Tâm sự với Chúa mỗi ngày tuần 6 thường niên

Thứ hai sau Chúa nhật 6 thường niên

Mc 8,11-13

            Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

            Chúng con tin rằng “lương thực của con là chính Máu Thịt của Chúa. Đã vì tình yêu mà tự hiến thân trên thập tự”. Chúa đã tự nguyện trở nên tấm bánh hoà tan trong máu thịt chúng con, để trở thành nguồn sức sống cho cuộc đời chúng con. Chúng con xin hết lòng tạ ơn tình yêu cao sâu mà Chúa đã dành cho chúng con.

            Lạy Chúa Giê-su mến yêu, cuộc đời vẫn còn đó nhiều người chưa tin nhận vào Chúa. Họ đã bị thế giới vật chất này che lấp sự sống thần linh. Họ cần cái ăn, cái mặc đời này hơn là sự sống vĩnh cửu đời sau. Họ lầm tưởng rằng đời người giống như hoa cỏ ngoài đồng sinh ra và tàn úa theo thời gian. Chúng con thật hạnh phúc vì được sinh ra trong đức tin của Hội thánh. Chúng con được Giáo hội dạy chúng con có đời sống đời sau, có hạnh phúc vĩnh cửu, có Thiên Chúa là Cha luôn quan phòng gìn giữ chở che cuộc đời chúng con.

Xin giúp chúng con luôn siêng năng học hỏi lời Chúa qua các giờ giáo lý, qua các thánh lễ để nhờ đó chúng con dám sống điều mình tin và có đủ khả năng giúp người khác cùng tin nhận nơi Chúa. Xin Chúa cũng củng cố niềm tin nơi chúng con bằng những ơn lành hồn xác, bằng tình thương quan phòng của Chúa dành cho chúng con. Amen

******

Tiếp tục đọc

ĐỌC SÁCH THÁNH LÀ GÌ?

 Theo một truyền thống cổ xưa mà ngày nay đang lấy lại một sức sống mới. Giáo Hội kêu gọi các tín hữu thường xuyên tự đọc Kinh Thánh.

Theo cùng chủ đích này, tập sách nhỏ bạn cầm trên tay đây mời bạn “Đọc Sách Thánh”, có nghĩa là làm quen với việc yêu mến đọc Kinh Thánh trong bầu khí cầu nguyện. Tập sách đề nghị những hướng ý để đọc Kinh Thánh với niềm tin.

 Kinh Thánh rất quan trọng cho Giáo Hội

“Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu. Cùng với Thánh Truyền, Thánh Kinh đã và đang được Giáo Hội xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh ứng và đã được ghi chép một lần cho muôn đời” (Dei Verbum 21)

Bản văn được trích dẫn trên đây của Công Đồng Vaticanô II đã đủ để cho thấy tầm quan trọng của Kinh Thánh đối với các cộng đoàn kitô. Người ta không thể sống nếu không ăn. Các kitô hữu không thể giữ đức tin của mình sống động nếu không được nuôi dưỡng nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể Chúa Kitô. Đọc Kinh Thánh là việc sống còn của Giáo hội và của các tín hữu là những người lập thành Giáo Hội.

Một nơi đặc biệt để đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội là phụng vụ và đặc biệt phụng vụ Chúa Nhật.

Tuy nhiên còn có những nơi khác, những thời gian khác không nên bỏ qua, ví dụ như đọc trong các nhóm Kinh Thánh, trong các gia đình hoặc trong những cuộc hội họp của các kitô hữu.

Cuối cùng cũng còn việc đọc cá nhân hoặc mỗi người cố gắng theo nhịp độ riêng tư dành thời gian lắng nghe Lời Chúa bằng cách đọc Kinh Thánh với tinh thần cầu nguyện. Việc đọc này có thể thực hiện theo các bản văn phụng vụ và đặc biệt suy niệm mỗi ngày các bản văn Kinh Thánh trong phụng vụ Thánh Lễ.

Tiếp tục đọc

Sư Phạm Của Thiên Chúa, Nền Tảng Giáo Dục Kitô Giáo

Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ bằng cách kêu gọi một dân riêng. Ý định cứu độ của Thiên Chúa dần dần được tỏ lộ trên dân Người qua việc giáo dục dân. Dân Chúa sẽ trưởng thành từ từ và vươn đến sự toàn thiện. Đó là tiến trình của nhiệm cục cứu rỗi mà thánh Phaolô đã so sánh với việc giáo dục một đứa trẻ trở nên trưởng thành. Lịch sử Cựu Ước cho thấy Israel đã sống dưới sự bảo trợ của luật mãi cho đến “thời viên mãn”. Vào thời Tân Ước, khoa sư phạm của Thiên Chúa đã chuyển sang một giai đoạn mới khi Người vẫn tiếp tục dạy dỗ không chỉ Israel mà bất cứ ai nhờ Con Một của Người mà trở nên nghĩa tử. Công trình giáo dục của Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục mãi cho đến tận thế nhờ Đấng Thánh Hoá Hội thánh, Đấng sẽ hoàn tất công trình giáo dục này.[1]

Quả thế, nhờ đức tin, người Kitô hữu có thể hiểu bao quát đường lối sư phạm của Thiên Chúa và đặc tính của từng giai đoạn giáo dục này. Đó là công trình giáo dục của Ba Ngôi Thiên Chúa được thực hiện trong dòng thời gian. Cũng chính từ đó, công trình giáo dục này hay khoa sư phạm của Thiên Chúa trở thành nền tảng cho nền giáo dục Kitô giáo và là đường lối hướng dẫn đời sống đức tin của người tín hữu.

I. Khoa sư phạm của Thiên Chúa là gì ?

Hiến chế Dei Verbum của Công đồng Vaticanô II cho thấy Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho loài người biết ý định của Người.[2] Để thực hiện điều này, Thiên Chúa đã dùng một đường lối riêng biệt, một thứ sư phạm của riêng Người mà nói với nhân loại. Người dùng những biến cố và lời nói của con người để thông truyền ý định của mình.[3]

Có thể hình dung khoa sư phạm này qua cách thức và đặc tính riêng biệt của nó.

1.1 Cách thức

Thiên Chúa dùng những biến cố của lịch sử cứu độ và những điều được giải thích qua lời nói mà bày tỏ chính mình. Từ đầu, Người đã tỏ mình cho tổ tông chúng ta. Sau khi tổ tông sa ngã, người không bỏ mặc nhân loại nhưng ban lời hứa cứu độ (x. St 3, 15). Người đã kêu gọi Abraham để qua ông lập nên một dân riêng cho Người (x. St 12, 2-3). Người đã dùng Môsê và các ngôn sứ để dạy dỗ dân, cho họ nhận biết Người là Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và chân thật, là Cha quan phòng, là thẩm phán chí công. Người đã sắp đặt tất cả để chuẩn bị cho Tin mừng được rao giảng qua Đấng Cứu Thế là Con Một Chí Ái của Người (x. Dt 1, 1-2).[4]

Thật thế, Đức Giêsu Kitô là Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, là Ngôi Lời nhập thể để tiếp lời Thiên Chúa mà dạy bảo con người (x. Ga 3, 34). Người là Đấng mà ai thấy là thấy Chúa Cha (x. Ga 5, 36; 17, 4) đã hoàn tất ý định tỏ mình của Thiên Chúa bằng tất cả sự hiện diện và tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và sự phục sinh.

Sau cùng, khi Ngôi Hai đã hoàn tất sứ mạng ở trần gian, Người đã phái Thần Chân Lý đến củng cố và xác nhận Người hằng ở với nhân loại để giải thoát con người khỏi tội và sự chết, để ngày sau hết họ cũng được tham dự vào sự sống vĩnh cửu với Người.[5]

Tiếp tục đọc