TÌNH YÊU LIÊN KẾT TẤT CẢ MỌI CỘNG ÐỒNG KITÔ HỮU

 1. Ðức tin, đức cậy và đức mến là ba ngôi sao mọc lên trên bầu trời đời sống thiêng liêng của chúng ta để soi dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Chúng là những thần đức tuyệt hảo, ở chỗ chúng làm cho chúng ta được hiệp thông với Thiên Chúa và dẫn chúng ta đến với Ngài. Chúng làm nên bộ tam đức có tuyệt đỉnh là đức mến, một tình yêu agape được Thánh Phaolô hết lời đề cao trong khúc ca của Bức Thư Thứ Nhất gửi Giáo Ðoàn Côrintô. Tình yêu này được niêm ấn bằng lời tuyên bố như sau: “Vậy ba điều tồn tại là đức tin, đức cậy và đức mến; song cao cả nhất trong ba đức này là đức mến” (13:13).

Về vấn đề làm khơi động thành phần môn đệ Chúa Kitô, ba thần đức này thúc đẩy họ hướng đến việc hiệp nhất theo lời Thánh Phaolô như chúng ta được nghe ngay ở đầu buổi giáo lý hôm nay: “Chỉ có một thân thể…, một đức cậy… một Chúa, một đức tin…, một Thiên Chúa và là Cha duy nhất” (Eph 4:4-6). Tiếp tục suy niệm về khía cạnh đại kết đã được bàn đến ở bài giáo lý lần trước, hôm nay chúng ta muốn khảo sát kỹ lưỡng hơn nữa về vai trò của các thần đức nơi cuộc hành trình dẫn chúng ta đến tình trạng hoàn toàn hiệp thông với Thiên Chúa, với Chúa Ba Ngôi cũng như với nhau.

2- Trong đoạn được trích dẫn từ Bức Thư gửi cho Giáo Ðoàn Êphêsô, Thánh Tông Ðồ có ý đề cao tình trạng hiệp nhất của đức tin. Tình trạng hiệp nhất này bắt nguồn từ lời của Thiên Chúa, những lời mà tất cả mọi Giáo Hội cũng như Cộng Ðồng Giáo Hội coi là ánh sáng soi đường lối hành trình tiến bước trong lịch sử của mình (x Ps 119:105). Các Giáo Hội và Cộng Ðồng Giáo Hội cùng nhau tuyên xưng đức tin của mình nơi “một Chúa duy nhất”, đó là Chúa Giêsu Kitô và là người thật, cũng như vào “một Thiên Chúa và là Cha duy nhất của tất cả chúng ta” (Eph 4:5-6). Tình trạng hiệp nhất căn bản này, cùng với tình trạng hiệp nhất bởi chịu cùng một Bí Tích Rửa Tội duy nhất, đã được thấy rõ ràng nơi nhiều văn kiện về việc đối thoại đại kết, ngay cả khi vẫn còn thấy có những lý do bảo thủ những điều này điều kia. Bởi thế, như chúng ta đã được đọc thấy trong một văn kiện của Hội Ðồng Các Giáo Hội Thế Giới là: “Các Kitô hữu tin tưởng rằng ‘Thiên Chúa chân thật duy nhất’, Ðấng tự tỏ mình ra cho dân Yến Duyên, đã được Chúa Giêsu Kitô, ‘Ðấng Cha sai’ (Jn 17:3) mạc khải cho biết; họ cũng tin tưởng rằng nơi Chúa Kitô, Thiên Chúa đã hòa giải thế giới với chính mình Ngài (2Cor 5:19), và với Thánh Linh của mình, Thiên Chúa đã ban sự sống trường sinh mới mẻ cho tất cả những ai nhờ Chúa Kitô hiến thân cho Ngài” (WCC, Confessare una sola fede, 1992, 6).

Tiếp tục đọc

NHỮNG KHÁC BIỆT GIỮA CÁC NHÁNH KITÔ GIÁO

 

 
 
Hỏi: Trong bài trước cha đã nói đến các Đạo cùng tôn thờ Thiên Chúa nhưng khác nhau về nhiều mặt thần học, tín lý, bí tích…, phụng vụ .v.v Xin cha nói rõ hơn về những khác biệt này giữa Công Giáo, Chính Thống và Tin Lành.

Trả lời: như đẵ giải thích trong bài trước, cả ba Nhánh trên đây trước hết đều thuộc Đạo Thánh của Chúa Kitô gọi chung là Kitô Giáo (Christianity). Nhưng với thời gian, đã có những biến cố gây ra tình trạng rạn nứt hay ly giáo (schism) đáng tiếc khiến Kitô Giáo bị phân chia thành 3 Nhánh chính trên đây; và cho đến nay, vẫn chưa có cơ may hàn gắn được sự phân ly này. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng giới hạn trong câu hỏi được đặt ra, tôi chỉ xin nên sau đây những dị biệt căn bản giữa ba Nhánh Kitôgíao lớn trên đây mà thôi.

I-Chính Thống (orthodoxy) khác biệt với Công Gíáo ra sao?

Trước hết, danh xưng Orthodoxy, theo ngữ căn (etymology) Hy lap , có nghĩa là chân chính, đúng đắn (correct) và lành mạnh (sound). Danh xưng này được dùng trước hết để chỉ lập trường của các giáo đoànï đã tham dự các Công đồng đại kết (ecumenical Councils) Nicêa I (325) Ephêsô (431) và Chalcedon (451) trong đó họ đã chấp thuận và đề cao những giáo lý được coi là chân chính tinh tuyền của Kitôgíao và cương quyết bác bỏ những gì bị coi là tà thuyết hay lạc giáo (heresy). Nhưng về sau danh xưng này được dùng dể chỉ Nhánh KitôGíao Đông Phương( Easter Orthodox Churches) đã tách khỏi Giáo Hội Công Giáo LaMã ( Roman Catholic Church) sau năm 1054.

Trước khi xẩy ra cuộc ly giáo năm 1054, hai Nhánh Kitôgíao lớn nói trên vẫn hiệp thông trọn vẹn với nhau về mọi phương diện vì cả hai Giáo Hội này đều là kết quả truyền giáo ban đầu của các Thánh Tông Đồ Phêrô và Anrê. Lịch sử truyền giáo cho biết là Thánh Phêrô đã rao giảng Tin mừng ở vùng đất nay là lãnh địa của Giáo Hội Công Giáo La Mã( Roma)ø trong em ngài, Thánh Anrê (Andrew) sang phía Đông để rao giảng trước hết ở Hy lạp và sau đó trong phần đất nay là Thổ Nhĩ Kỳ ( Turkey). Như thế, cả hai Giáo Hội Kitôgiáo Đông Phương Constantinople và Tây Phương (Roma) đều có nguồn gốc Tông đồ thuần túy. Sau này, Giáo Hội Đông Phương, với Tòa Thượng Phụ (Patriarchate) ở Constantinople, nay là Istanbul, đã tự cho mình là chính thống (Orthodox), là trung thực với giáo thuyết tinh tuyền của Chúa Kitô, nên đã tuyệt thông với Giáo Hội Công Giáo Tây phương Roma từ năm 1054 vì những bất đồng giữa hai bên về tín lý thần học, phụng vụ, bí tích và quyền bính. Hai Giáo Hội đã ra vạ tuyệt thông ( Anathemas = excommunication) cho nhau ngày 16 tháng 7 năm 1054, khởi đầu cho cuộc ly giáo Đông Tây kéo dài cho đến ngày nay.

Tiếp tục đọc

ThánhThần hiệp nhất yêu thương

 
Đúng năm mươi ngày sau Lễ Chúa Giêsu Phục Sinh, Giáo hội long trọng mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, Đấng đã đến để đốt lên lửa mến yêu và truyền ban lòng can đảm loan báo Tin Mừng cho các môn đệ.

Không hiểu sao tuy đã được chứng kiến tận mắt Chúa Phục Sinh, được đàm đạo và ăn uống với Ngài, được nghe tận tai lời sai bảo làm nhân chứng cho Nước trời, ấy thế mà các người theo Chúa vẫn lo sợ. Chỉ biết cửa đóng then cài. Mãi cho đến một hôm, đang lúc họ hội nhau đông đủ trên phòng kín, thì bỗng từ trời có cơn gió mạnh. Tiếng rào rào như thể cuồng phong. Và lập tức, một quang cảnh kỳ lạ diễn ra: những lưỡi lửa xuất hiện, đậu trên từng người. Kết quả là ai nấy đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần.

Hiện tượng gió thổi trong ngày lễ Hiện xuống nhắc lại sự việc “khí thần bay là trên mặt nước” trong sách Sáng Thế Ký; bên cạnh đó, hình ảnh các tông đồ đầy tràn thần khí cũng gợi lên hình ảnh con người đầu tiên được thổi vào mình đầy hơi sự sống. Như thế, biến cố Hiện xuống đã trở nên một cuộc tạo thành mới, với Thánh Thần Thiên Chúa được thổi vào thế giới để khai sinh một nhiệm thể sống động là Giáo hội của Đức Kitô.

Bằng việc loan báo Tin Mừng, khởi đi từ các thánh tông đồ, một thời đại mới đã khởi đầu. Đó là thời đại mà Giáo hội được hướng dẫn và thánh hoá dưới tác động của Ngôi Ba Thiên Chúa.

Đặc sủng loan báo Tin Mừng được Chúa Thánh Thần ban xuống qua hình lưỡi lửa đậu trên đầu các tông đồ. Hình lửa này tượng trưng cho sự hiện diện đầy quyền năng của Thiên Chúa, như xưa kia Moisen đã tiếp cận sự hiện diện thần linh qua ngọn lửa cháy nơi bụi gai (Xh 3).

Tiếp tục đọc

ĐỂ CHÚNG NÊN MỘT” (UT SINT UNUM)

 
 
 
Cách đây hơn một trăm năm, vào năm 1908 tại New York, cha Paul Wattson, sáng lập viên Hiệp Hội Phạt Tạ, cùng với một số người khác, đã khởi đầu tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kytô hữu. Thật ra, hơn 50 năm trước đó nữa, nhóm Ngũ Tuần đã gửi sứ điệp kêu gọi việc cầu nguyện rất cần thiết và cấp bách này. Cấp bách là vì tình trạng chia rẽ trong cộng đồng những người tin vào Đức Kytô là điều hoàn toàn đi ngược lại với ý định của Người. Đức Kytô luôn mong muốn và cầu xin cho môn đệ của Người được yêu thương và hiệp nhất: “Xin cho tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17, 21–23). Thế nhưng, hai ngàn năm đã qua đi từ ngày Chúa Giêsu thành lập Giáo Hội và hơn một trăm năm qua từ ngày có phong trào cầu nguyện cho hiệp nhất, dường như sự chia rẽ vẫn còn mầm mống trong Giáo Hội, và vẫn là mối ưu tư cho các thành phần Dân Thiên Chúa, và sự chia rẽ len lỏi vào cả trong những cộng đoàn nhỏ bé nhất? Vậy làm sao để thật sự hiệp nhất?

Mẫu gương hiệp nhất sâu thẳm và tuyệt vời nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi dạy cho con người muôn vàn bài học cao siêu. Bài học đầu tiên của sự hiệp nhất thánh thiện ấy chính là tình yêu và lòng khiêm hạ. Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương và chỉ có yêu thương, yêu thương đến nỗi Tình Yêu trở thành một sức mạnh vô biên, trở thành một Ngôi Vị quyền năng vô cùng. Và Thiên Chúa Ngôi Hai, cao cả uy quyền, đã “tự hạ mình và vâng lời cho đến chết” như lời Thánh Phaolô. Chính Đức Kytô đã mạc khải: “… vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt.11,29). Con người chia rẽ vì họ không học được bài học tiên quyết này từ Thiên Chúa của họ. Nguyên nhân chia rẽ đầu tiên chính là sự ganh tị vốn đi cùng con người qua mọi thời đại và trong mọi tình huống, mọi công đoàn. Dường như cám dỗ lớn lao nhất trong cuộc đời mà tổ tông loài người đã kinh nghiệm, ấy là cám dỗ của lòng ganh tị và muốn bằng, thậm chí hơn đồng loại của mình, để được bằng Đấng Tạo Thành. Ganh tị là hình thức khác của lòng kiêu ngạo. Khi người ta bước vào một cộng đoàn, họ có khuynh hướng muốn làm thầy, muốn chỉ đạo dù Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Các con đừng gọi ai dưới đất là cha (…), là thầy (…), và là người chỉ đạo” (Mt.23,8-10). Trong lịch sử nhân loại nói chung, lòng kiêu căng và ganh tị thường đi đôi với nhau như bóng với hình. Và đó là kẻ thù lớn lao của sự hiệp nhất. Khi hai người con của ông Giêbêđê muốn xin được “ngồi bên hữu và bên tả Chúa Giêsu”, tức là xin được quyền cao chức trọng, lập tức sự ganh tị lan ra, và mối bất hoà cũng lan theo. May thay, Chúa Giêsu phân xử kịp thời một cách khéo léo để giảng hoà mọi người.

Tiếp tục đọc

TAI LIEU TUẦN CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU 2009

Từ 18 đến 25-01-2009

Kính thưa Đức Hồng Y, Quý Đức Cha

Như thường lệ, tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu sẽ được tổ chức từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng. Ước mong cho mọi tín hữu nên một, đó là trọng tâm lời cầu nguyện mà Đức Giêsu đã thưa với Chúa Cha, trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn. Đó cũng chính là ước nguyện của Giáo Hội trải qua mọi thời đại, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều xung đột và nguy cơ chia rẽ như hiện nay. Hiệp nhất là yếu tố căn bản, đồng thời là điều kiện không thể thiếu cho công cuộc Phúc âm hóa của hết thảy những ai đặt niềm tin nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người.

Khởi đi từ sáng kiến từ năm 1740, và chính thức được cử hành trong Giáo Hội Công giáo từ năm 1908, Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất đã được tổ chức với hình thức và nội dung ngày càng phong phú hơn. Cùng với lời cầu nguyện, các Giáo Hội Kitô đã có nhiều cố gắng đối thoại đại kết, nhằm xây dựng tình hiệp nhất trong lãnh vực thần học cũng như mục vụ.

Đề tài được chọn cho tuần cầu nguyện đại kết năm 2009 được trích dẫn trong sách Ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Chúng sẽ được nên một trong tay ngươi” (Ed 37,17). Đây là lời Chúa phán với Ê-dê-ki-en, khi Ngài truyền lệnh cho ông khắc chữ trên hai miếng gỗ, một miếng tượng trưng cho liên minh giữa nhà Giuđa và con cái Israel, miếng kia tượng trưng cho liên minh giữa nhà Giuse và toàn thể người Israel còn lại. Đức Chúa truyền cho ông ráp hai miếng gỗ lại với nhau cho thành một miếng duy nhất, và “chúng sẽ được nên một trong tay ngươi”.

Đề tài được chọn là kết quả từ những suy tư của một nhóm chuyên viên, gồm Giám mục, Linh mục và Tu sĩ, được Hội Đồng Giám mục Hàn Quốc uỷ nhiệm. Như chúng ta biết, đất nước này vẫn còn bị chia cắt hai miền. Đã có nhiều cố gắng đối thoại giữa hai miền Nam – Bắc Hàn; đã có nhiều người Hàn Quốc sống tại Bắc Hàn từ 50 năm nay được phép trở về thăm thân nhân quê quán. Tuy vậy, con đường tiến tới thống nhất hai miền còn dài và còn nhiều khó khăn do khác biệt về ý thức hệ chính trị và nền kinh tế. Những tín hữu Kitô chiếm một tỷ lệ khá đông tại đây, gồm những anh em Tin Lành và Công Giáo. Lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu cũng mang ước nguyện cho dân tộc Triều Tiên được hòa bình, cho hai miền được nên một. Lời Chúa trong Ngôn sứ Ê-dê-ki-en mở ra cho dân tộc này niềm hy vọng sẽ có ngày Thiên Chúa quy tụ dân Ngài và làm cho họ nên một, hy vọng Ngài sẽ chúc lành cho họ và làm cho họ thành một dân hùng mạnh. Cũng như thời Ngôn sứ Ê-dê-ki-en, nhân loại hôm nay khẩn cầu Thiên Chúa canh tân đổi mới thế giới, vì thế giới này luôn lo sợ trước nguy cơ chia rẽ, khủng bố và biết bao thảm kịch khác trong mọi lãnh vực. Cũng vậy, sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô là nguyên nhân của những vấp phạm và là những cản trở cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay.

Tiếp tục đọc

Đối thoại đại kết mời gọi trao nhau lòng quảng đại huynh đệ

Vatican (Agenzia Fides) – “Lĩnh hội và Tương lai của Đối thoại Đại kết” là chủ đề của Hội nghị Thường Niên của Hội đồng Giáo Hoàng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô giáo, vốn được Đức Thánh Cha xác định là “một luận cứ vốn trình bày hai chiều kích: một mặt nhận thức rõ đường hướng đang đi, mặt khác nhận diện những đường hướng mới phải theo, cùng nhau tìm kiếm để vượt thắng những khác biệt vốn không may là trở ngại trong mối quan hệ giữa những môn đệ của Chúa Kitô”.

Hôm 12/12, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp kiến các tham dự viên của hội nghị, trong diễn từ của mình, ngài đề cập đến các phiên làm việc của Hội nghị đã thẩm tra các mối quan hệ giữa bốn cuộc đối thoại quốc tế song phương hàng đầu mà Giáo hội Công Giáo đã tham gia kể từ Công Đồng Vatican II: với Liên đoàn Luther Thế giới, với Hội đồng Methodist Thế giới, với Liên hiệp Anh giáo và với Liên minh Thế giới các Giáo hội Cải Cách. Đức Thánh Cha nhận xét: “Trong khi anh em đã xác quyết, với trợ giúp của Thiên Chúa, tất cả mọi điều đã trọn vẹn trong những điều khoản của sự hiểu biết lẫn nhau và các nhân tố của sự hội tụ, anh em đã không thất bại khi sử dụng tính chân thật để chỉ ra tất cả những tồn tại cần phải được thực hiện. Chúng ta có thể nói rằng chúng ta đang đi trên con đường của chúng ta, trong một giai đoạn trung gian, một giai đoạn chắc chắn là hữu ích và thích hợp để chúng ta thẩm tra một cách khách quan những nỗ lực của chúng ta”.

Sau đó Đức Thánh Cha suy tư về việc tại nhiều nơi, tình hình đại kết đã thay đổi và đang thay đổi, khi mà có những cộng đồng và những nhóm mới, đang trong thời điểm căng thẳng giữa các cộng đồng. Đức Thánh Cha cho hay: “Bác ái sẽ giúp các Kitô hữu nuôi dưỡng ‘khao khát’ hiệp thông hoàn toàn trong sự thật, và tiếp tục được soi dẫn bằng sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể hy vọng sẽ nhanh chóng đạt đến sự thống nhất mà chúng ta tìm kiếm như Chúa mong muốn. Đây là lý do tại sao đại kết mời gọi chúng ta trao nhau lòng quảng đại huynh đệ của sự ban tặng, nhận thức rằng hiệp thông hoàn toàn trong đức tin, trong các bí tích, và trong thừa tác vụ liên lỉ nhằm đạt mục tiêu của phong trào đại kết hoàn toàn. Vì công cuộc rộng lớn này, đại kết về tinh thần, như Công Đồng Vatican II khẳng định một cách rõ ràng, đang là nhịp đập con tim”.

John Bosco Nguyễn Hoàng Thương

Nguon:  Tiếp tục đọc

ĐTC sự hợp nhất trong nhiều đặc sủng là những ân ban của Thánh Linh

Kinh Truyền tin chúa nhựt 24 tháng giêng

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh Truyền tin trưa chúa nhựt hôm qua dựa theo đoạn văn thánh Phaolô được trích trong bài đọc thứ hai của thánh lễ Chúa Nhựt thứ Ba Mùa Thường niên nói về các đặc sủng, và được áp dụng vào tuần lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất các Kitô hữu cũng như trùng vào lễ kính thánh Phanxicô de Sales. Thực vậy, bài học về sự hợp nhất của các chi thể trong một thân thể là lý tưởng cho sự hợp nhất trong Giáo hội, vừa duy nhất vừa đa dạng. Còn thánh Phanxicô de Sales nhắc nhở rằng tất cả các tín hữu đều được mời gọi nên thánh, và mỗi người đều giữ một vài trò tích cực trong Giáo hội. Sau khi ban phép lành, Đức Bênêđictô XVI giới thiệu cho các linh mục tấm gương của cha José Samsó i Elias, mới được phong chân phước hôm thứ bảy vừa qua: cha đã tận tâm với việc dạy giáo lý và phục vụ người nghèo. Trước khi bị hành quyết, cha đã tha thứ cho những người bách hại mình. Đề tài phục vụ người nghèo cũng được lướt qua trong lời chào các phái đoàn hành hương bằng tiếng Anh, gợi ý từ bài Tin mừng trong đó Chúa Giêsu tuyên bố rằng Người được thánh hiến để mang Tin mừng cho người nghèo (Lc 4,18). Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ

Anh chị em thân mến,

Trong các bài đọc Sách thánh của phụng vụ hôm nay có đoạn văn thời danh trích từ thư thứ nhứt gửi các tín hữu Corintô, trong đó thánh Phaolô so sánh Hội thánh với thân thể con người. Thánh Tông đồ viết như sau: “Cũng như thân thể là một và có nhiều chi thể, và các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng thế. Thực vậy, tất cả chúng ta đều được rửa tội nhờ cũng một Thánh Linh trong một thân thể duy nhât, dù là người Do thái hay Dân ngoại, nô lệ hay tự do; và tất cả chúng ta đều được giải khát bởi một Thánh Linh duy nhất” (1Cr 12,12-13). Hội thánh được quan niệm như là một thân thể, mà Chúa Kitô là đầu, và trở thành một ở trong Người. Dù sao thánh Tông đồ muốn nhấn mạnh đến sự hợp nhất trong nhiều đặc sủng là những ân ban của Thánh Linh. Nhờ các đặc sủng, Hội thánh xuất hiện như là một cơ thể phong phú và sinh động, chứ không đồng đều, như là hoa quả của một Thánh Linh duy nhất, Đấng hướng dẫn tất cả đến sự hợp nhất sâu xa, bằng cách hấp thụ những sự khác biệt chứ không hủy diệt chúng, và kết thánh một tổng bộ hài hòa. Hội thánh kéo dài qua lịch sử sự hiện diện của Chúa Phục sinh, cách riêng nhờ các Bí tích, Lời Chúa, các đặc sủng và các tác vụ được phân phát trong cộng đoàn. Vì thế chính trong Chúa Kitô và trong Thánh Linh mà Giáo hội là một và thánh, nghĩa là một sự hiệp thông mật thiết vượt lên trên những khả năng con người và nâng đỡ chúng.

Tiếp tục đọc

Đức Giáo Hoàng khẳng định dấn thân đến sự hiệp nhất

Đức Thánh Cha ghi nhận 25 năm về những cuộc hành hương Công Giáo Tin Lành tại Phần Lan.

VATICAN CITY (Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khẳng định sự dấn thân “hết lòng” của Giáo Hội đối với những tương quan hiệp nhất, khi tiếp rước một phái đoàn Công Giáo-Lutheran từ Phần Lan trong tuần lễ hiến dâng cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô hữu.

Hôm nay 18/1 Đức Giáo Hoàng ghi nhận rằng cuộc thăm viếng đánh dấu kỷ niệm thứ 25 về những chuyến du hành tới Rome nhằm ngày lễ Thánh Henrik, quan thầy quê hương của họ, sẽ được cử hành ngày Thứ Ba.

Đức Thánh Cha nói, “tôi xin cám ơn mà nói rằng những cuộc hợp này đã góp phần có ý nghĩa hầu tăng cường những tương quan giữa các Kitô hữu trong quốc gia của anh em.”

Bằng tiếng Anh, ngài khẳng định rằng con đường hiệp nhất này đã được ôm lây “cách tận tình” bởi Giáo Hội Công Giáo, một cách riêng từ Công Đồng Vatican 2.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI công nhận lời phát biểu của phái đoàn nhắc lại rằng “Thông cáo chung về Giáo Lý sự Thánh Hoá, nay đã được 10 năm, là một dấu cụ thể về tình huynh đệ tái khám phá giữa các tín hữu Lutheranô và Công Giáo.”

“Trong bối cảnh này,” ngài nói tíếp,” Tôi vui mừng ghi nhận việc làm mới đây của sự đối thoại Lutheran-Công Giáo Nordic tại Phần Lan và Thụy Điển trên những vấn đề phát sinh từ Thông Cáo chung”.

“Có hy vọng lớn là văn bản hệ quả của sự đối thoại sẽ đóng góp tích cực cho con đường dẫn tới sự phục hồi sự hiệp nhất đã mất của chúng ta,” Đức Giáo Hoàng nói thêm.

Ngài bày tỏ òng biết ơn của ngài cho phái đoàn vì “sự bền chí” trong cuộc hành hương chung 25 năm của anh em.

Tiếp tục đọc

Thần Học Đại Kết

 

TUẦN CẦU NGUYỆN CHO HIỆP NHẤT KITÔ HỮU

18 đến 25 tháng 01

  I. THẦN HỌC VỀ ĐẠI KẾT

(Lm Giuse Phan Tấn Thành op)

1. Thần Học Đại Kết

2. Lịch Sử Phong Trào Đại Kết.

3. Giáo Hội Công Giáo Từ Vaticano II Với Công Cuộc Đại Kết

4. Những Hướng Đi Của Phong Trào Đại Kết

 II. Sắc Lệnh về Hiệp Nhất

(Công đồng Vaticanô II)

1. Lời Mở

2. Các Nguyên Tắc Công Giáo Về Hiệp Nhất

3. Cách Tham Dự Phong Trào Hiệp Nhất

4. Các Giáo Hội Và Cộng Ðoàn Giáo Hội Ly Khai Với Tông Tòa Roma

 III. Tuyên Ngôn Chung

      Đức Bênêdictô XVI và Đức Bathôlômêô I

        (ngày 30-11-  2006)

1. Thần Học Đại Kết 

 Sự Ly Khai Đông Phương (Chính Thống)

Sự ly khai Tây Phương (Tin Lành)

 Kính thưa quý vị và các bạn,

 Hằng năm, tuần lễ từ 18 đến 25 tháng 1 được dành để cầu nguyện cho các Kitô hữu được hợp nhất. Đây là một cơ hội thuận tiện để trình bày về thần học đại kết, đặc biệt là vì trong năm 1995 vừa qua, đã có vài biến cố đánh dấu những bước tiến của công cuộc đối thoại đại kết, trong số đó cần phải kể đến: 1) Đức Gioan Phaolô 2 đã ban hành thông điệp Ut Unum sint (ngày 25/5). 2) Trước đó, ngày 2/5, tông thư Orientale Lumen được ban hành nhân dịp kỷ niệm 100 năm đức Lêo XIII viết tông thư “Orientalium Dignitas”, khuyến khích việc tìm hiểu truyền thống của các Giáo hội Đông phương. 3) Đức thượng phụ Bartholomêo I, giáo chủ chính thống đã đến viếng thăm Đức Thánh Cha tại Vaticano (27-30/6). 4) Cuộc viếng thăm Tòa thánh của Mục sư Konrad Kaiser, Tổng thư ký Hội đồng thế giới các Giáo hội (6-10/4).

 Trong bài hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu những lý do gì đã gây ra sự chia rẽ giữa các Kitô hữu. Trong bài tới, chúng ta sẽ theo dõi những chặng đường tiến triển của phong trào đại kết. Kế đó, chúng ta sẽ nghiên cứu những văn kiện của Hội thánh công giáo bàn về đại kết từ công đồng Vaticano II đến nay. Sau cùng, dựa theo thông điệp “Ut unum sint”, chúng ta sẽ kiểm điểm những thành quả đã đạt được cũng như những gì còn phải làm để cho tất cả các tín hữu được nên một.

  Tiếp tục đọc

Những tương đồng và bất đồng giữa Công Giáo và Tin Lành

Từ đầu thế kỷ XX, mọi Kitô hữu, nhất là ở các giáo hội Tây Phương, đã cảm thấy mối đe dọa chính đối với họ không còn đến từ “bọn Thệ Phản” đối với người Công Giáo, hoặc “phe Công Giáo La Mã” đối với những anh em Tin Lành (Protestant). Nhưng nó đã đến từ các chủ thuyết mới xuất hiện như cộng sản chủ nghĩa, quốc gia chủ nghĩa, khoa học chủ nghĩa, phàm tục chủ nghĩa (secularism), khoái lạc chủ nghĩa (hedoism), tình cảm chủ nghĩa, tà đạo chủ nghĩa (cultism) v.v… Những chủ thuyết mới này đã nhanh chóng chứng tỏ rằng chúng có khả năng làm biến đổi đời sống tinh thần cũng như vật chất của con người và trực tiếp đối chọi với những giá trị bất biến của Kitô giáo. Gần đây, lại có những thành phần quá khích của Hồi giáo đã tạo những cuộc khủng bố, hăm dọa sự an toàn của cả thế giới. Do đó, cùng với những nguyên nhân khác, các Kitô hữu (gồm Công Giáo, Chính Thống-Đông Phương, Tin Lành…) đã thấy sự cấn thiết phải ngồi lại với nhau, tạo một lực lượng chung đễ đương đầu với những thách đố mới.

Tuy vẫn có những tương đồng giữa giáo hội Công Giáo và các giáo hội Tin Lành, nhưng các bất đồng đã và đang là trở ngại chính cho mọi nỗ lực hợp nhất. Ở đây, chúng tôi không muốn dùng tiếng “dị biệt” giữa các anh em Kitô, vì không thể có dị biệt giữa những người anh em, con của một Cha chung. Có chăng, chỉ là những bất đồng giai đoạn mà thôi. Tuy nhiên, giảm thiểu hoặc giản dị hóa những bất đồng giữa Công Giáo và Tin Lành trong việc diễn giải Kinh Thánh, đã không thể gọi là một hành động nghiêm chỉnh và thành thật. Mặt khác, nếu không công nhận những tương đồng quan trọng giữa các giáo hội Kitô, sẽ bị cho là thiển cận và thiếu công tâm.

NHỮNG TƯƠNG ÐỒNG

Công Giáo và Tin Lành cùng chia sẻ một nhãn quan xuyên qua những sự kiện vật chất để hướng tới những gía trị tinh thần, đồng thời nhắc nhở con người sống cho cả hai cuộc sống đời này cũng như đời sau. Họ cùng tin vào Thiên Chúa và trung thành với Ðức Giêsu Kitô. Cùng công nhận 10 giới răn như lề luật cho mọi hành vi. Cùng tin rằng con người sau khi sa ngã, nếu không có sự giúp đỡ, tự con người không thể tìm được sự cứu rỗi nếu không có Ðấng Cứu Thế. Họ cùng đọc và tôn trọng Kinh Thánh, tuyên xưng cùng một kinh Tin Kính (của công đồng Nicaea) và cầu nguyện cùng một kinh Lạy Cha. Con người được gia nhập đời sống ân sủng và thánh thiện qua bí tích Rửa Tội, Thanh Niên nam nữ Công Giáo và Tin Lành có thể kết hôn với nhau và phép Hôn Phối đã được các giáo hội tôn trọng. Họ cùng mừng chung các lễ Giáng Sinh và Phục Sinh (trừ các giáo hội Chính Thống Ðông Phương), cùng công nhận các giảng huấn của các thánh Tông Ðồ, các văn bản thánh thiện và chia sẻ các bản thánh ca.

Trong sắc lệnh về Hiệp Nhất (Unitatis Redintegratio) của Công đồng Vatican II, các nghị phụ đã tuyên bố: “Một khi đã được công chính hóa nhờ đức tin khi chịu phép Rửa Tội, họ (các anh em Tin Lành) đã được tháp nhập vào Chúa Kitô, và vì thế họ có quyền mang danh Kitô hữu, xứng đáng là con cái Chúa và và được giáo hội Công Giáo nhìn nhận là anh chị em trong Chúa.” (Ch.I, đ.3). Về các giáo hội Tin Lành, các nghị phụ cũng đã xác định: “Dù chúng ta tin là họ còn khiếm khuyết, nhưng chính các giáo hội và các cộng đồng tách riêng ấy vẫn chưa trở thành vô nghĩa và vô giá trị trong Mầu Nhiệm Cứu Rỗi. Vì Thánh Thần của Chúa Kitô không khước từ xử dụng họ như những phương tiện cứu rỗi mà năng lực phát xuất từ chính sự sung mãn của Ơn Thánh và Chân Lý đã được ủy thác cho giáo hội Cơng Giáo.” (ibid.)

Tiếp tục đọc