ÔNG CỌP

ÔNG CỌP

 L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Con cọp có nhiều tên để gọi, nó là chúa sơn lâm, miền Trung và miền Nam gọi là cọp, miền Bắc gọi là hổ hoặc có những tên gọi khác “ông thầy”, “ông ba mươi”. Những tên gọi ấy cho thấy cọp là loại dữ dằn, tính hùng mạnh, ưa thích săn mồi và cũng dùng theo nghĩa chiến binh, bảo vệ.

Trong mười hai con giáp, “dần” đứng hàng thứ ba; đối với tháng, “dần” đứng đầu vào tháng giêng; trong ngày giờ “dần” là từ ba giờ đến năm giờ sáng. Dần đứng đầu ngày tháng có một ý nghĩa đặc biệt mang tính hăng hái, nhiệt thành của ngày tháng mới.

Tính dữ dằn:

Sở dĩ người ta phải gọi trại con cọp bằng những tên gọi không dám gọi bằng thằng hoặc cọp ở nơi có nhiều cọp dữ hoành hành, mà dùng những tên gọi: Ông ba mươi, ông thầy. Cọp là biểu hiện của bóng đêm, sự dữ bao trùm, cận kề cái chết. Ở nơi trại giam, nghe đến chuồng cọp là phải sợ vì tính dã man ở nơi ấy. Sự ác biểu lộ nơi cọp cũng giống như biểu hiện của tội lỗi, tính rình mò cắn xé, như tội lỗi vây quanh có thể giết chết con người trong tội; chìm sâu trong tội lỗi thì cũng gần kề với tình trạng bị tiêu diệt.

Con hổ dữ tượng trưng cho ý thức mê muội tăm tối, do bị vây hãm trong những dục tình đen tối, ham muốn của bản năng thấp hèn, buông theo những cuồng dại. Khi con người sống theo bản năng ấy cũng sẽ trở thành thú dữ giữa đồng loại, cắn xé, rình mồi, bắt nạt, cưỡng bức…

Trong năm “Dần”, đối với người Kitô hữu cũng được cảnh giác tính dữ dằn của tội lỗi, nguyên nhân gây ra muôn vàn đau khổ, bằng con đường của đời sống năm Thánh mời gọi: “Cầu nguyện luôn, mọi nơi, mọi lúc” (Rm 12, 12) canh chừng, tỉnh thức để khỏi vấp ngã.

Tính bảo vệ.

Cọp hung dữ, cũng là biểu hiện của chiến binh bất khuất bảo vệ con người khỏi sự dữ. Ngũ hổ, là một biểu tượng canh giữ bốn phương và ngay ở tâm điểm. Ngũ hổ là những toán chiến binh bảo vệ vương quốc. Trong đời sống tâm linh, sức mạnh của con hổ tượng trưng cho sức mạnh của đức tin, ý chí, nghị lực vượt qua rừng rậm của tội lỗi, được diễn tả bằng hình ảnh con hổ giữa rừng tre.

Con cọp biểu trưng cho sức mạnh của tinh thần khi nó chống lại những con vật hạ đẳng, bò sát; lúc ấy, con cọp tượng trưng cho con người mạnh mẽ, chống lại những xu hướng bản năng hạ đẳng, những đam mê dục tính đen tối. Chính vì ý nghĩa này mà người ta đặt nó vào đầu ngày mới, từ ba giờ đến năm giờ sáng, giờ bóng đêm bị đẩy xa để hướng về bình minh. Cũng thế trong khởi đầu năm mới, người ta muốn khởi đầu bằng tinh thần mới, một năm trong lành mới đã ra khỏi những tăm tối của tội lỗi.

Với năm “dần”, người Kitô hữu cũng được mời gọi sống theo gương các đấng chứng nhân đã sống: Kiên nhẫn trong mọi thử thách, gian nan, vững mạnh trong đức tin, bền vững trong đức cậy và nhiệt thành trong đức mến, để loan báo Chúa Kitô lúc thuận lợi cũng như khi không thuận lợi, và xác tín mạnh mẽ: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.” (Rm, 8, 35 – 36).

Bạch Hổ:

Hổ trắng xuất hiện là một dấu hiệu đức độ của nhà vua. Bạch hổ là một vì sao trong bộ sao tứ linh: là Long Trì, Phượng Các, Bạch Hổ, Hoa Cái. Gọi tắt là bộ Long Phượng Hổ Cái. Biểu hiện thuận lợi, là người quả cảm, giàu nghị lực, tài giỏi, thích ứng được với mọi nghịch cảnh, có khả năng xét đoán, lý luận, hùng biện, giàu nhân ái và đức độ. Người mang những đức tính ấy, là những con người cần thiết cho thế giới hôm nay, xây dựng một thế giới công bằng, đức độ, an bình, yêu thương.

Năm Canh Dần, bàn về chuyện con cọp, chúng ta cũng không chỉ nói đến những gì thuộc về con cọp mà nói đến những gì cần được sống trong năm Cọp. Xin Chúa giúp chúng con sống vững mạnh trong đức tin, đức cậy, đức mến bằng đời sống cầu nguyện luôn và trở nên nhân chứng đích thực của niềm tin: Không gì tách chúng con ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô.

Tác giả: Hoàng Kim Toan, Lm

Nguồn :  Dũng Lạc

Bình luận về bài viết này