chung sống, những quyền lợi và những tự do cơ bản, giáo dục sẽ phải bao gồm đào luyện và thông tin, kỹ thuật và giá trị, theo một cách thức là trước tiên đào tạo những con người, rồi các công dân, rồi các chuyên nghiệp. Ba mục tiêu này là linh thánh cho giáo dục: con người, công dân và nghề nghiệp.”[25]

Những lời đó soi sáng cho ta biết lỗ hổng nào chúng ta đang gặp khi nói về thanh thiếu niên chúng ta hôm nay. Thách đố đến liền khi các nhà giáo dục, thầy cô và chính trị gia “không chia sẻ cùng một nhân học xét trên phương diện văn hóa. Làm sao chúng ta giúp thanh thiếu niên nên những người hạnh phúc khi không có lý tưởng và mục tiêu rõ ràng cho nhân loại, mà trong ánh sáng của nó chúng ta mới có thể phân định cái gì là đúng là sai, là chính trực và bất chính, cái gì đem lại phẩm giá và cái gì hạ thấp phẩm giá, nói tắt, cái gì nhân bản và cái gì phi nhân.”[26] Làm sao chúng ta cống hiến nền giáo dục lành mạnh khi chúng ta không biết rõ mục tiêu.[27]

Thế giới và lịch sử đã chứng kiến nhiều quan điểm về con người. Có hình ảnh con người thực dụng (William James), khoa học (David Hume), xã hội (Auguste Comte), chính trị đảng phái (Karl Marx), ích kỷ, quyền lực (Federich Nietzsche). Giáo Hội với mặc khải của Thiên Chúa qua khuôn mẫu Đức Kitô có một khoa nhân học vốn công nhận “sự tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong những năm gần đây thật lớn lao; âm vang của chúng trên nhân loại cũng lớn lao, nhưng không bao giờ mang lại câu giải đáp đầy đủ và thỏa mãn cho nhiều vấn nạn của con người. Chỉ mình Đức Kitô mới mạc khải cho con người thực sự con người là gì mà thôi.”[28] Theo khoa nhân học này, dầu bị phơi trần cho sự xấu do nguyên tội, con người có một ơn gọi siêu nhiên. Họ vẫn mang hình ảnh Thiên Chúa tận thâm sâu và hình ảnh ấy đã được khôi phục một cách tuyệt diệu hơn nữa nhờ chính Đấng là Hình Ảnh duy nhất chân thực của Chúa Cha. Con người là tội nhân, nhưng lại là tội nhân được tha thứ, được thánh hóa, được tẩy sạch, được đưa vào lòng của Chúa Cha.

Khoa nhân học toàn diện thống nhất

Theo ánh sáng này, “Nhân loại, mọi con người, có một nền tảng linh thánh mà họ phải khám phá, để đi xa hơn chính mình và nó dẫn xa hơn bản ngã: Thiên Chúa.”[29] Pascal nói rõ “con người vượt trên chính mình” (L’uomo supera infinitamente l’uomo) Đức tin nhìn con người rất mới, ngay cả giữa tội lỗi nữa, vì
“đức tin không phải là một cái gì rời rạc hoặc chỉ liên kết chặt chẽ với cái gì là nhân bản, lịch sử, trần thế (tạm bợ) hoặc thế tục, song đúng hơn là sinh lực bên trong những thứ này; nó cho chúng sự soi sáng và ý nghĩa mới và cũng siêu việt chúng, trải rộng chân trời của chúng ta vượt qua những biên giới của lịch sử.”[30]

Chỗ khác,
“Chúng ta không được tổ chức công cuộc của mình trên nền tảng là sự chia tách giữa điều linh thánh và trần tục. Nhưng đang khi chấp nhận sự kiện là điều linh thánh và trần tục khác biệt nhau, chúng ta cố gắng cho thấy tại sao tất cả công việc đang làm thì đều liên kết và hiệp nhất trong Đức Kitô.”[31]

Con người tốt lành, trưởng thành không phải chỉ là con người có các nhân đức. Đúng hơn, các nhân đức của họ được thống nhất, hòa hợp với nhau quanh một trục chính. Đức tin không để các nhân đức đứng cạnh nhau như trong bản liệt kê các nhân đức trong thần học. Không ít lần, chúng ta trình bày, quan niệm và tập tành các nhân đức tiếp liền theo nhau. Đời sống như thể chất đống các nhân đức. Quả vậy,
“đời sống thiêng liêng không hệ tại ở một bảng liệt kê những nhân đức rời rạc nhau, nhưng đúng hơn hệ tại ở cấu trúc cân xứng hài hòa và hòa điệu với nhau toàn vẹn, trong một sự liên kết hỗ tương và với một vài sự nhấn mạnh vốn tạo thành một diện mạo đặc biệt. Những nhân đức nơi một người đúng hơn là những giá trị và thái độ cốt yếu làm đặc trưng sắc thái một phong cách sống biệt loại nào đó.”[32]

Vậy ra, giáo dục đích thực sẽ là giáo dục đức tin, tức là giáo dục tới đức tin và trong đức tin, mà cốt yếu đưa tới sự thống nhất đời sống. Chắc chắn, các nhà giáo dục sẽ cống hiến cho trẻ cơm ăn áo mặc phần xác, huấn nghệ và cả lương thực nuôi lý trí. Nhưng trên hết, chúng ta giúp rộng mở trước chân lý và kiến tạo sự tự do của chính mình, giúp chúng thưởng nếm những giá trị chân thật sẽ giúp đem chúng đến sự thánh thiện Kitô giáo.[33] Sự thống nhất đời sống này được hiểu là sự thay đổi tận bên trong mà các ngôn sứ nói tới: Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài là chủ của tâm hồn mà thôi.

Giáo dục bằng Loan báo Tin Mừng

Hẳn nhiên, giáo dục và loan báo Tin Mừng là hai hoạt động khác nhau. Giáo dục thuộc diện văn hóa, rao giảng Tin Mừng thuộc diện đức tin. Thế nhưng, coi chúng độc lập, hay tệ hơn, tách biệt là một chuyện khác. Chúng ta đang chứng kiến khuynh hướng cắt nghĩa giáo dục thuần túy dưới diện duy tục. Nó giản lược nhà giáo dục thành thuần túy người cho kiến thức mà thôi. Nhưng sai hẳn. Giáo dục liên quan đến tiến trình nhân vị hóa, “qui chiếu đến tiến trình hấp thụ những giá trị nhân bản phức hợp đang tiến hóa, với mục đích biệt loại của chúng và tính hợp pháp nội khởi.”[34] Nó không liên quan nhiều đến
“việc áp đặt những nguyên tắc cho bằng làm cho tự do ngày một trách nhiệm hơn, liên hệ với lương tâm, phẩm chất chân chính của tình yêu và những chiều kích xã hội… nó có điều gì đó chung với tình cha tình mẹ như thể chia sẻ tiến trình khai sinh nhân bản đối với những giá trị nền tảng như lương tâm, chân lý, tình yêu, công việc, công bằng, tình liên đới, phẩm giá sự sống, công ích, quyền lợi cá nhân. Vì lẽ này nó quan tâm tránh bất kỳ cái gì hạ giá và lệch lạc: ngẫu tượng, bạo lực, ích kỷ, v.v. Mục đích của nó là mang đến sự tăng trưởng của người trẻ từ bên trong, hầu họ trở thành một người lớn có trách nhiệm và cư xử như một người công dân chính trực.”[35]

Như thế, ta thấy không thể cổ xúy một sự tách biệt giữa hai thực tại trên được. Đúng hơn, giáo dục phải lấy khởi hứng từ chính khởi đầu của Tin Mừng và loan báo Tin Mừng đòi buộc ngay từ đầu được thích ứng vào những hoàn cảnh thay đổi của đứa trẻ, thiếu niên, thanh niên. Cách chúng ta loan báo Tin Mừng hướng tới đào luyện những người trưởng thành theo mọi nghĩa của hạn từ. Nền giáo dục của chúng ta nhằm rộng mở trước Thiên Chúa và định mệnh đời đời của con người.”[36] Nền giáo dục như thế phải để ý một vài yếu tố:
“nhân vị là ưu tiên đối với những quan tâm thể chế hay ý thức hệ; chăm sóc đến khung cảnh mà phải phong phú trong những giá trị nhân bản và kitô hữu; phẩm chất và tính kiên định Tin Mừng của lời đề nghị văn hóa được trình bày trong các hoạt động và chương trình; tìm thiện ích chung, cam kết đối với những kẻ thiếu thốn nhất; vấn nạn về ý nghĩa đời sống, cảm thức siêu việt và rộng mở cho Thiên Chúa… Là nhà giáo dục Kitô hữu là người đảm trách công việc giáo dục coi nó như cộng tác với Thiên Chúa trong sự tăng trưởng của nhân vị.”[37]

Loan báo Tin Mừng bằng giáo dục

Loan báo Tin Mừng không bao giờ bị giản lược vào huấn giáo hay phụng vụ mà thôi, nhưng tìm được chỗ của mình trong tất cả những hoàn cảnh sư phạm/văn hóa của giới trẻ. Chúng ta đang nói về đức ái phúc âm được làm thành cụ thể… trong việc cổ xúy và giải phóng người trẻ bị bỏ rơi và để mặc chính mình.

“Loan báo Tin Mừng bằng giáo dục” có nghĩa là biết làm thế nào để cống hiến Tin tuyệt hảo (con người Đức Giêsu) bằng cách thích ứng nó và kính trọng những hoàn cảnh tiến hóa của một người. Người trẻ tìm hạnh phúc, niềm vui sống, quảng đại làm những hy sinh để đạt được điều này, nếu chúng ta tỏ cho chúng một con đường thuyết phục và nếu chúng ta dâng mình như những người bạn có uy tín trên đường. Chúng ta phải là nhà giáo dục và loan báo Tin Mừng. Là người loan báo Tin Mừng chúng ta biết và tìm ra mục tiêu: đem người trẻ tới với Đức Kitô; như nhà giáo dục, chúng ta phải biết làm thế nào bắt đầu từ những hoàn cảnh cụ thể của thanh thiếu niên và thành công trong việc tìm ra phương pháp thích hợp để đồng hành với họ trong tiến trình trở nên trưởng thành. Nếu như mục tử đối với chúng ta không thừa nhận mục tiêu thật là xấu hổ, thì như nhà giáo dục, cũng sẽ xấu hổ nếu chúng ta không thể tìm phương pháp thích hợp để thúc đẩy họ khởi sự trên hành trình và để đồng hành với họ cách khả tín.[38]

III. Những Hệ Quả

1. Những biên cương mới kéo theo những viễn cảnh mới

Không ai nghi ngờ xã hội ngày nay đổi thay phức tạp. Biên cương nghèo đói trải ra xa hơn nhiều. Ngày nay đang nói tới một thứ sa mạc hóa xã hội nhân loại. Quả là từ một xã hội tĩnh sang một xã hội động. Động như thế nào? Xã hội hôm nay “đề cao phẩm giá con người, quyền sống bất khả xâm phạm, tự do tôn giáo, gia đình ở đó bổn phận với xã hội bắt đầu; tình liên đới ở những bình diện khác nhau; sự cam kết chính trị vì một lối sống xã hội dân chủ; những vấn đề xã hội và kinh tế phức tạp; cuối cùng như tổng hợp của tất cả những cái khác, văn hóa (hay những nền văn hóa.)”[39] Cùng với nó, những viễn cảnh mới đang lộ rõ: tiến trình xã hội hóa, giải phóng, trần tục hóa, thăng tiến phụ nữ, Hồi giáo cực đoan, những đòi hỏi những mô hình mới song lệch lạc về gia đình, hôn nhân, v.v. “Các ý thức hệ tuyên bố cần phải thay đổi ngay, kể cả với giá của những phương thế phi nhân và tàn bạo.”[40] Chính con người hoạch định và thực hiện lịch sử. Tương lai liên kết với vị trí trung tâm dành cho thực tiễn, thực hành. Đó là “cách nhìn mới vào những trạng huống và quyết định những ưu tiên, đưa ra những quyết định và giải đáp độc đáo, dẫn tới sự giải phóng xã hội và cá nhân.”[41] Con người muốn mở ra sự chiến thắng của chủ thuyết trần tục (secularism). Viễn cảnh mới đang mở ra cùng với những biên cương mới của sự nghèo túng nhân loại không chỉ là chủ thuyết vô thần, nhưng là vô thần thực tiễn. Tức là con người sống như thể không có Thiên Chúa, không có Ý Nghĩa, không có Chân Lý, Sự Thiện. Mà khi không có Thiên Chúa, thì con người sẽ làm mình thành Thiên Chúa (Dostoevsky). Vậy, đó không là ngẫu tượng sao? Ngẫu tượng không phải là giải thích rằng bất kỳ yếu tố riêng rẽ nào của đời sống con người là tự lập (autonomous) với lề luật Thiên Chúa sao?[42]

2. Những nhấn mạnh mới của tổng hợp đức tin – thiêng liêng – mục vụ

Trước hiện trạng này, Giáo Hội với Vatican II kiên quyết hướng tới con người. “Con người là con đường của Giáo Hội.” Bi quan và lo sợ, có thể là thế, nếu chúng ta thiếu chuẩn bị. Nhưng Vatican II nói cho ta không được quên rằng “các tín hữu đang sống trong một thế giới phát triển không ngừng và chiều kích thế tục của Giáo Hội gắn liền với thân phận lữ hành của mình trong thế giới. Đàng khác giới trẻ phải được đào luyện trong khung cảnh lịch sử của chúng và có thể làm chứng cho ơn gọi Kitô hữu của mình trong những bổn phận nảy sinh từ tính chất trần thế của chúng.”[43] Như vậy, hiểm nguy lớn nhất cho mọi tín hữu là sự chia tách giữa đức tin và đời sống.

Tầm nhìn này cho ta biết phải canh tân huấn giáo ra sao. Với thời gian, khía cạnh nhiệm huấn khi các giáo phụ dạy giáo lý dường như trở nên nhạt dần để thay bằng góc cạnh tri thức. Nếu cần chúng ta đốt giai đoạn để trình bày cho xong các tín điều. Ta có thể thấy điều ấy trong nhiều huấn giáo dự tòng. Chúng ta trình bày giáo lý dưới góc cạnh suy lý hơn là một tri thức sống, kết hiệp và dẫn đến cầu nguyện. Vô tình, đức tin biến thành một trang hoàng đánh bóng cho đời sống con người. Khía cạnh biến đổi, hoán cải ít được để ý tới hơn khía cạnh tòng đạo. Nhưng trong bối cảnh xã hội hiện đại, hài hòa và thống nhất giữa đức tin và lý trí, khát vọng về Thiên Chúa và khát vọng nhân bản đích thực, giữa khoa học kỹ thuật và luân lý chân thật mới mang đến câu trả lời mà con người hôm nay cần. “Mỗi Kitô hữu hãy theo gương Đức Kitô Đấng lao động như một người thợ; họ hãy hãnh diện về cơ hội để thực thi hoạt động trần thế theo một cách thức đến nỗi hòa hợp những sự nghiệp nhân bản, gia đình, nghề nghiệp, khoa học và kỹ thuật với những giá trị tôn giáo, dưới sự hướng dẫn tối cao của chúng mọi sự được sắp đặt cho vinh quang Thiên Chúa.”[44] Đó là chương trình Thiên Chúa muốn hiện thực cho con người.

Vatican II đã cho thấy ơn gọi làm người đích thực và sung mãn là ơn gọi được trở thành con cái Thiên Chúa, đầy tràn Thần khí và được Đức Giêsu phục sinh chiếu soi. Và ngược lại. Đức Giêsu Kitô không là con người hoàn hảo, là Đấng nối kết tuyệt vời nơi chính bản thân mình điều thuộc về con người và điều thuộc về Thiên Chúa sao? “Ngài đã yêu bằng trái tim con người, suy nghĩ bằng khối óc con người, và lao động với đôi tay con người.” Bằng cách đó, Giáo Hội hôm nay tìm được một trực giác thật phong phú: chiều kích phát triển nhân bản trở thành một cấu tố bất khả phân của việc rao giảng Tin Mừng.[45] Đức Gioan Phaolô II đã tóm tắt điều này bằng một lối nói đã trở thành cổ điển: “Con người là con đường mà Giáo Hội phải đi.”

Theo ánh sáng này, sứ vụ rao giảng Tin Mừng không chỉ đóng khung ở việc cải đạo hay trồng Giáo Hội mà thôi.[46] Nó không hệ ở bình diện địa dư, hoặc ngay cả những con số đông đảo hơn.[47]

“Rao giảng Tin Mừng có nghĩa là mang Tin Mừng vào trong tất cả các giai tầng của nhân loại, và qua ảnh hưởng của nó biến đổi nhân loại từ bên trong và làm nó nên mới […] Nhưng không có nhân loại mới nếu trước tiên không có những con người mới được canh tân bởi phép Thánh Tẩy và bằng những cuộc đời, sống theo Tin Mừng.”[48]

Đoạn văn trên cho ta chìa khóa: Tin Mừng đi vào mọi tầng lớp của nhân loại. Nó không hệ ở việc đem lại nhiều thông tin hay kiến thức. Tin Mừng làm đảo lộn “những tiêu chuẩn phán đoán, những giá trị quyết định, những điểm quan tâm, những đường nét tư duy, những nguồn cảm hứng và những khuôn mẫu đời sống của nhân loại, vốn trái nghịch với Lời Chúa và kế hoạch cứu rỗi.”[49] Như thế, thật đúng khi nói rằng rao giảng Tin Mừng là cách giáo dục mới, và ngược lại, giáo dục tìm được ý nghĩa phong phú nhất của mình dưới diện phúc âm hóa.[50]

Suy tư trên làm cho thần học về tạo dựng phải có những dấu nhấn mới ở đó chiều kích nhân học và đặc tính trần thế như tiến bộ khoa học, quyền lợi nhân vị, giá trị của tự do, giá trị của gia đình, công ích, v.v phải được đánh giá đúng. Cũng vậy, thần học đức cậy không còn giới hạn vào những sự sau cùng. Nhưng nay nó chiếu sáng Giáo Hội nhận ra Ađam mới là khuôn mẫu đích thực của nhân loại, là Chúa lịch sử. Giáo Hội không tiến vào một tương lai chung chung và tạm bợ, nhưng vào tương lai siêu việt và dứt khoát của Đức Kitô. Thánh Thần quyền năng đang xây dựng vương quốc trong lịch sử với dấu ấn Đức Kitô phục sinh, cả trong trật tự trần thế của văn hóa và chính trị lẫn trong công việc mục vụ.[51] Hơn nữa, thần học về Giáo Hội nhận rõ tính năng động mầu nhiệm của mình như Thân mình Đức Kitô, Đền thờ Thánh Thần trong lịch sử, Bí tích cứu độ phổ quát, Dân Thiên Chúa trong đó mọi người lãnh nhận ơn gọi nên thánh và cam kết cho cùng một sứ vụ rao giảng Tin Mừng, với những dạng thái chứng nhân khác nhau và phục vụ khác nhau, theo như bậc sống của họ. Theo đó, chân trời của giáo dân trong lãnh vực trần thế và hoạt động mục vụ của Giáo Hội mở rộng thật sự. Lối nhìn về Giáo Hội hiển nhiên phải tập trung đến sự hiệp thông các lực lượng để hiện thực Vương quốc Thiên Chúa.

3. Bốn chiều kích cơ bản trong liên hệ giáo dục-rao giảng Tin Mừng

Chiều kích nhân bản
Đời sống và đức tin gợi nhắc nhau. Khóe nhìn “đức tin là thuốc phiện ru ngủ con người” chẳng thể hiểu đức tin thực sự là gì. Dù đầy đủ và được toại nguyện mọi sự, con người sẽ có lúc phải đối diện trạng huống giới hạn và thiếu thốn. Lúc đó, ta hiểu mình không chỉ nghèo trong nhiều khía cạnh và dưới nhiều hình thức, nhưng nhất là nhận ra cái nghèo tột cùng của con người là gì: nghèo Thiên Chúa.[52] Nhưng kinh nghiệm tôn giáo không có thể trồi hiện mãi đến khi đời sống được khám phá trong ý nghĩa chân thật của nó. Tất cả kinh nghiệm chân thật về đời sống đều làm nổi bật chiều kích tôn giáo. Nó cho thấy giữa tạo dựng và cứu chuộc có sự tiếp nối, chứ không phải rạn nứt.[53] Chính vì thế, các giai đoạn tuổi trẻ có giá trị nhưng cũng bày ra những thách đố cho một người để thành một nhân cách trưởng thành. Chăm chú đến những vấn nạn nảy sinh từ đời sống cá nhân và từ thế giới, ý thức về mầu nhiệm bao quanh mình và cố gắng dò thấu ý nghĩa của nó qua nỗ lực và suy tư quả là cần thiết.[54]

Điều này dẫn tới việc tiếp nhận cuộc sống, chấp nhận chính mình. Không ít người trẻ nghĩ rằng đời của mình không đáng sống vì thiếu những nhu cầu cơ bản. Chính lúc này họ cần nhà giáo dục đức tin ở bên với trí minh mẫn và cõi lòng, giúp họ nhận biết giá trị khôn sánh của cuộc đời như tặng phẩm và như bổn phận. Tầm nhìn đó khiến thiếu niên rộng mở cộng tác với tha nhân, chấp nhận đa nguyên cũng như giới hạn của nhau. Không có nhà giáo dục đức tin, thanh thiếu niên khó lắng nghe tiếng nói nội tâm và học để giải thích những hiện tượng của đời sống xã hội nhân loại, mở rộng tâm trí đến những nguyên tắc luân lý liên hệ mà theo đó họ sẽ thành kẻ ích kỷ hay có trách nhiệm và chia sẻ với tha nhân. Bằng cách đó, câu hỏi về ý nghĩa đời sống và việc tìm kiếm ý nghĩa tối hậu của đời sống bắt đầu hình thành, một cách hiện sinh. Điều này không thể không cần tới nhà giáo dục đức tin, mặc dù cách thức có thể là trang trọng hay tự phát.

“Nơi người trẻ vấn nạn và tìm kiếm ý nghĩa trở thành một lời cầu khấn, nghĩa là ước muốn về một lời đáp trả, một viễn cảnh hay một cách nhìn sẽ giúp giải đáp vấn nạn đặt ra do đời sống, về khởi đầu và kết thúc, về điều cá nhân phải làm để đời sống nên tròn đầy. Đây phải là mục đích của mọi tiến trình giáo dục. Người ta đi qua một kinh nghiệm nhân bản trưởng thành, mà cũng là một kinh nghiệm “tôn giáo” hầu cá nhân có thể thành công đi vào kế hoạch TC cách sung mãn.”[55]

Chiều kích Kitô học
Tăng trưởng nhân bản mà thôi thì không đủ, dù được những nguyên tắc kitô hữu gợi hứng. Giáo dục đức tin đi liền với xác quyết chỉ nơi Đức Giêsu Kitô cuộc sống nhân bản đạt được sự sung mãn. Gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu trong đức tin dưới hình thức “khẩn cầu” sẽ đưa đến hoán cải.[56] Bằng không, kiến thức sẽ hời hợt, mau qua, trừu tượng hay như ý thức hệ chi tiết của một nhóm tôn giáo nào. Nó chẳng phải là lời công bố và lời hứa cứu độ.[57] Để gặp gỡ Đức Kitô, con đường phải theo là qua chứng từ của cộng đoàn đức tin, qua kinh nghiệm Tin Mừng chân chính. Dù muốn dù không, Đức Kitô muốn gặp chúng ta qua những dấu chỉ nơi những người tạo nên cộng đoàn, nơi những thái độ làm ra nơi họ do hoài niệm (tưởng nhớ) về Đức Kitô, nơi việc cử hành lòng sùng mộ kitô hữu.[58]

Do đó, những cử chỉ nhân bản và bộc lộ đức tin của những người gần gũi giới trẻ tạo thành tiếng gọi đầu tiên tới đức tin.[59] Chứng từ này bộc lộ cho người trẻ giá trị phổ quát của đức tin, khi họ học từ những khuôn mẫu rõ ràng của đức ái hay sự cam kết vốn kích thích những động lực của họ và sức mạnh của tình yêu họ đối với Đức Kitô. Đức Kitô dần trở thành nhân vật trung tâm soi sáng cuộc tìm kiếm của người trẻ, trở thành sự sống kích thích những năng lực làm tốt của họ, và như con đường dẫn tới sự hoàn thành chính mình. Đức Kitô trở thành đấng được yêu mến, chiêm ngắm và được theo đuổi với thái độ của người môn đệ. Theo đó, giáo lý phải được đi theo bằng một sự đối diện của đức tin với những vấn đề văn hóa. Ta cảm nghiệm mạnh mẽ và cơ bản những điều này để não trạng đức tin được chín muồi thật sự, một đức tin vốn đòi hỏi sự nhất quán giữa tư duy và đời sống. “Đức tin nhìn nhận sự hiện diện và tình yêu của Cha nở rộ trong một thái độ hiền thảo đối với Ngài (“đạo đức” theo nghĩa đen). Cầu nguyện là ngôn ngữ được Thần khí ban cho ta để đến gần Cha và được khai triển trong nhiều hình thức khác nhau mà truyền thống Kitô giáo bày ra.”[60]

Chiều kích Giáo Hội
Tin vào Đức Kitô đi liền với chiều kích Giáo Hội. Không tin nơi Giáo Hội, đức tin sẽ rất èo uột. Chính vì vậy đòi buộc phải giúp giới trẻ sống kinh nghiệm Giáo Hội, phát triển cảm thức thuộc về Giáo Hội như Dân Thiên Chúa và Thân Mình Đức Kitô ngày một mạnh mẽ hơn. Chúng ta mời gọi người trẻ tích cực thể hiện tư cách thành viên của Giáo Hội trong những nhóm nhỏ (giống như cộng đoàn Giáo Hội cơ bản) để cảm nhận tình bạn và những tương giao liên vị sâu xa của chia sẻ và tình liên đới.

Không chỉ thế, người trẻ cử hành ơn cứu độ nơi các bí tích, nơi Lời Chúa, nơi cầu nguyện. Không thể coi nhẹ điều này. Thách đố chính là chỗ giúp cho người trẻ cử hành các thực tại này như biến cố cứu độ. Thật vậy, “giáo dục để cử hành và giáo dục trong cử hành đều cần thiết ngang nhau.”

Chiều kích vương quốc
Dần dần người trẻ học để chọn ơn gọi. Ở đây, ta không nói chọn nghề nghiệp. Đây là bước trưởng thành không thể thiếu được trong sự tăng trưởng nhân bản và Kitô hữu. Ơn gọi Kitô hữu chỉ được hiểu đúng trong viễn cảnh của Nước Thiên Chúa trong đó Thiên Chúa là nhân vật chính. Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc và con người được “mời gọi chấp nhận tặng phẩm này với tất cả sự sẵn sàng và đặt cược đời mình cho kế hoạch Thiên Chúa.” Theo đó, cần thiết giúp người trẻ khám phá chỗ đứng của mình trong việc xây dựng vương quốc. Nhãn quan ơn gọi khiến người trẻ đi vào nghề nghiệp hay bậc sống một cách năng động và đa dạng. Làm việc ở nhà thương như một nghiệp vụ và như một ơn gọi là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Và như thế, ơn gọi không được phép hiểu hạn hẹp như trước Vatican II, dù vẫn luôn quan tâm hơn đến ơn gọi linh mục, tu sĩ.

III. Như một kinh nghiệm huấn giáo

Đến đây, xin cho phép con dùng kinh nghiệm huấn giáo của mình như một đóng góp rất khiêm tốn trong việc cùng nhau xây dựng định hướng giáo lý trên quê hương đất Việt hôm nay. Khi ở Đalat, con phụ trách về sinh hoạt thanh thiếu niên và giới trẻ của giáo sở Don Bosco. Thời gian đó, các em vừa học giáo lý vừa sinh hoạt giải trí lành mạnh với những phong trào thi đua. Dưới sự dẫn dắt của các huynh trưởng và giáo lý viên, các em cử hành Thánh Lễ theo phong cách trẻ trung đơn sơ của các em mà vẫn giữ được nghi thức và bầu khí phụng vụ. Phong trào thi đua với những cao điểm theo chu kỳ năm phụng vụ dẫn các em nỗ lực cùng nhau học hành, giao lưu, chơi đùa, đi dạo, pinic, cầu nguyện và cả Chầu Thánh Thể nữa. Những phong trào đó “được đỡ đầu” bằng các hội đoàn trong giáo xứ, như một gia đình lo cho con em của mình. Giáo sở mang nặng bầu khí gia đình tươi vui hơn là một cơ cấu. Trong bầu khí đó, các thiếu niên đã trưởng thành một cách độc đáo và hiện nay, nhiều người vẫn còn là những hạt nhân nòng cốt của giáo lý tại địa phương.

Trong những năm tháng du học, con cũng được kêu gọi để phụ trách giúp các thanh thiếu niên trong cộng đồng tín hữu Việt Nam về giáo lý. Con cũng tiếp tục dành thời gian ở giữa thanh thiếu niên đủ mọi kiểu tóc, áo quần. Được một thời gian, cộng đoàn mời gọi con cộng tác lo cho thanh thiếu niên. Tổng quát, chương trình diễn tiến như sau: sau Thánh Lễ, các em có giờ giáo lý. Giờ ra chơi của các em là giờ sinh hoạt chung với nhau, với những phong trào thi đua về trò chơi. Sau đó các em có giờ học Việt ngữ. Chương trình đó chiếm trọn cả buổi chiều ngày Chúa Nhật. Mãi đến 4 giờ chiều mới tan sinh hoạt. Và ít nhất một tháng một lần, các thầy cô trong ban Việt Ngữ, giáo lý viên, và các huynh trưởng phụ trách các phong trào, đều ngồi lại với nhau để lượng giá các vấn đề. Các thầy cô lúc đầu chống đối rất mạnh, vì như vậy họ sẽ phải ở trường lâu giờ hơn, sẽ không được đi shopping và khi chiều về thi thấm mệt. Họ viện lẽ giáo lý đâu có cần sinh hoạt và họ cũng cần có giờ nghỉ ngơi để hôm sau đi làm.

Lắng nghe những yêu cầu thực tiễn và chính đáng của họ, con bình thản trao đổi với họ. Con mời gọi họ xác định một diện mạo “người” nào cho tương lai: một mẫu người toàn diện, hay một mẫu người dị dạng, có đầu rất to, nhưng tay chân và trái tim rất nhỏ. Từ mục tiêu đó, con cho họ thấy rằng không được đánh giá thấp những sinh hoạt vui chơi kia. Chắc chắn, Thánh Lễ là tối ưu. Giờ Giáo lý là bất khả thế. Nhưng khi các em chơi, các em mới học trên thực tế thế nào là yêu người, thế nào là chân thật, thế nào là tình bạn. Khi gặp những va chạm không cố ý, các em mới học biết xin lỗi cũng như biết tha thứ. Bằng không, các bài giáo lý và giảng lễ vẫn chỉ nằm gọn trong trí óc và không thực tiễn. Giờ chơi như vậy không còn chỉ là giờ xả hơi. Đó chính là giờ tập cầu nguyện, tập sống nhân đức bằng hành động. Cũng chính trong giờ chơi đó, thầy cô hòa mình với những giải trí, trò chơi của em. Họ trở thành không chỉ là một thầy cô trên bục giảng trong lớp, nhưng là người bạn, người chỉ dẫn của thanh thiếu niên trong cuộc đời. Lời nhủ khuyên của họ cho các em trong giờ chơi trở thành lời giáo lý thực hành. Trong giờ chơi đó, tất cả làm thành một gia đình. Thầy cô không chỉ lo cho con cái của mình mà thôi, nhưng cho tất cả, không thiên tư. Tuy nhiên, cũng chính trong giờ đó, thầy cô cũng học biết chính mình; đôi khi vì ham thắng, các thầy cô lại bày cho chúng “ăn gian”, “mánh lới”, “luồn lách” luật chơi, và như thế, rõ ràng họ có thể thấy Lời Chúa và giới răn của Chúa thấm vào cuộc đời mình đến mức độ nào. Khi hiểu được như thế, các thầy cô đã chấp nhận. Họ hiểu rằng để tiếp thu một giá trị, để xây dựng một nhân cách toàn diện, không thể nào không trả giá. Chúng ta đầu tư bao nhiêu, chúng ta gặt hái bấy nhiêu. Sau một thời gian, ai ai cũng nhận thấy các thanh thiếu niên của cộng đoàn lớn lên một cách đặc biệt. Và điều đó đã là phần thưởng khôn sánh cho những mệt nhọc của họ. Dần dần, họ bằng lòng trả giá các hy sinh ấy để được những thanh thiếu niên cho tương lai của cộng đồng.

IV. Như lời kết luận

Xin cho phép tôi dùng bài thơ của Gabriella Mistral để hiểu tại sao ta phải hú còi cấp cứu giáo dục.
Tên của nó là “Hôm Nay”
Chúng ta phạm nhiều sai lầm và lầm lỡ.
Nhưng tội tệ nhất ta phạm là bỏ mặc trẻ em,
Là lãng quên nguồn mạch sự sống.
Nhiều điều chúng ta cần có thể đợi chờ.
Nhưng trẻ em lại không thể.
Ngay giờ này từng thớ xương của em đang được hình thành,
Máu của em đang được tạo nên và
Những giác quan của em đang được phát triển.
Với trẻ em ta không thể trả lời “Ngày Mai.”

Đúng thế, trẻ em có tên là “Hôm Nay” đấy. Và ta hãy nghe: Đừng nói với một người ngày mai anh hãy đến lại và tôi sẽ cho anh, nếu con có thể cho nó hôm nay. Dù chúng ta đang gặp khó khăn đến mấy, chúng ta đừng bao giờ nói với trẻ em “ngày mai” tôi sẽ cho em nền giáo dục chân chính.

Đúng là Thiên Chúa muốn từng người và mọi người hạnh phúc. Hạnh phúc ấy hệ tại ở sự hiệp nhất mật thiết giữa thiên quốc và trần thế. Trong vương quốc Thiên Chúa, những giá trị nhân bản không bị phá hủy, nhưng được thánh hóa và nên hoàn hảo. Ước muốn ấy, Ngài thực hiện ngay trong lịch sử hôm qua và hôm nay, chứ không phải trong tương lai bất định. Đức Giêsu hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời. Thiên Chúa không ban cho nhân loại Con Ngài như một trang hoàng hay như một khách du lịch thăm trái đất. Trái lại, Thiên Chúa định cho Đức Giêsu là Khuôn mẫu và Trưởng tử của chúng ta. Người Con ấy lại hòa hợp nơi chính mình thần tính và nhân tính. Nếu vậy, không thống nhất đời sống, chúng ta có nguy cơ trình bày một hình ảnh méo mó về Thiên Chúa, khiến con người ngày nay chống báng và tẩy chay.

Chính vì thế, chiều hướng huấn giáo của chúng ta phải hòa hợp được chiều kích nhân bản, Chúa Kitô, Giáo Hội và vương quốc. Huấn giáo không còn chỉ trình bày tín lý, cách giáo điều, nhưng phải mang tính cách mục vụ cũng như giáo dục hướng tới Con Người Hoàn Hảo.

Lời kêu xin “Maranatha” của sách Khải huyền, của toàn Giáo Hội xưa và nay, của Giáo Hội Việt Nam có lẽ phải chuyển thành lời cầu xin Chúa Giêsu đến và làm chủ tâm hồn giới trẻ chúng ta. Ngài là NHÀ GIÁO DỤC VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG DUY NHẤT MÀ GIỚI TRẺ VIỆT NAM KHAO KHÁT TẬN SÂU THẲM.

________________________________________
[1]X. GS 31. “Trước hết cần phải tổ chức việc giáo dục ngừoi trẻ thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội, làm sao để đào tạo được những người nam và nữ không những tài giỏi về văn hóa mà còn có một tâm hồn cao thượng, bởi vì thời đại chúng ta đang khẩn thiết đòi phải có những người như vậy”; cũng x. Giovanni Mottini, cuộc phỏng vấn của Zenit, “Saving the Africa of the Future” đăng trong Zenit ngày 21.06.2011.
[2]X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 37; cũng xem Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam, số 35-37; Tài liệu làm việc, số 26.
[3]Hồng y Cafarra “Education Emergency. Commitment, beauty and the attempt to educate” ngày 6.11, 2007; được P. Chavez trích lại trong diễn từ kết thúc Salesian Family Spirituality Days 2008, “Educating with the Heart of Don Bosco”.
[4]X.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 43;
[5]X. HĐGMVN, Đề cương Giáo Hội tại VN, số 2-6;Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 4-9.
[6]Hồng y Cafarra, Education Emergency. Commitment, beauty and the attempt to educate” ngày 6.11, 2007; được P. Chavez trích lại trong diễn từ kết thúc Salesian Family Spirituality Days 2008, “Educating with the Heart of Don Bosco”; cũng x. Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Thánh lễ ở Olympic Stadium ngày 2011-06-19.
[7]X. LG 8; Đức Gioan Phaolô II, RH 18, 21.
[8]X. GS 1; 31;
[9]X.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 5; Bruno Forte, “What a Theologian-Pope Tells Theology”, cuộc phỏng vấn do Mirko Testa thực hiện, đăng trên Zenit ngày 25.01.2010.
[10]X. Đức Bênêđictô XVI, SS 4; DCE 28; Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam, số 29; Tài liệu làm việc, số 17-19;Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 3, 4.
[11]X. Đức Gioan Phaolô II, RH 12-17; Bênêđictô XVI, CV 21-33;Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 9.
[12]Vigano, “Don Bosco: Iuventutis pater et magister”, Acts, p. 16.
[13]Vigano, ibid., p. 16.
[14]X.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 36.
[15]Vigano, ibid., p. 16.
[16]X. FABC II; Aloysius Pieris, God’s Reign for God’s Poor, Tulana Research Centre, Sri Lanka, 1999.
[17]Vigano, ibid., p. 16-17.
[18]X. Bênêđictô XVI, DCE 18, 29;Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 41.
[19]X. GS 35, 29.
[20]P. Chavez, “Educating with the heart of Don Bosco”.
[21]P. Chavez, “Educating with the heart of Don Bosco”.
[22]P. Chavez, Giáo dục đức tin cho thanh thiếu niên; cũng x.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 44.
[23]X. P. Chavez, “Education and Citizenship, Forming the Citizen in a Salesian Way”
[24]X.Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 32, 37-38; Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam, 25.
[25]P. Chavez, “Education and Citizenship. . .”
[26]P. Chavez, ibid.,
[27]X. Đức Bênêđictô XVI.
[28]Vigano, The New Evangelization, p. 12-13.
[29]P. Chavez, “Education and Citizenship…”
[30]Vigano, Salesian Spirituality for the New Evangelization, p. 12.
[31]FSDB 15.
[32]Cẩm nang giám đốc, chương 6
[33]X. Cẩm nang Giám đốc, chương 5.
[34]P. Chavez, “Educating with the heart of Don Bosco”
[35]P. Chavez, ibid.,
[36]P. Chavez, ibid.,
[37]P. Chavez, ibid.
[38]P. Chavez, ibid.
[39]Vigano, the New Evangelization, p. 7.
[40]Vigano, ibid, p. 9.
[41]Vigano, ibid. p. 9.
[42]Gioan Phaolô II, Oss. Rom. 28-29 Aug. 1989.
[43]Vigano, ibid. p. 8.
[44]GS 43.
[45]Synod 1975; 1980
[46]X. Đức Bênêđictô XVI, DCE 31; Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam, số 26; Tài liệu làm việc, số 18.
[47]X. Đức Phaolô VI, EN 19.
[48]Đức Phaolô VI, EN 18; Cũng x. Pontifical Council for Culture, Towards a Pastoral Approach to Cutlure, số 2-4.
[49]Đức Phaolô VI, EN 19; cũng x. Đức Bênêđictô XVI, SS 4.
[50]X. Đức Gioan Phaolô II; Đức Bênêđictô XVI, Bài nói chuyện ở Pontifical Roman Major Seminary tại Chapel Of The Seminary, ngày thứ sáu, 12 tháng Hai, 2010.
[51]Vigano, op. cit., p. 16.
[52]X. GS 19-21.
[53]X. Các Kinh tiền tụng mùa Phục sinh
[54]X. GS 18; Đức Bênêđictô XVI, Diễn từ cho Roman Ecclesial Congress, “May There Be a Growing Commitment to a Renewed Season of Evangelization”, đăng trên Zenit ngày 14.06.2011.
[55]GC23 148.
[56]X. Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý, số 142-145.
[57]X. Gioan Phaolô II, RH 8; Đức Bênêđictô XVI, SS 16-23.
[58]X. Đức Phaolô VI, MF 35-38; SC 7.
[59]Đức Gioan XXIII nói rằng ngài học được mọi điều cần thiết từ trên gối của mẹ mình.
[60]Công hội 23 của Tu hội Salêdiêng Don Bosco.

Nguon: http://giaolyductin.org/newsview/vn/233/BAI-THUYET-TRINH-2–GIAO-DUC-BANG-PHUC-AM-HOA-VA-PHUC-AM-HOA-BANG-GIAO-DUC.html

Hiệu quả truyền giáo ở Việt Nam trong những năm gần đây – Nghi vấn và giải thích

(Bài chia sẻ trong dịp tĩnh tâm tháng cho anh em linh mục hạt Tân Định, ngày 10-2-2009 và các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, ngày 27-2-2009)

NHẬP ĐỀ

Truyền giáo hay loan báo Tin Mừng là bản chất của Giáo Hội Chúa Kitô (x. Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 4, 16), dựa trên sứ mạng mà Chúa Cha đã giao cho Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Vì vậy, qua mỗi thời kỳ lịch sử, chúng ta có thể nói rằng Giáo Hội thế nào thì kiểu truyền giáo thế ấy. Truyền giáo như thế nào thì có kết quả như vậy. Giáo hội Việt Nam cũng như nhiều giáo hội địa phương khác không nằm ngoài định luật này.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, chúng ta thử nhìn lại nỗ lực truyền giáo trong những năm qua để rút ra bài học kinh nghiệm cũng như để hoạch định những đường hướng truyền giáo cho tương lai.

Muốn hiểu được sâu hơn hiện trạng sống đạo và truyền đạo của người tín hữu Việt Nam hiện nay chúng ta phải nhìn lại cả một bối cảnh truyền giáo rộng lớn của Giáo Hội toàn cầu và của Giáo hội Việt Nam, vì kết quả của công cuộc loan báo Tin Mừng này là công lao gieo vãi và vun xới cho cánh đồng truyền giáo của biết bao thế hệ đi trước. Tuy nhiên, chúng tôi muốn dành phần nghiên cứu này cho những loạt bài nghiên cứu sâu hơn.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn bàn đến hiệu quả truyền giáo ở Việt Nam trong vài chục năm gần đây với nghi vấn rằng hiệu quả ấy chưa cao như lòng mong ước và tìm cách giải đáp nghi vấn này.

Chúng tôi xin trình bày đề tài này theo 4 phần:

– Dựa vào đâu để nói việc truyền giáo tại Việt Nam có hiệu quả chưa cao?
– Nhận định về tình trạng truyền giáo ở Việt Nam.
– Đi tìm một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
– Những gợi ý để đổi mới công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.

1. DỰA VÀO ĐÂU ĐỂ NÓI VIỆC TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM CÓ HIỆU QUẢ CHƯA CAO?

1.1. Lời cảm thông

Khi nói việc truyền giáo tại Việt Nam trong vài chục năm gần đây đạt hiệu quả chưa cao, chúng tôi có thể đã làm buồn lòng một số người và dường như chối bỏ công sức của bao vị tông đồ gồm cả giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân đang làm việc miệt mài trên cánh đồng truyền giáo.

Nhiều vị đã lập luận rằng: con số mấy chục ngàn người lớn trở lại Công giáo mỗi năm ở Việt Nam lại không phải là thành quả đáng khích lệ hay sao? Nhất là khi so sánh với vài nước ở châu Âu như Pháp, Đức, Ý mỗi năm chỉ có một vài ngàn! Số người tín hữu Việt Nam tăng từ 2 triệu vào năm 1960 đến 5,2 triệu vào năm 2000 và 6 triệu vào năm 2007 (xem Bảng 3, Thống kê Giáo hội Việt Nam 1933-2007, phần Phụ lục) lại không phải là kết quả lớn lao sao!? Những nghi lễ phụng tự trang nghiêm, đông đảo tín hữu tham dự mỗi Chủ Nhật lại không biểu lộ nét sống đạo mạnh mẽ của người Công giáo Việt Nam đó sao!? Nhất là khi nhiều nhà thờ ở các nước Âu Mỹ trống vắng đến lạnh lùng!

Quả thực, chúng tôi luôn trân trọng mọi hoạt động tông đồ và hiểu rằng giá trị thực sự của hoạt động loan báo Tin Mừng nằm ở sự lượng định hay phán quyết của Thiên Chúa chứ không phải của con người. Dù cả một đời không rửa tội được một ai, nhưng nhà truyền giáo vẫn được đánh giá rất cao vì sự hiện diện tích cực, hiền lành, nhân ái của người ấy trong một cộng đồng xa lạ, vì những nỗ lực rao giảng Tin Mừng của người ấy đã thấm nhập vào xã hội, vào nền văn hoá của dân tộc… và cuối cùng chỉ có Thiên Chúa mới nhìn thấu hết những gì nhà truyền giáo ấy thực hiện và thưởng công cho người đó.

Tiếp tục đọc

Truyền Giáo tại Việt Nam Nhìn về quá khứ để thắng tiến tương lai

 

NHÌN VỀ QUÁ KHỨ ĐỂ THẲNG TIẾN TƯƠNG LAI

Các bạn sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, khắp vùng Gieđêa lẫn Samari, và trải dài đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8).

Lời khai mào trong Tông đồ công vụ định hướng rõ nét sứ mạng thừa sai của Giáo Hội tiên khởi: Phaolô trở thành tông dân ngọai. Phêrô giã từ Giêrusalem để tiếp tục dựng nền Giáo Hội giữa kinh thành Roma chói sáng nhất thời bấy giờ. Tôma vượt núi băng đồi đến tận Ấn Độ, và theo vài sử sách, có thể đã ngấp nghé Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Các tông đồ còn lại cũng mỗi người một phương rao truyền Tin mừng cứu độ. Hầu hết các tông đồ truyền giáo tiên khởi kết thúc sứ vụ truyền giáo của mình với án tử để minh chứng sứ điệp Tin mừng cứu độ.

Công cuộc Tin Mừng hóa tại Việt Nam thuở đầu không rõ nét lắm trong sử sách, có thể từ rất sớm vào những thế kỷ đầu, cũng có thể khai mào với sự có mặt của linh mục Antonio de Feria tại Cửa Hàn (thuộc Đàng Trong) năm 1535, hoặc linh mục Gaspar de Santa Cruz tại Cửa Cần Cạo, Hà Tiên (lúc đó chưa thuộc về Việt Nam) năm 1550. Tuy nhiên, điểm nóng trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam vẫn là máu đào và nước mắt, không khác chi các tông đồ truyền giáo tiên khởi, và cũng tương tự như nhiều vùng truyền giáo khác trên thế giới.

Bài viết sau đây không nhìn những biến cố quá khứ bằng nhãn giới lịch sử, cũng không bước lui để phê phán minh định. Với khóe nhìn người đang tin chúng ta cùng khởi đi từ những bất đồng và chống đối của quá khứ để xây dựng một môi trường truyền giáo hữu hiệu cho Giáo Hội công giáo Việt Nam hiện tại và mai ngày.

Từ những bất đồng và chống đối.. .

Lần giở lại những trang sử khai sinh Giáo Hội công giáo tại Việt Nam, ta dễ dàng hiểu truyền giáo theo nghĩa các giáo sĩ tu sĩ phương tây lặn lội đến các quốc gia phương đông, nỗ lực khuyến dụ họ lãnh nhận Phép Rửa gia nhập Kitô giáo. Trong một số trường hợp họ cũng truyền bá nền văn minh phương tây với những kiến thức khoa học hiện đại. Nhà tóan học và thiên văn học Jean Baptis Sebatien Pices (Bồ), Francoi de Lima (Bồ), Joseph Neugebeaur (Đức), nhà y học Jean Sibert (Tiệp), Charles Slamenski (Hung), Jean Koffler (Tiệp), Jean de Luereio (Bồ).. . là những giáo sĩ đã có thời gian giúp chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Linh mục Đắc Lộ cùng các giáo sĩ Francesco de Pina, Chrisforo Borri, Gaspar D’Amaral, Antoine de Barbosa.. . đã đưa hệ thống chữ cái La Tin vào Việt Nam góp phần sáng tạo ra tiếng Việt hiện tại. Tuy nhiên, mục tiêu chính yếu vẫn là “cứu rỗi các linh hồn” và thiết lập cộng đồng Giáo Hội Công Giáo địa phương tại những vùng đất mới.

Theo nghĩa đó, truyền giáo là trao ban, phân phát những phong phú siêu nhiên lẫn nền văn minh xã hội phương tây cho phương đông. Và các quốc gia này, trong số có Việt Nam, ngửa tay nhận lãnh như một ân huệ nhưng không.

Một lá thư giáo dân Việt Nam gửi Đức Giáo Hòang Urbano XIII (dĩ nhiên với sự cố vấn của các nhà truyền giáo phương tây) đồng tình với quan điểm trên:

Chúng con, giáo dân Annam cùng bái qùy của tạ Thiên Chúa tối cao, van nài Đức Thánh Cha từ phương Tây, nước Ý, sai phái các nhà truyền giáo đến phương Đông để dạy dỗ chúng con, những thụ tạo sống động. Thực quá hạnh phúc và may mắn cho chúng con có được các nhà truyền giáo ghé đến xứ Annam và rao giảng tôn giáo Thánh thiện của Đức Giêsu Kitô

Trong hướng nhìn lịch sử, điều đó cũng thật dễ hiểu. Trước tiên, các nhà truyền giáo hầu hết thoát thai từ thời đại mạo hiểm đi tìm vùng đất mới với những thông tin thiếu sót về các dân tộc Á đông kèm theo khoé nhìn thành kiến văn hoá. Dước mắt xã hội phương Tây, các quốc gia Á đông đều lạc hậu, với những niềm tin dị đoan phi lý trí và phản khoa học. Nhiều thuyết lý còn cho rằng các dân tộc Á đông dù xuất hiện rất lâu đời vẫn sống thời sơ khai, tôn thờ ngẫu tượng, và đi tìm nét thanh thiêng nơi các thụ tạo thiên nhiên. Kế đến, Kitô giáo phương Tây ảnh hưởng bởi niềm kiêu hãnh thời Trung cổ luôn cho mình ở thế thượng phong, khó có thể rộng mở để nhìn và đối thoại với các nền tôn giáo khác, đặc biệt các nền tôn giáo xa lại phương Đông. Sau cùng, công cuộc truyền giáo khởi đi từ phương Tây gắn bó chặn chẽ với chủ nghĩa thực dân đang săn tìm nguồn tài nguyên mới nơi những vùng đất xa lạ. Sách sử ghi nhận Giáo hoàng Alexandre VI (1492-1503) đã chính thức “khuyên các vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đừng để chuyến viễn chinh nào không có các thừa sai Tin mừng“. Còn vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng xin Giáo hoàng chúc lành cho công cuộc chinh phục các vùng đất mới nằm ở Đông và Tây quần đảo Axores (trên Đại tây dương).

Tiếp tục đọc

ÐƯỜNG LỐI TRUYỀN GIÁO CỦA CHA ÐẮC LỘ TẠI VIỆT NAM

Thérèse Trinh

Từ 1533, VN đã hân hạnh đón nhận hạt giống Tin Mừng. Từ đây, nhiều vị truyền giáo của nhiều quốc tịch đã đến và truyền giáo tai VN, thời gian có ngắn có dài. Đây mới là công việc khai phá ban đầu. Bắt đầu từ năm 1615, các linh mục Dòng Tên đến VN đông hơn, thực hiện công cuộc truyền giáo qui mô và đem lại kết quả thật lớn lao và cụ thể.

Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) là vị có công lớn nhất trong việc truyền giáo tại VN. Từ 1624 đến 1630, để dễ truyền giáo, Cha cùng làm việc với Người VN, dùng ngôn ngữ VN, và cha đã có nhiều sáng kiến, kế hoạch rõ rệt, thành công vượt bực.

ĐƯỜNG LỐI CỦA CHA ÐẮC LỘ
Cha Đắc Lộ là người thông minh, hùng biện, thức thời, đã áp dụng những phương án mới tại VN :

Vận dụng hiểu biết về khoa học.
Để thuyết phục người nghe, Cha đã khéo vận dụng sự hiểu biết về khoa học, và toán học phổ thông…

Năm 1627, những lần đầu Cha gặp chúa Trịnh, Cha đã trình bày cho vua và triều đình về khoa học thường thức, thiên văn thời tiết, toán học phổ thông, ngay cả việc sử dụng máy móc thông dụng. Nhờ vậy cha đã gây được cảm tình nơi quan lại trong triều. Ngay dịp này, trong triều có người xin trở lại. Vài năm sau, thấy Cha được nhiều người mộ mến, chúa Trịnh lại tìm cách trục xuất Cha ra khỏi Đàng Ngoài. Cha phải lén lút giảng đạo ở Nghệ An. Nhờ Cha đã cắt nghĩa rõ ràng về ngày giờ nhật thực, nên Quan trấn thủ ở đây rất quí mến Cha, lại còn bênh vực Cha khỏi những lời vu khống. Chính ông xác nhận : ‘‘Nếu họ (các thừa sai) tiên đoán rất chắc chắn và xác thực về những bí mật trên trời và các tinh tú chúng ta không biết, và vượt quá khả năng của chúng ta. Thì phải tin rằng họ không lầm trong sự nhận biết Đạo Chúa Trời Đất, và những chân lý họ rao giảng. Mặc dù những chân lý ấy rất xa lạ với tâm lý chúng ta và không dễ cho chúng ta am hiểu’’. Kết quả, trong vòng 8 tháng, các cha rửa tội được hơn 600 người. (Lich sử Vương Quốc Đàng Ngoài. Hồng Nhuệ. tr. 55)

Dùng tiếng Việt để giảng dạy.
Không phải thừa sai nào cũng nói tạo được tiếng Việt. Thời đó đã có thông dịch viên đi bên cạnh các thừa sai. Trước kia như cha Baldinotti không nói được tiếng Việt, đành bỏ về. Nên cha Đắc Lộ được đề cử thay.

Năm 1624, Cha Đắc Lộ đến Đàng Trong, trong thời gian khoảng 6 tháng học tiếng Việt, cha đã giảng trôi chảy và giải tội rành rẽ bằng tiếng Việt. Cha đã soạn cuốn ‘‘Phép Giảng Tám Ngày’’, như cuốn Giáo Lý căn bản cho tông đồ giáo dân, giúp tân tòng dễ học dễ nhớ.

Đây không phải là cuốn Giáo lý căn bản với những câu hỏi, lời thưa, nhưng là những bài giảng, thuyết trình diễn văn hơn là trưng dẫn chứng cớ và lập luận.

Cha De Pina là thừa sai đầu tiên, thông thạo tiếng Việt, đã dạy tiếng Việt cho cha Đắc Lộ. Sau Cha đã chọn và học tiếng Việt với một thanh niên VN tên Raphael Rhodes (chính tên Cha Đắc Lộ). Cha chăm chỉ học tiếng Việt và nêu ra lý do muốn truyền giáo cho người Việt phải biết tiếng địa phương. Cha viết : Tôi thấy cha Fernandez và Buzomi dùng thông ngôn giảng. Chỉ có cha François de Pina không cần thông ngôn, vì nói rất thạo. Tôi nhận thấy bài giảng của cha này có nhiều lợi ích hơn bài của các vị khác. Điều này khiến tôi tận tụy học hỏi, tuy vất vả, nhưng khó ít mà lợi nhiều… Cha quả quyết rằng hiệu quả của việc trình bày các mầu nhiệm trong ngôn ngữ của họ, thì vô cùng lớn lao hơn khi giảng bằng thông ngôn. Thông ngôn chỉ nói điều mình dịch, chứ không sao nói với hiệu lực của lời từ miệng người truyền đạo có Thánh Thần ban sinh khí (Hành trình Truyền Giáo. Hồng Nhuệ, tr. 56)

Cha còn nhận xét nếu chưa thông thạo tiếng Việt : Vì chưa phân biệt các dấu khác nhau trong tiếng Việt, nên có thể xẩy ra ngộ nhận về ý nghĩa. Muốn nói sự thánh thiện lại hóa ra nói tục tằn. Cho nên người rao giảng Lời Chúa phải rất cẩn thận. Để không làm cho Lời Chúa thành ngộ nghĩnh đáng khinh bỉ. (Lich sử Vương Quốc Đàng Ngoài. Hồng Nhuệ. tr.71)

Tiếp tục đọc

Tân Phúc Âm Hoá – Xây dựng một nền văn minh Đức Ái

19 – 06 – 2007 12:04

Ngày mùng 10 tháng 12 năm 2000, Đức Hồng Y Ratzinger, hiện là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, đã nói chuyện với các tham dự viên của Năm Thánh cho Giáo Lý viên về “Tân Phúc Âm Hóa”. Bài nói chuyện này thật ý nghĩa mà mọi Giáo Lý viên cần phải đọc và sống. Chúng tôi xin mạn phép tạm dịch ra tiếng Việt ở đây để chia sẻ với các bạn.
GLV Phaolô Phạm xuân Khôi

Tân Phúc Âm Hoá

Xây dựng một nền văn minh Đức Ái

Mở Đầu

Không ai có thể nhận chân được đời sống của mình. Cuộc đời chúng ta là một câu hỏi bỏ ngỏ, một công trình dở dang, còn phải được đưa tới kết quả và hoàn thành. Thắc mắc căn bản của mỗi người là: Làm sao để phát triển toàn bộ khả năng của mình? Làm sao để học nghệ thuật sống? Con đường nào sẽ đưa tôi tới hạnh phúc?

Rao giảng Tin Mừng là tỏ lộ con đường để dạy nghệ thuật sống hoàn hảo. Ngay từ khi mới ra rao giảng, Chúa Giêsu đã nói: “Tôi đến để mang Tin Mừng cho người nghèo” (Lc 4:18). Điều đó có nghĩa là “Tôi đến để trả lời câu hỏi căn bản về sự hiện hữu của bạn. Tôi đến đây để chỉ cho bạn con đường sống, con đường hạnh phúc. Thật ra, chính Tôi là con đường ấy.”

Cái nghèo mạt rệp không phải là cái nghèo vật chất mà là cái nghèo tinh thần: là sự thiếu khả năng vui mừng, là tin rằng cuộc đời vô nghĩa và mâu thuẫn. Ngày nay, cái nghèo này đã lan tràn khắp nơi, cả trên các nước giàu có về vật chất cũng như các nước nghèo, bằng nhiều hình thức khác nhau. Sự thiếu khả năng vui mừng là hậu quả và cũng là nguyên nhân của sự thiếu khả năng yêu thương. Nó đem lại sự ghen tương, và tham lam – là những sự bất toàn tàn phá đời sống cá nhân và thế giới.

Đó là lý do tại sao chúng ta cần “Tân Phúc Âm hóa.” Nếu người ta vẫn chưa biết nghệ thuật sống, thì không làm được gì cả. Nhưng nghệ thuật này không phải là vấn đề của khoa học. Nghệ thuật này chỉ được truyền thông từ Đấng là Sự Sống, Đấng là hiện thân của Tin Mừng.

Tiếp tục đọc

Kitô học Giáo hội học va Truyền giáo học

LTS. Đầu năm nay, toàn thể Giáo hội Công Giáo Việt Nam, sau khi được phép của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đã long trọng ban bố và cử hành Năm Thánh Truyền Giáo tại Việt Nam. Đây là thời điểm thuận lợi và cần thiết để mọi người Công Giáo Việt Nam học hỏi quan niệm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về tương quan giữa Tin Mừng Chúa Kitô và những giá trị văn hóa dân tộc, bao gồm các tôn giáo, tín ngưỡng, tư tưởng và phong tục tập quán cố hữu của người Việt Nam ta.

Chúng tôi tin chắc rằng, nếu càng nhiều người Công Giáo Việt Nam thấm nhuần được tư tưởng của các vị chủ chăn nêu trên thì việc làm chứng, việc rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô cho anh em đồng bào mình sẽ càng được êm ái tốt đẹp hơn, hữu hiệu hơn, và nếu anh em mình chưa tin theo như mình thì cũng không ghét bỏ, thù oán gì mình. Trong đại gia đình dân tộc, mọi người được sống trong yêu thương đùm bọc lẫn nhau, không khước từ, loại bỏ nhau.

Trong tinh thần này, cơ quan thông tấn xã VietCatholic thấy cần thiết phải phổ biến rộng rãi quan niệm của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam nên hôm nay cho đăng tải bài tham luận của Ðức Giám Mục Nguyễn Văn Hòa đã được trình bày trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu để mọi người có tài liệu tham chiếu trong khi thi hành công việc rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô.

Phát biểu của Ðức Cha Nguyễn Văn Hòa:

Kitô Học, Giáo Hội Học và Truyền Giáo Học

Phần Nhập Ðề

Chúng tôi xin chào mừng Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu với tâm tình vui mừng và hy vọng. Chúng tôi nghĩ rằng thời gian họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục nầy là một cao điểm để suy tư, không những về những công việc cụ thể của chúng ta để rao giảng Phúc Âm, nhưng còn là và nhất là về nhiều vấn đề thần học, giáo hội học và truyền giáo học mà công việc rao giảng tin mừng đặt ra cho chúng ta. Chúng tôi muốn dùng dịp may nầy để gợi lên nơi đây vài vấn đề mà chúng tôi cho là căn bản. Chúng tôi hy vọng là cùng với những suy tư của anh em, những vấn đề đó sẽ được soi sáng. Chúng ta sinh sống trong một Á Châu mà đa số dân chúng thuộc về những truyền thống văn hóa và tôn giáo không Kitô. Những truyền thống nầy có mặt ở Á Châu từ nhiều thế kỷ truớc Chúa Kitô. Sự kiện nầy thôi thúc chúng ta đặt ra nhiều vấn đề trong những lãnh vực khác nhau.

Tiếp tục đọc

Từ kinh nghiệm truyền giáo ở Việt Nam và Hàn quốc đến việc xây dựng nền Văn hóa Nhân bản Tâm linh

NHẬP ĐỀ
Chúng ta đã cùng nhau suy nghĩ về hiệu quả truyền giáo ở Việc Nam trong khoảng 50 năm gần đây với nghi vấn rằng: hiệu quả ấy chưa cao như lòng mong ước, đã tìm ra một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hiệu quả và gợi ý cần phải trở lại với Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, những suy tư này có lẽ còn nặng tính lý thuyết, cần được chứng minh bằng chính thực tế của hoạt động truyền giáo.

Vì thế, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá vài kinh nghiệm truyền giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc, để thấy rằng việc truyền giáo tác động lên xã hội, ảnh hưởng rất nhiều đến nền văn hoá dân tộc và có thể thay đổi cả đất nước. Do đó, muốn cho việc truyền giáo hiện nay ở Việt Nam có kết quả tốt đẹp, cần xây dựng một nền nhân bản mới.

Bài trình bày bao gồm mấy điểm chính sau đây:

1. Hiệu quả việc truyền giáo ở Việt Nam trong bối cảnh văn hoá và lịch sử
2. Phân tích khái quát hiệu quả truyền giáo ở Hàn Quốc trong 50 năm gần đây
3. Xây dựng một nền văn hoá nhân bản mới cho tín hữu Việt Nam

1. HIỆU QUẢ VIỆC TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH VĂN HOÁ VÀ LỊCH SỬ

Chúng tôi đã trình bày khá chi tiết công cuộc truyền giáo ở Việt Nam trong cuốn Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam, đặc biệt trong chương 10 và 11, từ trang 184-225. Ở đây chúng tôi xin tóm tắt vài điểm chính như sau:

1.1. Bối cảnh văn hoá và lịch sử

Bối cảnh lịch sử:

Sau khi Lê Lợi thắng quân Minh, triều đại nhà Lê kéo dài 360 năm (1428-1788). Xã hội Việt Nam vào thế kỷ XV ổn định, nông nghiệp phục hồi và phát triển. Sang thế kỷ XVI, nhà Lê suy yếu vì các vua ham mê tửu sắc, triều đình thiếu người tài trí, xã hội bắt đầu hỗn loạn. Dân chúng khốn khổ vì những cuộc chiến tranh loạn lạc liên miên giữa họ Trịnh phò Lê và họ Mạc. Sau khi họ Trịnh chiếm lại được thành Thăng Long, vào năm 1592, nhà Lê được khôi phục, nhưng mọi quyền lực đều nằm trong tay họ Trịnh. Chiến tranh Lê-Mạc chưa chấm dứt thì cuộc chiến đẫm máu giữa hai thế lực Trịnh-Nguyễn lại diễn ra, rồi đến cuộc chiến giữa anh em nhà Tây Sơn với chúa Nguyễn từ năm 1776 cho đến khi chúa Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn và thống nhất sơn hà năm 1802. Cuộc sống người dân trong thời kỳ này vô cùng khốn khổ, sinh mạng con người bị coi thường, đời sống kinh tế kiệt quệ vì sưu cao thuế nặng để chi phí cho chiến tranh.

Từ những năm 1802-1856, xã hội tạm yên ổn, nhưng thay vì cởi mở như Minh Trị Thiên Hoàng ở Nhật Bản (Mutsuhito, 1852-1912), các vua triều Nguyễn lại dùng chính sách bế quan toả cảng đối với người nước ngoài, hoàn toàn theo quan điểm chính trị của Trung Quốc, nên đời sống dân chúng vẫn hết sức khó khăn, dân trí lạc hậu. Năm 1858, chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ. Những cuộc tàn sát tập thể tín hữu Kitô giáo ở Ba Giồng, Hữu Đạo, Biên Hoà, Bà Rịa (1861), Nam Định, Hưng Yên (Bắc kỳ), Búng, Long Thành, Tân Triều, Trảng Bàng (Tây Ninh) (1862) đã là lý do để người Pháp vin vào đó đánh chiếm miền Nam Việt Nam. Năm 1862, Việt Nam phải ký Hoà ước Nhâm Tuất nhường 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ cho Pháp.

Tiếp tục đọc

Truyền Giáo

Sứ vụ truyền giáo chính là Tin Mừng (mầu nhiệm tình yêu). Tình yêu Thiên Chúa và tha nhân thúc đẩy người tín hữu loan báo Tin Mừng cho anh em mình. Nhiệm vụ của chúng ta là mạnh dạn dấn thân vào con đường đối thoại với tất cả khả năng của trí tuệ, sức mạnh của con tim và niềm tin tưởng lạc quan nơi quyền năng Thiên Chúa, Đấng tác tạo và hướng dẫn muôn vật theo kế hoạch yêu thương nhiệm mầu của Ngài.
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt 28,19). Lệnh truyền của Chúa Giêsu vẫn luôn cấp bách như mới vừa nói xong, nó có giá trị cho mọi thời và cho mọi nơi. Tuy nhiên, lệnh truyền này phải được thực thi trong một hoàn cảnh cụ thể. Là người Kitô hữu và là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cần tìm ra những phương thức thích hợp và hiệu quả nhất để hoàn thành lệnh truyền của Ngài.

 TruyỀn giáo

 i.- TruyỀn giáo là gì?

Dựa theo các sắc lệnh Công Đồng về Hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội hay “Sứ vụ truyền giáo cho lương dân – Missio Ad Gentes”. Truyền giáo là khái niệm được hiểu trong tương quan với những dân tộc và nhóm người nơi mà Chúa Kitô và Phúc Âm chưa được biết đến hoặc biết đến chưa đầy đủ. Thông điệp truyền giáo Redemptoris Missio phân biệt sứ vụ truyền giáo với “thừa tác vụ mục vụ bình thường” và “tái Phúc Âm hóa”. Dựa theo Thông điệp ấy, các khái niệm “truyền giáo” và “hoạt động truyền giáo” được giải thích cặn kẽ hơn và ngày hôm nay cũng được đề cập đến vấn đề phải hiểu truyền giáo là như thế nào. (Karl Muller, SVD)

Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng: “Hành trình lữ thứ của Giáo Hội tự bản chất là một cuộc truyền giáo” (AG 2), và qua đó đối với Giáo Hội và mỗi Kitô hữu, việc nghiên cứu ngành học truyền giáo và thực hiện việc truyền giáo phải trở nên nền tảng năng động cho mọi người Kitô hữu và là trung tâm điểm của Giáo Hội. Vì thế, tất cả mọi người đều có nhiệm vụ thừa sai như nhau, tuy nhiên chức năng và tầm hoạt động có thể khác nhau tùy nhu cầu và khả năng riêng biệt…

Tiếp tục đọc

Linh Đạo Truyền Giáo

Hoạt động truyền giáo đòi hỏi một linh đạo đặc biệt. Linh đạo này liên hệ đặc biệt tới những người được Thiên Chúa mời gọi để trở thành những nhà truyền giáo. Đức Phaolô VI phác họa linh đạo truyền giáo trong chương VII của Tông Huấn Loan báo Tin Mừng . Đức Gioan-Phaolô II trực tiếp đề cập tới linh đạo này trong chương VIII của Thông Điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế . Ngài cũng nhắc đến nhiều lần trong Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu và mới đây trong hai Tông Thư Bước vào ngàn năm mới và Kinh Mân côi của Đức Trinh Nữ Maria . Chúng ta chia sẻ với nhau linh đạo này.

1. Để cho Chúa Thánh Thần hướng dẩn

Chiêm ngắm dung nhan Chúa Giêsu để “chèo ra chỗ sâu” (Duc in altum) là chủ đề của Tông Thư Bước vào ngàn năm mới (Novo Millennio inuente). Chiêm ngắm Đức Giêsu, chúng ta khám phá ra chân lý này : Ngài đã là sứ giả Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất, là sứ giả Tin mừng đã để cho Thần Khí hướng dẫn. Thần Khí đã xuống trên Đức Giêsu Nadarét vào lúc Ngài chịu thanh tẩy và được Chúa Cha giới thiệu là Con Chí Aùi của Người (x. Mt 3, 17). Chính vì “được Thần Khí dẫn đưa” (Mt 4, 1), mà Ngài đã trải qua trong sa mạc cuộc chiến đấu quyết liệt và một cuộc thử thách lớn lao nhất trước khi bắt đầu sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Chính “với quyền năng của Thánh Thần” (Lc 4, 14) mà Ngài đã trở về Galilê và mở đầu tại Nadarét công cuộc rao giảng, khi áp dụng đoạn sách tiên tri Isaia cho chính mình : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi”. Ngài công bố : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh này”(Lc 4, 18.21 : x. Is 61, 1). Nhờ quyền năng của Thần Khí, Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân và xua đuổi ma quỷ, như một dấu chỉ Nước Thiên Chúa đã đến (x. Mt 12, 28). Vào buổi chiều Phục Sinh, Ngài thổi hơi trên các môn đệ sắp được phái đi mà nói với họ : “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”(Ga 20, 22).

Tiếp tục đọc