Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010

1. Trong Năm Thánh 2010 nhân kỷ niệm 350 năm thiết lập hai Địa phận Tông toà đầu tiên và 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã triệu tập Đại hội Dân Chúa, từ ngày 21 đến 25-11-2010, tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TP. HCM. Hiện diện tại Đại Hội, có 32 giám mục, 300 đại biểu linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc 26 giáo phận và các dòng tu trên cả nước. Đại Hội hân hạnh đón tiếp các vị đại diện đến từ các Giáo hội Canada, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan, và đại diện các cộng đoàn Công giáo Việt Nam hải ngoại.

Từ khắp mọi miền đất nước quy tụ về đây như anh chị em dưới một mái nhà, đây chính là thời điểm của ân sủng và kinh nghiệm quý báu Chúa ban cho Hội Thánh tại Việt Nam. Xin dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân cao quý này. Đồng thời, ý thức rằng trong suốt thời gian đại hội, được anh chị em tín hữu Công giáo tại Việt Nam cũng như hải ngoại luôn đồng hành trong lời cầu nguyện và qua những ý kiến đóng góp cho đại hội, xin gửi đến mọi người lời cảm ơn chân thành nhất.

2. Đại hội Dân Chúa được khai mạc trọng thể vào ngày lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, 21-11-2010, tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn với sự tham dự đông đảo của anh chị em tín hữu. Cử hành lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ để khai mạc đại hội giúp chúng tôi xác tín hơn vào sứ mạng của Hội Thánh. Chúa Kitô đã thiết lập Nước Thiên Chúa là “vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc thánh thiện và toàn phúc, vương quốc công chính, yêu thương và an bình” [1]. Hội Thánh Chúa Kitô có mặt trong lịch sử nhân loại với sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa trong quyền năng của Thánh Thần. Cũng thế, Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam có sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, góp phần kiến tạo nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương trên quê hương đất nước này.

Tiếp tục đọc

Hội thánh Việt nam sau Đại Lễ và Đại Hội

Đại Lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đã qua rồi, Đại Hội các Giám Mục Việt Nam cũng đã kết thúc.
Hội Thánh Việt Nam, dù muốn dù không, sẽ chịu ảnh hưởng bởi Đại Lễ và Đại Hội.
Đại Lễ cho thấy chỗ đứng của Hội Thánh Công giáo trong lịch sử Đất Nước hôm nay là khiêm tốn.
Đại Hội cho thấy nhiều chọn lựa của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là dè dặt.
Hội Thánh sẽ làm chứng về Chúa thế nào trong những điều kiệu cụ thể của xã hội Việt Nam lúc này một cách sống động và có hiệu quả? Đó là câu hỏi nên đặt ra. Dưới đây là một suy tư xin mạo muội đóng góp.

1/ Những dấu chỉ nên cân nhắc
Trước hết, Hội Thánh chúng ta nên tỉnh táo khôn ngoan trong việc chọn lựa những dấu chỉ về Hội Thánh địa phương chúng ta. Thí dụ: Trình bày những hình ảnh các cơ sở tôn giáo huy hoàng tráng lệ có thể thu hút được một số người. Nhưng cũng dễ trở thành lỗi thời, khi những cơ sở như thế chỉ được nhìn như những công trình xây dựng khác. Nhất là khi những cơ sở tôn giáo đó lại thiếu những nét có sức gây được bầu khí linh thiêng và thiếu tiềm năng giáo dục.
Trình bày các biểu dương rầm rộ hoành tráng có thể gây phấn chấn cho một số người. Nhưng cũng dễ trở thành mờ nhạt trong một xã hội đang có quá nhiều lễ hội. Nhất là khi những biểu dương ấy lại thiếu chiều sâu về đức tin, mà chỉ nặng về phô trương dễ bị lợi dụng.
Trình bày những thống kê với các con số về phát triển đạo có thể giúp hãnh diện và tự hào cho một số cá nhân và cộng đoàn. Nhưng cũng dễ trở thành hình thức thiếu chất lượng. Nhất là khi con người ta hiện nay đang bắt đầu chán ngấy với lối kể lể thành tích.
Trình bày một Hội Thánh tự vệ, phải đối phó với nhiều bắt bớ truy lùng, có thể giới thiệu sự kiên cường của nhiều người có đạo. Nhưng cũng dễ trở thành những câu hỏi gợi nên nhiều trả lời bất lợi. Nhất là khi xã hội gồm phần đông là không công giáo, và lịch sử đạo ta vẫn lấn cấn với nhiều vấn đề chính trị phức tạp.
Hình ảnh là một ngôn ngữ. Hình ảnh là dấu chỉ. Ngôn ngữ dấu chỉ, nếu được chọn lựa đúng, sẽ giúp rất nhiều cho việc loan báo Tin Mừng. Với mục đích đó, chúng ta nên chọn những hình ảnh nào có giá trị như một dấu chỉ sống động về Tin Mừng Đức Kitô.

Tiếp tục đọc

Kinh Năm Thánh 2010

Lạy Cha là Chúa cả trời đất,
Vì lòng từ ái xót thương,
Cha đã tạo thành và cứu độ muôn loài.

Cha đã sai Con Một xuống thế làm người,
Chia sẻ thân phận yếu hèn của chúng con,
Xả thân loan báo Tin Mừng cứu độ
Và phụng vụ Sự Sống con người.
Người đã chịu khổ hình, chịu chết và sống lại
Để những ai tin nhận Người,
Đều được quy tụ trong Nước Cha
Là Nước sự thật và sự sống, yêu thương và an bình.

Cha đã sai Thánh Thần xuống
Liên kết các tín hữu thành cộng đồng nhân loại mới
Nên muối men và ánh sáng giữa lòng thế giới hôm nay.

Chúng con tạ ơn Cha đã thương gửi các nhà truyền giáo
Đến gieo hạt giống Tin Mừng và chăm sóc
Cho hạt giống ấy phát triển xanh tươi trên đất nước Việt Nam.

Chúng con tạ ơn Cha đã thương ban cho chúng con
Nhiều chứng nhân Đức Tin anh dũng và những bậc tiền nhân
Luôn hy sinh quảng đại, dày công vun tưới
Cho hạt giống Tin Mừng sinh hoa kết quả dồi dào
Trên quê hương chúng con.

Chúng con nài xin Cha thứ tha mọi lỗi lầm thiếu sót
Đối với Cha và mọi người, trong quá khứ cũng như hiện tại.
Xin Cha thương giúp chúng con biết tránh xa tội lỗi
Và chung sức xây dựng cuộc sống gia đình,
Xã hội và đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

Xin cha dùng ơn Thánh Thần soi sáng dẫn dắt chúng con
Bước theo Chúa Giêsu, loan báo Tin Mừng cứu độ,
Tận tình phục vụ sự sống của đồng bào và đồng loại.
Xin dạy chúng con biết san sẻ của cải vật chất và tinh thần
Cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ.

Lay Cha, xin thắp sáng ngọn lửa Tin Cậy Mến
Trong lòng chúng con,
Để chúng con noi gương các vị chứng nhân Đức Tin
Biết củng cố và lưu truyền gia sản Đức Tin
cho các thế hệ tương lai.

Sau hết, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria,
Thánh cả Giuse và các Thánh Tử Đạo Việt Nam,
Xin Cha ban ơn trợ giúp chúng con
Biết quyết tâm xây dựng Giáo Hội Việt Nam
Thành một gia đình: là con một Cha, anh em một nhà
Cùng nhau tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô
Là yêu thương đến cùng và khiêm tốn phục vụ
Để mọi người trên đất nước chúng con, và cả thế giới
Mau đón nhận Tình Yêu cứu độ của Cha.
Amen.

Nguồn : http://huongvedaihoidanchua.net/huongvedaihoidanchua/hientai/3258.html

Tiến trình lịch sử của việc thiết lập Hàng giáo phẩm Việt Nam

 
 
Giáo hội Công Giáo Việt Nam đang sống trong Năm Thánh mừng kỷ niệm 350 năm thành lập Giáo hội (1659-2009) và 50 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam (HGPVN) [1] (1960-2010). Đây là hai sự kiện đặc biệt quan trọng không thể tách rời và có liên hệ chặt chẽ trong quá trình hình thành và phát triển của Giáo hội Việt Nam. Ngày mùng 9/9/1659, Giáo hội Việt Nam chính thức được thành lập, mốc điểm này chính là khởi điểm của tiến trình dẫn đến việc thiết lập HGPVN năm 1960; đồng thời, sự kiện thiết lập HGPVN cũng trở thành cột mốc đánh dấu tuổi trưởng thành của Giáo hội, một Giáo hội từ quy chế Tông tòa trở thành Giáo hội chính tòa.

Mừng Năm Thánh 2010, qua bức thư công bố Năm Thánh 2010 gởi cộng đồng Dân Chúa, các giám mục Việt Nam đã viết: “Đây là thời điểm cho chúng ta nhìn lại quá khứ để tạ ơn Chúa và lắng nghe bài học của lịch sử, nhìn vào hiện tại, để nhận diện những thuận lợi và thách đố, nhìn tới tương lai để cùng nhau canh tân đời sống và xây dựng Giáo hội theo đúng thánh ý Thiên Chúa”. [2] Quả thế, “Lịch sử là bài học của quá khứ, cho hiện tại, để hướng đến tương lai”. Chính trong tinh thần ấy, chúng ta cùng nhìn lại đôi nét tiến trình thành lập HGPVN trong dòng lịch sử Giáo hội Việt Nam. Trước hết, [A] chúng ta sẽ thoáng nhìn qua các chặng đường lịch sử của Giáo hội Việt Nam; [B] Và rồi, trong dòng lịch sử ấy, chúng ta sẽ lần lượt đọc lại bối cảnh lịch sử của tiến trình thành lập HGPVN; [C] để cuối cùng, tiến trình lịch sử này này dẫn chúng ta đến mốc điểm quan trọng của ngày 24/11/1960, với việc Tòa thánh chính thức thành lập HGPVN.

Tiếp tục đọc

Nguy Hiểm Từ Nội Bộ

Đời sống đức tin không tránh được nguy hiểm. Nguy hiểm đến từ nhiều phía. Những nguy hiểm đến từ ngoài Hội Thánh phải kể là nhiều và nặng. Nhưng những nguy hiểm đến từ nội bộ Hội Thánh cũng không ít. Chúng rất ác nghiệt. Cảnh báo trước mối hoạ đó là điều cần.

Thời các thánh tông đồ, việc cảnh báo như thế đã được thực hiện. Ở đây, xin nhắc lại những cảnh báo thời đó, để hiểu hơn cảnh báo thời nay.

1/ Nguy hiểm từ nội bộ

a) Suy thoái đạo đức.

Thánh Phaolô viết cho môn đệ Timôthê về cảnh suy thoái đạo đức sẽ xảy ra như sau:

“Anh hãy biết điều này: Vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go. Quả thế, người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ơn bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tính, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt tự đắc, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa.

Hình thức của đạo thì họ còn giữ, nhưng những cái chính yếu thì họ chối bỏ” (2 Tm 3,1-5).

Thánh Phaolô kể ra tỉ mỉ các tính xấu trên đây, để cho môn đệ ngài thấy sự suy thoái đạo đức là trầm trọng. Lòng con người bị tàn phá thê thảm. Bi đát nhất là sự giữ đạo, chỉ còn là hình thức. Bỏ những gì là chính yếu của đạo thì kể như bỏ đạo rồi.

Cảnh suy thoái đạo đức xảy ra tràn lan, tự do tung hoành theo truỵ lạc. “Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian” (Pl 3,19).

Tiếp tục đọc

LỄ HIỆN XUỐNG 2010 – VÀI SUY NGHĨ…

Mừng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là mừng cuộc khai sinh Giáo Hội, mừng sự khởi đầu chính thức sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta được mời gọi xác tín cùng với Công Đồng Vatican II rằng Giáo Hội chỉ có thể là Giáo Hội trong sứ mạng, và Giáo Hội phải luôn nhìn chính mình và nhìn thế giới trong sứ mạng ấy. Tầm nhìn của Giáo Hội là tầm nhìn sứ mạng, vì Giáo Hội ý thức rằng mình hiện hữu cho – và chỉ cho – sứ mạng mà mình được ủy thác bởi Thầy Chí Thánh.

Đã hẳn trong lịch sử, có những khi Giáo Hội đi trệch, lấy một tầm nhìn khác, ưu tiên cho mục đích khác. Nhưng Chúa Thánh Thần không bao giờ bỏ mặc; Ngài luôn luôn có cách của Ngài để thanh luyện và hướng dẫn, giúp Giáo Hội thể hiện đúng căn tính sứ mạng của mình hơn. Nếu Chúa Thánh Thần mà ‘bỏ quên’, thì Giáo Hội đã ‘sập tiệm’ từ lâu, rất lâu rồi, thậm chí ngay từ trong trứng nước.

Xuyên qua 20 thế kỷ, Giáo Hội đã nếm trải rất nhiều cuộc bách hại. Nhưng không có sự bách hại nào từ bên ngoài Giáo Hội mà ‘hại’ cho bằng việc chính Giáo Hội – có thể ở trong thời ‘bình an’ – lại để lạc mất tầm nhìn sứ mạng của mình. Vì Giáo Hội còn lại gì khi đánh mất chính cái lý do làm cho mình hiện hữu?

Tiếp tục đọc

Một khi các ảo tưởng đã qua đi, những gì sẽ còn lại?

Trước hết, một điều chúng ta cần phải khẳng định là sứ mệnh trọng yếu của Giáo Hội giữa lòng trần thế, là làm chứng nhân cho Đức Kitô, cho Tin Mừng Cứu Rỗi của Người. Do đó, Giáo Hội đóng vai trò người hướng dẫn chỉ lối cho trần thế, chứ Giáo Hội không nhất thiết luôn luôn phải chạy theo những thay đổi của não trạng trần thế và tìm cách đáp ứng bằng mọi giá các đòi hỏi thay đổi không ngừng của thời đại. Vâng, Giáo Hội chỉ cho con đường dẫn đưa thế giới ra khỏi cơn khủng hoảng. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng cần phải ý thức được lầm lỗi của mình, hầu Giáo Hội có thể phát huy được sức mạnh có khả năng chi phối nền văn hóa nhân loại mà Giáo Hội hằng nắm giữ.

Trở lại vấn đề. Các ảo tưởng là một vấn đề cũng cũ kỹ như chính con người vậy. Nhưng rồi một khi người ta đề xuất ra những tư duy mới mẻ nào đó và nhờ thế mở ra những nhãn quan mới về cuộc sống, thì việc hiện thực những tư duy mới mẻ đó được gọi là một hành động «cách mạng», mà điểm đầu tiên phải quy chiếu thuộc về lãnh vực lý trí và tự do của «Homo faber» và của «Homo scientiae». Nhưng một lý trí chủ quan, tức một lý trí chỉ dựa trên chính mình, và một sự tự do không tuân theo bất cứ một quy luật hay điều lệ nào – những điều kiện nền tảng tất yếu của một xã hội – thì cả hai đều không hành động đúng chức năng và phạm vi của mình.

Tiếp tục đọc

Giáo Hội có sứ mệnh rao truyền Chân Lý trong một xã hội đang bị thế tục hóa

Giáo Hội có sứ mệnh rao truyền Chân Lý trong một xã hội đang bị thế tục hóa, Đức Thánh Cha tuyên bố với những người lãnh đạo văn hóa nghệ thuật nước Bồ Đào Nha.

Thủ Đô Lisbon, Bồ Đào Nha ngày 12 tháng Năm 2010 lúc 11:26AM theo bản tin liên hợp của Thông Tấn Xã (CNA/EWTN News)

Sáng nay Đức Thánh Cha Benedicto XVI nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Chân Lý và truyền thống đối với văn hóa trong huấn từ của ngài đọc trước cử tọa gồm tất cả những người lãnh đạo văn học nghệ thuật quốc gia Bồ Đào Nha. Đức Thánh Cha đã giới thiệu về Giáo Hội Công Giáo như là ” Nhà vô địch ” của các truyền thống và ” Sứ mệnh truyền giảng Chân Lý ” của Giáo Hội luôn là nhu cầu cấp thiết cho các xã hội đương đại.

Sau khi dâng thánh lễ riêng tại Tòa Sứ Thần vào sáng sớm thứ Tư, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI đã gặp các nhà lãnh đạo đại diện văn hóa nghệ thuật quốc gia Bồ Đào Nha dẫn đầu bởi đạo diễn 101 tuổi Manoel de Oliveira trong thính phòng Trung Tâm Văn Hóa Belem tại thủ đô Lisbon.

Tiếp tục đọc

NHỮNG HÌNH ẢNH VỀ GIÁO HỘI

Trong cuộc sống, một số thực tại thiêng liêng đã được diễn tả cách dễ dàng hơn nhờ hình ảnh. Hình ảnh nói với ta qua giác quan, rồi trí thông minh, và cuối cùng sẽ đến tận trái tim.

Cũng thế, đối với Giáo Hội là một thực tại mầu nhiệm mà không ngôn ngữ nào có thể diễn tả xác đáng bằng vốn từ của nó.

Vậy ta hãy để cho hình ảnh nói thay!

* Giáo Hội là chuồng chiên của đàn chiên mà Thiên Chúa đã loan báo từ trong Cựu Ước rằng chính Ngài sẽ là Mục tử:

Ngày nay hình ảnh này không còn gần gũi với ta nữa. Ta không còn thói quen nhìn thấy các mục đồng đi dẫn đầu trong đoàn chiên ngang qua các ngôi làng như xưa. Tuy nhiên ta vẫn nhận thức được rằng mục tử là người chăn giữ đoàn chiên được giao cho mình. Anh ta chăm sóc che chở chúng và nếu cần, có thể dám liều cả mạng mình để bảo vệ chúng.

Tiếp tục đọc

Tư cách thành viên của Giáo Hội và việc đồng trách nhiệm mục vụ

Giáo phận Rôma đã tổ chức đại hội mục vụ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêrô vào ngày 26 tháng Năm vừa qua. Chủ đề của đại hội là “Tư cách thành viên Giáo Hội và việc đồng trách nhiệm mục vụ”. Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng, trong tư cách Giám Mục Rôma, đã đọc một bài diễn văn, nhấn mạnh tới vai trò của người giáo dân.

Sau khi nhắc lại các chủ đề của các đại hội trước đây (về gia đình, dạy đức tin cho các thế hệ tương lai, giáo dục đức cậy..), Đức Thánh Cha tỏ sự hài lòng về chủ đề mục vụ của năm nay.

Theo Đức Thánh Cha, Công Đồng Vatican II đã mang lại một định nghĩa được xem sét sâu sắc hơn về Giáo Hội, làm nổi bật trước nhất bản chất thần bí của Giáo Hội, nghĩa là như “một thực tại thấm nhuần sự hiện diện thần linh, do đó, luôn có khả năng được thăm dò mới mẻ và sâu sắc hơn” (Phaolô VI, Diễn Văn Khai Mạc Khóa Hai Công Đồng Vatican II, 29 tháng Chín, năm 1963).

Tiếp tục đọc